Những ngày cuối năm 2013, Huệ Nguyên đã gấp rút để kịp theo bước vó ngựa mùa xuân, để kịp tri ân người thân, thi hữu, bè bạn và để kịp làm cho lòng mình ấm lại những ngày đông qua. Thơ đã ra đời. Tiếp nối ba tập thơ đầu là: Thơ và tôi, Ngày xa em, Mùa gọi, lần này là tập thơ “Phía ngày loang nắng”. Nghe tên tập thơ đã thấy ấm áp đang dần loang khắp châu thân. Chàng trai xóm núi miệt mài làm thơ và thơ đã vật anh trong những phút thăng hoa. Anh đã vượt lên chính mình, vượt qua những tự kỉ để thấy trái thơ chín mọng gọi gió lúc lỉu cành cho anh kịp quay về, cho anh kịp thấy mình là thi sĩ.

Thi sĩ và mùa xuân. Mùa xuân và thi sĩ. Huệ Nguyên luôn mong từ phía anh thấy, anh cảm, anh rọi tới sẽ phải luôn được ấm lên bằng tình người… tập thơ thứ tư này được in tại Nhà xuất bản Hội Nhà văn, khổ 13 cm x 20 cm, nộp xong lưu chiểu trong quý I – 2014. 41 bài thơ ngân lên như tiếng gió đại ngàn gọi nhau bằng tiếng lòng thành chân thật. Đó là tình yêu, tình mẹ, tình bạn, tình thiên nhiên và những trăn trở cuộc đời được nhà thơ gói trọn lòng mình sải cánh xõa bóng lấp lánh những dòng thơ biếc.

Có một số bài tôi đã được đọc từ Báo Văn nghệ trẻ hoặc một vài trang website văn chương, ám lòng mãi, như: Sương trôi chiều Đắk Mil, Mồ côi tuổi gió, Lần đêm mót lại tuổi mình, Dự cảm ngày tháng Bảy,… nghe mấy dòng thơ mà thấy thêm yêu đời, yêu người biết mấy:

“ai lỡ ngắm núi chiều nay lõa thể

em đừng mách kẻo có người xấu hổ

mảnh voan mây anh vừa trộm mang về”

(Sương trôi chiều Đắk Mil)

Đâu phải thi sĩ mãi mộng mơ thương nhớ một nửa, đâu phải người lơ đễnh ngắm mùa qua mà ngồi ngơ ngẩn… Không! Huệ Nguyên đã rất ý thức công dân, rất thời sự trong lòng trai trẻ hừng hực khí thế tuổi đôi mươi qua tình yêu đất nước, yêu biển đảo, yêu cả những giọt nắng trên thềm lục địa… chàng trai ấy đã kể như vầy:

“những giọt máu người chinh phu rụng vào cổ tích

Kết tủa thành Hoàng Sa, Trường Sa

bầu vú Âu Cơ mọng sữa

ngọt từng lời ru

những đứa trẻ chảy trong mình dòng máu rồng tiên

ăn hột muối kết tinh từ ngực đêm gió trở

vươn vai hóa Thạch Sanh

trở mình thành Thánh Gióng

quảy bão giông mùa”

(Mọc phía ban mai)

Và:

“tôi sinh ra từ bước chân xuyên thời gian

hằn vết Bạch Đằng, Chi Lăng, Rạch Gầm sóng vỡ

tôi thức trong bước chân Âu Cơ mở đất

trỗi nhịp làng sinh sôi

chân mây rộn ràng phố xá

tiếng bước chân chảy tràn khứu giác

có vị mặn giọt mồ hôi và phèn chua lấm bùn đời mẹ

chang chang rám nắng lưng ngày

có vết thương chẻ dọc bàn chân cha lưỡi cày chệch đường cơn đói

dẻo thơm hạt dạo

thơm cả những giấc mơ mọc đầy tuổi tôi”

(Bước chân vẫn thức)

Đó là:

“…

nỗi nhớ dội vào hư không

nức nở Gạc Ma ngày nhuốm máu

câu hát ngân nga

hồn thủy thủ trườn theo cánh sóng

cây ghi ta rách tươm lòng mẹ già chai lặng

thức giữ mùa quê…”

(Tiếng hát trên cánh sóng)

Nghe sảng khoái, nghe tiếp nối điệp trùng của lịch sử yêu nước thương nòi của ông cha ta và bao thế hệ mọc cánh bay lên cùng thời đại… nhưng họ cứ lặng thầm mà đi như đã từng nằm trong thớ thịt, cuộn máu nghĩ suy về đất nước “phía ban mai / mọc lên những bước chân thầm lặng”.

Là những dòng thơ trải về mùa rẫy cà phê, về những đất đỏ bazan, về những câu chuyện của già làng, của hồn quê trong từng ý niệm. Huệ Nguyên đang níu lại, giữ chặt bầu trời, một vùng dày dằng dặc của miền thương niệm nhớ…

Không vần vè, không kiểu cách, không lên gân nhưng những dòng thơ cứ như gió, như sóng, như khói cứ quyền quyện trải tràn ra trong đêm trăng sáng tôi nghe hơi thơ phả ra từ anh, từ đâu đó trong cõi người đã từ lâu yêu, yêu lắm nhưng vì lí do nào đó ta đ0ã tạm thôi yêu, thôi nhớ… Cho nên Huệ Nguyên đã nói “đêm này có người theo em về kết làm ung mỗ tiếng khắp * bật mầm mơn xanh” (* khắp: yêu).

