Tiết thu đẹp, nhập vào đoàn Honggai Tourist tại Hà Nội, tôi bỗng có được một chuyến đi Quế Lâm, Trung Quốc. Qua Hữu Nghị Quan thuận lợi, chừng 20 km đến Bằng Tường, nghỉ trưa một lúc, đi theo đường cao tốc với tốc độ chừng 100 km/giờ. Xe chạy mải miết trên đất Quảng Tây, tôi chợt nhớ tới cuốn sách đã đọc mấy mươi năm trước: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch. Cuộc đời hoạt động của Bác Hồ cứ như huyền thoại. Trước khi giành độc lập cho đất nước, Bác có nhiều năm tháng hoạt động ở Trung Quốc, với cái tên Lý Thụy những năm 1924-1927, bí danh Tống Văn Sơ những năm 1931-1933… Những năm 1942-1943, Bác bị chính quyền Tưởng Giới Thạch giam giữ, và Ngục trung nhật ký, Bác viết trên mảnh đất Quảng Tây này đây!

Ngày ấy, Người bị áp giải qua nhiều nhà lao, nhiều huyện. Trong Ngục trung nhật ký có những câu thơ ghi rõ:

Quảng Tây giải khắp mười ba huyện

Mười tám nhà lao đã ở qua.

(Giải quá Quảng Tây thập tam huyện/ Trú liễu thập bát cá giam phòng).

Quảng Tây là một tỉnh miền núi. Chúng tôi chạy xe từ Hữu Nghị Quan lên đến Quế Lâm, chừng bảy, tám trăm cây số trên đất Quảng Tây. Hai bên đều là đồi núi, cao nguyên. Lê Thảo, hướng dẫn viên cho biết: Quảng Tây bát sơn nhất thủy nhất phần điền (Quảng Tây tám phần mười diện tích là núi, chỉ có một phần là nước sông hồ, một phần là ruộng). Bác Hồ ngày ấy đã bị giải đi mười ba huyện, mà các huyện ở Quảng Tây đều rất rộng. Từ huyện nọ sang huyện kia thường phải một hai trăm, có khi đến ba trăm cây số. Chủ yếu là đi bộ, đường rừng núi, qua các dãy: Việt Thành Lĩnh, Phượng Hoàng Sơn… Có những đỉnh cao trên hai ngàn mét. Nhiều chặng đường, hài phá (giày rách), lộ nê (đường lầy), cực khôn xiết. Đi dọc vùng núi Quảng Tây mới thấm thía nỗi gian truân của Người. Bài thơ Tẩu lộ (Đi đường) phần nào đã nói lên, bằng niềm lạc quan, ý chí sắt Người phải vượt qua điệp trùng gian khổ:

Đi đường mới biết gian lao

Núi cao rồi lại núi cao trập trùng

Núi cao lên đến tận cùng

Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non.

(Tài lộ tài tri tẩu lộ nan/ Trùng san chi ngoại hựu trùng san/ Trùng san đăng đáo cao phong hậu/ Vạn lý dư đồ cố miện gian).

Đi đường, tù nhân chủ yếu là đi bộ, Ngục trung nhật ký có câu thơ Bạch thiên song mã bất đình đề. Song mã là hai ngựa, đó là cách nói hài hước, chỉ đôi chân, đi như ngựa suốt ngày đêm mải miết. Sợ tù nhân chạy trốn, bọn lính áp giải trói chân tay người tù: Rồng cuốn vòng quanh chân với tay (Hỉnh tý trường long hoàn nhiễu tước). Dây trói, được ví với rồng cuốn, cũng là cách nói khôi hài vậy. Có những khi, người tù không được trói bằng dây thừng mà bị xiềng xích: Hôm nay xiềng xích thay dây trói/ Mỗi bước leng keng tiếng ngọc rung (Thiết thằng ngạnh thế ma thằng nhuyễn/ Bộ bộ đinh đang hoãn bội thanh). Lại có lần bọn chúng giải người tù trên thuyền. Sợ tù nhân nhào xuống sông, lặn mà trốn, bọn lính treo ngược hai chân người tù lên xà cao: Lủng lẳng chân treo tựa giảo hình (Hình điếu thuyền lan tự giảo hình)…

Đoàn chúng tôi đã đến Nam Ninh, gặp sông Ung, nghỉ lại một đêm trong thành phố, thủ phủ hiện tại của Quảng Tây. Đại tửu điếm chúng tôi nghỉ còn gọi là khách sạn High – Class, chữ Hán: Hải Cách, nghĩa là cao cấp. Lại nhớ, Ngục trung nhật ký có bài Nam Ninh ngục: Nhưng mỗi bữa ăn lưng bát cháo/ Cho nên cái bụng cứ kêu hoài (Nhân vị mỗi xan duy hữu chúc/ Sử nhân đỗ tử chiến căn căng).

