Dục là nước chảy xuống,
lửa bốc lên(1)
Phân tâm học phát triển đến các cống hiến của C.G.Jung, G.Bachelard đã tạo nên một chi lưu mới, nâng đẩy những đóng góp trước đó của S.Freud sang cổ điển. G.Bachelard theo khuynh hướng vô thức tập thể của C.G.Jung và hướng đích đến một hiểu biết khách quan về tưởng tượng nghệ thuật. G.Bachelard cho rằng người sáng tạo nghệ thuật dựa trên các yếu tố vật chất nguyên thủy như: lửa (Phân tâm học của lửa/ Lửa của nến), nước (Nước và những giấc mơ), không khí (Không khí và những giấc mơ), đất (Đất và những mơ mộng của nghỉ ngơi, Đất và những mơ mộng của ý chí)… để nêu lên các giả thiết về cuộc đời, thông qua mơ mộng, tưởng tượng, thi ca thiết lập một thế giới khác với hiện thực – thế giới mộng mơ, mà ở đây, cuộc đời con người, thân phận con người hướng đến một tương lai, được mở rộng ra chiều vũ trụ – một cách thế mở rộng bản thể. Mơ mộng mà Bachelard nói đến không phải là giấc mơ hay chiêm bao, mà là một trạng thái thức giấc của tưởng tượng, không ngừng kích hoạt trí nhớ, làm sống dậy bản chất những trạng thái có tính cách nữ trong tâm hồn người, làm thức dậy một thế giới. Ông nói, sự mơ mộng, khác với giấc mơ, không tự kể lại, nó là tình yêu được viết ra với một niềm xúc động thích thú. Nó kiến tạo “những thế giới của những thế giới”, thoát khỏi những đòi hỏi của các chức năng hiện thực mà con người bị vây bủa. Mở ra thế giới ở chiều kích vũ trụ, sự mơ mộng theo Bachelard là một hiện tượng của cô đơn. Người mộng mơ khi mơ mộng đã bị một sức mạnh của thơ ca thi hóa, làm cho nó tự bộc lộ ra chủ thể, hiện diện cái tôi mơ/ mê sự mộng mơ. Cũng từ đây, một khuynh hướng phê bình được xác lập. Chúng tôi tạm gọi mối quan hệ giữa người phê bình và người sáng tạo có một sự hòa nhập mà ở đó, kẻ sáng tạo là mơ mộng được viết ra và nhà phê bình là thể hiện mơ mộng của sự đọc.
1. Giàn thiêu(2) của Võ Thị Hảo rõ ràng là viết về đề tài lịch sử, một xu hướng quen thuộc trong các sáng tác đương đại. Nhìn rộng ra một vài thời điểm và một số nhân vật lịch sử Việt khi độ tin cậy về mặt sử liệu được đem ra cật vấn, đây có thể xem như một xu hướng tái huyền thoại hóa. Viết về đề tài lịch sử, công việc trước hết của một kẻ sáng tạo, muốn sáng tạo trên tư liệu lịch sử, là, trước hết, “phục chế lại” lịch sử. Phục chế bằng cách nào tùy ý, qua giai thoại, qua sử liệu… nhưng đó mới là công đoạn đầu của quá trình, như một khởi hành. Và kết quả của bước khởi đầu này là làm cho vấn đề đặt ra “trở nên có thể tin được”. Lịch sử ở đây vẫn chưa “sống lại”. Kẻ sáng tạo phải bước đi bước nữa, chuẩn xác hơn, từ điểm khởi đầu ấy – sự nhận thức lịch sử – là điểm xuất phát để trí tưởng tượng nghệ thuật đi đến những nhận thức khác. Qua Giàn thiêu, đời sống lịch sử triều đại Lý Thần Tông đã sống theo cách riêng, đằng sau một triều đại là cuộc sống con người, là tiếng nói của thân phận người, bởi vậy, lịch sử ở đây hiện diện như một khát vọng. Dưới cái nhìn nghệ thuật, triều đại, những con người phân vai theo sự đặt để của xã hội, những phận vị nhường chỗ cho một nhận thức khác, là chiều kích của nhân tính, của sự cảm thụ và xung đột các chiều sâu văn hóa, thể hiện trong mối quan hệ giữa con người với con người, những giá trị người. Lịch sử đã qua thì không thể thay đổi, nhưng nhận thức về nó để thay đổi thì có thể, ít nhất, điều này thể hiện trong ước vọng, trong những ham muốn, những mơ mộng cháy bỏng qua từng con chữ, trong từng ảnh tượng nghệ thuật.
