Tập thơ Nhật kí trong tù được Chủ tịch Hồ Chí Minh ghi rõ thời điểm sáng tác 29 tháng 8 năm 1942, tính đến nay vừa tròn 70 năm.

Nhật kí trong tù có nhiều bài thơ thể hiện tiếng cười trào phúng đặc sắc, những đòn bút của Người với thể chế chính trị của Tưởng Giới Thạch vào những năm 1940. Đó là những đòn đánh tham quan giữa ngục tù của người chiến sĩ cộng sản vĩ đại. Có lẽ tiêu biểu hơn cả là Lai Tân, được xem là một trong những bài thơ hay nhất của Nhật kí trong tù (bài thơ được đánh số 96 trong tập thơ gồm 133 bài).
Bài thơ này đã trải qua một quá trình tìm hiểu dịch nghĩa, dịch thơ khá công phu:

Lai Tân

Giam phòng ban trưởng thiên thiên đổ,

Cảnh trưởng tham thôn giải phạm tiền;

Huyện trưởng thiêu đăng biện công sự,

Lai Tân y cựu thái bình thiên.

Nam Trân trong cuốn Suy nghĩ mới về Nhật kí trong tù (Nxb Giáo dục, năm 1993, trang 497) đã dịch bài thơ này như sau:

Dịch nghĩa:

Ban trưởng nhà giam ngày ngày đánh bạc,

Cảnh trưởng tham lam ăn tiền phạm nhân bị giải;

Huyện trưởng chong đèn làm việc công,

Lai Tân vẫn thái bình như xưa.

Dịch thơ:

Ban trưởng nhà lao chuyên đánh bạc,

Giải người, cảnh trưởng kiếm ăn quanh;

Chong đèn, huyện trưởng làm công việc,

Trời đất Lai Tân vẫn thái bình.

Bản dịch của Trần Đắc Thọ trong cuốn Nhật kí trong tù (Nxb Khoa học xã hội, năm 1991, trang 127):

Dịch nghĩa:

Ban trưởng nhà lao ngày ngày đánh bạc,

Cảnh trưởng tham ô ăn tiền phạm nhân bị áp giải.

Huyện trưởng chong đèn làm việc công,

Lai Tân vẫn cảnh thái bình như xưa.

Dịch thơ:

Phòng giam, ban trưởng chuyên cờ bạc,

Cảnh trưởng nã tiền giải phạm nhân.

Huyện trưởng chong đèn, luôn bận việc,

Thái bình như cũ, đất Lai Tân.

Trên đường tìm hiểu, khảo cứu, để có một bản dịch tốt nhất tập thơ Nhật kí trong tù, có một tư liệu đáng chú ý. Trong công văn của Viện Văn học ngày 4 tháng 2 năm 1960, Viện trưởng Đặng Thai Mai xin ý kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh về sáu trường hợp muốn hỏi thêm, trong đó có câu thơ thứ ba của bài Lai Tân (Huyện trưởng thiêu đăng biện công sự), mà tùy viên văn hóa Trung Quốc cho rằng câu này có nghĩa là đốt đèn hút thuốc phiện(1). Bác đã dùng bút chì xanh đỏ gạch 3 chữ hút thuốc phiện và thay bằng hai chữ làm việc (Xin xem báo Văn nghệ số 46, ngày 18 tháng 11 năm 2006).

Nhà nghiên cứu Đặng Thai Mai có nhận xét về bài thơ này: “Bộ mặt ba nhân vật “cương” lên trên ba câu trên của bài thơ sao mà sinh động thế? Lão giám ngục đánh bạc ngày này qua ngày khác; viên cảnh sát trưởng lóc lém móc túi tiền của tù, và quan huyện thì chong đèn hút thuốc phiện! Cả ba đang hoạt động ráo riết như trong một màn hài kịch câm. Và cả ba đã đóng vai của họ nghiêm túc đến mức vô ý thức, dưới gầm trời “thái bình” của Lai Tân, cảnh tượng thu hẹp của giang sơn nhà họ Tưởng”(2).

