Công cuộc đổi mới sáng tác văn chương và nghiên cứu lí luận phê bình văn chương ở ta khoảng 30 năm qua đã có một bước tiến về nhiều mặt, đã đạt được những thành tựu khả quan.

ảnh: nguồn Internet

Những năm qua cùng viết cùng nghĩ, lại cùng rung động với nhau, chúng ta cũng đã có dịp đưa ra các lời giới thiệu, các nhận xét và bình luận về những sáng tác và giải thưởng, về những cái mới lạ và không thật mới lạ mà vẫn hay trong phong cách viết… và về cả một số sự việc – vấn đề liên quan. Mô tả và nhận diện về 30 năm đổi mới văn chương – văn học; Phân tích và bình giá về 30 năm đổi mới này; Tìm hiểu nguyên do và bày tỏ niềm hi vọng về sự phát triển tiếp theo của văn chương – văn học dân tộc sau 30 năm đổi mới này v.v… sẽ là những nhóm việc mà chúng ta cần làm.

Trên đại thể, tôi có một số ý xin được trình bày vắn tắt như sau:

1/ Kêu gọi và nhắc nhau cùng cố gắng tham gia vào công cuộc đổi mới văn chương – văn học thì rất đông, hầu như những ai cầm bút, thì cũng tự nhắc mình thế cả.

Nhưng thành quả – đáng gọi là thành quả có tính chất đại diện cho 30 năm văn xuôi đổi mới này lại được hai nhóm tác giả sau đây xác lập ra nhiều hơn cả.

Nhóm 1 – Gồm những nhà văn nổi danh, đã có thành tựu từ lâu, nay có thêm những sáng tác mới có giá trị tiêu biểu như Ma Văn Kháng, Đỗ Chu, Lê Minh Khuê, Nguyễn Xuân Khánh, Tô Nhuận Vỹ, Lê Văn Thảo, Trần Huy Quang, Xuân Đức, Nguyễn Quang Thân, Thái Bá Lợi, Đào Thắng, Hoàng Minh Tường, Nguyễn Phan Hách…

Điểm đáng quí hơn là rất nhiều người trong nhóm này đã vào độ tuổi hưu trí, “xưa nay hiếm”, sức khoẻ đã hạn chế, đã có lúc người ta tưởng là sức nghĩ của họ vốn liếng của họ cũng sắp cạn… Thế mà thực ra, qua hàng loạt tác phẩm của những tác giả cao niên này, người đọc đã thấy có cả một sự phát triển mãnh liệt và kì lạ, đầy biến đổi. Bởi thế, nếu nói họ là, vẫn là những người có đóng góp hàng đầu và nổi trội cho công cuộc đổi mới của văn xuôi Việt Nam những năm 1985/1986 đến nay kể cũng không có gì là quá.

Nhóm 2 – là các tác giả mới tinh của văn đàn Việt, số này rất đông về số lượng và đã làm nên sự tấp nập, phong phú – như là điểm nhấn, là đặc sắc của văn xuôi đổi mới ở ta: Rất bất ngờ là Phùng Gia Lộc – người đánh trống mở màn. Đầy trẻ trung mới mẻ là Hồ Anh Thái – người giáo đầu được trầm trồ, tiếp ngay sau đó là một người tiên phong khác: Nguyễn Huy Thiệp – vừa kinh dị, quả quyết và vang dội tạo dư ba, sau Nguyễn Huy Thiệp chừng ba bốn năm, là Tạ Duy Anh trẻ mà sớm già dặn. Trong danh sách này rất đáng chú ý là hàng loạt nhà văn nữ như Dạ Ngân, Trần Thuỳ Mai, Võ Thị Xuân Hà, Nguyễn Thị Thu Huệ, Nguyễn Ngọc Tư, Phan Thị Vàng Anh, Phong Điệp, Thuỳ Dương, Trịnh Thị Bích Ngân, Nguyễn Thị Diệp Mai, Nguyễn Thị Phước, Đỗ Bích Thuý… Khi những Bảo Ninh, Dương Hướng, Trung Trung Đỉnh, Nguyễn Trọng Tân, Nguyễn Khoa Đăng, Sương Nguyệt Minh, Khuất Quang Thuỵ, Nguyễn Quang Thiều… rồi Nguyễn Xuân Hưng, Phan Triều Hải, Nguyễn Đình Tú, Nguyễn Bình Phương, Trịnh Thanh Phong, Cao Duy Sơn, Nguyễn Bắc Sơn, Đoàn Hữu Nam… như đồng loạt và nối nhau liền liền trên danh mục tác phẩm tác giả được nhận các giải thưởng hàng năm hay giải thưởng của các cuộc thi sáng tác văn xuôi, thì người quan sát đã có lí do để nói với nhau rằng: Một thế hệ nhà văn dồi dào sức viết với những phong cách khác nhau cùng tay nghề sớm dày dạn đã đến kia rồi! Họ đang đi từng bước chắc chắn trên con đường sáng tác văn chương đầy gian nan và vinh hạnh, với trách nhiệm dần dần làm chủ diễn đàn văn chương – văn học dân tộc.

