Nhà thơ Phan Huyền Thư và các nhân vật của mình trong buổi ra mắt bộ phim Cuộc đời sau trang sách

Có bầu 4 tháng vẫn lặn lội trên những nẻo đường, thậm chí đến tận… chân đỉnh Fansifan để làm phim. Ngủ trên sông nước mà chỉ lo trăn sổng chuồng bò ra cuốn người. Học cách cư xử với những thị phi, hay những quan điểm trái chiều của đồng nghiệp. Không ngại tai tiếng để đưa phim đến gần khán giả. Tất cả đã vẻ nên một chân dung cá tính của nữ đạo diễn Phan Huyền Thư. Cuộc trò chuyện diễn ra khi bộ phim tài liệu ”Cuộc đời sau trang sách” về những người khuyết tật của chị vừa ra mắt. Nói về sự quan tâm của xã hội đối với người khuyết tật, Phan Huyền Thư chia sẻ: ”Chưa nói đến chuyện giúp đỡ, hỗ trợ họ về mọi mặt… Chúng ta chỉ cần tránh gây ra những tổn thương về tinh thần cho họ thôi cũng đã quý lắm rồi…”

Ý tưởng đến chậm rãi và day dứt

– Chị có thể chia sẻ góc nhìn của mình về người khuyết tật?

Phan Huyền Thư (PHT): Tôi thấy khó khi phải trả lời câu hỏi này. Việc đầu tiên là chúng ta phải quên ngay suy nghĩ rằng họ là người khuyết tật. Chẳng hạn như trong phim “Cuộc đời sau trang sách” của tôi mà bạn vừa xem đấy, đối với tôi không có ai là người khuyết tật cả, họ có thể bị bại liệt như thầy Ký và em Hồng, có thể là nạn nhân di chứng dioxin như em Lâm và Trà My, Minh Trí… nhưng họ trước hết là những người thầy, người bạn của tôi. Tôi gắn kết cuộc đời của mình với họ không phải vì thấy họ thiệt thòi về thể chất mà đem lòng thương cảm hay loay hoay với một ”lòng nhân ái mơ hồ” nào đó…Nhiều khi, chúng ta thường nghĩ về những người kém may mắn sống xung quanh chúng ta bằng một tình thương rất “thắng lợi tinh thần”. Đối với những người bạn không may mắn của mình, tôi chơi với họ bằng sự ngưỡng mộ, tôn trọng và bình đẳng thực sự… Thực ra, tôi còn có rất nhiều bạn khác nữa, không xuất hiện trên phim như Hiệp sĩ Công nghệ thông tin Nguyễn Công Hùng, vận động viên xe lăn tay Nhữ Thị Khoa, một số bạn ở câu lạc bộ đồng đẳng về giới tính ở Cần Thơ…vv

– Khi nào thì chị đi đến quyết định làm một bộ phim về họ?

PHT: Hồi nhỏ, tôi đã được đọc một cuốn sách rất đặc biệt có tên là: “Tôi đi học”, một cuốn tự truyện của thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký. Trong chương trình giáo dục của sách giáo khoa cũ (trước khi cải cách đi, cải cách lại như bây giờ) cũng có những câu chuyện mang tính giáo dục rất cao, ăn sâu vào tiềm thức của biết bao thế hệ con người Việt Nam như chuyện “Anh Ký đi học”, chuyện tình bạn “Hồng và Tứ” kể về cô bạn Hồng suốt bao năm cõng bạn là Hoa Xuân Tứ đi học, rồi chuyện Nguyễn Bá Ngọc ở Thanh Hoá, băng qua bom đạn để xả thân cứu các em nhỏ… Cũng có thể tôi may mắn vì vẫn được giáo dục theo kiểu “không cải cách” nên ngoài kiến thức cơ bản ra, cái tình người, cái đạo lý và cái nhân cách … vẫn là những thứ được gieo mầm trong suy nghĩ và hành động của tôi từ nhỏ tới giờ…

