ĐÔI CHIM SẮC Ô
Truyện của Lê Đăng Kháng
Trên sân thượng lầu ba nhà Đạt, ba Đạt xây những ô vuông rồi đổ đất vào để trồng các loại hoa và cây cảnh. Có những cây cọ là mau lớn bởi ba mua phân tổng hợp xơ dừa về bón. Ba phân công cho Đạt cứ chiều đi học về phải tưới nước cho cây thành ra các loại cây rất mau lớn. Có cây đã ra hoa như hoa hồng nhung, hoa nhài tỏa hương thơm ngào ngạt mỗi sớm mai. Cây cọ không ra hoa nhưng lá của nó có màu xanh bạc xòe ra như những chiếc ô con lấp lánh trông rất ấn tượng mỗi khi có làn gió thổi qua.
Nhưng một tuần nay những cây cọ này đã đem đến cho Đạt một niềm vui mới. Các bạn có biết chuyện gì không? Mà niềm vui đã khiến Đạt học chăm hơn, bằng chứng là Đạt luôn được cô cho điểm 9 và 10 môn Toán và Tiếng Việt. Một niềm vui đã lan tỏa trong việc học tập của Đạt, đúng như vậy đấy.
Đó là trên cây cọ có một đôi chim bay về làm tổ.
Nhà Đạt chỉ ở lầu 1 và tầng trệt, lầu 3 ít sử dụng nên vắng vẻ. Hôm đó Đạt lên lầu 3 để nhìn sang cây mận xem có quả chín không thì thấy đôi chim bay vụt từ cây cọ ra Đạt tiến lại gần thì phát hiện một tổ chim như chiếc giỏ xinh xinh đan bằng sợi cỏ và râu ngô êm mượt như nhung đã treo ở đó. Đôi chim không bay đi xa mà cứ đậu trên cây mận ngóng về tổ kêu dáo dác. Đạt vội vào nhà nép trong cánh cửa thì lát sau đôi chim lại bay về. Đôi chim đẹp quá, chiếc mỏ nó hồng hồng, bụng màu nâu, trên lưng màu xanh đen, cổ có khoang trắng.
Đạt về khoe với ba:
– Ba ơi trên cây cọ ở lầu 3 nhà mình có một tổ chim, con chim gì ấy đẹp lắm, ba biết nó là chim gì không ba?
– Ba chưa biết con ạ. Ba phải nhìn thấy đã rồi mới trả lời con được, có khi ba phải hỏi ông Năm chuyên đi bẫy chim mới biết được.
– Sao ông Năm cứ đi bẫy chim hoài vậy ba?
– Ơ , để ông ấy đem bán đổi gạo con ạ. Nhà ổng nghèo lắm.
Đạt lại hỏi:
– Sao ông Năm không đi làm xí nghiệp mà cứ bẫy chim? Con thấy tội nghiệp mấy con chim ông Năm bắt được quá.
– Rồi lâu dần ông Năm cũng phải chuyển nghề khác thôi con. Xóm mình giờ còn ai nuôi chim cảnh nữa đâu – Ba Đạt trả lời.
– Ba hỏi ông Năm xem con chim đến nhà mình làm tổ là chim gì ba nhé.
Chiều đó ba Đạt trả lời sau khi hỏi qua ông Năm. Đạt được biết đó là loại chim sắc ô. Chim này ăn sâu bọ và ăn lúa. Từ đó Đạt liền nói với mẹ đi chợ mua lúa về rắc gần tổ chim, rồi Đạt đứng trong khe cửa quan sát thấy quả nhiên đôi chim sà xuống ăn lúa, nhưng lũ chim sẻ cũng bay về ăn ké. Lũ chim cùng ăn nhưng chúng lại không mổ nhau như những đàn gà khác bầy. Sao thế nhỉ? Chúng cùng ăn, cùng kêu ríu rít và có vẻ nhường nhịn nhau nữa. Từ nay nhà Đạt có rất nhiều niềm vui.
Đạt hân hoan ra mặt. Rồi Đạt nghĩ hôm nào phải khoe với bạn Tuấn cùng lớp, để Tuấn cũng chung niềm vui này mới được.
Mẹ Đạt đã bảo, chim về làm tổ là vui lắm, con đừng phá tổ chim nhé. Dĩ nhiên Đạt vâng lời mẹ, cậu không bao giờ có ý định phá tổ chim cả. Ngay cả khi tưới cây Đạt cũng dùng ca múc từng ca nước tưới vào gốc cây, chứ không dùng vòi xịt nước lỡ làm ướt tổ chim.
