Hoàng Thái Sơn
Vừa đây, Nguyễn Ngọc Chiến gửi tặng tôi hai tập truyện ngắn kèm thông tin rất vui: Hoa hậu làng Cào vừa được nhận hai giải thưởng của năm 2017, Giải thưởng của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị và Giải thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam!
Tôi đọc một mạch tập truyện Hoa hậu làng Cào 218 trang. Đó là tập hợp một số truyện ngắn viết theo cái tạng lâu nay của Nguyễn Ngọc Chiến: Những chuyện đời thường cuộc sống quanh ta ở một vùng đất ác liệt trong chiến tranh, Vĩnh Linh, Quảng Trị… Cái thành công của tập truyện là tác giả đã khắc họa khá thành công nhiều gương mặt ở một vùng đất đặc trưng không pha lẫn với những vùng miền khác; đó là mảnh đất vô cùng ác liệt trong chiến tranh Quảng Trị mà sau chiến tranh vẫn mang nhiều thương tích.
Ở truyện này, ta gặp rất nhiều trong tập truyện những gương mặt thân quen hoặc trong chiến tranh, hoặc thời hậu chiến mà số phận chưa dứt khỏi khói lửa một thời. Cái mạnh của tác giả tập truyện là người con mảnh đất ấy nên anh viết như chơi mọi chuyện rất máu thịt về quê hương mình: bom đạn, những hi sinh, những nụ cười, những giọt nước mắt của bao bà mẹ, bao gia đình chia li, chết chóc rồi sum họp trong mất mát, vá víu các số phận đắng cay…
Bìa sách
Bà ngoại tôi khắc họa thành công chân dung một người mẹ già còm cõi ngóng tin đứa con trai tập kết ra Bắc suốt mấy chục năm dằng dặc; đến lúc con về thì mẹ đã ra người thiên cổ!. Hoa hậu làng Cào xây dựng hình ảnh một cô gái, một nữ sinh đẹp người, đẹp nết, yêu nước thiết tha đã đi đầu trong phong trào sinh viên, học sinh, thanh niên chống chế độ độc tài gia đình trị họ Ngô những năm 60. Người hát khúc dân ca viết về những trận chiến đấu cùng những sinh hoạt nơi hậu cứ của bộ đội, dân quân, du kích và đồng bào ta trong kháng chiến. Ở đó vừa có tiếng bom đạn, vừa có cả những lời ca tiếng hát và những cuộc tình say đắm có khi là cuộc tình tay đôi, tay ba rất hồi hộp. Mảnh đất Quảng Trị, nơi tuyến đầu chống Mỹ vô cùng ác liệt được tác giả nhắc đến hầu như tất cả các truyện trong tập. Có thế tác giả không chú tâm, nhưng hiện thực cuộc sống trên mảnh đất quen thuộc, thân yêu ngày ngày bắt gặp đã in vào máu thịt, đã hóa thành những trang viết đậm chất hiện thực nóng rẫy chiến tranh… Đó là nét mạnh nhất làm nên tác phẩm, tạo cho tác phẩm có một độ nặng nhất định. Viết về Quảng Trị trong chiến tranh mà thiếu đi phần ác liệt, hi sinh sẽ là có lỗi với người và đất quê hương. Hiểu rõ điều này, Nguyễn Ngọc Chiến đã cố gắng khắc họa để không phụ với cái nôi đã sinh thành ra mình, những con người đã làm nên nét đẹp không phải nơi nào cũng có.
