Mười năm qua, một số tác giả nhiệt huyết với việc đổi mới ngôn ngữ thơ Việt Nam hiện đại, đã được báo chí nói đến nhiều. Ở đây, chúng tôi thấy cần nhắc tới hiện tượng Lãng Thanh. Tập thơ Hoa của anh, NXB Thanh niên ấn hành năm 2003, gồm 14 bài, Hội Nhà văn trao Giải thưởng năm 2004.

Đây là tập thơ với bút pháp khá lạ, tác giả sinh năm 1977, và thật đau buồn, do một tai họa bi thảm, anh đã qua đời ngày 20 – 7 – 2002, khi mới 25 tuổi đời. Lãng Thanh thành một sự kiện, khá nhiều tác giả văn học và báo chí nhắc tới. Nhà thơ Trúc Thông: “Hẳn Lãng Thanh phải yêu thơ Hàn Mặc Tử lắm và để hồn thơ Hàn Mặc Tử thấm rất sâu vào mình”. Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu: “Lãng Thanh xứng đáng có một chỗ riêng. Anh mới mẻ mà không bệnh hoạn, táo bạo mà không dung tục như một số cây bút trẻ ôm mộng cách tân khác” (báo TTVH, 28/1/2005). Rồi Trịnh Thanh Sơn, Phạm Đức viết bài khen ngợi. Thiên Sơn thì coi Lãng Thanh là “Hạt mầm mới của một thời đại thi ca”. Ông trích thơ Lãng Thanh “Máu là các quy luật, chân lý hay tình yêu/ Nối giữa con người với đá, nối đá với bầu trời, dòng sông và nước mắt”, rồi bình: “Anh quan niệm vũ trụ có chung một huyết thống… Cho nên anh Ngờ phạm tội loạn luân từ nỗi cảm ruột thịt với bông Trà”… Trong sự phấn hứng, người bình thơ nói cả tới “quan niệm vũ trụ” của thi sĩ trẻ Lãng Thanh(!) Nhà thơ Trần Mạnh Hảo thì viết một bài dồi dào cảm hứng: Lãng Thanh “Gương mặt em phi như điên cuồng” (báo Tiền Phong chủ nhật, 20/7/2003).

Mười bốn bài thơ, đã hơn mười năm trôi qua, nay viết về Thơ Việt Nam hiện đại – đương đại, chúng tôi đọc Hoa để nhìn nhận Lãng Thanh trên chuyển động của thơ Việt. Bút pháp mới của thi sĩ này kế tục Thơ mới, khá gần với Chế Lan Viên: “Tôi trầm ngâm dạo trong nhà bảo tàng/ Nghe hàm răng đá cười sáu nghìn năm trong miệng đất/ Tiếng loảng xoảng gươm khua, tiếng hát ru từ các bộ xương” (bài Những mảnh vỡ); gần với thơ điên của Hàn Mặc Tử: “Nét cuồng thảo vọt như máu, ngưng như lệ…/ Điên cuồng chữ bay, điên cuồng chữ bay” (bài Thư pháp); nhiều khi thấy rõ anh là môn đệ của thơ Lãng mạn: “Nhạc reo xa thoáng lạnh từng chân tóc/ Cỏ thu xa vuốt ve đôi mắt đẹp/ Chiều có thể nghiêng, mưa có thể buông…” (bài Mùa thu I). Không chỉ một lần Lãng Thanh nhắc tới Charles Baudelaire, nhà thơ lớn của Pháp mở đầu cho chủ nghĩa Tượng trưng, nên ta thấy yếu tố tượng trưng khá rõ trong thơ Lãng Thanh: “Con mèo đen – vẻ dịu dàng hòa quyện vào nỗi buồn câm lặng/ Con mèo đen – mèo đen tỏa ngát tâm hồn/ Mèo đen – sự huyền bí như bóng đêm đè nặng” (bài Con mèo đen). Nhiều khi, Lãng Thanh hiện thực trần trụi: “Mấy người hành khất đang ngồi nhặt hoa/ Rủa những cành hoa rơi bẩn trên chỗ ngồi của họ/ Nhìn buồn tênh lên hàng chữ quảng cáo/ Thõng đôi tay khô chết như nhân sâm” (bài Ghi chép nhỏ). Lãng Thanh chắc đọc rất nhiều, như người ta khen là “đọc cả Đông, Tây, Kim, Cổ…”, nhưng vậy đã đủ chưa, khi phần sự sống dội vào anh để lọc qua tâm hồn, thành thơ anh, được là bao? Do lợi thế của một tâm hồn măng trẻ với trí tưởng tượng phong phú được hoàn toàn buông thả, mà hay viết về những buồn thương, máu, lệ, khiến người đọc dễ cảm thương. Trong tập thơ Hoa, bài dài nhất, viết công phu nhất, là bài Thơ trước tuổi 21, gồm các đoạn từ I đến IX, ngôn ngữ tự do buông lỏng nhất cả trong cảm xúc, trong suy ngẫm. Buông lỏng cảm xúc: “Không bên hàng cây, cây đẹp; không bên bờ suối, suối đẹp; Không hò hẹn, không bâng khuâng; không hò hẹn; Không lời khen chê cho đôi môi/ – Là tình yêu của em. Buông lỏng suy ngẫm: “Sự vĩ đại của cỏ/ Sự vĩ đại của thơ/ Vô nghĩa như một chữ cái lớn”… Chúng tôi cố gắng trích dẫn những câu thơ gây ấn tượng tốt của Lãng Thanh, nhưng những câu thơ như vậy đã đạt tới cái hay chưa, người đọc tự kết luận. Một chi tiết chúng tôi rất tán thành với nhà thơ Trần Mạnh Hảo, bài Thơ trước tuổi 21, dài khoảng 240 dòng, có thể tách riêng đoạn IV ra, sẽ được một bài thơ với 12 câu, “là bài thơ hay hoàn chỉnh”, và đặt tên bài thơ là Em (báo Tiền phong chủ nhật, 20/7/2003):

