Đọc tập truyện ngắn Nàng Măng (Liên Việt & NXB Hội Nhà Văn, 2012), nhà văn Di Li giới thiệu…
Không hề khô khan, khuôn mẫu, tập truyện ngắn Nàng Măng (công ty sách Liên Việt và NXB Hội Nhà Văn phát hành), tuyển chọn 12 truyện ngắn đã in trên báo Nhân dân hằng tháng trong suốt năm 2012 cho thấy sự mềm mại, uyển chuyển và tính nghệ thuật của mảng văn nghệ trên ấn phẩn này.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa cũng nói rằng: “Qua những tác phẩm này, ta cũng hiểu được trình độ, quan niệm và thẩm mỹ nghệ thuật của những người làm báo Đảng… Nói cho thật công bằng, trong tập sách này, không phải truyện ngắn nào cũng xuất sắc cả. Cũng như một bữa tiệc thịnh soạn, có rượu mạnh, rượu nồng, cũng phải có cả nước lã để… giã rượu. Và như thế, ngay cả một truyện bàng bạc, xinh xẻo, nếu tách ra, nó rất mong manh, nhưng đứng trong cả đội hình, nó lại vững mạnh và phát huy được hiệu quả. Hiệu quả của sức mạnh ấy là sự đa dạng, phong phú. Mười hai tác phẩm là mười hai giọng điệu khác nhau, cấu trúc khác nhau… ”.
Trong 12 truyện ngắn, Ngồi mà xem đấu của Nguyễn Tham Thiện Kế có giọng kể đặc trưng của tác giả: Gấp gáp, câu ngắn, âm thanh va vào nhau chan chát qua những tính từ thậm xưng. Câu chuyện xoay quanh một đám người buôn lậu qua biên giới, tình huống khốc liệt mô phỏng sự làm ăn sinh sống của đám người trên biên giới và sự ứng xử của họ, tác giả đã để người đọc tự suy ngẫm và bình luận về luật nhân quả. Thông điệp của truyện ngắn không mới nhưng ngôn ngữ dẫn chuyện của nhà văn thì mang phong cách riêng: bặm trợn và đôi phần nghiệt ngã.
Còn truyện ngắn Chờ tuyết rơi của Đặng Thiều Quang, như thường lệ, vẫn mênh mông nỗi cô đơn không thể chia sẻ, vẫn ngập tràn thứ chủ nghĩa hiện sinh của sự hưởng thụ trong cơn tuyệt vọng không cách nào khỏa lấp. Một bà cụ ngồi trên xe lăn và nghe bản tin thời tiết thông báo rằng tuyết đã rơi ở Sapa. Bà nhớ về cuộc tình ngắn ngủi cay đắng nhiều thập niên trước, khi còn là một cô gái trẻ rực rỡ và khêu gợi. Câu chuyện có phần khiên cưỡng, như một số tác phẩm khác của nhà văn Đặng Thiều Quang, nhưng nó thành công ở không khí buồn thương, khi tác giả xót xa và đắng đót thay cho một thời tuổi trẻ.
Trái lại, nhà văn Y Ban, gần đây vẫn thường xuyên thay đổi khẩu vị độc giả bằng 3 truyện ngắn mini, song vẫn với văn phong sắc sảo, đáo để quen thuộc đã đóng góp cho tập sách 3 truyện ngắn nhỏ bé nhưng đậm sắc thái trào lộng. “Sống ở đời đến khi nào ta khôn?” là câu chuyện Khôn ngoan không lại ý Trời với những luẩn quẩn cay đắng về một chiếc săm xe máy cũ. Vợ chồng công chức tiếc tiền thay săm, đến khi đối mặt với đinh tặc thì biết rằng mình đã tính quẩn. Cái săm cũ, ấy chính là cuộc đời công chức nghèo nàn, khốn khổ và buồn tẻ trong xã hội. Rồi lại một câu hỏi khác “Việc giết chết một cái cây có khó không?”, tác giả đã lý giải: “Nơi đây cứ cái gì được đổ tiền vào để bảo tồn thường nhanh chết nhất”.
Đối lập với những câu chuyện hiện thực của Y Ban, Nguyễn Tham Thiện Kế, Đỗ Tiến Thuỵ, Nguyễn Văn Thọ…, bút pháp huyền ảo của Hồ Tĩnh đã khiến truyện ngắn Nàng Măng nhuốm màu cổ tích và huyền thoại. Tình yêu là đề tài bất tận. Tình yêu trong các truyện ngắn Nàng Măng, Chờ tuyết rơi và Hạc trắng dù khác nhau về bối cảnh, nhân vật, không khí và thủ pháp nghệ thuật nhưng có chung một nỗi xót xa, đắng cay và khổ đau của những con người đang yêu, hạnh phúc tận cùng mà cũng bất hạnh tận cùng.
Đọc tập truyện này, nhà văn Sương Nguyệt Minh cũng chia sẻ rằng “Nàng Măng đa giọng điệu trong một dàn hợp ca thống nhất với bản tổng phổ đẹp và sang: Một Y Ban Hoa gạo rụng hài hước, trào lộng đến chua xót. Một Hà Phạm Phú Những lá thư gửi Rồng giễu nhại cay đắng. Một Đặng Thanh Phương Cha tôi cùng biển rộng chân mộc, dung dị. Một Đặng Thiều Quang Chờ tuyết rơi nhỏ nhẹ, dịu dàng v.v… Chính sự khác nhau bởi góc nhìn hiện thực, khác nhau ở giọng điệu khiến cho tập truyện ngắn vượt qua được sự đơn điệu để hấp dẫn, quyến rũ bạn đọc”.
Nguồn: Thể thao & Văn hóa