Chuyên mục TRUYỆN HAY tuần đầu tháng 5, mời ace bạn bè đón nghe chùm truyện ngắn của nhà văn Thiên Sơn:
– Trăng vỡ
– Đồi Đá trắng
– Lệ
– Tiếng đàn trong đêm trăng
– Tình yêu còn lại
VÀI NÉT VỀ NHÀ VĂN THIÊN SƠN
Nhà văn Thiên Sơn sinh năm 1972 tại Diễn Kim, Diễn Châu, Nghệ An
Tốt nghiệp khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội
Hội viên Hội nhà văn Việt Nam
Hiện sinh sống và làm việc tại Hà Nội
Tác phẩm đã xuất bản:
– Ngọn lửa đầu tiên (tập thơ)
– Màu xanh ký ức (tiểu thuyết)
– Người bên lề (tập truyện ngắn)
– Hồn đất (truyện vừa)
– Bật rễ (tiểu thuyết)
– Lá thay mùa (tập thơ)
– Gửi lại tuổi thơ (truyện thiếu nhi)
– Dòng sông chết (tiểu thuyết)
– Đại gia (tiểu thuyết 2 tập)
– Hoa Ưu Đàm lại nở (truyện thiếu nhi).
– Một tiếng gọi (tập thơ)
– Cây Mạ ly huyền bí (tập truyện ngắn)
– Gió bụi đầy trời (tiểu thuyết)
Thiên Sơn là nhà văn với những sáng tác đa dạng gồm cả thơ, truyện ngắn và tiểu thuyết. Từng 2 lần được trao giải thưởng trong kỳ thi tiểu thuyết lần thứ 3 và lần thứ 5 của Hội nhà văn Việt Nam.
Thiên Sơn không chỉ dấn thân vào đề tài xã hội đương đại nóng bỏng và gai góc; đề tài lịch sử hiện đại đầy bi hùng và làm sống lại những nhân vật, sự kiện chìm lấp trong thời gian; anh còn dành sự quan tâm đặc biệt đến những phận người đau khổ và tái hiện trên những trang viết bằng cảm xúc sâu lắng.
ĐÔI LỜI CỦA TÁC GIẢ
Càng ngày tôi càng nhận thấy ưu thế đặc biệt của truyện ngắn nằm ở cấu tứ độc đáo và sự hàm súc. Chỉ bằng mấy trang viết, truyện ngắn có thể giúp người đọc vượt qua những giới hạn thông thường để đạt được sự thức ngộ. Đó cũng chính là lý do mà tôi luôn yêu mến thể loại này, luôn tìm cách chinh phục những bí ẩn và khám phá những khả năng vô tận của nó.
Truyện ngắn đòi hỏi sự đa dạng về bút pháp, hình tượng và ý tưởng. Dù trước sau tôi vẫn là người ưa chuộng chủ nghĩa hiện thực, song tôi cho rằng, hiện thực có thể được diễn đạt một cách kín đáo và trừu tượng hơn qua các hình tượng mang màu sắc ẩn dụ. Tôi không chỉ đi tìm sự khác thường, độc đáo có thể khái quát đời sống mà còn say sưa với những yếu tố huyền thoại như một khía cạnh phức tạp và huyền bí của tâm tư con người.
Đồi Đá trắng
Những tiếng nổ như khoan vào óc Hàn, khiến nó giật mình tỉnh dậy mỗi khi trời sắp sáng. Một cái gì âm u, rờn rợn phủ lên tâm hồn nó, làm nó ngẫm ngợi suốt cả ngày. Có hôm nó thấy kinh hãi đến mức không buồn ăn. Mỗi khi cầm lấy sách vở học bài, nó lại thấy chữ mờ đi trước mắt, chỉ có những tiếng nổ làm nó run bắn lên, khiếp hãi như vừa bị vứt xuống vực thẳm.
Gì ấy nhỉ?
Sao ở dưới cái chân ngọn đồi lờ mờ trong sương mù, sao trong cái cõi hoang vu không mấy ai dám đặt chân đến kia lại phát ra những tiếng nổ dữ dằn, tàn nhẫn ấy. Hàn hỏi người lớn đó là tiếng gì?
– Tiếng súng.
Nó được trả lời thế.
– Sao tiếng súng lại nổ vào lúc trời chưa sáng thế kia?
– Người ta hành quyết phạm nhân.
Nó chỉ biết có vậy. Hầu như không mấy ai kiên nhẫn nghe nó hỏi và giải thích những điều nó muốn biết. Có người còn gạt đi:
– Trẻ con hỏi những chuyện ấy mà làm gì?
