Lớp học năm cuối cùng phổ thông có hơn 40 người. Mới chỉ 21 người có mặt. Cũng ròng rã mất hơn một năm lớp trưởng Hưng mới liên lạc được có ngần ấy. Bản thân thằng Hưng anh cũng mới gặp lại vài năm gần đây. Nó nhập ngũ ngay sau khi tốt nghiệp. Đi một mạch cho đến tận lúc mang quân hàm đại úy mới quay về Hà Nội.

Minh họa:  Đỗ Phấn.

Minh họa: Đỗ Phấn.

Lính thông tin chuyển ngành, nó được nhận về làm giám đốc trung tâm truyền thông của một cơ quan ngang bộ. Kể ra với thế hệ học hành và lớn lên trong chiến tranh thì trình độ IT của nó vẫn là đứng đầu.

Nhờ có nó đăng thông tin lên mạng, mấy đứa di cư vào Nam lập nghiệp mới biết đường mà tìm về. Tóc trắng tóc xanh gặp nhau mừng mừng tủi tủi. Vài đứa đã lên ông lên bà. Vài đứa vẫn lận đận con đường sự nghiệp trên công trường xây dựng xa nhà. Có đứa lái xe ôm. Đứa mở vườn trẻ chui tại nhà. Con Hiền giờ mở hàng nước ở gần nhà triển lãm kiêm thêm việc ghi số đề. Ăn mặc diêm dúa y như mấy mụ phe tem phiếu ngày nào. Nhưng đã là bạn học mày tao tuốt. Thằng lái xe ôm còn chê đại tá công an không xin nổi cho nó một lần vi phạm luật giao thông. Cũng chẳng tài cán quyền hành gì cho lắm đâu. Đại tá không được đeo quân hàm bốn sao bởi đã kịch trần công an quận. Dù rằng trụ sở công an quận bây giờ xây cao sáu tầng. Và sĩ quan cấp tá nhan nhản thì ở quận cũng chỉ có một người duy nhất được đeo bốn sao. Thằng Kiên giải thích như thế. Nhưng được như nó đã là nhất lớp!

Bia đã rót ra đầy bàn. Quán bia có vẻ như vài năm nay phục vụ đám khách họp lớp đã quen. Thực ra cũng chỉ là nơi họp những lớp học phổ thông già Hà Nội quãng 72-73. Lớp trẻ có nhà hàng quán nhậu sang trọng hơn nhiều. Lớp già hiếm người thành đạt. Hoặc có thành đạt thì cũng là con nhà Hà Nội xa xưa có cách sinh hoạt kín đáo chẳng bao giờ dám khoe khoang. Cứ mỗi người đóng góp năm chục nghìn là thoải mái lắm rồi. Bia hơi là thứ đồ uống có cồn đầu tiên trong đời họ được nếm náp. Vào ngày tốt nghiệp phổ thông chia tay nhau trên quán bánh tôm Hồ Tây năm 1973. Buổi chiều hôm ấy cho đến tận bây giờ vẫn còn có đứa nhớ và nhắc lại. Vài  đứa con gái còn bùi ngùi than, giờ thì cả bánh lẫn bia đều hỏng cả rồi. Bánh có hai con tôm gầy thẳng đuỗn, nhằn mãi chẳng thấy khoai lang thái chỉ ở đâu cả. Nước chấm pha như bún chả ngọt lừ đường. Bia lạnh toát nhưng nhạt tuệch!

Nhà hàng giới thiệu ngay những món ăn bọn họp lớp thường xuyên gọi. Mấy túi lạc rang sẵn để mọi người nhấm nháp nhẩn nha chờ. Đậu phụ rán kèm rau kinh giới. Thịt bê quay đỏ hồng trong mấy chiếc đĩa đầy tú hụ. Nồi lẩu cá chép om dưa mang ra sau cùng. Thực đơn không thể sát sao với tình hình thực tế hơn được. Đủ cả món nhắm, món no. Lạc rang ngồi xoe vỏ từng hạt thì bao nhiêu chuyện cũng ít.

Cả bọn chạm cốc nhao nhao kể chuyện ngày xưa. Anh im lìm ngồi uống. Chỉ đợi một người.

*

Cái quãng đời học sinh phổ thông nhăng nhố của những người thuộc thế hệ anh có khá nhiều chuyện để nói. Nhiều đứa bỏ học vài lớp khi sơ tán. Kiến thức cách quãng chằng đụp pha trộn giữa các nền giáo dục ở nhiều địa phương khác nhau. Lúc về Hà Nội chỉ thấy chúng có thêm được nhiều từ ngữ địa phương nơi sơ tán. Tác phong điềm tĩnh cẩn thận gọn gàng của học sinh Hà Nội hình như rơi rụng khá nhiều. Đứa ở Sơn Tây mang về cách gọi con bò vàng là con “bo vang”. Đứa Thái Bình lên cái gì cũng “r” tuốt. “Rung răng rung rẻ”. Đứa Bắc Ninh về có thêm những động từ điều khiển trâu bò “vắt, họ, riệt”…