Chiều nay Đạt tưới cây, con chim thấy động liền bay lên cây mận. Đạt ngó vào tổ chim như chiếc giỏ xinh xinh, thì trời ơi! Vui làm sao trong tổ đã có hai quả trứng màu nâu nhạt, lốm đốm điểm trắng và xanh đen. Đạt chạy vào khoe với mẹ:
– Mẹ ơi! Tổ chim nhà ta đã có hai trứng rồi.
Mẹ Đạt cũng vui lây:
– Vậy là may mắn lắm đấy con ạ. Nó sẽ ấp trứng và nở ra chim con. Rồi lũ chim sẽ lớn lên, cũng sẽ làm tổ ở nhà ta cho mà xem.
– Thật không mẹ? Thế thì vui quá. Nhà mình sẽ có chim làm tổ nhiều nữa.
*
Nghe tiếng chuông ngoài cổng, Đạt hồi hộp chạy ra mở cổng thì đã thấy Tuấn dắt xe đứng đó.
Tuấn hỏi Đạt:
– Mẹ mày có nhà không? Có cho tao xem tổ chim được không.
Đạt không ưa Tuấn cứ nói mày, tao. Cô giáo đã dạy rồi xưng hô mày, tao là không lịch sự. Đạt ngần ngừ:
– Mẹ mình không có nhà… thôi bạn vào đi. Nhưng mình nói trước bạn chỉ được xem thôi, không có được sờ tay vào tổ chim, có hơi người nói bay đi đó.
– Yên chí! Tao chỉ ngó qua thôi- Tuấn vẫn tự tin – mày không phải lo.
Cả Đạt và Tuấn lên lầu ba. Gần đến tổ chim, Đạt rón rén nhẹ nhàng, nhưng Tuấn đã xộc đến, con chim thấy động bay vụt lên cây mận. Tuấn reo lên:
– A! Con chim gì mà đẹp quá. Cổ nó có khoang trắng nữa.
Đạt thì thầm:
– Bạn chỉ được ngó qua thôi nhé.
– Đã bảo yên chí đi mà – Tuấn trấn an bạn.
Hai bạn đến bên tổ chim nhìn vào, Tuấn reo lên:
– A! Nó đẻ trứng nữa, trứng của nó mới đẹp làm sao.
Tuấn thọc tay vào tổ lấy ra một quả trứng màu hồng.
Đạt la lên:
– Ấy chết! Đã bảo không được mà – Đạt giữ tay Tuấn lại.
Quả trứng nhỏ xinh trên tay Tuấn rơi xuống thềm hiên, nghe một tiếng “bép”. Quả trứng đã vỡ tan, nó có đủ cả lòng đỏ và lòng trắng nhưng đã nằm bẹp dưới hàng hiên nhà Đạt.
Đạt như mất hồn:
– Thôi chết! Làm sao bây giờ. Tao bắt đền mày đấy – Đạt đã đổi cách xưng hô với Tuấn.
– Nó sẽ đẻ trứng khác mà.
– Trứng khác cái gì. Nó bỏ đi thì có. Mày chỉ phá thôi. Mày ra khỏi nhà tao ngay – Đạt xô Tuấn – về đi về đi!
– Rồi nó lại đẻ thêm trứng mới, chứ gì mà mày làm dữ ghê vậy.
– Tao đã nói – Đạt kiên quyết – mày không phải là người giữ lời hứa. Ra ngay, ra khỏi nhà tao ngay.
Vừa lúc đó mẹ Đạt đi chợ về, biết chuyện liền khuyên nhủ:
– Tuấn sai rồi, cháu xin lỗi bạn Đạt đi. Lần sau cháu nên cẩn thận, không phá tổ chim của Đạt nữa nhé. Cháu đứng nhìn một lát rồi đi được rồi, làm gì phải lấy trứng ra xem nữa.
Đạt kiên quyết mở cổng yêu cầu Tuấn dắt xe ra. Mặt Tuấn thoáng buồn, cậu lủi thủi dắt xe ra. Xem như hai bạn đã chấm dứt tình bạn từ đây.
Tuấn về rồi, mẹ Đạt mới nói:
– Bạn cũng lỡ rồi con ạ. Con làm vậy thì hai bạn còn chơi với nhau được không? Dù sao Tuấn cũng là bạn tốt, từng cho con mượn vở chép bài tập toán hôm con sốt siêu vi đó. Thôi, mai đi học nhớ làm hòa với bạn đi. Bạn không nói ra nhưng bạn biết lỗi với con rồi đó, có được tình bạn giúp đỡ nhau trong học tập là tốt lắm, con nên nhớ.