Năm 2004, tôi gặp Nhữ Thị Khoa, một vận động viên xe lăn tay, trong đội tuyển paragames và cũng gặp được Nguyễn Sơn Lâm khi em đang còn là sinh viên năm thứ 3 Đại học Phương Đông khoa Tiếng Nhật… Tôi đã thực hiện những bài tập quay phim và đạo diễn của mình trong khoá học của Artelier Varan với hai nhân vật này. Tôi chơi với Lâm từ đấy, như hai người bạn, yêu quý và tôn trọng nhau. Đến năm 2009, trên một chuyến bay vào Tp HCM đi công tác, tôi đã đọc về Trần Trà My trên báo VietnamNews, tôi lập tức muốn đi tìm em ở Tp HCM… trước khi thực hiện các công việc mình đã định trước trong chuyến đi… Tôi kết bạn với My từ đó. Điều khiến tôi phải suy nghĩ rất nhiều chính là lời đề tặng của My trên cuốn sách “Ước mơ của đôi chân Thiên thần”, My viết: Cảm ơn cuộc đời đã cho em được gặp chị… Tôi cảm thấy xấu hổ vô cùng nếu như không làm một việc gì đó để chia sẻ với My, với Lâm và những người không may mắn khác mà tôi đã từng gặp, đã từng coi như bạn bè và người thân… Bộ phim được hình thành trong đầu một cách chậm rãi nhưng đầy day dứt… Mãi đến cuối năm 2011, tôi mới có cơ hội để thực hiện ý tưởng “Cuộc đời sau trang sách” thành phim.

– Các nhân vật trong ”Cuộc đời sau trang sách” đều đã và đang là người của công chúng, có người nói Phan Huyền Thư khôn ngoan, bởi làm phim về họ vừa có nhiều chuyện để nói, vừa thu hút sự quan tâm của truyền thông? Chị nói gì về điều này?

PHT: Câu hỏi này làm tôi nhớ chuyện cách đây 2 năm, khi Lâm đến hỏi ý kiến tôi chuyện thi VietnamIdol 2010. Tôi đã nói với Lâm : “Chị thấy lo cho em, chị sợ em sẽ phải chịu nhiều tổn thương đấy…” Lúc đó, Lâm chưa thể hiểu hết những gì đang đợi chờ cậu đằng sau cuộc thi… Thế rồi mọi chuyện ồn ào lại xảy ra. Đến ngay cả khi tôi viết kịch bản “Cuộc đời sau trang sách” trong Hội đồng nghệ thuật của Hãng cũng có người muốn tôi bỏ Sơn Lâm ra khỏi kịch bản vì với họ, cậu ấy ồn ào quá, nổi tiếng quá, đã có nhiều chương trình truyền hình làm phóng sự về Lâm rồi… Họ thấy Lâm xuất hiện nhiều trên truyền thông và họ không thích! Vậy chỉ vì ai đó không thích Sơn Lâm có nghĩa là tôi sẽ không được thực hiện bộ phim của mình hay sao?

Rồi đến cả khi phim đã hoàn thành. Xem phim tổng kết nghệ thuật, các đồng nghiệp trong Hãng lại có người nói rằng họ thấy “phản cảm” khi tôi đưa toàn những người không lành lặn lên phim, khiến họ thấy mệt mỏi và cho rằng tôi đang cố tình làm khổ các nhân vật của mình khi bắt họ phải đóng phim… Điều đó cho thấy, có rất nhiều cảm nhận khác nhau khi đứng trước một vấn đề… Thái độ của tôi cho đến giờ vẫn là để các nhân vật tự giải quyết các vấn đề của họ, kể câu chuyện của họ và chứng minh bản thân họ… nếu họ thấy cần phải ứng xử như vậy. Tôi đã hoàn thành phim có nghĩa là tôi đã làm xong bổn phận và trách nhiệm của mình rồi…

Dị ứng với kiểu ”radio phim”

– Đâu là khó khăn lớn nhất với chị và ê kíp làm phim khi thực hiện ”Cuộc đời sau trang sách”?

PHT: Làm phim về bạn của mình là dễ nhất rồi còn gì… Sơn Lâm và các bạn trong đoàn làm phim của Tôi đều thuộc thế hệ 8x, họ cũng thấm nhuần tinh thần của tôi nên ngay cả quay phim Vương Khánh Trần Linh hay thu Thanh Nguyễn Vinh Khoa, kỹ thuật hình Lê Quang Nga… đều xưng hô với Lâm là “ông- tôi” rất ngộ… Cái khó của họ là phải hạ độ cao cho các góc máy sao cho tương đồng với chiều cao của các nhân vật, khiến cho mỗi nhân vật xuất hiện trên màn hình thật bình đẳng với chúng ta. Một cái nhìn nhân văn và chia sẻ thì không thể lười nhác mà úp máy từ trên cao xuống một cách trịnh thượng được!