*
Không hiểu sao cái đồi nghèo xơ nghèo xác này, chỉ có những căn nhà thấp tè, chìm khuất trong cây cỏ giữa một vùng hoang hóa lại có tên đồi Ông To. Từ bao giờ không biết nữa, các thầy phong thủy ở xứ này đã nói khu đồi bị ám khí, hung dữ, không ở được. Nghe nói ngày xưa có một nhà giàu cai quản cả ngọn đồi, bỗng khuynh gia bại sản rồi bỏ đi biệt xứ. Con gái ở đây rất đẹp, da trắng, môi đỏ, tính tình hiền dịu, chịu thương chịu khó, nhưng con trai thì hung hãn. Lạ nữa là có nhiều người chết trẻ. Nhiều người bị các bệnh lạ, không ai biết căn nguyên.
Ông Thịnh là cán bộ hẳn hoi. Ông làm việc gì đó cũng khá quan trọng ở trại lợn của tỉnh. Ngày về hưu, ông mặc bộ com lê cũ, đeo cà vạt. Ông đi hiên ngang trên con đường vòng vèo khuất khúc lên sườn đồi. Trẻ em hàng xóm còn chạy túm tụm nhau để được nhìn thấy ông. Thế rồi bẵng đi một thời gian không thấy ông đâu. Có người nói ông bị trọng bệnh phải về hưu sớm, để dưỡng sức, suốt ngày ông hạ tấm rèm lá trước cửa, nằm trong nhà, không tiếp xúc với ai. Lại có người nói hình như ông đang lao động trí óc, bận quá nên không có thời gian tiếp mọi người. Một thời gian sau, bỗng cứ nửa đêm là ông tỉnh dậy, thắp hương vái khắp các phương trời, rồi khóc than xin thần linh tha tội, đến mờ sáng ông ra khỏi nhà đi về phía bãi tha ma, miệng lẩm bẩm những điều không ai hiểu được.
Lại có một cậu học trò trẻ tuổi, thông minh. Đã có lần cậu nhân được giấy báo xuống huyện học bồi dưỡng gì đó. Dân sống trên ngọn đồi hầu hết là người mù chữ, thấy vậy ai cũng nể sợ. Nhưng đột nhiên, cậu bị bệnh. Lúc nào cậu cũng muốn hát. Bất cứ cái gì nghe thấy, đọc thấy, hoặc nhớ lại cậu đều biến nó thành câu hát. Những câu hát chắp vá, rối loạn, vô nghĩa được phát ra bằng cái giọng eo éo trong túp lều tranh những đêm khuya khiến người ta sợ hãi như nghe thấy tiếng yêu tinh. Có người nói ma quỷ đã nhập vào thân xác cậu mất rồi.
*
Từ đồi Ông To đi theo lối mòn xuống thung lũng thì gặp đường ray. Mỗi ngày chỉ có vài chuyến tàu chạy qua, hầu hết thời gian cả khu đồi chìm trong vắng lặng. Có hôm người lái tàu thấy một con trăn to như bắp đùi một người đàn ông lực lưỡng, dài khoảng sáu, bảy mét nằm vắt ngang trên đường ray. Anh dùng cần gạt phía trước đầu tàu hất nó sang một bên. Không hiểu bằng cách nào, nó nhanh chóng cuốn lấy cần gạt. Mãi một lúc sau, nó rơi xuống và bị bánh sắt cắt thành ba khúc. Máu con trăn chảy ướt cả vạt cỏ, bết dính trên đường ray. Cái đầu nó còn ngóc lên, hai mắt mở thao láo căm giận nhìn theo đoàn tàu lúc sau mới chịu thôi.
Có người ở đồi Ông To nhìn thấy một cảnh tượng kỳ lạ. Khi con trăn to kia bị tàu cán chết, từ trong vùng hoang vu không biết cơ man nào là trăn to, trăn nhỏ kéo ra thành đàn. Con dài, con ngắn, con xanh, con đen, con hoa, từ tốn nối nhau như trong một đám rước, chúng đưa xác con trăn bị chết vào rừng. Khi đàn trăn khiêng cái thi thể đồng loại đi được một quãng, chúng dừng lại trên một bãi đất bằng, tất cả nối nhau thành một vòng tròn lặng lẽ viếng con trăn chết. Hình như có những tiếng kêu rên sầu thảm ai oán. Hình như cả đàn trăn cùng khóc. Chim chóc và nhiều loài vật khác cũng kéo đến…
Cạnh đường tàu là một bãi tha ma. Ở đó chỉ có những nấm mồ lẫn trong cỏ, không có tên. Đi sâu thêm vào cái vùng hoang vu, gai góc mọc đầy kia không khí như đặc quánh lại. Không gian phảng phất một cái gì lạnh lẽo, đen đúa. Một cái gì vô hình, hung hãn làm cho người ta rợn ngợp, kinh sợ.
