Mang tâm tưởng ấy, tôi đọc tập thơ Lững thững xanh của Nguyễn Anh nông. Tập thơ có 369 bài mô “phỏng theo” thơ haiku Nhật Bản. Thơ haiku rất ngắn, song hàm súc, đa âm nghĩa. Một bài Hai Ku chỉ có 3 dòng. Dòng đầu và dòng thứ 3 đều có 5 từ, dòng thứ 2:7 từ. Khi nói tới Hai Ku người ta thường nghĩ đến nhà thơ Nhật Bản kiệt xuất Matsuo Basho (1644-1694). Thơ haiku thường mỗi câu đã đủ ý, có thể đứng độc lập; song cũng có nhiều bài các câu kết nối với nhau, bổ sung cho nhau làm nên sự lung linh tỏa sáng của bài thơ.
Đề cập đến nhiều vấn đề, góc cạnh của đời sống, mối quan hệ. Tình yêu con người, vẻ đẹp thiên nhiên, nỗi bất hạnh và khổ đau, chia li và hạnh ngộ… tập thơ Lững thững xanh cho ta một cái nhìn bao quát về nhân tình thế thái, vẻ đẹp, long vị tha, cả những trở trăn, sự bất an giữa một xã hội đang từng ngày vận động; ở đó có những điều đã được định hình và chưa định hình theo một mô thức Hai Ku. Lật dở ta bắt gặp trong tập có những bài khá thú vị mà rất haiku: Ba Vì hay Tam Đảo/ Em đứng ngóng chờ ai? Gió mưa bao giờ tạnh. Mượn cảnh vật để nói tâm trạng con người: Tiếng ve kêu ruỗng đêm/ Ánh trăng non rạo rực/ Cây súng lạnh âm thầm. Cuộc chia tay người đi người ở, bài thơ 17 chữ không có chữ buồn nào, song người đọc vẫn nhận ra một nỗi buồn mênh mông xa xót: Sáng nay một mình anh/ Đi về miền sương gió giá lạnh/ Em nhìn theo âu sầu. Rồi nữa khi mùa xuân sang, mùa xuân đất trời mà cũng là mùa xuân của long người: Tiếng lá rừng xôn xao? Mùa xuân về trước ngõ, nôn nao/ Mắt môi như lộc biếc…
Trong thơ haiku sự mặc định số câu trong bài, một số chữ trong một câu cho người đọc cảm thức chặt chẽ trong cấu tứ và khắt khe trong từ ngữ. Chính vì thế người viết thơ haiku không thể nhiều lời để diễn giải hay lý sự. Có lẽ nhận ra cái khó này mà trong tập Lững thững xanh có khá nhiều bài Nguyễn Anh Nông đã dùng thủ pháp mô phỏng, biến tấu haiku để chuyển tải điều mình muốn nói. Ở đây, tôi không dùng chữ” cách tân” vì e nó không ổn. Chính sự không trung thành này với “ niêm luật” haiku này mà anh đã có được những bài thành công: Cần cù/ Nàng mải miết cấy cày, gieo vãi/ Vun tháng ngày nặng hạt trỗ bông thơm. Hay: Đôi khi nhớ mẹ/ Không nói năng gì/ Buồn ngồi ngắm gốc si. Rồi: Mộng mơ/ Thầm yêu trộm nhớ/ Phía trời xa mưa gió phập phù. Song cũng có những bài cấu tứ lỏng lẻo, câu chữ khó hiểu: Chó chui gầm giường/ Mát và bụi/ Xì xèo, im tiếng. và: Không nói chẳng cười/ Lừ đừ xe ủi/ Hất tung âu sầu. Rồi: Chạng vạng/ Lá thu rơi/ Bì bõm mặt trời v.v…
Sau những tập thơ, trường ca: Bàn tay lá cỏ, kỵ sĩ ngựa gỗ, Mây bay, Những tháng năm ở rừng, Trường Sơn…Nguyễn Anh Nông chuyển ngòi bút sang thể nghiệm ở dạng thơ ngắn. Sự mạnh dạn tìm tòi là điều đáng khích lệ dẫu có cái được và cái chưa được. Được và chưa được đều phải lao tâm khổ tứ. Không có sự thành công nào lại không đẫm đầy mồ hôi và nước mắt…
Nhìn chung, thơ Nguyễn Anh nông cho tới tập Lững thững xanh đã có bước tiến khá rõ.
HN, 5/2011
Lê Văn Vọng
Nguồn: Blog Nguyễn Bao.