(TT&VH) – Luận bàn minh triết và minh triết Việt (NXB Tri Thức 2012) là cuốn sách mang nguyên vẹn những giá trị tư tưởng, văn hóa từ khối óc và trái tim của nhà nghiên cứu Hoàng Ngọc Hiến (1930-2011). Qua cảm nhận của nhà phê bình Văn Giá, chân dung Hoàng Ngọc Hiến một lần nữa được khắc họa từ phía sau những trang sách của ông. Một nén tâm hương của người học trò dâng lên kính Thầy trong ngày đầu Thu khai trường!


Nhà nghiên cứu Hoàng Ngọc Hiến

1. Tôi là người may mắn được đọc cuốn sách này khi dang còn ở dạng bản thảo. Đó là lần chúng tôi mời nhà nghiên cứu Hoàng Ngọc Hiến giảng chuyên đề này cho sinh viên Viết văn. Ông bảo: “Các cậu đem photo cuốn này ra cho sinh viên đọc trước để tiện theo dõi”.

Ông lên lớp tổng cộng 3 buổi. Ai ngờ, đó là những giờ giảng cuối cùng trong đời nhà giáo của ông. Chỉ sau đó chưa đầy 2 tháng, ông đã đi về cõi vô cùng.

Tôi nhớ có lần trò chuyện với cánh nghiên cứu trẻ, trong đó có tôi, ông bảo: cách chiếm lĩnh một ngành khoa học nào đó là chỉ cần nắm vững một số khái niệm cốt yếu nhất của nó thôi là đủ; chẳng hạn, phân tâm học chỉ có vài khái niệm cốt yếu; đó là những code (mã), nắm được chúng tức là chiếm lĩnh được ngành khoa học đó.

Thật chí lý. Tôi đem tinh thần đó vào đọc các lý thuyết. Và cũng thế, đem đọc vào công trình này của nhà nghiên cứu Hoàng Ngọc Hiến.

Đó là một loạt các khái niệm và những cách nói thuộc một kiểu diễn ngôn đặc trưng rất Hoàng Ngọc Hiến (trước công trình này, người ta vẫn hay nhắc đến ông với bảng từ vựng độc quyền của ông như: đích đáng, hiện thực phải đạo, trí thức bình dân, văn học âm/dương tính, kể nội dung/ viết nội dung, “có” và “là”, “cái nước mình nó thế”)…


Bìa cuốn sách Luận bàn minh triết và minh triết Việt

2. Ông phân biệt giữa minh triết và triết học một cách nồng nhiệt. Hoàng Ngọc Hiến ở mọi nơi, mọi lúc, mọi công trình đều mang một tinh thần nồng nhiệt như thế. Ông cho rằng cốt lõi cơ bản nhất của minh triết là thực hành cái thiện, là lặng lẽ sống với cái thiện, là làm việc thiện, chứ không phải chỉ để biết, để nói suông.

Ông cho rằng minh triết thiên về sự cân bằng hài hòa, coi trọng lương tri, sự biết điều. Say sưa chính trị, say sưa lý thuyết mà không biết minh triết là một thảm họa, khi ấy sẽ trở nên “mê sảng lý thuyết”, “Đem nhân dân tế cho lý thuyết đó là một sự khốn nạn”. Vẫn lời ông: Bản chất của con người là nhầm lẫn và điên rồ. Minh triết có khả năng ngăn ngừa sự nhầm lẫn và điên rồ đó.

Ông cũng lại cho rằng minh triết là nhằm hướng đến một “cuộc sống tốt” (chữ dùng của Aristote).

Ông bảo: “Trong tiếng Việt có một từ hết sức đích dáng để diễn đạt ý niệm “cuộc sống tốt” của Aristote, đó là từ “hẳn hoi” (…). “Hẳn hoi” không phải là một tiêu chuẩn quá cao: không phải thật giỏi mới hẳn hoi, không phải thật đàng hoàng, thật dũng cảm, thật “đạo cao đức trọng” mới hẳn hoi. Hẳn hoi là một phẩm chất có thể đặt ra trong mọi lĩnh vực, ở mọi bình diện: ăn mặc hẳn hoi, nhà cửa hẳn hoi, lời lẽ hẳn hoi, một người thầy hẳn hoi, một người cha hẳn hoi, một người lãnh đạo hẳn hoi, học vấn hẳn hoi, làm ăn hẳn hoi…” (tr.34).