Nhiều người cũng hỏi tôi về việc Sơn Lâm quyết định leo Fansifan trong phim… thậm chí, có người còn tỏ ý quan ngại rằng hình như tôi cố ép Lâm phải làm việc đó để gây “ép phê” cho phim… Thực ra, Sơn Lâm và tôi đã có kế hoạch luyện tập thể lực để leo Fansifan từ hơn 2 năm trước. Nhưng đến khi thực hiện hành trình trong phim thì tôi lại không thể leo cùng em được, lúc đó tôi đang mang bầu em bé hơn 4 tháng… nên đành chịu ở dưới mà ngước lên thôi… Đến khi chuẩn bị vào tìm bạn Minh Trí trong An Giang, tôi ngã ngay trên ống boarding vào cửa máy bay và bị sai khớp cổ chân… thế là ở nhà của Trí, không có điện, mênh mang sông nước, tôi chỉ ngồi một chỗ hò hét… Đêm thì cả đoàn ngủ luôn trên sàn nhà em Trí nhưng tôi thì gần như không chợp mắt được vì lúc nào cũng có cảm giác hai con trăn được nuôi ở trong buồng sẽ trườn ra cuốn lấy mình bất cứ lúc nào…

– Quá trình thực hiện bộ phim chị đã làm như thế nào để “Cuộc đời sau trang sách” không giống những bộ phim chị đã làm và không giống những bộ phim về người khuyết tật của những đạo diễn khác?

PHT: Tôi đã từng xem phim về những người khiếm thị, khiếm thính của nước ngoài làm chứ phim Tài liệu Việt Nam làm về những người kém may mắn đa phần là dạng phóng sự và mang màu sắc thương cảm, ve vuốt… Hiếm khi tôi thấy được nhân vật tự bộc lộ và chia sẻ cái “bên trong” của mình trước ống kính. Hơn nữa, tôi vốn dị ứng với kiểu “radio phim”… nên quyết định sẽ chọn hình thức nào đó để cho các nhân vật của mình được tự bộc lộ bản thân họ và tự kể câu chuyện mà họ thực sự muốn chia sẻ với mọi người. Mong muốn của tôi là triệt tiêu tối đa cái chủ quan áp đặt của đạo diễn vì một người hoàn toàn lành lặn sẽ khó mà thể hiện được hết những vấn đề của người không may mắn về thể chất như họ… Có thể coi các nhân vật của tôi như những đồng tác giả của phim…

Tuy nhiên, vì hầu hết các nhân vật trong phim đều gặp vấn đề trong phát ngôn, phát âm thông thường và vấn đề di chuyển cũng vô cùng khó khăn… nên tôi đã quyết định để Sơn Lâm trở thành nhân vật dẫn chuyện xuyên suốt bộ phim, như vậy khán giả sẽ dễ theo dõi và cảm nhận hơn.

– Nhân nói về kiểu phim mà chị gọi là “radio phim”, xin hỏi chị có nhận xét gì về dòng phim tài liệu của Việt Nam hiện nay?

PHT: Nhiều đạo diễn nước ngoài đều nhận xét phim Tài liệu Việt Nam luôn có một “ông Thánh” hiểu biết tất cả mọi chuyện và rao giảng trong phim khiến cho nhân vật không thể đến gần với khán giả của họ. Tôi nghĩ đây là một nhận xét rất đáng lưu ý, không chỉ cho riêng cácc đạo diễn như tôi mà cho cả những người đang ngồi ở vị trí thẩm định tác phẩm của người khác…

– Có ý kiến cho rằng, hiện thực xã hội Việt Nam sau đổi mới là mảnh đất tốt cho những nhà làm phim tài liệu. Chị nghĩ gì về ý kiến này?

PHT: Phim Tài liệu là người bạn đồng hành với cuộc sống, bất kể thể chế nào, thời đại nào, lịch sử và xã hội như thế nào…phim Tài liệu cũng luôn là một tấm gương của thời đại mà cả người xem cũng như người làm phim đều có thể thấy mình trong đó. Một quốc gia không có phim Tài liệu cũng giống như một gia đình không có Album ảnh lưu niệm… Nhưng vấn đề là chúng ta có Album ảnh mà không được mở ra xem… thì có cũng như không mà thôi…

Để đến gần khán giả không ngại mang tiếng ”háo danh”

”Cuộc đời sau trang sách” làm xong đã lâu, đã công chiếu, nhưng mới đây chị đã làm nó “sống lại” bằng lễ ra mắt chính thức cùng với việc giao lưu với các nhân vật. Chị làm điều đó với ý nghĩa gì?

