LÊ THÀNH NGHỊ

Câu chuyện lấy bối cảnh là một vùng đất ngoại ô ven hồ Tây Hà Nội những năm sau đổi mới. Làng biến thành phố, cuộc sống vốn yên bình năm xưa nay đứng trước những biến động của thời cuộc, con người vì thế cũng không ngừng thay đổi, để phù hợp, để trở thành chủ nhân của cuộc sống mới, trong cuộc mưu cầu hạnh phúc của mỗi người.

 Nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hà

Đã xuất hiện những lối sống khác, những quan niệm khác về hạnh phúc, về giá trị, về nhân phẩm…và và từ đó dẫn đến những va chạm, những xung đột, những lựa chọn giữa một bên là những kẻ bị cuốn theo những cái nhất thời và một bên là những con người đang tìm mọi cách để giữ cho cuộc sống bình yên. Một chủ đề khá “nóng” nhưng quen thuộc của văn học, của tiểu thuyết đã được Nguyễn Thị Ngọc Hà trình bày trong cuốn sách gần đây của chị: Mưa trong nắng

Vùng đất Ân Thịnh ven hồ Tây trong cuốn tiểu thuyết vốn là vùng đất cổ, chuyên nghề trồng hoa cảnh phục vụ thành phố những dịp lễ tết. Nhưng như bất cứ địa phương nào trong cuộc chuyển mình sau đổi mới, ở Ân Thịnh đất đai cũng trở thành tâm chấn của đời sống xã hội. Nếu quan sát trên diện rộng, có thể thấy đại đa số những “đại gia” Việt Nam trên mọi miền đất nước đều “đi lên” từ đất, phát lên từ đất. Ở Ân Thịnh cũng không ngoại lệ. Làng xóm bỗng nhiên đổi thành phố phường, đất đai như được thức dậy, bỗng nhiên lên giá, mời gọi, cám dỗ gặp với cái thời đồng tiền “lên ngôi”, vậy là một cơn bão của những khát vọng tràn tới, lay chuyển tận gốc cái vùng đất vốn trước đó khá êm đềm, với những ruộng quất, vườn đào thơ mộng. Cần phải nói rằng, cuộc chuyển mình “phố hóa” kia là đúng quy luật. Một xã hội nhắm tới mục tiêu “công nghiệp hóa” hiển nhiên không có gì lạ cảnh nông thôn sẽ biến dần thành thành thị. Cái bình yên “nông nghiệp” tưởng như một giá trị ngàn đời có thể chỉ tồn tại trong ký ức khi ý thức của cá nhân và tâm lý của thời cuộc đang thay đổi. Đó có thể là một sự “trả giá” cho những quan niệm sai, những suy nghĩ nóng vội, và cũng có thể là một sự phủ định cần thiết của quá trình đi lên. Vấn đề dặt ra ở đây là phát triển thế nào để một mặt giữ được những giá trị đã có từ lâu đời, mặt khác cần thay đổi để có thêm những giá trị mới phù hợp. Cũng như tại vùng đất Ân Thịnh kia, cần quy hoạch thế nào đó, để cái truyền thống tốt đẹp không mất đi khi dựng xây cái mới, hoặc không thể vì để bảo vệ cái “truyền thống” mà quay lưng lại với thực tế của cuộc sống. Làng Ân Thịnh là đất ven hồ, rất lý tưởng để thu hút người từ phố về, thu hút khách du lịch, khách thuê trọ. Cái “êm đềm” xưa cũ đã bị đảo lộn khi đất đai lên giá, trở thành hàng hóa. Nhà nhà bán đất xây vi la, biệt thự cái để ở, cái cho “tây” thuê. Đời sống vì thế nhanh chóng được cải thiện, bộ mặt “làng” đã trở nên khang trang theo kiểu thành phố.

Nhưng như một bước đi chưa được chuẩn bị, một thực tế chưa lường hết được những biến tướng, những điều không mong muốn cũng theo sự biến đổi của “làng” mà dù không ai muốn cũng sinh sôi nẩy nở.