Hoàng Trung Thông thì cho rằng: “Một chữ “thái bình” mà xâu táo lại bao nhiêu việc làm trên vốn là chuyện muôn thuở của xã hội Trung Quốc còn giai cấp bóc lột thống trị. Chỉ một chữ ấy mà xé toang tất cả sự “thái bình” dối trá, nhưng thật sự là “đại loạn” bên trong. Không biết đã có nhà thơ Trung Quốc nào xưa nay chỉ bằng bốn câu thơ ngắn đã vẽ nên bản chất của cả một chế độ xã hội mục nát đến tận xương tủy như vậy hay không? Hay chỉ có Bác, người cách mạng Việt Nam vĩ đại, nhà yêu nước Việt Nam thiết tha đang nóng lòng cứu nước mà bị giam cầm mới vẽ nổi sự “thái bình” giả dối ở xã hội Trung Quốc Tưởng Giới Thạch trong lúc cả nước đang có chiến tranh, trong lúc “tráng sĩ đua nhau ra mặt trận”(3).

Đó là những lời bình đặc sắc mang tính khái quát cao. Nhưng có lẽ cũng cần đi sâu để thấy rõ hơn đặc sắc của tiếng cười trào phúng ở một trong những bài thơ hay nhất của Nhật kí trong tù. Trong bài thơ tứ tuyệt này câu 1, 2, 3 như là sự kể việc một cách khách quan, để rồi người đọc ngẫm ra bao chuyện kì quái ngược đời. Trước hết là chuyện ngược đời từ việc ban trưởng nhà lao, một chức quan tương đương với giám ngục, ngày nào cũng đánh bạc. Quan chức đã trắng trợn vi phạm pháp luật hay pháp luật dưới chế độ Tưởng Giới Thạch chỉ là trò đùa, chỉ là giả dối? Tác giả Nhật kí trong tù còn có những câu thơ nói đến chuyện này:

Đánh bạc ở ngoài quan bắt tội,

Trong tù đánh bạc được công khai;

Bị tù, con bạc ăn năn mãi:

Sao trước không vô quách chốn này!?

(Đánh bạc, Nam Trân dịch)

Ở câu thơ thứ hai ta thấy viên cảnh sát trưởng trấn lột ăn chặn của tù nhân theo cái lối gà què ăn quẩn, chó cắn áo rách. Kẻ thực thi luật pháp lại là kẻ phạm pháp chính tông!

Câu thơ thứ ba, có thể hiểu như Đặng Thai Mai: huyện trưởng đốt đèn hút thuốc phiện, làm bạn với nàng tiên nâu – đó chính là làm việc, là thực thi chức trách của huyện trưởng!

Chỉ là câu kể việc có vẻ khách quan, nhưng người đọc lại thấy một thực trạng là căn nhà Lai Tân dột từ nóc. Phải có kẻ đánh bạc (ban trưởng), phải có kẻ bắt người ăn tiền (cảnh trưởng) thì huyện trưởng mới có những thứ cống nạp để làm công việc, khiến guồng máy chính quyền Lai Tân vận hành trơn tru như thế. Lời thơ mỉa mai kín đáo, ý nhị, sâu sắc. Đáng chú ý là chức vụ của ba nhân vật trong bài thơ đều là cấp trưởng (ban trưởng, cảnh trưởng, huyện trưởng) – Bác đã chỉ đích danh những kẻ chịu trách nhiệm, những kẻ đứng đầu. Ba câu thơ chấm phá, kể việc, với những việc làm khác nhau nhưng lại giống nhau ở sự thối nát đồi bại, diễn ra khi quốc gia hữu sự – cuộc chiến tranh Trung – Nhật, lúc bấy giờ.

Các nhà nghiên cứu về thể thơ tứ tuyệt cho rằng ở một bài tứ tuyệt quan trọng hơn cả là câu thơ thứ tư. Bởi vậy tìm hiểu những đặc sắc trong tiếng cười trào phúng đả kích ở bài Lai Tân, không thể không dành sự chú ý cho câu thơ Lai Tân y cựu thái bình thiên. Câu thơ này được Hoàng Trung Thông xem là cảnh cú: “Với câu đó, mà nghệ thuật thơ Đường người ta gọi là “cảnh cú” – một câu thơ nó kêu lên, nó rung chuyển những câu thơ khác, bài thơ vốn phẳng lặng bỗng ngân vang, bỗng giục giã, bỗng gây ra những xúc động đặc biệt”.

