“Tôi nghĩ đã đến lúc phải để đàn ông làm nhân vật chính của câu chuyện tình. Bởi anh ta yêu và đau khổ…” – nữ nhà văn Ba Lan Grazyna Plebanek nói về cuốn tiểu thuyết Quan hệ không hợp pháp (Illegal Liaisons) của chị.

Từ góc nhìn của phụ nữ, đàn ông là sinh vật khá… máu lạnh. Phụ nữ thường nói, sau các mối quan hệ (hợp pháp hoặc không) đổ vỡ, họ thường là phe khốn khổ hơn, chịu hậu quả (vô hình và hữu hình) lớn hơn, là phe hứng chịu tổn thương dài lâu về tâm lý và danh tiếng. Còn đàn ông nhiều khi cứ khiến phụ nữ phải thắc mắc rằng họ có trái tim hay không.



Bìa sách Quan hệ không hợp pháp.

Nghĩ thế là có cơ sở, bởi hầu như đàn ông nếu có đau khổ vật vã vì lỡ ngoại tình bằng cả trái tim thì điều đó chỉ thể hiện trong lòng hoặc trước mặt tay bạn thân duy nhất. Vợ con không biết, người quen không biết, người tình thì chỉ biết sơ sơ vì hắn chỉ bộc lộ một phần cảm xúc. Trước muôn vàn con mắt của xã hội, hắn vẫn là kẻ tệ hại, ngay từ đầu đã là kẻ xấu.

Trong Quan hệ không hợp pháp, “hắn” tên là Jonathan, một nhà văn (cách dịch đại từ chỉ nhân vật là “hắn” của dịch giả dường như cho thấy mẫu đàn ông ngoại tình không xứng gọi là “anh”?). Mặc dù vậy, góc nhìn của tác giảGrazyna Plebanek, một cây bút vững vàng và tinh tế, thì trung tính hơn quan niệm xã hội nhiều. Và cảm thông hơn nhiều. Một khi nhà văn đã chọn mẫu người nào làm nhân vật chính thì đối với mẫu người ấy, họ không thể chỉ có ghét bỏ.

“Tôi tò mò về cảm nghĩ của đàn ông về đam mê. Theo truyền thống, đam mê là chuyện của phụ nữ, trong cả cuộc sống và nghệ thuật. Chúng ta có Anna Karenina, người đàn bà ngoại tình tuyệt vọng, còn người chồng Karenin thì luôn lạnh lùng. Giờ đây, tôi thấy đàn ông ngày nay giống Anna hơn là Karenin” – tác giả Grazyna Plebanek, một nhà văn được yêu thích ở Ba Lan hiện nay, từng nói về tác phẩm.

Và phụ nữ ngày nay thì đẹp. Trong số những người đẹp đó, có rất nhiều người… không phải vợ. Andrea chẳng hạn. Jonathan phải lòng người tình vì một nguyên do không mấy đặc biệt: cô đẹp đẽ và luôn hút mắt đàn ông. Điều đặc biệt là anh lại lỡ yêu cô hơn mức cho phép. “Hơn mức cho phép” là thế này, trẻ con thì đơn giản (yêu hay không yêu), còn người lớn, nhất là đã có gia đình, thì phức tạp hơn: yêu mấy phần trăm? Yêu theo kiểu chỉ lên giường là vui rồi hay còn có nhu cầu nâng niu, chăm sóc, gắn bó? Ở đây, chuyện ngoại tình của Jonathan, ban đầu là thỏa mãn đam mê, dần dần trượt theo hướng nghiêm trọng. Nghiêm trọng không phải vô hình mà hữu hình hẳn hoi: Andrea có bầu.

Thứ nhà văn dành nhiều trang để mổ xẻ chính là “tâm trạng khi yêu” của người đàn ông ngoại tình. Ngoài ra, còn những cảnh nóng chi tiết được viết khéo léo – tác giả Plebanek là một cây bút có thương hiệu của Ba Lan, không viết kiểu khiến người đọc thấy như nhai sỏi trong miệng như trường hợp Fifty Shades of Grey (50 sắc thái), dù cả hai tiểu thuyết đều thuộc dòng lãng mạn, “erotic” (khiêu dâm).

Hơn nữa, ngoài chủ đề “đàn ông ngoại tình” vừa hiếm hoi vừa dễ gây tò mò, nhà văn Plebanek còn phản ánh trong sách cuộc sống của cộng đồng người Ba Lan di cư sang Bỉ, những va chạm sắc tộc và đời sống tinh thần của họ, khiến tác phẩm có ý nghĩa xã hội hơn so với một câu chuyện tình ngoài luồng đơn thuần.

Quan hệ không hợp pháp, bản dịch của Nguyễn Thị Thanh Thư, NXB Trẻ ấn hành.

Exit mobile version