Đi thêm độ một dặm, sẽ đến bên chân đồi đá trắng.
Trong cái hoang vu ấy, người ta thấy một bãi phẳng và những cây cột thép cao bằng đầu người, đã han rỉ.
*
Hàn mường tượng ra gương mặt nhăn nheo, đôi mắt đục mờ của ông Son.
– Cháu Hàn đó phải không?
Hàn như sắp chết, chân tay bủn rủn.
– Sao cháu lại vào đây?
– Dạ, cháu muốn đến chân đồi đá trắng ạ.
– Chỗ ấy là pháp trường. Cháu đến làm gì?
– Cháu muốn biết…
– Biết cái chỗ ấy? – Ông thốt lên – về thôi, bao nhiêu người thịt nát xương tan ở đấy. Về với Bác đi cháu.
– Không! Cháu nhất định phải vào…
– Trẻ con thì phải biết nghe lời người lớn.
Ông Son trừng mắt.
– Cháu có biết sợ ma không đấy?
Hàn im lặng:
– Ma nó hay bắt trẻ con, vả lại ma ở đồi đá trắng hung dữ lắm. Cháu về thôi…
Ông Son lại kéo tay Hàn. Đành phải bước theo ông, nhưng Hàn vẫn ấm ức. Nó nghĩ, có gì bí ẩn mà ai cũng chỉ muốn gạt phắt những câu hỏi của nó về đồi đá trắng? Nó muốn đến cũng không được…
– Cháu có biết ông Thịnh mới chết không?
– Sao ông ấy lại chết?
– Sáng hôm nay, mấy anh lính dẫn phạm nhân ra pháp trường ở đồi đá trắng đã thấy xác ông Thịnh đang ôm chặt lấy cây cọc cột người tử tội. Nghe nói ông ấy bị điên sau khi đứa con duy nhất buôn ma túy, giết người nên bị tử hình ở đồi đá trắng. Mộ nó bị đồng bọn đào bới mang đi đâu không ai biết. Chính vì vậy mà ông ấy càng thêm buồn, sinh bệnh mà chết.
Bỗng trước mắt Hàn hiện lên hình ảnh ông Thịnh bước hiên ngang trên con đường ngoằn nghèo lên đồi ông To. Nó không thể hiểu được, một con người như ông, có vẻ oai oai trước mắt bọn trẻ, vậy mà lại có thể chết nhanh đến thế.
– Nhưng có thể ông ta chết vì bị gió độc cũng nên. Đồi đá trắng là nơi ma thiêng… Còn có nhiều điều kỳ bí lắm… Cháu nghe lời ông, không được vào đó đâu nhé!
– Vâng!- Hàn bất đắc dĩ phải trả lời ông Son.
– Mới đây, để tránh việc đào bới cướp xác phạm nhân, người ta không ghi tên kẻ bị hành hình trên mộ mà chỉ đánh dấu bằng mã số gì đó. Nhưng tội ác thì người ta vẫn ghi.
– Không ghi tên người thì ghi tội ác mà làm gì hả bác?
– Sao lại không ghi tội ác? Điều quan trọng là mỗi người phải biết đến tội ác kinh tởm mà những kẻ phạm tội đã làm. Toàn là tội giết người, cướp của, tham nhũng, hại dân…
– Nhưng tại sao con người lại gây tội ác hở ông? Ngày nào cũng có những tiếng nổ… Ngày nào cũng có những vụ hành quyết…
Ông Son không nói gì, cứ lặng lẽ cầm tay kéo Hàn băng băng về phía trước. Sắp về đến nhà, Hàn thấy một đám đông khiêng quan tài ông Thịnh đi ngược trở lại. Tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng khóc, tiếng nói chuyện, tiếng chân người hòa lẫn thành một âm thanh ồn ã, não nề. Đoàn người dừng lại đợi một chuyến tàu rùng rùng ầm ỹ chạy qua rồi tiến vào cái vùng hoang mù mịt dưới thung lũng. Hàn vằng khỏi tay ông Son:
– Cháu muốn đi đưa ông Thịnh, ngày ông ấy về, gặp bọn cháu trên đường ông đã đưa tay vẫy vẫy đấy ông ạ.