Đó là những quan niệm về hạnh phúc không còn dựa trên truyền thống đạo đức, mà đã có sự chi phối nghiệt ngã của đồng tiền. Hình ảnh của  Thủy, con gái ông Vũ, giám đốc công ty bất động sản Thành Đạt tán tỉnh Nghễnh, anh cán bộ địa chính của phường để trục lợi, cũng như việc cậy thế dùng của cải để mồi chài Chi về làm vợ cho con trai mình của bà Miện, chủ tịch phường…nói lên điều đó.

Những lối sống đáng lên án của những kẻ có tiền (thường là gắn với những kẻ có chức) cũng đã xuất hiện: Cho vay nặng lãi, rồi xiết nợ, đòi nợ theo kiểu “luật rừng” chà đạp lên số phận của những người nghèo ( Hình ảnh       Tuấn trọc); cờ bạc với quy mô lớn của nhiều cán bộ địa phương (Lượng, thanh tra xây dựng); trả thù cá nhân bằng cách đâm chém dã man…

Những kẻ cơ hội (Vương) như cá gặp nước, được thời đi lại, nói năng, hành động bất lương, sẵn sàng vu cáo dẫn đến chết oan ức cho người đàn ông nghèo khổ như Tẹo…

Những người hiền lành chân chất, có nhiều đóng góp trong chiến tranh như Thuận, Phúc, “người điên”… thì hoặc là bất hạnh, bị khuất lấp, hoặc là bị khinh miệt.

Những cán bộ an ninh như Hiếu, tận tụy và khôn khéo với công việc tại một địa bàn phức tạp thì bị trả thù.

Nghĩa là đã không còn cái “bình yên” như vốn có của một làng ven đô vốn nhiều lễ hội, nhiều cảnh đẹp, nhiều văn hiến nữa.

Đấy là mảng tối đang che phủ làng Ân Thịnh. Nhưng có một mảng sáng rất cần thiết của cuốn sách, cũng là mảng hiện thực có thật của cuộc sống hôm nay, đó là hình ảnh những con người tốt đẹp như không bao giờ mất đi trong cuộc sống, cho dù ngay cả khi cái ác đang có vẻ thắng thế. Đó là những Hiếu, công an phường rất trong sáng, Chi phòng Lao động thương binh xã hội rất nhiệt tình, Thuận bộ đội phục viên nhiều thiệt thòi nhưng không cam chịu, Tẹo nghèo mà trong sạch, khí tiết, “người điên”, thương binh nặng rất cực khổ mà tấm lòng vẫn trong…Họ có vẻ như không “cân sức” với những tiêu cực đang vênh vang kia, nhưng họ mang khát vọng của cuộc sống, không bao giờ cô đơn trong cuộc sống. Ngược lại, hình ảnh họ trong bức tranh tối sáng kia cho người đọc niềm tin có thật vào cuộc sống…

Tất cả những mặt sấp ngửa kia, cái tốt đẹp bên những tệ nạn, cái đạo đức nhân văn bên những điều phi đạo đức, cái hồn nhiên bên những mưu mô tính toán… được tác giả thể hiện bằng một hình ảnh mang tính biểu tượng: “Mưa trong nắng” như để miêu tả cái hiện thực ngốn ngang bề bộn của đất và người, lẫn lộn các quan niệm về giá trị, mập mờ các hành vi đạo lý và phi đạo lý nơi vùng đất Ân Thịnh ven hồ Tây.  Một tình trạng chen lấn hỗn mang trong thực tế đời sống, trong tâm lý và tâm hồn con người, trong hành vi, ăn ở, trong đối nhân xử thế… cái đáng mừng hiển nhiên là có, nhưng cái đáng lo cũng không phải là ít…đang làm nhức nhối ngòi bút của tác giả. Đấy là vấn đề Nguyễn Thị Ngọc Hà muốn gửi gắm và đang soi sáng lý giải nó bằng những hiểu biết và chính kiến của một ngòi bút phân tích. Một vấn đề tuy không mới nhưng vẫn còn nguyên tính thời sự, được gói gọn trong hơn hai trăm trang sách, được viết với một nhiệt huyết đầy những trăn trở của con người hôm nay.