Em đến bàng hoàng như cơn sốt

Bỗng môi tôi bất lực

Nụ hôn ơi người khóa cả linh hồn

Em đến bất ngờ như dao sắc

Không đùa tựa những vết thương

Bởi gai hoa tặng chán chường

Em đến vùng vằng như tơ rối

Tìm nhau xa đến không ngờ

Trói anh rồi em lại làm ngơ

Em đến lao đao như lá rụng

Ngày xanh là nghĩa thế nào

Về bên anh khi đã chết rồi sao.

Chúng tôi nghĩ rằng, những tri thức, vốn liếng thi ca Lãng Thanh có trong trí não, tâm hồn là khá nhiều, đến khúc IV trong Thơ trước tuổi 21, thi sĩ này viết nên một bài thơ hoàn chỉnh về cấu tứ và ngôn ngữ thơ. Đọc Lãng Thanh, những bài, những khúc buông lỏng cấu trúc và để ý thơ như trôi miên man, chúng tôi thấy cũng khá gần với thơ mông lung của Cố Thành. Còn kỳ vọng về thi tài anh sẽ làm một bước nữa cho thơ đi xa hơn, như người đời nghĩ, có lẽ nhiều. Lãng Thanh để lại một ấn tượng thật đẹp trong đời sống thơ ca đương đại. Nhưng thật buồn, thương tiếc anh vô cùng!

THƠ VIệT HIệN ĐạI – HậU HIệN ĐạI

Sự đổi mới Thơ Việt Nam đương đại theo hướng hiện đại chủ nghĩa, đã diễn ra trong đời sống văn chương mấy chục năm rồi. Có lúc bột phát, một vài nhà thơ còn muốn có thơ “siêu hiện đại” (những năm gần đây một số người muốn gán cho thơ ấy cái tên là “hậu hiện đại”). Ở ta nó vậy, như hiện tượng đời sống những năm cuối thế kỷ XX, người ta mang những chiếc xe máy, xe đạp cũ từ Nhật Bản về, trông còn rất xịn, do nghèo, nên ối người mê. Mê thì mê, nhưng người ta vẫn gọi đúng tên của nó là xe bãi (rác)! Thơ hiện đại chủ nghĩa từ nước ngoài vào ta, không qua bộ lọc về văn hóa và tâm hồn thuần Việt Nam, của một vài thi sĩ hiện đại chủ nghĩa Việt Nam, có vẻ còn không hữu dụng bằng xe bãi. Bởi, nó không dùng được (theo nghĩa bạn đọc không tiếp nhận được nó).

