Tác giả HENG CHIVOAN.
Hơn nửa thế kỷ lăn lộn làm ông nổi tiếng cả trong lẫn ngoài nước. Còn khá ít những nhân vật của ông còn sống sót. Năm 2003, Miech được nhận phần thưởng thành tựu trọn đời do đích thân Thủ tướng Hun Sen trao tặng. Và tháng 10.2006, ông được trao giải thưởng SEAWrite, một sự tôn vinh dành cho các nhà văn thành công của khu vực Đông Nam á.
Miech Ponn là tác giả của nhiều đầu sách quan trọng về văn hóa Khmer. Hướng đến thế hệ trẻ, các tác phẩm của ông có thể kể đến Cô gái vào tuổi dậy thì, Truyền thống Khmer phần 1, 2, 3, và Cổ tích trẻ nhỏ. Bên cạnh đó, Miech còn có một cuốn sách đang sắp chào đời có tên là Bốn hình thức đám cưới của người Khmer.
“Tôi nghiên cứu và so sánh những thành tựu văn hóa, bởi tôi là giáo viên từ năm 1953. Tôi làm tỉ mỉ, và chỉ mới hoàn thành cách đây mấy năm. Tôi rất tự hào với công việc của mình“, Miech nói.
Sinh viên văn học Đại học Hoàng gia Phnom Penh Chhom Nom nói rằng, những thành tựu của thầy Miech Ponn là rất quan trọng đối với cả các em nhỏ Cămpuchia lẫn người nước ngoài. “Trong xã hội hiện đại, thậm chí cả khi công nghệ đang lấn sân truyền thống, chúng tôi vẫn cần ý thức được bản sắc văn hóa của dân tộc mình“, Chhom nói. “ở Cămpuchia chẳng có ai giống được như Miech Monn“.
Sinh năm 1932, Miech là con một gia đình nông dân thuộc huyện Kirivong, tỉnh Takeo. Nhỏ nhất trong nhà sau 5 chị và 4 anh, ông luôn ý thức được về tầm quan trọng của truyền thống Khmer đã có từ rất sớm. Chính bà mẹ ông là người luôn đứng ra tổ chức các nghi thức đám cưới và các sự kiện quan trọng khác.
Năm 1939, ông là một trong những học sinh Cămpuchia xuất sắc được nhận vào hệ thống trường thuộc địa Pháp. “Tôi được đến trường Wat Pratheat ở Kirivong. Bọn con trai chúng tôi phải trở thành sư, được truyền thụ các học thuyết Phật giáo và làm việc trong các chùa. Bọn con gái thì được học tại nhà. Chúng chỉ được học đủ để biết đọc biết viết. Tôi thích nhất học về thơ ca“.
Miech là một học sinh năng động, nên được chọn vào học tiếp tại một trong hai trường đại học duy nhất của Cămpuchia thời đó. “Năm 1950, cả nước chúng tôi chỉ có hai trường đại học, một về hành chính, kinh tế, thương mại và quản trị, một về sư phạm“.
Cha Miech rất chú ý đến cậu con trai, và luôn muốn cậu xa rời kinh doanh buôn bán. “Ông nói với tôi rằng, tôi sẽ chỉ chuốc lấy tội lỗi nếu theo nghề kinh doanh hay kinh tế thương mại. Ông muốn tôi học để trở thành thầy giáo, và tôi đã đồng ý với cha“.
Người cha, nhà hướng đạo thân yêu này đã mất trước khi Miech tốt nghiệp. Được thưởng về thành tích học tập, Miech được gửi đến làm việc ở chùa Stoung, tỉnh Compong Thom. Năm 1970, ông cưới bà Sam Kim, rồi lần lượt sinh được 5 con.
Năm 1972, Miech thôi dạy học để trở thành chủ tịch một cộng đồng phát triển của tỉnh Compong Thom. Ông bảo ông rất lo cho sự mai một của truyền thống Khmer, do vậy ông dứt khoát chọn con đường hoạt động trong một mạng lưới chặt chẽ, nhằm ghi chép và bảo quản mọi phong tục, truyền thống dân tộc.
“Tôi tốn khá nhiều thời gian cho công việc, gần như quên cả gia đình, bởi tôi thường xuyên phải đi xa hành đạo. Từ 1972 đến 1975, tôi gần như không nhìn thấy mặt vợ con, vì đi lại trong chiến tranh rất khó, đường từ Phnom Penh về Compong Thom lúc nào cũng bị cắt khúc“.
