Cứ theo như cảm nhận của tôi thì có thể xem Uông Triều là một trong những cây bút truyện ngắn trẻ giàu triển vọng nhất của văn chương Quảng Ninh hiện nay. Bởi một vốn tri thức lịch sử xã hội khá vững và sâu. Bởi lối viết chững chạc, sớm có phong cách riêng, kể cả khi đi vào những mảng đề tài gai góc, thách thức các cây bút trẻ. Và quan trọng hơn là bởi văn anh có sức hấp dẫn, cuốn hút lạ lùng… Xem tập truyện ngắn đầu tay “Đôi mắt Đông Hoàng” (NXB Hội Nhà văn 2010) của Uông Triều có thể thấy rõ điều ấy.
Văn của Uông Triều khá già dặn nhưng vẫn không mất đi chất riêng của một người trẻ. Thậm chí, nhiều người trẻ lại rất mê văn anh dù đọc truyện ngắn của Uông Triều không quá khó nhưng cũng chẳng dễ. Nó hơi kén độc giả vì luôn hàm ẩn một lượng kiến thức nhất định đã được chắt lọc, bắt người ta phải vừa đọc vừa thẩm trên nền một phông kiến thức văn hoá – lịch sử nhất định, đặc biệt là những truyện ngắn lịch sử.
Uông Triều cũng không đi theo lối cũ của nhiều cây bút trẻ khác, quá hăng hái giải phóng dục tính. Tình yêu, các mối quan hệ nam nữ xuất hiện không ít trong truyện ngắn của anh nhưng đó không chỉ là tình yêu đôi lứa thuần tuý mà thường là đặt trong sự tương tác với những vấn đề xã hội khác cao hơn. Không có con gái đẹp thể hiện điều ấy! Đâu chỉ là chuyện của cô Chiệu khát tình mà đó là sự lạc hậu, những hủ tục đeo bám dai dẳng, làm mụ mị bao khát vọng sống đời thường của con người. Và Nàng Điểm Bích, một truyện ngắn rất hay cũng thế, đó là nỗi đau thân phận người phụ nữ trong xã hội cũ. Nhưng tình yêu trong truyện ngắn của Uông Triều lại thường rất đẹp, thậm chí thuần khiết cả khi rơi vào hoàn cảnh khốc liệt nhất. Ấy là khi nhắc đến Phạm Nhan (truyện ngắn “Nước mắt sông Cầm”), nhân vật khiến người đọc căm ghét và ghê sợ. Không gì tội lỗi và đáng bị nguyền rủa bằng tội phản quốc, cõng rắn về cắn gà nhà của Phạm Nhan… Nhưng ngòi bút của Uông Triều khi viết về Nhan không chỉ có lên án, không phải toàn sự cay nghiệt, anh còn viết về cả những giọt nước mắt lỗi lầm chảy xuống mảnh đất quê hương vào những giờ khắc cuối cùng của tên giặc này, về cả mối tình đầu trong sáng với cô gái hàng xóm là Nhiên. Rõ ràng phải thật thấu hiểu và vững vàng mới làm được như thế, mới khiến ta có thể động lòng, cũng là làm cho nhân vật gần với cuộc đời hơn.
Dám thử nghiệm và có nhiều thử nghiệm cũng thể hiện rõ ở tập truyện ngắn này. Chúng ta biết Uông Triều là cây bút dịch thuật khá hiếm và chắc tay của Quảng Ninh. Truyện ngắn của các tác giả đương đại này chắc chắn đã ảnh hưởng ít nhiều tới văn phong của Uông Triều, mà lối viết văn với những câu ngắn, xuống dòng liên tục là một ví dụ khá rõ, tất nhiên có thể sâu hơn là về cả tư duy… Lối viết hơi lạ và độc đáo này được Uông Triều thể hiện khá thành công với 2 truyện ngắn “Nước mắt sông Cầm” và “Đôi mắt Đông Hoàng” (từng đoạt giải khuyến khích cuộc thi viết truyện ngắn của Tạp chí Văn nghệ quân đội – một cuộc thi với những lựa chọn khắt khe, quy tụ nhiều cây viết đáng nể của cả nước tham gia). Ở đây, anh đã làm sống lại không khí một giai đoạn lịch sử với những chi tiết xác thực và tinh tế. Dẫu vậy thì sự huyền ảo của câu chuyện vẫn không mất đi, bất ngờ đầy kịch tính ở phút chót vẫn làm người đọc chờ đợi trong sự hồi hộp.
Uông Triều cũng thử nghiệm dạng truyện ngắn tâm trạng, gần như không có nội dung để chuyển tải vấn đề tác giả muốn đề cập mà “Đi xem chuông”, “Đêm Q.M”, “Vô thức” và “Đêm cuối cùng ở Ngoạ Vân” là tiêu biểu. Cái chuyện “Đi xem chuông” dường như chẳng là gì, chẳng có gì quan trọng cả, chỉ là một lát cắt trong đời sống nhân vật thôi, là cái cớ để 2 nhân vật nhận ra chân tình cảm của mỗi người. Hay điềm đạm, chậm rãi trong “Đêm Q.M”. Chuyện chẳng có chuyện. Một thị trấn nhỏ khi đêm về, các nhân vật xuất hiện ở đó cũng khá bình dị. Ta đọc và nhận ra họ ở đâu đó quanh ta. Sự trong sáng và hơi bốc đồng khi yêu của đôi trẻ; 2 cô gái trẻ vừa rụt rè vừa táo bạo muốn khám phá cuộc sống đêm; chút dung tục của anh chàng lao động hay nỗi chán chường của cậu trai trẻ giàu có về gia đình mình. Rồi hoạ sỹ với những suy tư, trăn trở về nghề, về mình v.v.. Mỗi nhân vật xuất hiện một chút, không nhấn quá sâu để tạo nên một cộng đồng sống không quá xô bồ những cũng chưa phải quá lặng lẽ. Sự vững vàng trong ngòi bút Uông Triều là như vậy, vừa phải, cân bằng.
Đi sâu nhất của lối viết này phải kể đến truyện ngắn “Đêm cuối cùng ở Ngoạ Vân”. Hình như chạm đến một cái ngưỡng nào đó rồi thì Uông Triều lại chuyển sang một lối viết khác để tự làm mới mình hoặc đơn thuần anh lại tìm ra một cách khác để có thể lột tả hết điều anh định nói (?) Với nhiều phong cách trong một tập truyện ngắn chỉ vẻn vẹn 11 tác phẩm, Uông Triều rõ ràng cho ta thấy nội lực dồi dào của một cây bút trẻ có phong cách vẫn đang tìm tòi để tiến, chưa hề muốn dừng lại…(?)
Theo báo Quảng Ninh