Một mảng hiện thực nữa cũng được tác giả cố gắng đưa vào tác phẩm. Đó là cuộc sống đời thường, những éo le, tình cảm vợ chồng, tình cảm mẹ con… được tác giả đặt vào trong từng bối cảnh cụ thể để chiếu rọi tính cách nhân vật trong hoàn cảnh nhất định. Một phụ nữ luống tuổi lấy chồng, bị chồng phát hiện trong đêm tân hôn đã mất trinh. Chị nói hết sự thật, thì ra chị mất trinh với chính chồng mình cách đây hàng chục năm khi anh lợi dụng được chị trong đêm (Chiếc khăn màu huyết dụ). Một người cha già con cái ngăn không cho tục huyền vì không hiểu hết tâm trạng cha lúc tuổi xế chiều (Nỗi lòng người cha). Một mối tình rổ rá cặp lại tuy không còn son trẻ, giàu có vật chất nhưng cũng đủ hạnh phúc (Chiều trung du)… Ở mảng đề tài này nói chung nhà văn đã cố gắng đi vào chiều sâu tâm lí nhân vật nên các nhân vật đều tương đối rõ nét, không rơi vào khiên cưỡng, gượng gạo.
Cùng với mảng đề tài chiến tranh, mảng tâm lí xã hội mức độ nào đó đã tạo nên sự cân bằng về dung lượng trong cuốn sách. Đó cũng chính là những mảnh đời cuộc sống trong quá khứ chiến tranh và thời bình hiện nay, là hai mảng hiện thực lớn mà các cây bút đang tập trung vào mô tả, khắc họa. Như vậy, thành công của cuốn sách là đã bám vào đời sống để xây dựng nhân vật, phản ánh hiện thực, đi vào trung tâm đời sống chứ không viết chơi chơi ngoài phạm vi đông đảo bạn đọc quan tâm.
Về phương diện nghệ thuật. Tập truyện cho thấy cả mặt mạnh và mặt cần có ở một cây bút. Nguyễn Ngọc Chiến mạnh về trực giác cảm thụ hiện thực đời sống. Tác giả chủ yếu sống ở nông thôn, một vùng quê bình dị. Anh có những chuyến đi, có tiếp xúc nhưng cái chính ở anh vẫn là sống bằng trực cảm, trực giác là chính. Chiến viết nhiều, có thể nói là rất nhiều, khá chịu khó in. Anh in nhiều tập truyện ngắn, kí, in cả thơ, lại sắp in tiểu thuyết… Đó là một ngòi bút xông xáo, không ngại, anh cứ viết và viết. Có cảm giác Nguyễn Ngọc Chiến viết nhanh, dễ dàng hoàn thành tác phẩm chứ không phải đánh vật với câu chữ. Sở dĩ vậy là vì anh có một trực giác tốt, nhạy bén nắm bắt hiện thực, chuyện gì thoáng nghe cũng có thể viết ra truyện được. Đó là thế mạnh của một cây bút.
Nếu nói về mặt chưa thật sự thuyết phục ở tập truyện, đó chính là nghệ thuật xây dựng nhân vật và dựng truyện. Nói chung nhân vật của anh đều có hậu; truyện cũng kết thúc có hậu. Ác liệt như Quảng Trị nhưng nhiều nhân vật suôn sẻ sau chiến tranh. Tuệ Tâm trong Hoa hậu làng Cào không chết, sau chiến tranh trở về là Anh hùng lực lượng vũ trang, lại được giữ một chức vụ cao trong chính quyền sau giải phóng. Người phụ nữ trong Chiếc khăn màu huyết dụ sau nghi ngờ vẫn được sống hạnh phúc cùng chồng. Người cha trong Nỗi lòng người cha sau cùng con cái cũng cho lấy vợ. Cô du kích Thắm trong Người hát khúc dân ca cuối cùng lấy anh xã đội trưởng, vợ chồng con cái đề huề; nhân vật tôi trong truyện cũng hạnh phúc sau chiến tranh. Chiều trung du nói về một cặp rổ rá cạp lại nhưng cuối cùng rất hạnh phúc, con cái trưởng thành, vợ chồng êm ấm… Không có bi kịch, dù Quảng Trị vô cùng ác liệt. Âu kết thúc có hậu có thể cũng là một lối kết làm vợi bớt khổ đau trên mảnh đất nhiều thương đau…
Đây là một tập truyện đọc được. Hàm lượng chuyên môn tương đối cao. Hi vọng nhà văn Nguyễn Ngọc Chiến sẽ đi xa hơn nữa trong những tập truyện mới.
Văn học quê nhà
Phạm Thúy Quỳnh đưa bài