Đêm thao thức. Gần sáng, từ tầng bảy nhìn xuống, những dòng xe lại đông dần trên các tuyến phố. Đèn điện bảy màu thắp sáng rực huyền ảo, giờ đây cứ từng cụm tắt dần, trả lại cho phố phường những nét chân thực của đời sống.

Ngày thứ hai trên đất Quảng Tây, xe chúng tôi lại tiếp tục lên đường cao tốc, chạy ròng ròng 100 km/giờ. Dọc đường chỗ phân làn trồng nhiều râm bụt, thứ hoa được coi là biểu trưng của Quảng Tây, nhiều lúc cảm thấy như suối hoa râm bụt sẫm xanh lốm đốm đỏ chảy lướt bên xe.

Bên trái, một thành phố lớn trước mặt. Đó là Lai Tân. Bác có bài thơ Lai Tân, dịch nghĩa: Ban trưởng nhà lao ngày ngày đánh bạc/ Trưởng ban cảnh sát xoay tiền của phạm nhân… (Giam phòng ban trưởng thiên thiên đổ/ Cảnh trưởng tham thôn giải phạm tiền…). Bên phải, lối đi Liễu Châu, nơi nổi tiếng bởi gỗ liễu, vùng đất có quan niệm kỳ lạ: quan tài là thăng quan – tài lộc, nơi có bán cả những đồ lưu niệm hình quan tài. Bị giam hai lần tại Liễu Châu, Bác có bài thơ Đáo Liễu Châu: Mồng chín ta vừa đến Liễu Châu/ Ngoảnh lại hơn trăm ngày ác mộng (Cửu nhật ngô nhân đáo Liễu Châu/ Hồi cố bách dư thiên ác mộng).

Sau hai lần chui đường hầm xuyên núi, băng qua hai làn cầu vượt vực thẳm thì đến Quế Lâm – thủ phủ của Quảng Tây ngày xưa.

Quế Lâm là vùng đất hẹp trải dài trên một bình nguyên có tên là Tương Quế tẩu lang, hẹp nhưng rộng dài mỗi chiều đến vài chục cây số. Do địa chấn đứt gãy, đáy biển nhô lên thành lục địa, hiện tượng karst cách đây 300 triệu năm mà Quế Lâm có nhiều núi đá, hang động. Yêu mến nơi sơn kỳ thủy tú này, Vương Chính Công thời Tống đã có câu: Quế Lâm sơn thủy giáp (nhất) thiên hạ. Thời Đường, trong mấy ngàn thi nhân, Quế Lâm có Tào Đường, một nhà thơ mê say hang động Quế Lâm, lại du ngoạn Thiên Thai (Chiết Giang), tâm hồn lãng mạn, phóng túng đã để lại chùm thơ Lưu Nguyễn du Thiên Thai nổi tiếng.

Bác đã từng đến Quế Lâm trong vai thiếu tá Hồ Quang – Trưởng văn phòng Bát lộ quân nơi đây. Trụ sở tại ngôi nhà số 96, đường Trung Sơn Bắc.

Thiếu tá Hồ Quang ở Quế Lâm chừng hai năm. Tại đây, Người thành lập một số tổ chức: Phòng cứu vong, Ban ngoại sự của Việt Minh, Hội công tác văn hoá Việt – Trung… Lấy Quế Lâm làm trung tâm, Người thường xuyên có những cuộc đi, khi Diên An, khi Hoành Sơn, Long Châu, Côn Minh, Trùng Khánh… Đi để liên kết, tổ chức. Người làm việc như không biết mỏi. Chiếc máy chữ gõ tiếng Pháp của Người thường lách cách suốt đêm thâu. Với bút danh Bình Sơn, Người viết bài, khi viết văn xuôi, làm thơ kiểu Đường Tống, khi thiết kế, minh họa. Người cho xuất bản tờ Tiểu báo đời sống. Không chỉ hoạt động quốc tế, Người còn viết nhiều bài về Trung Quốc, kề vai sát cánh với nhân dân Quảng Tây trong cuộc đấu tranh chung: Thư gửi từ Trung Quốc (3/1938), Người Nhật Bản khai thác Trung Quốc như thế nào (12/1938)… Người rất chú ý đến nhan đề mỗi bài báo, thường là đặt “tít” khêu gợi, hấp dẫn. Ví dụ: Ông trời có mắt (15/11/1940), Con ếch và chú bò vàng (24/11/1940), Trò đùa dai của Rugiơven tiên sinh (27/11/1940), Ý Đại Lợi thực bất đại lợi (16/12/1940)…

Chúng tôi thăm lại ngôi nhà số 96 đường Trung Sơn Bắc. Thật cảm động, còn đây, chiếc chõng tre thay giường, chiếc ca chiếc bát tráng men đã cũ. Thấy những kỷ vật xưa, thêm nhớ lại thời các ông Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp… thường sang đây gặp Bác; nhớ đến bao tấm lòng cao cả của những người dân Quế Lâm với cách mạng Việt Nam, với Bác!