Thật thú vị. Đọc vào Hoàng Ngọc Hiến là đọc vào tư tưởng, và cùng với tư tưởng là chữ- những chữ “đích đáng” (vẫn là một chữ dùng quen thuộc của ông).

3. Tôi muốn nói thêm về khái niệm “cá nhân luận văn hóa”. Ông cho rằng trong giai đoạn cách mạng trước đây, chúng ta chỉ chú ý đến chủ nghĩa cá nhân “đạo đức học” mà chưa kịp phân biệt và chú ý đến cá nhân luận văn hóa. Vế trước, có nghĩa là quyét sạch chủ nghĩa cá nhân: ích kỷ, vị lợi, vô trách nhiệm đối với người khác và cộng đồng. Vế sau có nghĩa là “ý thức của cá nhân về cá tính và bản lĩnh của riêng mình, đặc biệt nó thể hiện ở “lòng tin” của các nhân vào “giá trị của ý kiến riêng của mình” cũng như giá trị những hình thức diễn đạt nó lựa chọn và sáng tạo, tóm lại, đó là lòng tin của các nhân vào bảng giá trị của nó” (tr.125).

Như vậy, nhà nghiên cứu Hoàng Ngọc Hiến một lần nữa trở lại với luận điểm mà ông đã phát biểu nhiều lần ở đây đó trong các công trình của mình về mối quan hệ cốt yếu giữa nội dung và hình thức, giữa cái được biểu đạt và cái biểu đạt, giữa viết cái gì và viết thế nào, cả hai đều quan trọng ngang nhau và hòa huyết trong nhau.

Thời nào cũng có những sự nổi trội của cá nhân luận văn hóa vượt thoát khỏi cái khung hạn hẹp của thể chế. Nhưng phải chờ đến giai đoạn 1930 – 1945, cá nhân luận văn hóa mới được phát triển như một ý thức văn hóa. Nhờ vậy, nó đem lại những phong cách cá nhân vượt trội trong tất cả các lĩnh vực, nhất là văn chương, âm nhạc, hội họa… Làm thế nào để ý thức cá nhân luận văn hóa được phát triển mà vẫn không đoạn tuyệt với cá nhân đạo đức học là một bài toán đặt ra đối với việc xây dựng nền văn hóa hôm nay.

4. Nhà nghiên cứu Hoàng Ngọc Hiến viết nhiều, giảng dạy nhiều. Tuy thế, mỗi lần xuất hiện, là một dịp ông làm mới lại chính mình khiến người nghe/ đọc nhiều khi sửng sốt và thích thú. Ông là một nhà nghiên cứu thích và có khả năng gây ra những điều sửng sốt. Phẩm chất này không phải dễ mà có được.

Trong công trình này, tôi thấy ông thực hành quan niệm “đa nguồn minh triết” với những tham cứu sâu sắc từ các nguồn dân gian bản địa (gồm cả các dân tộc anh em), bác học, tam giáo, Trung Hoa, phương Tây, chủ nghĩa Mác, cụ Hồ và rất nhiều nguồn khác. Tuy nhiên, ông lại tự phản tỉnh, và khuyến cáo: việc “bảo vệ nguyên lý và truyền thống” phải gắn liền với việc “hiểu mới nguyên lý và truyền thống”. Tinh thần Phật giáo xưa nay đã vậy (phá chấp, tùy duyên). Con người hiện đại ngày hôm nay càng phải vậy. Đó là một tinh thần trẻ, năng động và hướng về sự tiến bộ.

Đọc công trình này, với ai không biết, với riêng tôi được khai sáng, và nhất là được an ủi rất nhiều.