Tập sách có tên ‘Thi ca từ Trung Hoa’ nhưng có thể dẫn giải thành Thi – ca – từ Trung Hoa, tương đương với nhan đề Thi ca và ca từ Trung Hoa, hoặc Thơ và ca từ Trung Hoa… Theo lời biên giả, tập sách “gồm năm tài liệu chứa đựng các phong cách nghệ thuật ngôn từ đa dạng” (bao gồm ca từ dân gian – thi cổ điển – ca từ hiện đại kết hợp nhạc khúc truyền thống – ca từ hiện đại phát triển dân ca – ca từ cổ trang và hiện đại) song vẫn có thể qui về hai dòng thể loại chủ đạo là thi ca và ca từ...

Theo cách phân chia của người làm sách, phần Dân ca Trung Hoa lựa chọn giới thiệu 19 mục bài tiêu biểu (có nguyên tác chữ Hán phồn thể, phiên âm Hán ngữ hiện đại, phiên âm Hán Việt, dịch nghĩa, chú thích và lời bàn); phần Đường thi nhất bách thủ tuyển chọn 100 bài thơ Đường tiêu biểu (có nguyên tác chữ Hán phồn thể, phiên âm Hán ngữ hiện đại, phiên âm Hán Việt, dịch nghĩa, dịch thơ, chú thích và lời bàn); phần Hồng lâu mộng ca từ giới thiệu 10 ca khúc của nhạc sĩ Vương Lập Bình sáng tác cho bộ phim Hồng lâu mộng (có nguyên tác chữ Hán giản thể, phiên âm Hán ngữ hiện đại, phiên âm Hán Việt, dịch nghĩa và chú thích); phần Hồng thái dương ca từ tuyển dịch 20 ca khúc cách mạng, thuộc dòng nhạc “đỏ” (có nguyên tác chữ Hán giản thể, phiên âm Hán ngữ hiện đại, phiên âm Hán Việt, dịch nghĩa và chú thích); phần cuối cùng Mười hai ca khúc lựa chọn 12 bài hát nổi tiếng gắn với các bộ phim xuất sắc như Tây du kýTam quốc diễn nghĩa,Hoàn Châu công chúaThần y Hỷ Lai Lạc và mấy bài tiếp nhận lối nhạc Tây (có nguyên tác chữ Hán giản thể, phiên âm Hán ngữ hiện đại, phiên âm Hán Việt, dịch nghĩa, chú thích, lời bàn và kèm theo nguyên bản tiếng Anh ở loại bài tiếp nhận ảnh hưởng ca khúc Tây). Ở đây còn có thêm tiểu luận Hành trình của một bài Từ có ý nghĩa như một thể nghiệm nhằm giới thiệu văn bản bài Từ có trongTam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung, đến thời hiện đại lại có dịp tái sinh ở Việt Nam trong hồn phách truyện ngắn Chảy đi sông ơi của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp và bài hát cùng tên “đầy chất thơ và đậm tính dân tộc Việt” của nhạc sĩ Phó Đức Phương…

Trong Thi ca từ Trung Hoa, trước mỗi phần đều có lời Tiền ngôn nhấn mạnh quan niệm, chuẩn mực qui cách của tác giả và đặc biệt thường xuyên liên hệ, so sánh và đối sánh tương quan thi – ca – từ của Trung Hoa với Việt Nam (và ngược lại, thi – ca – từ của Việt Nam với Trung hoa). Chẳng hạn, với phần Đường thi nhất bách thủ, nhà giáo Phùng Hoài Ngọc viết:

“Xin bắt đầu bằng câu thơ của thi hào Nguyễn Du (trong bài Hán Dương vãn diểu, tập Bắc hành tạp lục). Nguyễn Du cảm tác khi đứng ngắm dòng sông Hán Dương trong bài thơ Hoàng Hạc lâu của Thôi Hiệu:

诗 成 草 树 偕 千 古

Thi thành, thảo thụ giai thiên

(Bài thơ làm xong, cỏ cây [và bài thơ] đều đã trở thành thiên cổ)