Khi đi tàu thủy trên dòng Ly Giang, tôi chăm chú ngắm các dãy núi Thất Tinh, Điệp Thái… Bác bị giam ở Quế Lâm bốn mươi ngày, nhà ngục ở mé nào? Nhớ bài thơ Đáo Quế Lâm (Đến Quế Lâm), dọc đường tôi chăm chú tìm bóng đa, cây quế:

Quế Lâm không quế, không rừng

Sông sâu thăm thẳm, trập trùng núi cao

Bóng đa đè nặng nhà lao

Đêm sao lặng ngắt, ngày sao tối sầm.

(Quế Lâm vô quế diệc vô lâm/ Chỉ kiến sơn cao dữ thủy thâm/ Dung ấm giam phòng chân khả phạ/ Bạch thiên hắc hắc, dạ trầm trầm).

Đến Quế Lâm mà người tù không thấy quế cũng không thấy lâm (rừng). Quế Lâm có rừng quế, nhưng người tù đâu được thưởng ngoạn. Không như cây quế lấy vỏ làm vị thuốc, có vị cay – loại quế Quảng Nam nước ta, cây quế ở đây khác. Một số đường phố Quế Lâm nay vẫn trồng quế. Được nhìn những cây quế qua cửa xe, mãi đến lúc xe dừng trước một khách sạn, tôi mới được ngó gốc, xem nhành rờ lá, chụp hình một cây quế. Hướng dẫn viên Lê Tú nói tiếng Trung Hoa: gui goa xu, hiểu ra Hán Việt là quế hoa thụ (tiếng Anh ghi là osmanthus). Những cây quế này thường nhỏ, gốc cây lớn cũng chỉ nhỉnh hơn chét tay, ngọn thành lùm, chỉ cao chừng ba bốn mét. Hoa quế có dáng như hoa muống nhỏ, màu trắng, thơm dịu. Mùa hoa quế, các cành đầy hoa, chỉ thấp thoáng lá biếc. Người Quế Lâm thường thu hái hoa quế để ướp trà, ủ rượu.

Từ nhà ngục nhìn ra, người tù ở Quế Lâm đâu có thấy rừng quế, chỉ có một bóng đa um tùm, đầy âm khí. Hơn một tháng trời, Bác Hồ ở trong nhà ngục Quế Lâm: Bốn chục ngày qua khổ xiết bao/ Bốn mươi ngày khổ không kể xiết (Không không khổ liễu tứ thập thiên/ Tứ thập thiên khổ bất thăng ngôn). Đó cũng là những ngày tháng Bác bệnh trọng (ốm nặng), có câu thơ: Trong tù mắc bệnh càng đau khổ/ Đáng khóc mà ta cứ hát tràn (Ngục trung hại bệnh chân tân khổ/ Bản ưng thống khốc khước cuồng ca).

Đến nay, Ngục trung nhật ký đã được dịch ra hàng chục thứ tiếng. Với tôi, quý nhất là tập sách của giáo sư Hoàng Tranh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học xã hội Quảng Tây. Trong sách, ông đã cho in 13 bài thơ của Bác Hồ viết tại Quảng Tây, do chính ông sưu tầm thêm được, lại in cả trên một trăm bản thư pháp của 70 nhà thư pháp trong Hội Thư pháp gia Quảng Tây thể hiện thơ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngục trung nhật ký đã trở thành bất hủ.

Đêm ở Quế Lâm, đâu dễ ngủ, tôi cứ lan man suy ngẫm. Ngày xưa, đường dài, cứ khoảng 40 dặm (20 km) thì đặt một trạm, gọi là trạm lộ. Quế Lâm là một trạm lộ quan trọng. Thời Trần, nhiều người tài giỏi của nước ta bị giặc Minh bắt hoặc bị triều cống, từng phải nghỉ lại Quế Lâm một vài ngày rồi mới đủ sức đi tiếp trên con đường vạn dặm. Đã bao tài năng Việt qua đây: Nguyễn An – Tổng công trình sư xây dựng Tử Cấm Thành; Tuệ Tĩnh – Đại y Thiền sư… Bởi định cư bên sông Thương đất Việt, tôi nhớ hơn cả là Trạng nguyên Đào Sư Tích. Đi sứ qua đây, duyên trời xe kết, quan Trạng đã gắn bó với một a mây – cô gái đẹp đất Quế, tên thường gọi là Giang Thị. A mây Giang Thị dẫn đường, giao dịch, cùng đoàn quan Trạng họ Đào lên tận kinh đô Tràng An. Khi về, đến Quế Lâm, hai người chia tay. Nay đọc lại bài thơ ly biệt Dữ tiểu thiếp Giang Thị (Nói với tiểu thiếp Thị Giang) của Đào Sư Tích, còn bùi ngùi, ngơ ngẩn:

Có con, nơi chốn cần yên ổn

Đổi họ, gia trang dựa núi đèo

Chăm đọc thi thư đừng miệt thị

Mây bay phú quý, chớ than nghèo.