*
Con người ai cũng phải chết có gì mà phải buồn đau. Đôi khi Hàn nghĩ thế. Rồi nó đặt câu hỏi: “Mà sao người ta cứ phải sợ cái chết thế nhỉ?”. Nó chịu. Chính nó cũng sợ đấy thôi. Con người không phải lúc nào cũng có thể trả lời mọi câu hỏi. Con người cũng không cần trả lời những câu hỏi ấy.
Đoàn đưa đám ông Thịnh dừng lại trên một mảnh đất bằng. Mấy người phu đào huyệt đã ở sẵn chực lấp đất. Cuối cùng khi mọi người lục tục ra về, nó núp sau một bụi rậm, đợi mọi người về hết rồi mới theo lối mòn trong bãi tha ma đi về phía đồi đá trắng. Nhưng phía trước lại có người. Nó núp vào một bụi rậm khác. Một gã đen như cột nhà cháy tay cầm cuốc đi về phía ngôi mộ vừa lấp đất. Gã nhìn khắp bãi tha ma không thấy ai, gã đặt cuốc xuống nhìn ngôi mộ đầy suy tính rồi mới xắn tay áo, cầm lấy cuốc.
– Đồ khốn nạn, mày làm gì đấy? Đào mộ người ta lên để hôi của hả?
Một cụ già xông đến tóm lấy cổ tay gã đen cháy kia. Cái cuốc vừa giơ lên đã từ từ rơi xuống. Ông Son! Từ bụi rậm Hàn chực thốt lên. Hai bóng người xoắn xuýt lấy nhau bên ngôi mộ. Được một lúc, gã đen cháy gỡ được tay ông già ra, đưa cả khối thịt săn chắc to như một khúc gỗ của hắn đè lên ông già.
– Đồ ngu! Tao cho mày chết!
Tên khốn nạn gầm lên. Hắn đưa tay bóp vào cổ ông già. Mặt ông Son đỏ gay, tắc thở. Ông càng giãy giụa thì tên khốn nạn càng cười. Tiếng cười sằng sặc như một kẻ đang lên cơn điên. Rồi hắn nói giọng kẻ cả, đắc ý:
– Đúng là đồ ngu, mày nghĩ mày là cái thá gì mà dám ngăn ông hả? Lần này mày sẽ xuống đất nằm luôn dưới ấy là cái chắc rồi.
Ông già vùng vằng, oằn oại dưới cái khối thịt như đang nghiến nát ông. Gã đen cháy lấy đầu gối nện liên tục vào bụng, vào ngực ông. Tay gã nện mấy cái vào mặt, vào mũi ông Son. Máu mũi, nước mắt tứa ra ướt khắp gương mặt lấm lem bịu đất của ông.
Cốp! Bộp ! Bộp!
Bỗng mặt gã đen cháy nhăn lại, méo đi. Mắt hắn nhắm. Tay rời ra. Đổ vật xuống bên cạnh ông Son. Lúc ấy ông Son mới định thần lại được.
– Hàn! Cháu… May mà có cháu… Không thì hắn giết ông mất.
– Sao ông quay lại đây?
– Ông không thấy cháu nên đi tìm.
Gã đen cháy thở phì phò. Hắn đau quá không thể đứng lên được, hình như hắn bị choáng. Ông Son và Hàn trói hắn vào gốc cây trong bãi tha ma.
– Chúng ta quay về báo cho bà con biết rồi sẽ quay lại trị tội hắn sau.
Ông Son dắt Hàn đi.
– Mấy tháng nay có hàng chục ngôi mộ bị đào bới tung lên, thậm chí có ngôi hắn không thèm lấp đất lại.
*
Ông Son và Hàn đi được một lúc, bỗng gã đen cháy thấy có tiếng rin rít trên đất, ở các bụi cây bên cạnh. Rồi một vật gì trơn trơn, mát lạnh trườn trên da gã. Bất thần gã thấy một nỗi kinh hoàng xâm chiếm. Mọi nơi xung quanh gã hiện lên hàng chục con rắn to, rắn nhỏ. Con nào cũng mở to đôi mắt căm thù nhìn gã. Miệng chúng phùng ra, cái lưỡi thè lè lia đi, lia lại phía trước. Một cái gì mềm mại mà mạnh mẽ như một sợi dây khổng lồ quấn xung quanh cổ gã. Sợi dây mỗi lúc một thiết vào làm gã tắc thở. Gã nghiến răng lại, cố trừng trừng mở mắt. Trước mắt gã không gian chuyển sang màu gắt đỏ. Những cái đầu rắn ngóc cao càng lúc càng tiến đến gần. Một con to như cán cuốc, có sọc xanh, đỏ trườn hẳn lên ngực, lên mặt gã. Gã tru lên từng tiếng dữ dằn, mắt nhắm nghiền lại.
