“Một góc nhìn thẳng và tỉnh táo, xoáy vào những vấn đề bằng một con dao mổ sắc cạnh của tri thức. (…) Từ lâu, những cây viết của nước ta vẫn dùng dao gọt hoa quả có lưỡi lượn sóng để mổ xẻ các vấn đề. Chúng ta thiếu những con dao mổ lạnh, nằm trong những bàn tay ấm” – nhà báo Đinh Đức Hoàng đã viết như thế sau khi đọc tập sách “Bức xúc không làm ta vô can” của Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang.
“Bức xúc không làm ta vô can” gồm 26 bài viết với ngôn ngữ chính luận pha chút châm biếm hóm hỉnh. 26 con dao sắc lẹm mổ thẳng vào ung nhọt của đời sống văn hóa xã hội đương thời. Từ chuyện từ thiện câu like đến hiện tượng “những con người toàn thân bất động, trừ một ngón tay cái đẩy lên đẩy xuống, mắt nhìn xuống, mặt vô hồn” ùa theo đám đông ảo trên mạng xã hội; từ chuyện ăn thịt chó, tranh ấn đền Trần, nhậu nhẹt của người Việt đến chuyện sính ngoại, ham vật chất; từ sự nở rộ của truyền hình thực tế đến các triển lãm mỹ thuật “bom tấn”; từ phong trào du lịch đại trà đến trào lưu phẫu thuật thẩm mỹ… Tất cả vấn đề đó được sắp xếp rành mạch trong 3 chương với chủ đề nổi bật gồm: quan hệ giữa cá nhân và đám đông trong xã hội hiện đại; các vấn đề phát triển như môi trường, công lý, phân biệt giàu nghèo; hiện tượng xã hội và trào lưu văn hóa đương đại.
Nghe qua, những tưởng vấn đề quá cũ, ai cũng biết, ai cũng thấy bởi nó diễn ra hằng ngày, hằng giờ. Dư luận đã tốn không ít giấy mực và thời gian bàn luận. Vậy mà buổi giao lưu ra mắt “cuốn sách viết toàn vấn đề cũ” tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, dù khán phòng đã kê thêm ghế dọc hành lang nhưng tìm một chỗ ngồi thật khó khăn. Người dự đủ tầng lớp và lứa tuổi. Trên các diễn đàn, mạng xã hội, cuốn sách mỏng ấy lại được chia sẻ, quan tâm không khác sách best seller.
Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang.
Điều gì làm nên sức hấp dẫn đó của một tác phẩm chính luận? Cái cũ đã được phân tích, bóc tách dưới góc nhìn đa chiều thậm chí ngược chiều dư luận. Từ góc nhìn mới, nhiều điều thú vị được hé mở và giải mã cội rễ vấn đề. Người ta xỉ vả người Việt, ca cẩm đạo đức xuống cấp bởi con số 3 tỉ lít bia, 5 triệu con chó và 500.000 ấn đền Trần mỗi năm. Đặng Hoàng Giang đã khiến nhiều người sốc khi ông đưa ra những con số “khủng” của các quốc gia khác.
Chẳng hạn, Hàn Quốc với dân số chỉ 50 triệu người (Việt Nam hơn 90 triệu dân) nhưng đã ngốn gần 11 triệu con chó cho việc ăn lẫn uống (làm rượu Gaesoju, gọi nôm na là rượu chó). Con số 3 tỉ lít bia mỗi năm chia ra cho số đàn ông Việt thì mỗi tuần họ uống trung bình 1,2 lít bia. “Tửu lượng này tương đương với mức độ của Ý (là những người mà ta biết là ngoài bia ra còn uống khá nhiều rượu vang). Mà Ý lại chỉ bằng một nửa Brazil. Mà Brazil lại chỉ bằng hai phần ba Úc”. Tất cả làm rõ cho đề dẫn: “Chúng ta có thể không thông minh như người Do Thái, không chăm chỉ như người Nhật Bản hay không xinh đẹp như (đàn ông) Ả Rập nhưng chúng ta đâu có đến nỗi nào”.
Đạo diễn, NSND Trần Văn Thủy không ngoa khi nhận xét: “Cuốn sách đôi khi làm chúng ta giật mình”. Không giật mình sao được trước những cái tựa kiểu: “Tôn thờ sách là mê tín dị đoan”, “Sự khốn cùng của tư duy triệu phú”, “Văn hóa không phải lý do khiến quốc gia thất bại”, “Vẻ đẹp của người chạy marathon về chót”, “Người nghèo không có lỗi”, “Vẻ đẹp của người đứng một mình”… Có bạn đọc bức xúc trước việc TS Đặng Hoàng Giang cho rằng tôn thờ sách là mê tín dị đoan, nhưng khi đọc hết bài viết mới hiểu rằng: nếu sùng bái sách một cách mù quáng, bất chấp nội dung của nó là gì thì không khác mê tín dị đoan. Thứ mà họ sùng bái chỉ là những tờ bột giấy, mực in, hồ dán… vô hồn.
Tác giả không nói khơi khơi cũng chẳng cố tình gây chú ý. Bởi đọc xong, người ta hiểu rằng muốn tranh luận với ông, họ phải có một bộ óc thông minh, sự quan sát tinh tế, hiểu biết rộng rãi để lập luận sắc bén, trình bày có lớp lang với hàng loạt dẫn chứng thuyết phục bằng sự kiện, con số, trích dẫn cụ thể. Cách diễn giải thâm thúy của một trí thức Bắc Hà không hề khô khan như thường thấy ở văn chính luận mà hấp dẫn nhờ sự kết hợp hài hòa giữa hơi thở đời sống với tia sáng học thuật, xen lẫn giọng văn châm biếm hóm hỉnh.