Trên Tạp chí Nhà văn số 6 năm 2012, Inrasara nhận định, “ít cảm và rất tối nghĩa, là đặc tính thơ hiện đại chủ nghĩa của một số nhà thơ Việt ta”, và anh trích dẫn: “Ở cuối đêm/ em rũ tóc nói những lời mê sảng/ những ám hiệu/ của mặt biển đen/ không tình yêu tuyệt vọng/ anh xé tóc em cùng những cành lá chết/ mùa thu” (Thanh Tâm Tuyền); “Hôm qua tôi ghé alfa/ Alfa không có nhà/ Ô gặp nhau rồi vẫn cứ li/ Một nắm bột khuya rắc vào bếp lạ/ Đời gì/ Sao cứ đi/ những chiếc va li cứ vào Bến lạ” (Đặng Đình Hưng); “Tôi gặp tôi/ giữa mảnh vỡ và bê tông cảm xúc/ Kiêu hãnh trùng trùng mái chóp nhô, đôi mái lá lạc điệu/ Tên như một định mệnh cong vênh” (Lam Hạnh)”… Còn chúng tôi thì cho rằng, trên tiến trình văn chương Việt Nam, thơ hiện đại chủ nghĩa như vậy vẫn rụng lả tả bên con đường nhiều nhà thơ nước Việt ta đã đi qua.

Có thể thấy khá rõ, ở nước ta chưa có truyền thống lập thuyết trong văn chương, ngay cả khi khai mở nền Văn chương Việt Nam hiện đại hết sức sôi động trong xu thế hòa nhập quốc tế hồi đầu thế kỷ XX, cũng vậy. “Tản Đà, là người thi sĩ đầu tiên mở đầu cho Thơ Việt Nam hiện đại” – (Xuân Diệu), đâu có lập thuyết gì. Các nhà Thơ mới tài danh, hiểu rõ những chủ nghĩa Lãng mạn, Hiện thực, Tượng trưng, Siêu thực… nhưng, việc lập thuyết các chủ nghĩa đó, thì người ở quê hương các chủ nghĩa đó lo rồi. Bao tài danh của ta chỉ lo làm sao có thơ hay, hay hơn nữa, của người Việt ta, thế thôi. Rồi bừng nở Thơ mới, lại có Thơ kinh dị, Thơ điên… Nhưng, “Thơ mới”, là do đời sống văn chương gọi một phong trào, đâu có phải chủ nghĩa gì mà phải lập thuyết; Thơ kinh dị, Thơ điên cũng vậy, có người gọi theo cảm hứng, thấy hợp, thì người ta gọi theo, việc gì mà phải lập thuyết. Tiếp nữa, Thơ chống Pháp, Thơ chống Mỹ, là thơ ca của một dân tộc đang dốc lòng dốc sức chống Pháp, chống Mỹ để giữ nước, là lý tưởng sống của một giai đoạn lịch sử, đâu có phải một chủ nghĩa mà lập thuyết… Nói như thế không có nghĩa là bài bác sự “lập thuyết” cho văn chương Việt Nam đương đại, nhất là trong thời đại đổi mới và hội nhập sâu rộng, mạnh mẽ như ngày nay. Nếu có tài năng lớn xuất hiện, lập nên một thuyết thi ca của người Việt ta, sẽ là điều vô cùng đáng tự hào. Tuy nhiên, đó là việc trong tương lai.

Những năm qua, Thơ Việt Nam đương đại đã chuyển động bởi sự gắng gỏi của nhiều nhà thơ. Đầu thế kỷ XXI, nền thơ ta thực sự đã có một đội ngũ những thi sĩ dấn thân vào cuộc tìm kiếm cái mới cho ngôn ngữ thơ, là điều rất đáng trân trọng. Người quá giàu trí tưởng tượng dường như đã mong, trong sự đổi mới của thơ Việt Nam đương đại, sẽ có thi sĩ dấn lên một bước, tới “thơ hậu hiện đại”. Người nào cũng có quyền ước mơ. Người ôm mơ ước tìm tới được nàng thơ “hậu hiện đại”, thì trước hết phải hình dung được nàng “hậu hiện đại” như thế nào đã, có khả ái không, có làm nên một cuộc cách mạng thơ vào một ngày nào đó?…

Như chúng tôi đã nhận xét, ở nước ta chưa có truyền thống lập thuyết trong văn chương. Không lập thuyết, nhưng tiền nhân sáng tạo rất nhiều thơ ca, và cũng suy ngẫm về thơ ca rất sâu xa. Đơn cử một trường hợp, danh sĩ Nguyễn Siêu (1799 – 1872) đã nhận định tâm huyết, đại ý, thơ có hai loại, một loại đáng tôn thờ và một loại không đáng để thờ; loại đáng tôn thờ, là thơ vì con người mà viết, loại không đáng thờ, là loại thi nhân viết ra chỉ để tán tụng nhau. Vậy đấy, mục đích văn chương mới thể hiện nhân bản, nhân văn. Chúng tôi nghĩ, cho đến nay, mục đích vì con người mà viết, là một trong những truyền thống lớn nhất của văn chương Việt Nam ta!

Nguồn Văn nghệ

Exit mobile version