Nếu “Hóa thân” làm độc giả tự vấn về nỗi khổ của con người, quyền làm người thì cuốn “Lâu đài” như một ẩn dụ rõ ràng cho sự loay hoay của kiếp người.

Đọc Hóa thân, Lâu Đài của Kafka: sự loay hoay của kiếp người
Hai tác phẩm Lâu đài và Hóa thân của Franz Kafka – Ảnh: N.T.Trung

Tương tự như các tác phẩm khác của Franz Kafka, Hóa thân khởi đầu trực diện bằng tiền đề chính, rồi khai thác các hướng phát sinh của câu truyện: một chàng trai tỉnh dậy thấy mình hóa thành một con côn trùng và cả gia đình thay đổi khi thấy tình trạng của anh.

Từ vị trí trụ cột kinh tế trong gia đình, anh trở thành một gánh nặng khi bị rũ bỏ hình dáng con người, dù vẫn cố gắng giữ gìn bản chất con người của mình.

Sự trực diện không lan man tạo ra một sự kinh ngạc cho độc giả trước tình huống này, và Kafka liên tiếp đẩy vấn đề phức tạp hơn cũng theo lối thẳng thừng đó, bồi đắp bằng những câu văn súc tích mà thâm thúy.

Quá nhiều lớp ý về nhân sinh được cho vào cuốn sách chỉ hơn 100 trang này, Hóa thân gồm 3 chương đi theo trình tự phát triển nhân vật, mang hơi hướng của thần thoại Hy Lạp.

Khả năng hiện thực hóa các biểu tượng của Kafka làm người đọc dễ dàng bỏ qua tính siêu thực của truyện và chú ý hơn vào những chi tiết sắc sảo mang tính khái quát cao. Được mô tả gần gũi và dễ đồng cảm, cuốn truyện làm độc giả tự vấn về nỗi khổ của con người, quyền làm người và sự chấp nhận thực tại để biến hóa theo chiều hướng tốt đẹp hơn vì tương lai.

Đọc Hóa thân, Lâu Đài của Kafka: sự loay hoay của kiếp người
Lâu Đài (The Castle)

Lâu đài mới được tái bản hồi tháng 2-2016 tại Việt Nam với một trang bìa đẹp. Thật khó có thể nói trọn vẹn về một tác phẩm chưa hoàn thiện, khi mà tất cả các tình tiết đều vẫn được mở toang, câu truyện vẫn chưa có một đoạn kết.

Tác giả Franz Kafka qua đời trước khi có thể viết hết cả các chương cần thiết, và truyện đột ngột kết thúc giữa một câu nói. Ở phần phụ lục, có một đoạn tóm tắt phần kết theo ý Kafka, nhưng vẫn chưa đủ thuyết phục.

Câu truyện đi theo chân nhân vật K. tới Lâu Đài, cơ quan hành chính cao nhất, để nhận công việc đạc điền cho một làng nọ, nhưng chúng ta chưa từng thấy K. tới được Lâu Đài, mà chỉ thấy ông loanh quanh làm sao tới được đó để rồi gặp gỡ các nhân vật thú vị với những tính cách rất riêng.

Hành trình mong được nhận việc mà họ hứa cho K. như một ẩn dụ rõ ràng cho sự loay hoay của kiếp người.

Vẫn đả kích trực diện cơ quan công quyền, nhưng cuốn sách dễ đọc hơn Vụ án, một truyện khác của Kafka. Tự sự của Lâu đài chủ yếu diễn ra trong lời nói chuyện đơn giản giữa các nhân vật, khiến nó dễ thấm hơn so với kiểu tự vấn trong tác phẩm kia.

Ban đầu, việc này tưởng chừng nhàm chán, nhưng khi những câu chuyện được xoay chuyển bất ngờ, twist liên tục, người đọc dần dà bị lạc vào một mê cung giữa những lời nói của con người và mặc kẹt ở trong đó.

Lâu đài dù vẫn thể hiện rõ tính chất đậm đặc riêng “rất Kafka” với những hình ảnh ấn tượng, cách kể truyện trực diện không khoan nhượng, cùng việc đào sâu vào nỗi mệt mỏi của việc làm người, tiếc là chưa có được sự tròn trịa cần thiết khi không có một đoạn kết.

Dẫu vậy, tài năng của Kafka vẫn khiến người đọc hào hứng đọc tới trang cuối cùng.

Nguyễn Thành Trung – TTO