Ra mắt cuối năm 2015, “Truyện ngắn đặc sắc về Hà Nội từ 1986 đến nay” là tác phẩm nằm trong loạt sách tuyển chọn của NXB Phụ nữ như “Truyện ngắn đặc sắc Việt Nam từ 1986 đến nay”; “Truyện ngắn nữ đặc sắc Việt Nam từ 1986 đến nay”. Sự khu biệt này không chỉ gây chú ý đối với bạn đọc, mà còn mang lại cái nhìn có tính hệ thống về văn chương hiện đại.


Tập truyện ngắn đặc sắc này cho thấy sự sinh động từ “một Hà Nội của văn chương” và một thực thể văn chương đa diện mang tên Hà Nội. 23 nhà văn được giới thiệu trong tập sách thuộc nhiều thế hệ. Đó là Tô Hoài với “Một cuộc chơi xuân”, là Ma Văn Kháng của “Thanh minh trời trong sáng”, là Chu Lai với “Phố nhà binh”, Bảo Ninh với “Hà Nội lúc không giờ”… Đó còn là Trần Chiến với “Làm sao cứ phải tại sao”, là Lê Minh Khuê với “Một mình qua quãng đường”, Nguyễn Việt Hà với “Của rơi”… Lớp trẻ hơn có Phan Thị Vàng Anh với “Hà Nội tháng 7 năm 2011”, Đỗ Bích Thúy với “Sương khói mịt mờ”, Nguyễn Trương Quý với “Gió thu”…

Cũng thấy ở đây những “thân phận” khác nhau trong giới nhà văn, cái thân phận không phải để phân định “thứ bậc” văn đàn mà là để hiểu và dễ cảm hơn về tác phẩm. Như Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Trương Quý… đã sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, như Phạm Hải Anh, Lê Minh Hà nhiều năm sống ở nước ngoài, hay như Đỗ Bích Thúy, Phong Điệp đến Hà Nội từ một vùng ký ức khác…

Lại cũng có những người “thật là Hà Nội” như Đặng Nhật Minh, dù cả cuộc đời hoạt động trong một lĩnh vực nghệ thuật khác là điện ảnh, cũng đóng góp cho văn chương về Hà Nội một “Ngôi nhà xưa” (đã được chuyển thể thành phim “Mùa ổi”)…

Có thể nói, những tác phẩm văn học chưa bao giờ giấu giếm sự bộn bề của một Hà Nội “không chỉ là không gian của di sản, mà còn là không gian thực sống, một cuộc sống thị thành đầy mời mọc, bất ngờ và ngổn ngang”. Tuy vậy, dẫu đa dạng về giọng điệu, góc nhìn, tâm thế… nhưng không thể phủ nhận cảm hứng chung của những trang viết về thành phố ngàn tuổi là một niềm thương Hà Nội đến tha thiết, lắm khi ngơ ngác lại có lúc thâm trầm, dí dỏm. Đó là cảm hứng lớn của tình yêu, nỗi băn khoăn và sự gửi gắm lòng tin vào mảnh đất đế kinh và cũng là vùng đất văn hóa không ngừng vận động.

Trong tác phẩm này, bên cạnh các truyện ngắn còn có một nội dung khác đáng chú ý, đó là bài viết công phu của nhà phê bình trẻ Đoàn Ánh Dương (thay cho lời giới thiệu). Cây bút này đã làm một cuộc khảo sát khoa học về thực thể Hà Nội trong mối tương tác với nhà văn và nền văn học hiện đại Việt Nam. Bên cạnh đó là những xu hướng sáng tác từ mảnh đất này, về mảnh đất này, rồi là những gương mặt văn nghệ sĩ cho thấy văn chương Hà Nội sau 1986 là “câu chuyện của những người ở lại và những người trở lại”.

Nói chung là bao quát và nhiều điểm nhấn thú vị, một ngõ vào với tác phẩm, đủ sức dẫn dụ, khơi gợi, giúp người đọc khám phá mảnh đất có sức mạnh “hội tụ, lan tỏa”… Những nhận định của Đoàn Ánh Dương xứng đáng được xem như một tác phẩm độc lập trong mối tương tác với truyện ngắn của các nhà văn có tên trong tập sách.

Cuối cùng, với “Truyện ngắn đặc sắc về Hà Nội từ 1986 đến nay”, có thể bạn đọc sẽ có cảm nhận khác nhau về cái hay, cái đặc sắc của từng tác phẩm. Sẽ có người còn thấy thiếu, thậm chí thấy chưa thỏa mãn. Sự thiếu vắng đó, nếu có, càng cho thấy vẻ đẹp phong phú và sức sống của một thứ cảm hứng mang tên văn chương Hà Nội ở ngay trong lòng độc giả.
Theo Thi Thi – Hà Nội mới
Exit mobile version