Tháng 4-1975, Khmer Đỏ chiếm được chính quyền và bắt toàn bộ dân chúng Cămpuchia đi về nông thôn. Miech trốn ở lại và dự định đi về phương Bắc tìm gia đình. Nhưng cuối cùng ông bị ép đi theo chiều ngược lại. Khi ông hỏi bọn lính rằng tại sao lại đi về phương Nam, một họng súng lập tức chĩa vào lưng ông cùng giọng gằn: “Không muốn đi thì nằm đây“. Hy vọng thăm nhà không thành, Miech đành lủi thủi mang lén vài cuốn sách quý đi bộ ròng rã 2 tuần về tỉnh Takeo.
Chế độ Khmer Đỏ, đứng đầu là Pol Pot, đã đóng cửa trường học, chợ búa, lột sạch mọi quyền cá nhân của người dân, không cho tồn tại ngành nghề gì khác ngoài sự làm việc hùng hục trên những cánh đồng và ăn uống kham khổ trong những túp lều.
“Hàng ngày tôi phải cuốc đất, đào mương, để đến bữa được nhận một đĩa cơm cháy. Nếu ai đó than thở hay chống lại luật này, họ sẽ bị tra tấn hoặc sát hại lập tức, với lý do phản bội Ăngka hay Tổ chức“.
Miech chôn chặt điều bí mật của mình trong cõi lòng, còn mấy cuốn sách thì đương nhiên phải chôn trong lòng đất. “Nhiều trí thức giống tôi đã chết chỉ vì chưa kịp chôn, chưa kịp lặng im“, ông nhớ lại.
“Chính tôi cũng chết hụt hai lần. Lần đầu, một tên lính bắt tôi gác đồng lúa để đêm đến lén thủ tiêu tôi (sau này tôi mới biết). Thật may là tôi có một thằng cháu làm trong hệ thống an ninh, nó lén báo tin và tôi đã trốn thoát. Lần thứ hai, tôi đói quá, không gượng dậy được, nên nói với một bà chị rằng tôi muốn tự tử. Nhưng tôi đã thoát, vì 2 anh trai và người chị gái đó của tôi đã tự tử trước để nhường suất ăn cho tôi“.
Sau những năm tháng khủng khiếp đó, Miech đã trở lại được Compong Thom để tìm gia đình vợ con. “Từ Kirivong về Kompong Thom, tôi phải đi nhờ xe quân sự của bộ đội Việt Nam, và cũng mất vài tuần, vì bọn Pol Pot luôn phục kích bắn lén“.
“Khi xe dừng ở Phnom Penh, tôi xuống phố, vào một hiệu sách quen. Thật bất ngờ, tôi gặp một người bà con bên vợ tên là Phat. Anh ấy giờ đây gầy giơ xương khiến tôi suýt không nhận ra. Phat nói vợ và các con tôi đã bị lũ Pol Pot giết hết. Tôi đổ sụp xuống như bị bắn“.
“Rồi tôi khóc… Phat cũng khóc“.
Mãi sau này Miech mới lấy thêm vợ khác và có 3 người con.
Chế độ mới được quân đội Việt Nam giúp mọi việc, Miech làm phó hiệu trưởng một trường chính trị từ năm 1980 đến 1985, rồi Hiệu trưởng từ 1986. Ông cũng giảng dạy cả về lịch sử kinh tế, dịch những tài liệu văn học cách mạng của Karl Marx và Hồ Chí Minh từ tiếng Pháp sang tiếng Khmer. Ông làm việc bên cạnh Nicole Vairon, biên soạn từ điển kinh tế Pháp-Khmer năm 1989, cộng tác với Tiến sĩ Long Siem biên soạn từ điển ngữ âm Khmer thời kỳ Angkor.
Sau cuộc bầu cử năm 1993, ông nghỉ hưu từ bộ Kế hoạch, để làm việc như một nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa Khmer tại Trường Đại học Phật giáo Phnom Penh đến tận ngày nay.
Miech đang ấp ủ một tác phẩm về vai trò của lịch sử văn hóa Campuchia, và ông quyết không định viết nó vì tiền.
“Tôi nghĩ còn rất ít người hiểu được tầm quan trọng của công việc tôi làm. Chính vì thế, tôi phải làm nó bằng mọi giá, cho đến khi nào tôi không trở dậy được nữa“, ông bày tỏ với niềm tin sâu sắc.
Heng Chivoan
Song Phú dịch
theo BBC.com.uk
Nguồn: Văn nghệ.