Đến năm học cấp ba tưởng rằng hết bom đạn được tập trung về Hà Nội học thẳng một lèo. Nhưng không phải thế. Cuối 1972 lại ba lô túi xách lên đường đi sơ tán. Lần này thì không phải đi với gia đình nữa. Nhà trường đã tìm được nơi sơ tán cho toàn bộ học sinh đi theo nội trú. Cũng không hẳn là nội trú. Ở nhà dân và ăn cơm tập thể. Học trong các ngôi lán nửa chìm nửa nổi với chiếc bàn gấp xách tay kẹp ghế gỗ con mang theo đến lớp. Giờ ăn mang bát đũa vượt qua quãng đường xa đến cuối làng nhận suất cơm tập thể độn ngô vàng mắt. Nhận thêm cả một chiếc bánh bẻng chắc nịch lốm đốm mọt đen cho suất ăn sáng ngày mai.

Nhưng cũng chẳng yên ổn được bao lâu. Cuối tháng 12/1972 có tin máy bay Mỹ sắp oanh tạc Hà Nội và những vùng lân cận. Nhà trường lúc ấy hết khả năng dời địa điểm sơ tán xa hơn. Đành thông báo cho học sinh tùy nghi. Phần lớn chúng lại kéo nhau về Hà Nội đi sơ tán theo gia đình.

Anh đã quá chán cảnh sơ tán theo gia đình từ mấy năm trước. Quyết định ở lại. Cả lớp chỉ còn tổng cộng sáu người ở lại. Ba nam. Ba nữ và cô giáo chủ nhiệm. Thực ra thì quyết định của anh có một phần bị chi phối bởi cô bạn gái khá thân trong lớp. Cái Hồng. Nó cũng ở lại vì gia đình không có chỗ nào để sơ tán nữa. Hay ở lại vì thấy anh cũng ở lại thì cho đến tận bây giờ anh cũng không biết. Cô giáo chủ nhiệm lúc này đóng vai một bà mẹ theo nghĩa đen. Suốt ngày lo chuyện bếp núc áo quần cho lũ học sinh lộc ngộc sống xa nhà.

Rồi dự báo cũng đến. Máy bay B52 của Mỹ bắt đầu đánh phá ác liệt vào Hà Nội từ đêm 18 tháng 12. Mấy ngày đầu anh và thằng Thăng, thằng Vĩnh còn chạy ra hầm trú ẩn. Chiếc hầm mới tự tay các anh đào và dựng ống tre hình chữ A ngay sát bờ sông khá chắc chắn. Mấy thằng bọn anh cũng dựng cho cô giáo và các bạn nữ một chiếc như vậy ở cách đấy một khoảng không xa. Hầm nhà cô giáo còn mang thêm một tính năng nữa. Dùng làm nơi thay quần áo mỗi khi tắm giặt. Nông thôn lúc ấy chưa dùng đến một cái gì tương tự như nhà tắm. Đại khái đàn ông đàn bà chỉ cần tắm rửa lệch giờ nhau một chút là được. Ở bờ giếng. Lộ thiên hoàn toàn. Thực ra ngôi làng anh ở còn rất ít đàn ông loại tò mò mới lớn như các anh. Họ đã nhập ngũ gần hết. Chỉ còn lại vài anh chàng ốm o dặt dẹo. Đàn bà vì thế cũng chẳng mấy ngại ngần tắm lộ thiên ngoài giếng. Mấy đứa con gái lớp anh cũng tắm giếng. Nhưng không lộ thiên. Chúng phải học cách tắm nguyên quần áo. Và dùng căn hầm để thay.

Trời rét căm căm đêm tháng mười hai, chạy ra chạy vào mỗi lần có báo động mãi cũng ngại. Những đêm sau ba thằng ôm nhau ngủ lì trong nhà. Anh vẫn còn nhớ mãi cảm giác của cái đêm cuối cùng ấy. Có một vật gì lừng lững bất ngờ đổ sập lên người. Ánh chớp lóe xanh từng hồi không dứt. Hai lỗ tai nút chặt một mớ âm u hỗn độn. Mở mắt ra đã thấy bầu trời đùng đục chằng chịt đường đạn pháo đỏ rực chen nhau. Ba thằng vùng dậy ngơ ngác trong ánh lửa của những đám cháy bủa vây khắp làng. Thằng Vĩnh hét lên,

Sang nhà cô giáo xem mọi người thế nào!