Đạt còn giận Tuấn nên chỉ vâng, dạ lấy lệ với mẹ. Thực ra trong bụng Đạt còn giận Tuấn. Nếu bây giờ đôi chim bỏ đi thì niềm vui của Đạt đâu còn nữa. Mẹ Đạt đã dọn sạch chỗ quả trứng bị dập vỡ để kiến không bu đến, nếu có kiến có thể còn sẽ đốt chim đau nữa. Đạt phụ mẹ lấy nước lau rửa hàng hiên cho sạch, còn trong bụng Đạt thì vẫn mong sao cho chiều nay đôi chim vẫn bay về tổ như mọi ngày.
Tưới cây xong, mới độ 6h chiều Đạt vào nhà nhìn qua khe cửa thì vui làm sao, đôi chim đã bay về đậu trên tàu lá cọ, nó cất tiếng kêu thảng thốt như báo một điềm chẳng lành. Lát sau im ắng con chim bay vào tổ.
Đạt thở vào nhẹ nhõm. Tối đó Đạt ngủ một giấc ngon. Nhưng Đạt sẽ có một thái độ với Tuấn.
*
Chiều nay gặp Tuấn ở lớp, Đạt không chào lại còn lánh mặt đi. Nhưng Tuấn thì có vẻ muốn nói chuyện. Cuối cùng thì Tuấn cũng bắt chuyện trước:
– Đạt ạ! Con chim hôm qua có bay về tổ không?
– Chưa biết nữa… không thấy gì cả – Đạt bỏ lửng.
Đạt với Tuấn cùng ở tổ 1 lớp 4B. Hai bạn lại ngồi cạnh nhau. Nhưng trong giờ học hôm nay, hai người vẫn không nói hoặc hỏi nhau một tiếng.
Đến giờ họp lớp. Đạt xin cô chuyển chỗ.
– Thưa cô! Cho em chuyển bàn khác. Em không ngồi với bạn Tuấn nữa.
Cô Hòa bèn hỏi:
– Có chuyện gì mà không ngồi với nhau được. Thôi em ngồi đó đi, đừng làm xáo trộn lớp nữa.
– Thưa cô! Em không ngồi được. Em ngồi đây học sẽ không tốt.
– Tại sao? – Cô Hòa hỏi.
– Dạ… tại vì… Đạt ấp úng.
Tuấn thấy vậy đứng lên:
– Thưa cô! Bạn Đạt không chơi với em nữa. Tại vì hôm nọ em đến nhà bạn chơi, em trót làm vỡ một quả trứng chim trên cây cọ nhà bạn.
– Hai em ngồi xuống đi – Cô ra hiệu cho cả hai ngồi xuống – Tổ chim thì quý thật. Nhưng bạn lỡ tay có gì mà em giận lâu vậy.
– Thưa cô! Em đã nói trước là chỉ ngó thôi, bạn còn thò tay vào lấy trứng ra làm dập vỡ ạ.
– Thì cô đã nói bạn lỡ tay. Thôi Tuấn xin lỗi Đạt đi.
Tuấn ấp úng:
– Cho… Tuấn xin lỗi nhé.
– Hoan hô Tuấn – Cô Hòa động viên – các bạn vỗ tay mừng hai bạn đi.
Cả lớp vỗ tay rào rào mừng hai bạn bỏ qua xích mích không đáng có.
Chiều tan học Tuấn dắt xe đi cùng Đạt về nhà. Hai người chưa ai biết mở đầu câu chuyện ra sao thì Tuấn nói:
– Con chim còn bay về không? Tuấn ân hận quá, cho Tuấn xin lỗi Đạt nhé – Tuấn chưa dám xưng hô mày, tao như mọi khi với Đạt.
– Lên xe Tuấn chở đi, làm gì giận lâu quá vậy Đạt. Mình là con trai mà. Thôi, bỏ qua nhé – Tuấn giơ tay, Đạt nắm lấy tay Tuấn sau một phút ngần ngừ.
Đạt nói:
– Mấy bữa nay mình không để ý. Nhưng tối đó nó có bay về rồi kêu lên mấy tiếng.
Thế là hai bạn cùng lên xe của Tuấn để về nhà.
Ngay chiều hôm đó Đạt ra xem con chim còn về tổ hay đã bỏ đi rồi. Một sự việc làm Đạt quá vui, là tổ chim đã có bốn trứng màu nâu, đốm trắng và xanh đen. Con chim mẹ không bay đi xa, mà bay lên cành mận đậu rồi kêu lên mấy tiếng: “croót … croót”.
