Mùa hè năm 2005, tôi đã gặp nhà văn Kim Namil lần đầu tiên khi ông sang Sài Gòn để thực hiện một chuyến đi dài ngày tìm hiểu về Việt Nam. Tôi được giới thiệu gặp để dạy tiếng Việt cho ông trong một tuần ngắn ngủi ông lưu lại Sài Gòn. Nhờ gặp nhà văn Kim Namil, mà có lẽ là nhờ con người ông nghiêm khắc nhưng hiền hậu, gần gũi mà tôi đã không còn cảm giác nhà văn là một thực thể gì đó có khoảng cách rất xa với những con người bình thường như tôi.
Qua nhà văn Kim Namil, dần dà tôi được quen biết nhiều nhà văn Hàn Quốc, rồi lại được quen biết với nhiều nhà văn Việt Nam. Tôi học được nhiều trong những lần tiếp xúc với họ. Học về tâm hồn văn học và tình yêu ngôn ngữ. Đó là cái may mắn mà tôi có được.
Đến khi trở thành giảng viên dạy tiếng Hàn, tôi luôn mong rằng sinh viên của tôi cũng được may mắn như tôi, được tiếp xúc với những tâm hồn yêu văn chương và ngôn ngữ. Và dự án lớp dịch thuật văn học Hàn Quốc do Viện Dịch thuật Văn học Hàn Quốc tài trợ này đã khiến mong ước đó của tôi thành hiện thực.
25 bạn sinh viên của Khoa Ngôn ngữ và Văn hoá Hàn Quốc, Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Đà Nẵng đã được kết nối với nhà văn Kim Namil qua tác phẩm của ông cũng như qua những lần giao lưu với ông. Qua dự án, các bạn cũng được tiếp xúc với nhà văn Dạ Ngân của Việt Nam để được nghe nhà văn trò chuyện về dịch thuật, về viết câu bằng tiếng Việt. Không chỉ vậy, các bạn còn được tiếp xúc với tiến sĩ Nghiêm Thị Thu Hương trong chuyên đề về dịch thuật văn học hiện đại của Hàn Quốc.
Truyện ngắn “Lữ quán Sabukchang” của nhà văn Kim Namil thực sự là một tác phẩm khó dịch, đặc biệt là đối với năng lực tiếng Hàn hiện tại của 25 bạn sinh viên tham gia dự án. Tuy nhiên, tôi rất vui khi cả 25 bạn đều đã thực hiện xuất sắc vai trò của những tập sự dịch thuật văn học xuyên suốt dự án này. Nhiều bạn cảm thấy rất cảm kích khi lần đầu tiên các bạn đã vượt qua bản thân để hoàn thành việc dịch một tác phẩm văn học Hàn Quốc ra tiếng Việt như vậy. Những thử thách đặt ra cho các bạn sinh viên trong dự án dịch thuật này không chỉ nằm ở tiếng Hàn mà còn ở kiến thức nền về Hàn Quốc. Và hơn hết, đó là thử thách về năng lực biểu hiện bằng tiếng Việt của các bạn.
Tôi tin rằng qua dự án, các bạn sinh viên đã trưởng thành hơn nhiều về năng lực ngôn ngữ tiếng Hàn lẫn tiếng Việt, cũng như về năng lực cảm thụ văn học. Tuy chỉ là bản dịch cho một tác phẩm truyện ngắn, nhưng tôi hi vọng, bản dịch đầu tay này của các bạn đã trở thành một điểm chấm trong chuỗi kết nối của các bạn với ngôn ngữ nói riêng và văn học nói chung.
Xin cảm ơn Viện Dịch thuật Văn học Hàn Quốc đã tài trợ một dự án thực sự ý nghĩa trong việc kết nối văn học Hàn Quốc với Việt Nam. Xin cảm ơn Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Đà Nẵng, các giảng viên trong Khoa Ngôn ngữ và Văn hoá Hàn Quốc đã tích cực ủng hộ và tạo điều kiện cho chúng tôi thực hiện dự án này. Đồng thời, tôi muốn gửi lời cảm ơn đến thầy Park Sung Soo, người đã tận tuỵ chuẩn bị các bài giảng giải thích nội dung tác phẩm trong suốt quá trình tiến hành dự án. Cảm ơn bạn Lê Doãn Thống đã tích cực tham gia hỗ trợ để dự án được diễn ra suôn sẻ và toàn vẹn hơn.
Cuốn sách này được Nhà xuất bản Văn học cấp phép và được xuất bản bởi Trung tâm Tôn vinh Văn hóa Đọc của nhà văn Võ Thị Xuân Hà – nhà văn đã từng tham gia nhiều hoạt động giao lưu văn học cùng với nhà văn Kim Namil và năm 2005 đã được Viện Dịch thuật Văn học Hàn Quốc mời sang Seoul tham gia Chương trình giao lưu văn hóa.
Như vậy, tuy chỉ là một cuốn sách nhỏ nhưng ở đây đã chứa đựng cả một vòng tròn nhân duyên.
Nguyễn Ngọc Tuyền
Giảng viên Khoa Ngôn ngữ và Văn hoá Hàn Quốc, Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Đà Nẵng