(Hữu tử, tầm phương vi cửu ngụ/ Hồi đầu cải tính tác sơn gia/ Thi thư khổ độc vô khi ố/ Phú quý phù vân vật thán ta).

Hữu tử: có con. Thật nặng nợ. Bây giờ, hậu duệ của quý tử ấy đâu?

Vào đầu tháng Hai năm Quý Sửu (1813), đoàn đi sứ của Nguyễn Du cũng có qua Quế Lâm. Dọc đường Quảng Tây, Nguyễn Du cũng chỉ thấy núi non điệp điệp: Bạn đường mái tóc bạc phai/ Hai tuần ngó chỉ xanh hoài núi non (Nhất lộ giai lai duy bạch phát/ Nhị tuần sở kiến đãn thanh san). Xưa, cứ mười ngày gọi là một tuần. Tháng có ba tuần: thượng tuần, trung tuần, hạ tuần. Đi hai tuần, tức đi hai mươi ngày liền. Cứ ngỡ chánh sứ – quan Tiên Điền được cưỡi ngựa, nhưng không. Trong tập thơ Bắc hành này, có câu: Gió thu (lạnh), kẻ bạc đầu phải cuốc bộ ngàn dặm (Bạch đầu thiên lý tẩu thu phong). Tẩu là đi bộ, nhưng còn có nghĩa là chạy. Lúc đi, riêng chặng từ ải Nam Quan đến Quế Lâm đã mất chừng bốn tháng, Nguyễn Du có đến thăm đền thờ ông Cù Các Bộ – Đông các đại học sĩ – Tuần phủ Quảng Tây (khi giặc Mãn Châu tới chiếm, hầu hết các quan bỏ chạy, ông Cù Các Bộ giữ thành, chết theo thành). Ngôi đền như bị bỏ hoang, hương tàn khói lạnh. Nguyễn Du viết: Trung Hoa nghe nói trọng nhân nghĩa/ Sao ở nơi này lạnh khói hương? (Cộng đạo Trung Hoa thượng tiết nghĩa? Như hà hương hỏa thái thê lương). Đêm xuống, phố xá tịch mịch đầy bất trắc: Đèn hiu bóng quỷ hiện/ Màn thủng muỗi tụ về (Hàn đăng lưu quỷ ảnh/ Hư trướng tụ văn thanh). Xưa, vùng này còn có tên là Thương Ngô. Nguyễn Du có hàng chục bài thơ viết về Quế Lâm, Thương Ngô. Đoàn sứ dừng lại ở Quế Lâm một thời gian khá dài. Chuyến ấy, đoàn có 27 người, theo sách của Phạm Văn Nghị (1805-1884), thì vị chánh sứ Nguyễn Du có lấy thêm một tiểu thiếp người Quế Lâm, mới có câu:

Gái Quế trời xui nên gặp được

Xe lăn đất Bắc đỡ khi buồn.

(Quế địa nữ nhân thiên tác hợp/ Bắc hành xa chuyển lộ vô sầu)…

Lan man ngẫm ngợi xa đề thế này, cũng để nhìn lại một chút qua lịch sử mù sương. Ngàn năm dâu bể, bao nhân tài nước Việt ta từng qua Quế Lâm, kể sao xiết, vì những sứ mệnh riêng, mỗi thời mỗi khác. Trong đó, có hình ảnh Bác Hồ ở Quế Lâm, là một trang đẹp vô song, với tư thế một anh hùng kiệt xuất trong công cuộc giải phóng dân tộc.

Trên đường rời khỏi Quế Lâm, Lê Tú – hướng dẫn viên du lịch, cô gái Nam Ninh chỉ sang Việt Nam mấy tháng mà khá thạo ngôn ngữ Việt, lại biết một số bài hát Việt – bỗng nói to với giọng trong trẻo dễ mến: “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng nhé, cùng hát nào!”. Lúc đó, mọi người trong xe, gồm mấy vị cán bộ hưu đất Thái Nguyên, mấy cô giáo Hà Nội, cả mấy bạn Việt kiều, đều hào hứng vỗ tay hát…

Tháng 8 năm 2012

D.P

Nguồn: vannghequandoi.com.vn