Đạt liền khoe với mẹ. Mẹ Đạt bảo:
– Mẹ đã biết từ mấy hôm nay. Nó đang ấp trứng nên không bay xa tổ. Chỉ khi nào con chim bố bay về thay ấp thì chim mẹ mới đi ăn.
Mẹ Đạt vẫn rải lúa gần tổ chim, để chim sắc ô và chim sẻ cùng ăn, chúng kêu ríu rít nghe rất vui.
Đạt lại hỏi:
– Sao nó lại đẻ đủ cả bốn trứng hả mẹ?
– À! Nó đang kỳ đẻ, nếu chẳng may trứng bị rơi hoặc bể trứng nào đó, nó liền đẻ bù vào cho đủ. Giống chim sắc ô này và một vài loài chim sẻ cũng vậy. Không như chim câu hoặc chim cu chỉ đẻ có hai trứng đâu con ạ.
Mẹ nhắc Đạt phải mất ba tuần liền chim ấp trứng mới nở “cho nên con không được ra ngó nữa, mà để chim con nở ra thì sẽ rất vui”. Chim bố, mẹ phải mất hai tuần kiếm mồi về mớm. Rồi chim con sẽ lớn đủ lông, đủ cánh và bay đi một thời gian. Đến khi trưởng thành chim sẽ lại về làm tổ.
Ba tuần với Đạt sao mà lâu như cả một năm vậy. Một buổi chiều kia đi học về, Đạt nghe trong tổ phát ra những tiếng kêu líu ríu. Từ trong khe cửa quan sát, Đạt thấy hai con chim bố, mẹ liên tục bay về mớm mồi cho lũ con. Trong lòng Đạt rạo rực quá chừng. May sao chim không bỏ đi, mà còn đẻ thêm đủ bốn trứng nay đã nở con.
Thừa lúc chim bố, mẹ bay đi, Đạt lẻn ra xem thì thấy bốn con chim non còn nhắm mắt, cái miệng nó còn mép vàng, cứ mở ra liên tục đòi ăn khi Đạt huýt sáo. Đạt đứng độ một phút thì chim bố, mẹ bay về đậu trên cành mận, lại kêu lên “croót … croót”, như ngăn Đạt không được phá tổ của chúng. Đạt liền biến ngay vào nhà, đóng cửa lại khoe với mẹ:
– Mẹ ơi! Chim đã nở đủ bốn con rồi, cái miệng nó cứ há ra đòi ăn, vui lắm mẹ ạ.
– Ờ, con đừng phá nhé. Để cho chim bố, mẹ mớm đủ mồi cho chim con mau lớn.
– Dạ! Con nhớ rồi.
*
Bốn con chim thật mau lớn, đã nằm kín cái tổ xinh xinh. Một ngày cuối tuần đúng vào chủ nhật, Đạt rủ Tuấn đến nhà xem chim. Cả bốn con đã rụng mép vàng, đã bay vù từ tổ chim sang cành mận theo chim bố, mẹ. Chim bố, mẹ không bay đi xa mà cứ đậu một chỗ kêu đủ bốn con cùng tung cánh bay ra đậu trên cây mận. Có con út nhất vẫn còn vỗ cánh há miệng đòi mớm, nhưng chim bố không mớm, mà cứ kêu như thôi thúc mời gọi. Rồi lát sau cả đàn bay đi. Thế là từ nay chim non đã đủ lông cánh bay xa.
Tuấn hỏi Đạt:
– Liệu nó có bay trở về nữa không nhỉ?
Đạt bứt một chiếc lá mận tỏ vẻ tiếc nuối:
– Mẹ mình nói, khi nào đến mùa sinh sản chúng nhớ tổ sẽ bay về, làm thêm tổ và đẻ trứng rồi lại ấp…
– Lúc đó tụi mình lên lớp 5 rồi đấy nhỉ?
– Ừ, có thể sớm hơn – Đạt tỏ ra hiểu biết – nhưng nhất định chúng sẽ bay về vườn cây nhà mình làm tổ, mình yêu nó thì nó sẽ về thôi. Bạn yên chí đi.
Hai bạn bất giác nắm tay nhau, cùng hứa hẹn học tập giỏi hơn, mong ngày đàn chim sắc cô kia sẽ trở lại.
Trại viết Vũng Tàu
04/11/2012
Lê Đăng Kháng