Những vấn đề mà Đặng Hoàng Giang nêu lên vốn là những vấn đề lâu nay mọi người bức xúc. Một xã hội có quá nhiều sự chuyển dịch, đứt gãy giữa giá trị mới và cũ trong quá trình toàn cầu hóa như Việt Nam khó tránh khỏi điều đó. Người ta lên mạng để bày tỏ bức xúc về thực phẩm bẩn, nạn kẹt xe, tai nạn giao thông, ứng xử vô cảm giữa người với người, chuyện chặt chém khách du lịch…
Có những bức xúc thực sự khiến người khác đồng cảm, trăn trở và tìm giải pháp khắc phục. Có những bức xúc thể hiện sự bất lực. Cũng không hiếm những bức xúc “làm màu”, để chứng tỏ với mọi người rằng mình cũng quan tâm, trách nhiệm như ai. Bức xúc trở thành một hội chứng của xã hội hiện đại. Đặng Hoàng Giang cho rằng không thể coi chuyện thể hiện bức xúc như cách phủi bỏ trách nhiệm trong tấm áo choàng đạo đức. Chúng ta không vô can bởi không ít thì nhiều, chúng ta cũng là nguyên nhân gián tiếp tạo nên những vấn nạn ấy…
Bìa sách “Bức xúc không làm ta vô can” của Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang.
Đạo diễn, NSND Trần Văn Thủy đánh giá: “Cuốn sách thể hiện tâm huyết của tác giả với những vấn đề xã hội, thể hiện bản lĩnh và trách nhiệm công dân, trách nhiệm trí thức trước hiện tình xã hội, một xã hội mà anh đã chọn để sống, để phụng sự”. Là một người Áo gốc Việt, Đặng Hoàng Giang tạm biệt châu Âu sau 20 năm sinh sống để về Việt Nam. Với tâm thế của một nhà khoa học, nhà hoạt động xã hội chuyên nghiệp đồng thời là người con tha hương, cái nhìn của ông về xã hội Việt Nam bao quát và khách quan. Các hoạt động nghiên cứu và vận động chính sách của ông nhằm nâng cao chất lượng quản trị quốc gia, minh bạch, nâng cao tiếng nói của người dân.
Bức tranh đời sống hằng ngày của Việt Nam dù còn nhiều lộn xộn, song buông cuốn sách, người đọc sẽ không cảm thấy nặng nề, không “bức xúc càng thêm bức xúc”. Trên hành trình tác giả giải mã các hiện tượng, độc giả thu lượm được những bài học giá trị giữa người với người, biết thông cảm, yêu thương. Đọc bài phân tích về tư tưởng “sống chung với lũ”, người đọc thức tỉnh để không có thái độ sống buông xuôi, thỏa hiệp với cái xấu. “Bi kịch của sự hào nhoáng” chỉ ra công nghệ trở thành ngôi sao, nỗi khổ của giới nghệ sĩ để người hâm mộ thông cảm với họ…
Nhà thơ vĩ đại người Đức J.W. Goethe từng thốt ra câu nói cực đoan: “Hãy đánh chết nó đi, thằng khốn, vì nó là một nhà phê bình văn học”. Nếu làm theo câu nói của Goethe thì TS Đặng Hoàng Giang nguy to. Các vấn đề mà ông đụng chạm đâu chỉ riêng văn hóa, nghệ thuật mà còn ở nhiều lĩnh vực khác nhau như du lịch, chính sách, pháp luật, kinh tế…
Bà Tôn Nữ Thị Ninh, cựu Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Liên minh Châu Âu, nhận định: “Đây thực sự là tác phẩm của một nhà phê bình xã hội (như chúng ta hiểu về cụm từ “nhà phê bình nghệ thuật”, “nhà phê bình văn học”) mà hiện nay Việt Nam còn thiếu. Tuy nhiên, tác giả không chỉ dừng lại ở sự quan sát tỉnh táo và diễn giải lạnh lùng của một nhà khoa học thuần túy. Các bài trong tuyển tập còn toát ra lòng nhân ái của một người dấn thân vào số phận mọi người và mỗi người, đặc biệt những tầng lớp, những con người kém may mắn, thua thiệt trong xã hội”.
Sự quan tâm đặc biệt của dư luận với cuốn sách có thể thấy, người đọc đang khát những con dao mổ sắc lạnh nằm trong bàn tay ấm. Bởi hiếm khi bắt gặp được cái nhìn phản biện thẳng thắn, công tâm để phân tích, giải mã các trào lưu xã hội, hiện tượng văn hóa đương đại. Nhiều bạn trẻ tâm sự họ biết sự việc, hiện tượng xã hội đang diễn ra quanh mình song lại bất lực, lúng túng khi đưa ra nhận định riêng. Ý kiến của họ thường bị phụ thuộc vào đám đông. Tư duy phản biện yếu kém khi học sinh, sinh viên vẫn học theo kiểu thầy đọc, trò chép.
“Mục đích chính của tôi không phải là đi tìm giải pháp. Mỗi bài viết sẽ mở một cánh cửa nhằm khuyến khích mọi người cùng nhau tranh luận. Tôi rất vui khi có người ủng hộ quan điểm của mình. Nhưng tôi sẽ vui hơn khi nhận được nhiều ý kiến trái chiều” – TS Đặng Hoàng Giang nói. Tư duy phản biện giúp con người tiệm cận chân lý, thúc đẩy xã hội phát triển. Ông nêu quan điểm: “Chúng ta cần đứng riêng để tìm ra mình, để bảo vệ tư duy độc lập và nuôi dưỡng ý thức trách nhiệm”. Đó là “vẻ đẹp của người đứng một mình”. Nhưng không cô đơn.
Theo Mai Quỳnh Nga – Văn nghệ công an