Về mặt bút pháp, Nguyễn Thị Ngọc Hà cố ý tạo ra trong cuốn sách những “lát cắt” để có thể gây ấn tượng sâu cho người đọc. Tác giả chia thành nhiều chương. Mỗi chương tập trung một sự việc, một gương mặt, và để tự người đọc hình dung ra kết cấu của toàn truyện. Một kết cấu đơn giản nhưng mạch lạc, được hình thành bởi một lối hành văn cũng đơn giản, một lớp “nghĩa” dễ cảm nhận, dễ đọc. Tuy nhiên, cái “dễ” này sẽ lập tức biến thành nguy cơ nếu trang viết gây cảm giác “chỉ có thế”. Chính điều đó cũng là chỗ mà Nguyễn Thị Ngọc Hà cần nhận thấy, tiểu thuyết hiện đại đã không còn sử dụng nhiều tính “đơn nghĩa” như vậy nữa. Tiểu thuyết hiện đại cần sự “đa thanh”, đa tuyến, cần nhiều giọng nói trong một không gian, cần nhiều “hiện diện” trong một khoảng thời gian, cần những ẩn dụ đủ sức khêu gợi khả năng liên tưởng “đồng sáng tạo” của người đọc…Bên cạnh lối viết đơn giản ấy, cuốn sách đã để lại khá nhiều yếu tố ngẫu nhiên. Có thể lối viết “lát cắt” làm tăng “tốc độ” truyện đã dẫn tới việc tác giả bỏ qua nhiều sự “dẫn dắt” cần thiết, nhưng chính vì thế tạo ra sự ngẫu nhiên, rất không nên có của một tác phẩm văn xuôi. Lấy một ví dụ, Hiếu là con của Thuận. Vì hoàn cảnh chiến tranh nên mẹ Hiếu đành phải lấy chồng khác để “hợp thức hóa” cái thai con của Thuận trong bụng mình. Ngẫu nhiên sau mấy mươi năm Hiếu lại từ tỉnh Hòa Bình, thi vào tường Đại học An ninh rồi về làm công an phường, nơi Thuận về phục viên. Rồi Hiếu bị bọn côn đồ hành hung. Bệnh viện thiếu máu cấp cứu, lập tức “bố nuôi” của Hiếu đến gặp Thuận nói rõ với Thuận con trai anh đang bị đe dọa đến tính mạng, yêu cầu anh hiến máu. Thuận đã hết sức ngỡ ngàng, và người đọc cũng vậy hết sức ngỡi ngàng trước sự “bố trí” lộ liễu này. Cũng vậy, Vương và người thương binh nặng, “người điên” vốn là đồng đội của nhau, chiến đấu cạnh nhau. Một lần “người điên” bị thương nặng và bị Vương đã nhẫn tâm bỏ lại trước khi một mình về căn cứ. Sau ngày hòa bình, họ lại gặp nhau tại một địa phương. Tác giả dường như “bỏ ngỏ” không theo đến cùng mối quan hệ giữa hai nhân vật này. Sự ngẫu nhiên giữa các tình huống, cho thấy tác giả cần bao quát, làm chủ các tình huống, làm chủ các nhân vật, hoặc xa hơn, thể hiện tư tưởng nghệ thuật của cuốn sách, kín đáo nhưng triệt để hơn. Những sơ suất như vậy đã làm giảm đi ít nhiều tính chân thực của cuốn sách.

Tóm lại, Mưa trong nắng là cuốn tiểu thuyết cho thấy sự cố gắng của tác giả. Cuốn sách dễ đọc, vì vấn đề tác giả đặt ra sáng rõ. Nhưng giá như được viết kỹ hơn, chắc chắn sẽ hấp dẫn, có tác dụng lớn hơn nữa.

Vanvn.net

Phạm Thúy Quỳnh đưa bài