Bên tai gã bỗng vang lên tiếng cuốc mả lục cục. Trong óc gã hiện lên hình ảnh mờ mờ chồng lẫn lên nhau của những ngôi mộ mà gã đã đào, đã bới để hôi của. Có lần gã lấy được cái đồng hồ Rado từ một cánh tay đàn ông luống tuổi chết vì bệnh phong tình. Có lần là chiếc dây chuyền vàng trên cổ một thiếu phụ giàu có bị chết đột tử vì chứng cao huyết áp. Một lần khác gã thấy bên dưới lưng người chết là một gói vàng… Nhưng khốn nỗi, gã vừa mở ra đã bị một lũ người chuyên làm nghề hôi của ở nghĩa địa cướp mất.
Cái vòng siết trên cổ gã mỗi lúc một mạnh hơn. Gã thấy họng tắc lại. Như có hàng ngàn tiếng gào réo, chửi rủa từ khắp các ngôi mộ xoáy vào tai gã. Rồi tất cả tắt lặng. Bóng tối đổ xuống linh hồn gã.
Khi đoàn người từ đồi Ông To kéo đến, họ đã vô cùng ngạc nhiên… Tròng mắt gã đứng hẳn lại. Miệng há ra. Đầu gục xuống, ngoẹo sang bên. Khắp thân thể gã có những vết tím bầm.
*
Lại vẫn những loạt đạn mỗi khi trời sắp sáng dội lại từ đồi Đá trắng làm Hàn giật mình không ngủ lại được. Mỗi ngày trôi qua, cái âm thanh khô khốc, sắc lạnh ấy như những lưỡi dao khứa dần vào tâm não Hàn. Bất kỳ ở đâu, làm gì nó cũng như nghe thấy những tiếng nổ. Nó giật mình cả khi nằm trên giường, cả lúc ngồi trong phòng học bài hay lúc ăn cơm.
Nó không thể chịu nổi. Nó phải biết điều ghê gớm nào vẫn thường xuyên làm cho nó đau đớn, suy nghĩ. Nó phải tận mắt nhìn thấy nơi hành quyết những phạm nhân…
Quá nửa đêm hôm ấy nó lén ra khỏi nhà.
Có tia đèn pin lặng lẽ soi trên lối mòn nhỏ xuống chân đồi, qua đường ray, về phía bãi tha ma. Nó lấy hết can đảm, nhanh nhẹn và mưu trí như một con mèo hoang, bám theo cái bóng đèn trong đêm giá lạnh. Mọi vật chìm trong chiếc màn đen vô cùng yên tĩnh, và dường như từ sau mỗi bụi rậm lại có những con mắt đang nhìn ra, những bóng đen đang ẩn núp, những bàn tay sẽ thò ra tóm lấy cổ nó… Nhưng có một cái gì mạnh mẽ, khủng khiếp đã làm cho nó vượt qua tất cả lo lắng ấy. Nó cứ đi, đi mãi cho đến khi chiếc đèn pin tắt lặng. Có lúc nó tự đặt câu hỏi, con người huyền bí bỗng nhiên cầm đèn pin đi trong bãi tha ma này để làm gì nếu không phải là hôi của người chết? Hay là quay về báo với bác Son? Những ý nghĩ trái chiều nhau cứ dâng lên óc nó, không tài nào kiểm soát được.
Phía trước, chân đồi đá trắng đã lờ mờ nhận ra trong sương. Những cây cột thép của pháp trường lạnh ngắt trong bóng tối.
Gần đó có một chiếc quan tài.
Xa xa, một lỗ huyệt đang đào. Mấy người phu vừa đào vừa nói tục lại vừa cười. Một giọng to:
– Bác Son đấy à, sao hôm nay sớm thế?
Hàn kinh ngạc. Nó nép vào một bụi rậm bên đường. Như không tin được vào tai mình nữa. Ông Son? Ông Son ư? Bình thường bác không cho nó ra pháp trường, vậy mà đêm hôm thế này bác lại ra đây là nghĩa làm sao? Những ý nghĩ cứ thế sôi lên trong óc Hàn…
– Tôi khó ngủ, ra đây trò chuyện với anh em cho vui.
