Bức tranh “Hoa diên vĩ” của Van Gogh

Trong số các danh họa của nhân loại, Vincent Willem Van Gogh (1853 – 1890) có lẽ là người mà cuộc đời ngắn ngủi 37 năm chứa đựng nhiều yếu tố, chiều bề huyền thoại, bi kịch, và ẩn khuất nhất.

Hơn một thế kỷ qua, trên khắp thế giới, người ta đã và vẫn tiếp tục viết, in ấn hàng chục vạn trang sách về người khổng lồ Hà Lan này, gồm nhiều thể loại: Nghiên cứu, tổng tập, tiểu sử, tiểu luận, bình giải, phân tích, thậm chí cả tiểu thuyết. Riêng về tiểu sử, hoặc công trình mang tính tiểu sử, đã có hàng chục cuốn của các chuyên gia và nhà nghiên cứu có uy tín như: Dieter Beaujean, Victoria Charles, Rainer Metzger, Ingo F. Walther, Henri Perruchot, Jose Feron Romano, David Sweetman, Jan Hulsker …

Dịch giả Phan Hồng Hạnh, một người sống và viết ở Pháp, đã chọn chuyển ngữ một trong số những tác phẩm tiểu sử Van Gogh được soạn gần đây nhất và được coi như một công trình sâu sắc với một tiếp cận độc đáo (*). Năm 2008 tác phẩm này đã được tặng giải thưởng của Viện Hàn lâm Pháp. Tác giả của nó, David Haziot, một nhà văn được đào tạo chuyên ngành triết học, đã xuất bản khoảng một tá đầu sách gồm nhiều thể loại: Tiểu thuyết, tiểu sử, truyện tranh… Năm 2012, ông đã đoạt giải thưởng danh giá Goncourt về thể loại tiểu sử.

Bắt tay vào viết tiểu sử Van Gogh, một nhân vật phi thường mà công chúng đại trà đều ít nhiều nghe nhắc tới, chí ít cũng qua từng mẩu chuyện nhỏ, nhất là sau hàng núi ấn phẩm đã xuất bản trước đó về ông, là một thách thức không nhỏ. David Haziot chấp nhận thách thức ấy, không chịu áp lực, hồn nhiên như thể mình là người đầu tiên. Dù sao mặc lòng, ông là người duy nhất ngay từ đầu đã đặt nhân vật của mình dưới một góc độ đặc biệt: Đứa hài nhi chết ngay lúc lọt lòng của gia đình Van Gogh vào ngày 30.3.1852 để lại cái tên Vincent Willem cho em trai sinh tròn một năm sau, đúng ngày đúng tháng. Vincent ra đời như một kẻ “thế chỗ”. Một dẫn nhập khác vào thế giới của thiên tài trời nguyền Van Gogh.

Cuốn sách, mà ta có thể đọc say mê như một tiểu thuyết, kể lại, với những chi tiết không giải thích gì mà nói lên tất cả, quá trình từ bỏ con đường giáo sĩ để tận hiến cho hội họa của Vincent, tiến diễn hội họa của ông, tình anh em cảm động đến xót xa giữa Vincent và Théo, mối quan hệ đầy khúc mắc với Gauguin, những cơn bệnh tâm thần, những ảo giác, thời kỳ điều trị nội trú ở bệnh viện Saint-Rémy và cuối cùng, phát súng tự bắn vào ngực giữa cánh đồng lúa mì một chiều tháng 7 năm 1890, mặc dù không một khẩu súng nào được tìm thấy ở hiện trường.

David Haziot cũng cho ta thấy “tác phẩm của Van Gogh không phải bao giờ cũng buồn và bi thảm (mà) đôi khi nó toát ra một hạnh phúc được hiện hữu không gì sánh tày”. Ánh sáng ấy rọi tỏ một tính nhân bản mênh mông trong trái tim Van Gogh. “Càng nghĩ – viết cho người em trai Théo – anh càng cảm thấy không gì thật sự nghệ thuật hơn yêu người”.

Không tham vọng xóa đi những khoảng bóng tối trong cuộc đời đầy biến cố của Van Gogh, người đọc theo chân nhà văn David Haziot bước vào thế giới của thiên tài ngoài mọi chuẩn mực này trong cái mà André Breton gọi là “cái cốt lõi tối tăm không thể đập vỡ” của ông.

Theo Dương Tường – Lao động cuối tuần (số 21 ngày 23/05/2015)

Exit mobile version