Bìa cuốn sách
Nguyễn Du đã nêu lên một quan niệm thơ độc đáo về văn chương. Hiểu cách thứ nhất là: Bài thơ (đồng nhất với nhà thơ) vừa được viết xong thoắt trở thành quá khứ (thiên cổ) hoặc cái chết (thiên cổ). Hiểu cách thứ hai: Bài thơ sẽ có sức sống nghìn năm sau (thiên cổ vị lai) như cỏ cây. “Cỏ cây” là hình ảnh đại diện cho thiên nhiên hoang sơ nhưng sức sống muôn đời. Bài thơ và nhà thơ hoà với cỏ cây trở thành một thứ “thiên nhiên”. Mơ hồ nhất là ý nghĩa chữ “thiên cổ”, vừa chỉ quá khứ lại có thể chỉ vị lai… Câu thơ hàm súc bí ẩn lạ!

Đọc một bài thơ hay, ta thấy cuộc sống trở nên thư thả, nhân sinh quan có thể đổi khác. Trộm nghĩ, thơ không thích hợp với công nghiệp hoá hiện đại hoá, thơ sẽ mãi mãi thủ công hoá và cổ điển hoá. Một cây bút, một mảnh giấy thêm vào cho một tâm hồn là đủ cho thơ. Đọc thơ rồi trò chuyện với nhau cũng thấy nhiều tâm đắc thú vị ở đời!”…

Từ đây tác giả xác định mối quan hệ ảnh hưởng, giao lưu, tiếp nhận văn hóa qua trường hợp Đường thi và người Việt Nam: “Hai bên thân quen với nhau từ lâu lắm rồi, và không bao giờ tách ra được nữa. Đường Thi đã được Việt hoá nhuần nhuyễn. Nhiều bài thơ Việt Nam của các nhà sư thời Lý, vua Trần, Nguyễn Trãi, vua Lê, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Đình Chiểu, Hồ Chí Minh… Đường Thi sẽ còn sống mãi cùng người Việt Nam”…

Sau khi xác lập tiêu chí lựa chọn tuyển tậpĐường thi nhất bách thủ, tác giả trình bày rõ cách thức biên soạn từng bài thơ: “Đầu tiên là văn bản nguyên tác, kế đó là phiên âm Bắc Kinh, phiên âm Hán Việt, dịch nghĩa và dịch thơ (chỉ chọn một số bản dịch hay). Sau một số bài có chú thích cần thiết để hiểu bài thơ. Một số bài ghi thêm gợi ý cho sinh viên khi học tập văn học Trung Quốc. Nhiều bài chúng tôi nghĩ là nội dung chất phác, giản dị minh bạch, nếu lại chen thêm lời bình e rằng dư thừa, ảnh hưởng tới cảm nhận tự nhiên của bạn đọc nên không ghi thêm. Một số bài ghi cả lời bình tuỳ hứng của soạn giả. Lời bình này mang tính cá nhân nhưng có thể gợi hướng phân tích cho học sinh, sinh viên. Cũng là ý kiến nêu ra trao đổi cùng bạn tri âm tri kỷ. Tác phẩm nghệ thuật có thể hàm chứa những lớp ý nghĩa khác nhau. Mỗi người đọc có quyền cảm nhận riêng… Nhưng nếu là bài thi của học sinh sinh viên thì sao? Trước hết giáo viên có một đáp án mở. Đáp án đó có phần “cứng” là nội dung khách quan của văn bản và ý nghĩa gợi ra từ cuộc đời của nhà thơ và hoàn cảnh đương thời. Học sinh sinh viên có thể cảm nhận theo chủ quan nhưng phải trên cơ sở ngôn từ nghệ thuật của tác phẩm. Cảm nhận đó phải mang tính văn chương, hợp lý, hợp thời thì mới được chấp nhận (phần “mềm”). Đó là quyền tự do sáng tạo của học sinh, sinh viên khi làm văn, khác với sự cảm nhận tuỳ tiện, thiếu tính thẩm mĩ… Bạn đọc có thể xem nguyên tác Hán ngữ, ngắm mỗi bài thơ như một bức tranh chữ. Mặt khác, phần phiên âm tiếng Trung khiến bạn đọc tự lẩm nhẩm đọc theo mà thực hành tiếng cũng rất lí thú. Nếu so đọ âm Hán với âm Hán Việt, ta sẽ thấy “trài trại, na ná” và hiểu vì sao các cụ ngày xưa không đọc nguyên âm gốc Hán. Thiển nghĩ, chỉ là vì phát âm Hán Việt đơn giản hơn, dễ dàng hơn thôi!… Đặc biệt, biên giả còn phiên âm Bắc Kinh để tiếp cận tiếng nói của thơ. Nếu bạn hữu có hứng thú thì cũng dễ luyện thêm tiếng Hán, nghe rõ tiếng nói của thi nhân” (tr.136-137)…