Mặc nguyên quần đùi và chiếc áo sợi loang lổ vết máu chảy từ trên mặt xuống, anh và hai thằng bạn tức tốc chạy thẳng sang nhà cô giáo. Quả bom nổ gần nhất đã lấp mất cửa hầm. Anh vẫn nghe tiếng cái Hồng thất thanh gọi ra từ trong lòng đất. “Cứu ứ ứ ư ư…”. Rất may căn hầm chắc chắn đã không đổ sập vùi lấp bốn người trong ấy. Nhưng cũng phải mất gần nửa giờ đồng hồ bọn anh mới đào hết được đống đất lấp kín cửa hầm. May hơn nữa, căn hầm do chính tay bọn anh đào nên biết chắc chắn cửa nó ở chỗ nào. Ba cô trò lần lượt được kéo lên. Áo quần tả tơi lấm láp. Người cuối cùng là cái Hồng vẫn ngồi thu lu trong hầm tấm tức khóc. Trong ánh lửa chập chờn, anh thấy nó chỉ mặc mỗi chiếc quần nhỏ. Nước da dậy thì trắng lóa…

*

Anh uống chầm chậm. Không tham gia vào câu chuyện tếu táo tuổi học trò. Có chiếc taxi đỗ xịch ngoài cửa quán. Một đàn bà béo tốt ăn mặc hết sức diêm dúa bước vào. Những bông hoa dát bạc trên chiếc váy cổ trễ óng ánh phản quang lên gương mặt trang điểm cầu kì. Cả bọn ồ lên, Hồng…Hồng…Hồng! Đứa nọ rỉ tai đứa kia, quan bà có khác…! Cái Hảo ngồi cạnh anh nhỏ nhẻ.

Dương có biết cái Hồng bây giờ là ai không?

Vớ vẩn, thì là cái Hồng chứ ai nữa!

Sai bét, nó giờ là bà phó chủ tịch?

Phường hay quận? Anh nhoẻn miệng khinh khỉnh.

Chán cậu quá, chồng nó là phó chủ tịch một tập đoàn kinh tế lẫy lừng của nhà nước!

Hừm, cái chức vụ có vẻ như hay dùng để đi tù thay cho chủ tịch?

Tù làm sao được. Chỉ thấy cực kì nhiều tiền!

Anh im lặng. Hình như cảm thấy đã hơi sa đà sang chuyện đố kị. Một tính cách mới được hình thành của đám trẻ Hà Nội ngày đi sơ tán về. Chúng tranh khôn tranh dại và dè bỉu những ai giỏi giang thành đạt hơn mình. Cũng phải mất nhiều năm sau anh mới gạt bỏ được tính xấu ấy. Nhưng tiềm ẩn trong con người lớp các anh nó vẫn quẩn quanh đâu đó. Chỉ chờ có dịp gặp lại người cũ là bỗng chốc lại quay về như một dấu vết của cuộc sinh tồn khắc nghiệt dưới đạn bom. Hay là dấu vết của những câu chuyện truyền khẩu ba que mách qué kiểu Trạng Quỳnh thì cũng vậy thôi.

Hồng lịch lãm ngồi xuống bên bàn nâng cốc chúc sức khỏe mọi người. Nó phân trần, cậu lái xe về quê, gọi mãi mới được taxi. Mà sao taxi giờ hôi thế! Tiếp theo, nó kể lể rất dài dòng về cậu lái xe tận tụy của gia đình nó. Cậu ấy đã từng đưa gia đình nó đi lễ khắp các đền phủ từ Nam ra Bắc. Hết miền ngược lại miền xuôi. Sang cả bên Lào thắp hương ở động Thông Thiên gần Cánh đồng Chum-Xiêng Khoảng. Ở đấy có một hang núi là nơi tập kết tử sĩ trước khi mang về Việt Nam an táng ở gần cửa khẩu Nậm Cắn. “Thiêng lắm nhé, cầu gì được nấy!”. Cuối cùng thì Hồng cũng nói ra câu ấy. Câu cửa miệng của khá nhiều mệnh phụ phu nhân đương thời. Anh lơ đãng hớp một ngụm bia dài quay mặt sang chỗ khác. Cái Hảo huých nhẹ vào anh cười tinh quái.

Kìa Dương, gặp người cũ không thấy hỏi han gì nhau?

Biết cả rồi còn gì để hỏi nữa đây?

Anh trả lời bâng quơ, mắt vẫn nhìn đi chỗ khác.

Cái Hồng có nước da trắng bền bỉ quá Dương nhỉ?

Ừ, bây giờ vẫn trắng…!

Hơn bốn mươi năm gặp lại chỉ để nghe kể về một anh chàng lái xe nào đó? Anh cũng không dám chắc Hồng có còn nhớ đến anh. Dù chỉ một cái tên? Bỗng dưng cái cảm giác tức thở hôm nào sau loạt bom trút xuống ngôi làng lớp anh sơ tán lại ùa về. Ngôi làng lờ nhờ trắng sau trận bom. Kí ức cũng lờ nhờ trắng sau ngần ấy mong đợi ơ hờ.

Với nhẩn nha hồi ức, trên nền một cuộc gặp gỡ của những người bạn cũ – nếu nói hơi lớn chuyện là những chứng nhân của một thời – Đỗ Phấn như lẳng lặng để kệ những va đập xảy ra. Ngồn ngộn những xưa những nay, những xung đột những thói quen thế hệ, những dịch chuyển tinh tế… Để rồi, bỗng chớp lóe lên, một “nước da dậy thì trắng lóa”. Và rồi, trắng lóa ấy di dịch để thành một hiện trạng đương thời.

Đỗ Phấn là một ca lạ, anh thành công cả trong tư thế họa sỹ lẫn nhà văn.

Theo Tiền phong online

Exit mobile version