Cũng là mới tinh, ngay trong hơn 10 năm đầu của thế kỉ XXI này, lại có thêm các nhà truyện ngắn và tiểu thuyết đầy triển vọng như : Lê Thanh Kỳ, Tống Ngọc Hân, Nguyễn Hồng Thái, Đào Bá Đoàn, Thiên Sơn, Vũ Oanh, Nguyễn Thế Quang, Nguyễn Văn Lợi, Nguyễn Đắc Như, Vũ Quốc Khánh…

2/ Nhìn lại 30 năm đổi mới của văn xuôi gần đây, ta có thể nhận ra là nó đã trải qua một số chặng đường với một vài đặc điểm. Chẳng hạn:

Vào mấy năm đầu, văn xuôi ta thường tập trung viết nhiều về phần thực trạng vẫn được coi là “khoảng tối tất nhiên dưới các bóng đèn/ cột đèn” mà từ lâu ta vẫn biết nhưng không tiện kể ra, chưa đến lúc được mổ xẻ, phân tích. Khi mạnh dạn dựng lại phần hiện thực ấy, bằng sự kể lể chân thực mà có chọn lọc hay bằng sự hư cấu mạnh mẽ, quả nhiên, văn xuôi đã đưa đến cho công chúng một cái nhìn đầy đủ hơn, đa diện hơn về cuộc sống những ai ai xung quanh mình và của chính mình nữa.

Đó là những tác phẩm làm giật mình người đọc. Có người dần dần tỉnh táo hơn, cũng có người không thích truyện và kí của ta lại “ra thế”. Mặc lòng.

Rồi sự mô tả, giãi bày hiện thực “như tôi thấy, như tôi nghĩ” của các nhà văn cũng trở nên bình thường. Sau chặng phơi bày, truyện ngắn và tiểu thuyết Việt Nam bước sang chặng phân tích và lí giải, nhất là phân tích và lí giải ngọn nguồn của những thói hư tật xấu của “một bộ phận không nhỏ” trong hàng ngũ chúng ta – những kẻ thoái hoá, biến chất, thậm chí là phản bội lại lý tưởng và nhân dân. Người đọc có lương tri và tấm lòng ưu thời mẫn thế có dịp chia xẻ với nhà văn, họ cũng có thêm điều kiện mà hiểu rõ hơn cái giá của độc lập tự do cơm no áo ấm bình đẳng thân ái mà bao thế hệ người Việt đã và đang phấn đấu cho bằng, cho được.

Gần đây hơn, văn xuôi, nhất là tiểu thuyết, đang bước sang chặng đường thứ ba, là đối thoại với xã hội. Đây là một dấu hiệu có tính đặc trưng của văn chương đổi mới – đương đại ở ta. Với đặc trưng hàm chứa sự trưởng thành này, văn xuôi Việt Nam đã vượt qua sự quan phương và tụng ca một chiều mà đậm đà tính dân tộc, dân chủ hơn trước rất nhiều.

Cuộc đối thoại giữa nhân vật với nhân vật, giữa tác giả với người đọc trong văn xuôi đổi mới không chỉ diễn ra qua từng chuỗi lời nói được dựng lại, mà trong cả quá trình xây dựng, khắc hoạ tính cách nhân vật và ở toàn bộ kết cấu của tác phẩm đôi khi là theo lối mở, có vẻ như “tuỳ ý bạn đọc”, bạn hiểu thế nào cũng được. Nội dung đối thoại cũng không chỉ là việc ăn uống, đi lại, mua bán… mỗi ngày, mà còn ở cả những vấn đề quan thiết hơn như  tổ chức bộ máy, đề bạt và xử lý cán bộ… cao hơn nữa, là cải cách lề lối làm việc với thể chế sao cho thích ứng như nhất thể hoá chức trách lãnh đạo… Thế là nhà văn và tác phẩm lại bàn đến cả chuyện truyền thống văn hoá dân tộc và luận đến cả thời sự chính trị quốc gia à? Đúng thế, tại sao không?

(Nguồn: Báo Văn Nghệ, Hội Nhà văn VN)