Ở đây không có thơ trẻ, thơ già, thơ chỉ là thơ, thơ gieo tiếng lòng cho bật mầm hi vọng của những cái siết chặt tay nhau, những mùa đi vội qua, những ngày đừng mang tin buồn… chỉ thế thôi. Chàng trai ấy đã “chạy trong kiệt cùng nỗi nhớ” thì ta còn hoạnh họe chi, còn giày vò nhau chi, tình thiệt quá còn gì…

Cũng là rừng, là núi, là tình… nhưng có lẽ thi sĩ đã khóc, đã từng thảng thốt trước nhiều bảng “rừng cấm”. Chao ôi… hoang tàn và gầy guộc của những mảnh vỡ loang lổ, màu xanh vá víu vào đâu, ngày xanh níu vào đâu. Anh bỗng thốt:

“ta thấy mình là gió lang thang

bưng mặt cút côi đói lời dấu chân dã thú

những con thú ngủ quên ngày bờ bụi

đi hoang trong ký ức hóa thạch: rừng!”

(Mồ côi tuổi gió)

Thi sĩ đã “Mặc niệm rừng già”:

“Kơ nia bưng mặt khóc

miên man niềm cút côi

mặc niệm rừng trong bao tử bầy quỷ đói

Trăm sắc hoa rừng quên mùa không nở

cánh Pơ lang nhức nhối giấc mơ nào

chiều đổ bóng lên vành tang

run run lời Kơ nia hấp hối”

Kiệm lời, chắt ra từ những mảng gió nhói tên trang thơ, bàn tay ấy khẽ run chênh chao ngày. Giọt nắng đã vỡ trên những cánh rừng già, những cánh rừng ấy giờ đây đang khóc, đang thèm màu xanh hoan ca của núi rừng hôm nao…

Rồi một ngày tháng Bảy cha đã về với tổ tiên thì bao dự cảm, bao lời ru, câu hát, lời dạy và ảnh hình cha cứ đằm sâu ngấn lệ xoáy trong con… Thi sĩ ngồi bên cửa sổ, tựa lưng vào vách núi nghe khát một bờ xanh phụ tử…

Chàng trai trẻ đang chực tràn tuổi xuân, cứ nôn nao, mong ngóng bến đò tình. Mà con đò tình yêu thì cứ mãi tròng trành, duyên tình cứ trôi về nơi nao… thôi thì chàng lại cứ gói ghém cái tình yêu đó đắp lên lòng mình nỗi buồn không tên, những cơn mơ lệch số phận cứ theo ngày trôi qua, những cơn mơ lóe lên và làm rụng thêm nỗi buồn thất tình: tình yêu, tình đời… chàng trai đã thấy cả trong hương yêu đã có màu phù phiếm nên đã “tìm thơ rửa tội” là vậy:

“quảy lệch cơn mơ

cồn đói ngày du mục

phù danh nhem nhuốc mặt người

chiều

có kẻ tìm thơ rửa tội

câu chữ đắp lên run rẩy tiếng đời

manh áo cộc”

(Úp mặt)

Còn có gì thâm sâu lắng đượm hơn tình mẫu tử chớ. Con đã viết, con đã thốt, con đã gọi, con đã khóc bên mẹ… bằng “thứ ngôn từ lặng câm”. Và “mẹ lội qua dòng ký ức con / lặng lẽ vết phèn lấm màu năm tháng”. Ôi! “cái ngèo vắt qua cơn sốt nửa đêm”. Đọc câu này tôi đã dừng thật lâu, nghe giọt trăng rơi bên tàu lá chuối hay nghe lòng mình đang quay về tháng ngày xa xưa cơm rang chang chang cái nắng. Ừ, lấm lem, cực khổ của một thời để mãi nhớ, để mãi yêu, để còn biết ngày nay khấm khá mà giữ lại tấm lòng thơm thảo của những gì đã từng tồn đọng trong lòng mình. Cảm ơn nhà thơ đã nói hộ lòng tôi vậy! Quả thật, cả đời này con cũng “chẳng thể trồng nổi câu thơ trên mảnh vườn tuổi mẹ”. Tiếng mẹ, tiếng cha đã làm bao thời đại, bao hiền triết, thi nhân phải thảng thốt, cúi lạy, trầm ngâm và lòng tan ra những muộn phiền mà cứ ấm lại, ánh lên hi vọng…

Khi cha đi xa, mẹ cũng theo mùa bạc dần tóc ánh… cơn ho theo về trong đêm kéo theo những cái trở mình sột soạt giấc khuya. Người con chỉ biết im lặng nghe mòn thời gian, nghe mục ruỗng ngày “tiếng ho theo đứa con vào giấc mơ đi lạc”.

Khép lại tập thơ, dư ba nó cứ âm âm tình mẹ cha, tình đất nước, tình yêu, tình thiên nhiên sâu kín… và ngày kia đóa dã quỳ sẽ bung lên thôi bạn ạ!

“bật lên từ đá sỏi

mầm vỡ lời đại ngàn

dã quỳ bung tuổi nắng

trôi trong chiều mênh mang”

(Dã quỳ)

Huệ Nguyên đã rót nắng đầy tay tặng chúng ta đó, nhận hay không, cảm thế nào tùy vào bạn, vào tôi…

.sg khúc khuuya, lúc 21 giờ 34, ngày 23.02.2014


Trần Huy Minh Phương