Một giọng trầm của người tuổi trung niên:
– Nhà em nghèo, vợ em bệnh phải uống thuốc lâu dài, khánh kiệt em mới phải bỏ nhà đi làm cái việc khốn khổ mạt hạng này chứ, như bác, bác có lấy công linh gì đâu, sao bác cứ đày cái thân bác cho nó khổ thế.
– Tôi cũng muốn an nhàn sung sướng chứ các chú… Nhưng…
– Từ mai bác đừng ra đây nữa. Bắn xong, bọn em kéo nó xuống huyệt. Đằng nào rồi cũng tan vào đất ấy mà. Với lại chúng nó toàn bọn khốn nạn cả. Khi sống chúng hành hạ bao nhiêu người… Hôm kia bắn thằng cầm đầu đường dây buôn ma túy từ Lào về. Nghe báo chí nói, nó đã bán tất cả 400 cân thuốc phiện cơ đấy. Nó đã giết bao nhiêu người từ cái kiểu làm ăn bất chính của nó.
Một giọng khác trẻ hơn:
– Hôm qua lại bắn tên tham nhũng. Hắn làm giám đốc tổng công ty gì đó… nghe nói đã xơi của nhà nước mấy ngàn tỷ. Thế mà khi bị cột vào cọc hắn khóc rống lên. Hắn quỳ thụp xuống van lạy mọi người tha cho hắn. Chính cái thằng buôn ma túy ấy lại còn có cái vẻ lầm lũi chịu đựng, chứ cái thằng quan tham nhũng kia mới hèn yếu làm sao.
– Anh em có nhớ cái thằng còi còi không? – Một giọng lơ lớ khàn khàn chen vào- cái thằng bị bắn cách đây nửa tháng ấy, hắn đi thẳng đến bên cái cọc hành hình. Trước khi bị bắn nó còn nhoẻn miệng cười. Nó bảo mấy người cầm súng “Anh em bắn cho trúng nhé. Tôi nói thật là tôi bị oan… Có một âm mưu hãm hại tôi… Nhưng không sao. Tôi đi sớm cũng tốt. Thế gian này có gì đáng nuối tiếc đâu. Con người bây giờ đã đối xử với nhau như thú dữ…”
– Có chuyện ấy sao?
Nhiều giọng nói cùng cất lên.
– Đúng vậy đấy. Có nhiều anh em ở đây không có mặt hôm ấy. Chưa bao giờ trong đời tôi lại có thể hình dung nổi một kẻ lạnh lùng, bình tĩnh chấp nhận cái chết đến như vậy – Giọng trầm của người ban nãy cất lên.
– Nhưng anh ta là ai? Làm gì mà có bản lĩnh kỳ lạ như vậy?
Im lặng, không có ai trả lời câu hỏi ấy.
Lúc sau giọng Ông Son trầm tĩnh:
– Tôi có biết chuyện… Hôm ấy mấy chú trong đội thi hình án cầm súng mà cứ run bắn lên. Cả loạt súng nổ nhưng đạn bay chệch mục tiêu gần hết. Máu ra như tắm mà người bị hành quyết không chết. Đôi mắt anh ta vẫn mở dù đau đớn nhưng không mất hết vẻ bình thản. Mãi một lúc sau anh ấy mới tắt thở. Tôi là người khâm liệm cho anh ấy… Trước khi đặt anh ấy vào quan tài, tôi nhìn kỹ vào gương mặt người chết. Tôi thấy ở đó sự thông tuệ, lương thiện. Tôi cảm nhận rằng anh ấy đã bị giết oan.
Trong màn đêm hiện ra mấy bóng người.
– Đội hành quyết đến.
Ai đó nói.
Mọi người đổ xô ánh mắt về phía có những người mới tới. Những người cầm súng câm lặng.
Phạm nhân lãnh án tử hình hôm ấy là một phụ nữ phạm tội giết con riêng của chồng. Người đàn bà run lẩy bẩy, đứng không vững mặt méo xệch lại và rên lên từng cơn dài xin tha tội chết. Người ta cột cô ta vào cây cột thép.
Trong thinh lặng, những tiếng nổ đinh tai trùm lên không gian. Những đường đạn đỏ lòe vây phủ, xuyên qua thân xác người đàn bà găm vào chân đồi đá trắng.
Hà Nội, xóm Hồng 11-12-2004