Mở rộng tầm quan sát, nhà giáo Phùng Hoài Ngọc tiếp tục tinh tuyển, nhận diện và so sánh đặc điểm ca từ Trung Quốc hiện đại: “20 bài trong số hàng ngàn bài ca mới Trung Hoa. Nghe mà nhớ đến bài ca cách mạng Việt Nam… cùng một cảm hứng anh hùng ca và đậm nét tâm tình người phương Đông. Qua 20 bài hát Hồng thái dương, ta nhận thấy nhạc sĩ vừa kế thừa chất liệu và cảm hứng dân ca vừa bắt kịp giai điệu hơi thở thời đại mới… Ngôn từ dân gian rất hồn nhiên giản dị, đôi khi “đại ngôn”, có vẻ khẩu hiệu nhưng thực ra là phong cách tu từ ngôn ngữ dân gian, chẳng hạn như “Người như ánh sáng mặt trời”, “Đảng Cộng sản đến thì đắng biến thành ngọt”, v.v… Đặc biệt, tình cảm nghệ thuật sao tha thiết, nồng nàn và trữ tình đến thế! Đó chính là tình cảm lịch sử, một tình cảm trác tuyệt khó lặp lại. Tình cảm của giai cấp nông dân bị ức chế, dồn nén ở đất nước Trung Quốc suốt hai nghìn năm phong kiến đến lúc này mới vỡ oà ra và được nghệ thuật hoá qua tình cảm nồng nhiệt của nghệ sĩ. Nghệ sĩ thời ấy mang trong lòng mình tâm thức của nhân dân và thời đại. Thử tưởng tượng rằng nhân dân Trung Quốc đã mừng vui ra sao sau khi thoát khỏi một chế độ phong kiến dài nhất thế giới: 2000 năm! (Chế độ phong kiến châu Âu và Việt Nam chỉ tồn tại được 1000 năm). Trung Quốc có nhiều chuyện kì lạ. Nếu ta đã tin rằng ở nước này có tập quán bó chân khủng khiếp đến thế thì sao lại chẳng tin được tình cảm chân thực của nhân dân và nghệ sĩ như các bài hát đã thể hiện! Những bài hát ấy phản ánh chân thực tình cảm công chúng sau giải phóng 1949, nhưng chỉ tiếc dòng chảy tình cảm ấy đã chẳng bền lâu. Và bây giờ thì những bài ca ấy, vì nhiều nguyên nhân, cơ hồ đã thành “nhạc cổ tích” (không phải nhạc cổ truyền)” (tr.176)…

Thi ca từ Trung Hoa là công trình sưu tập và dịch thuật mang tính chọn lọc, nâng cao, đòi hỏi ở người biên soạn niềm say mê, công phu lao động trong thời gian dài. Tập sách không chỉ có ý nghĩa trên phương diện văn học mà liên quan tới nhiều lĩnh vực lịch sử tư tưởng, văn hóa – văn nghệ và là tài liệu bổ trợ cần thiết cho giáo viên và học sinh các ngành tiếng Trung, Hán Nôm, văn hóa, ngữ văn cũng như tất cả những người yêu mến nền văn học nghệ thuật Trung Quốc từ truyền thống đến hiện đại…


—————-

(*) Phùng Hoài Ngọc tuyển dịch, giới thiệu. NXB Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, 2008, 236 trang.

(Nguồn: Văn học quê nhà)