PHT: Tôi có suy nghĩ rất riêng như thế này, mong được chia sẻ. Nhà nước đang đầu tư cho các nghệ sỹ chúng tôi một khoản tiền không nhỏ để làm phim hàng năm. Tuy không thể so với các nền điện ảnh lớn của các nước phát triển nhưng so với các bạn làm phim Tài liệu của các kênh truyền hình thì cũng là số tiền mơ ước… Vậy tôi đang là người ăn lương nhà nước trả, dùng đồng tiền nhà nước bao cấp để làm nghệ thuật, tác phẩm của tôi có mang lại được điều gì có ích cho xã hội, cho cuộc sống, cho chính nghề nghiệp của mình không? Tiền nhà nước chính là tiền thuế của dân, làm phim xong cất vào kho mà không đưa ra rạp chiếu, không phổ biến rộng rãi dưới mọi hình thức thì có phải là lãng phí và vô trách nhiệm không?

Chính vì thế, tôi không ngại mang tiếng “háo danh” hay tìm mọi cách đánh bóng tên tuổi của mình sau khi làm phim, tôi đang cố gắng tìm mọi cách để đến gần hơn với khán giả của mình. Không hiểu sao, trong tôi có một niềm tin rất vững vàng rằng những gì mình làm là tích cực, cần phải nỗ lực ngay cả sau khi bộ phim đã hoàn thành chứ không nên coi việc làm phim chỉ như “trả nợ” kiểu ” vì ăn lương nhà nước mà tôi phải làm phim cho đủ chỉ tiêu, hoàn thành kế hoạch”. Tôi rất sợ kiểu sống đối phó, vỏ bọc và nửa vời… Nếu đã chọn cách sống như vậy thì không nên làm nghệ thuật làm gì.

– Từ trước đến nay ở Việt Nam, phim tài liệu dù hay đến mấy, dù được giải cao thì vẫn là tình trạng phát sóng một lần rồi cất kho. Có vẻ như chị muốn thay đổi cách ứng xử của công chúng và xã hội đối với phim tài liệu?

PHT: Có một thực tế đang tồn tại một cách hết sức “mâu thuẫn” bên trong mỗi con người sáng tác của điện ảnh Tài liệu hiện nay. Nhiều người kêu ca và tỏ ra chán nản vì phim làm xong không có người xem, chẳng chiếu ở đâu cả (trừ phi bộ phim của họ có liên quan đến đợt tuyên truyền hay kỷ niệm nào đó…). Hãng phim và tác giả không có quyền phổ biến phim, mặc dù trong quyết định phổ biến phim của Cục Điện ảnh bao giờ cũng có nêu : “Bộ phim đủ tiêu chuẩn để phổ biến rộng rãi trong nước và quốc tế…?” Tôi mong được chấp nhận mọi hình thức liên kết, hỗ trợ của nhiều đối tượng khác nhau trong xã hội và các ngành nghề để phim Tài liệu có thể đến được với người xem. Cụ thể nhất là việc các tác giả và chính Hãng phim, đơn bị chủ quản của những người làm ra tác phẩm sẽ được phép sở hữu bản quyền sử dụng và phổ biến tác phẩm có doanh thu và nộp lại cho nhà nước…coi như nghĩa vụ phải hoàn vốn cho nhà đầu tư, đơn giản là như vậy …!

– Điều lớn nhất chị muốn gửi gắm qua “Cuộc đời sau trang sách” là gì?

PHT: Tôi chỉ mong mọi người hãy đặt lại lập trình tư duy về một “Cộng đồng những người kém may mắn” và không được lành lặn, hoàn chỉnh về hình hài trong cuộc đời này… Hãy nhìn họ bằng ánh mắt bình đẳng như thể trên thế gian này không hề tồn tại những người khuyết tật. Chưa nói đến chuyện giúp đỡ, hỗ trợ họ về mọi mặt… Chúng ta chỉ cần tránh gây ra những tổn thương về tinh thần cho họ thôi cũng đã quý lắm rồi…!!!

– Cám ơn chị đã chia sẻ và chúc chị sớm có phim mới ra mắt khán giả!


Nguồn: Vannghetre