Câu thơ thứ tư này được Nam Trân dịch: Trời đất Lai Tân vẫn thái bình. Câu trong nguyên tác là: Lai Tân y cựu thái bình thiên. Có lẽ cần phải thấy rõ hơn đặc sắc trong thủ pháp chơi chữ để bật lên tiếng cười đả kích, với hai chữ tân – cựu. Chữ tân (trong Lai Tân) khiến người ta nghĩ tới chữ mới mặc dù nghĩa của nó trong bài thơ này không phải như vậy. Ở đất Lai Tân này mọi chuyện vẫn như cũ có gì mới đâu? Chẳng phải là loạn kỉ cương phép nước, chẳng phải chuyện bất thường, đảo lộn! Nơi đây tất cả vẫn diễn ra như cũ – y cựu. Chuyện đánh bạc ăn tiền, bắt người… tất cả đã thành nền nếp. Guồng máy ở Lai Tân vận hành thật trơn tru, người nào việc nấy! Bài thơ thoáng nét cười mỉa mai mà câu chữ như những làn roi quất. Đâu đây phảng phất những lời thơ chua chát của Nguyễn Khuyến: Có tiền việc ấy mà xong nhỉ/ Đời trước làm quan cũng thế a? Với một cách cảm nhận như vậy, bản dịch của Trần Đắc Thọ sát hơn với ý thơ trong nguyên tác: Thái bình như cũ đất Lai Tân. Bản dịch nghĩa của Nam Trân sát ý nhưng bản dịch thơ đã không thể hiện được chữ cựu (cũ) trong nguyên tác.

Có thể nói thêm rằng, thủ pháp chơi chữ phản nghĩa trào phúng này hơn một lần được thể hiện trong văn chương Hồ Chí Minh. Chẳng hạn bài thơ Tại Túc Vinh nhai đã sử dụng lối chơi chữ phản nghĩa vinh – nhục(4).

Túc Vinh khước sử dư mông nhục,

Cố ý trì diên ngã khứ trình

Túc Vinh mà để ta mang nhục,

Cố ý dằng dai chậm bước mình

(Bị bắt giữ ở phố Túc Vinh, Huệ Chi dịch)

Bài Lai Tân chỉ có bốn câu, nói về những sự việc cụ thể ở một huyện lị (Lai Tân: một địa điểm trên đường từ Nam Ninh đi Quế Lâm) nhưng từ ngôn từ, giọng điệu làm nên một bức biếm họa với những chuyện ngược đời, bài thơ đã phơi bày thực chất của cả một bộ máy cai trị. Sức khái quát lớn lao, sâu sắc của Lai Tân là ở chỗ đó. Lai Tân cùng một số bài thơ khác trong Nhật kí trong tù còn là một sự cách tân về thể loại. Hồ Chí Minh đã đem đến cho lịch sử thi ca thể loại thơ tứ tuyệt tự sự chưa từng có trong thơ Đường – theo ý kiến của nhiều học giả như Phương Lựu, Phan Ngọc

TRẦN DUY THANH
————
(1) Khi viết bài Yếu tố tinh thần trong Ngục trung nhật kí, Đặng Thai Mai còn có chú thích: “Một anh bạn giảng dạy văn học Trung Quốc gần đây có kể cho tôi nghe một câu giải thích khá lí thú về câu thứ ba của bài thơ này. Anh có quen một cụ già Hoa kiều người Quảng Tây. Cụ ấy nói rằng: Các quan huyện bên đó, hồi ấy, khi làm việc quan có bao giờ phải đốt đèn (thiêu đăng) đâu. Ngài “đốt đèn” hút thuốc phiện đấy thôi! Đó là sự thật trong các huyện đường Quảng Tây dưới thời Tưởng” (Nghiên cứu học tập thơ văn Hồ Chí Minh – Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1979, trang 192).
(2), (3) Nghiên cứu học tập thơ văn Hồ Chí Minh. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1979, trang 192, 211.
(4) Lối chơi chữ phản nghĩa – nghịch nghĩa này còn có thể thấy ở nhiều bài báo khác của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Mỹ mà xấu, (Đại) bại tướng Vét-Mỡ-Lợn đã cút về nước mẹ Hoa Kỳ, Tay lo rồi chân cũng lo…

Nguồn: Vannghequandoi.vn