2. Giàn thiêu được Võ Thị Hảo xây dựng trên hai ảnh tượng đẹp lộng lẫy, có sức hút kì lạ, là lửa vànước. Lửa và nước cũng là hai thế giới mơ mộng(3) khác nhau, hai kinh nghiệm về thế giới khác nhau – một thuộc bản nguyên dương và một thuộc bản nguyên âm, cũng là đối nghịch nhưng tồn tại bên nhau, làm nên một sự có mặt trọn vẹn. Một ảnh tượng khác, máu, như một biểu tượng lưỡng cư của nước vàlửa cũng hiện diện như một tông màu dễ bắt mắt, có sức phản chiếu mạnh, xối nhuộm cả bức tranh chói gắt. Trên nền ấy, các nhân vật lịch sử xoay chuyển, các ý thức văn hóa vừa hòa trộn vừa xung đột với nhau, hướng về một khát vọng điều hòa.
3. Lửa trong Giàn thiêu trình diện trong các hiện tượng khác nhau(4). Nó trước hết là ngọn lửa của vật lí, nó đốt cháy các sự vật và phá hủy hình hài vật chất con người trên giàn thiêu. Đồng thời, nó cũng là ngọn lửa tâm lí, biểu hiện bằng sự thôi thúc của các dục vọng từ tâm ý trong mỗi con người, trong mỗi nhân vật. Mượn lời Bachelard, lửa vừa làm chín thức ăn nhưng cũng làm chín các tâm trạng, bản chất của nó vừa vuốt ve “mơn trớn” nhưng cũng đánh gục, giết chết đối tượng một cách đầy nghiệt ngã.
Ngọn lửa trong Giàn thiêu trước hết là ngọn lửa hành hạ và phá hủy. Suy nghiệm phương Đông, lửa ứng với quẻ Li trong Kinh Dịch, màu đỏ và ẩn ở trái tim là nơi của “nhiệt huyết” của “tình yêu và sự giận dữ”. Sự màu nhiệm của nó đến nỗi dường như tất cả các tôn giáo trên thế giới đều ngưỡng vọng. Nó làm tái sinh, là “thần sống và tư duy”, nhưng cũng “làm tối và chết ngạt bởi khói của nó; nó đốt cháy, tàn phá, tiêu hủy! lửa của những dục vọng, của trừng phạt, của chiến tranh”(5). Trong cuồng loạn, “lửa tỏa khói và tàn phá tượng trưng cho trí tưởng tượng bị kích động (…) cho tiềm thức (…) cho cái hang trong lòng đất (…) cho lửa địa ngục (…) cho trí khôn dưới dạng nổi loạn: nói gọn là tất cả những dạng của sự thoái hóa tâm linh”(6).
Sự mơ mộng của Võ Thị Hảo về “lửa” trong Giàn thiêu là một điểm nhấn. Sự thống kê cho thấy yếu tố “lửa” tự thân xuất hiện 135 lần, các biến thể của nó như: đèn: 40 lần, đèn lồng: 39 lần, giàn thiêu: 43 lần,nến: 18 lần, đèn nến: 6 lần, đèn dầu lạc: 2 lần, ngọn bấc: 1 lần, bạch lạp: 1 lần, hỏa lò: 9 lần, sấm sét: 5 lần, hỏa dầu: 1 lần, hoa đăng: 5 lần, đuốc: 13 lần. Các thuộc tính của nó cũng không ngừng lan tỏa với sự bỏng rát của “cháy”: 44 lần, “thiêu” (đốt): 39 lần, “khói”: 19 lần, “tro nóng”: 1 lần, “hỏa diệm sơn”: 2 lần. Sự đốt cháy đó rợn ngợp trong một sắc “đỏ” choán chiếm : 177 lần. Khó có ai chơi đùa với lửa một cách say mê đến thế. Đó là lửa giàn thiêu (ngọn lửa vật lí) thiêu sống 49 phi tần mỹ nữ đi hầu đức Nhân Tông và 29 cung nhân cùng những trinh nữ lỡ thì đi làm tròn phận đạo với Thần Tông luôn ám ảnh sự ngây thơ tội nghiệp trong tâm thức Ngạn La và bao người khác. Ấy là lửa dục vọng của công tử Lý Câu, của pháp sư Đại Điên, lửa tham vọng và thù hận của quan Thái bảo Lý Trác, lửa thù hận và báo thù cho song thân của Từ Lộ, ngọn lửa tình thiêu đốt trái tim Từ Lộ, Nhuệ Anh, Lý Câu, Thần Tông, ngọn lửa chính trực ngùn ngụt cháy trong lòng Trần Dĩnh, lửa hờn ghen của nguyên phi Ỷ Lan, của sư bà(7)… Trong sự lan tỏa đầy nhiệt huyết và hiếu động của nó, các hình hài, các nhân vật trong Giàn thiêu bị hấp lực của ngọn lửa thiêu đốt. Võ Thị Hảo đã làm nên một mê trận của thứ mỹ học nghệ thuật độc đáo trong những đối cực: trước hết đó là lửa của sự khơi gợi các dục vọng, và lửa của viễn tượng chết, của sự trở về, để tái sinh, thanh tẩy(8). Dù biểu hiện ở những trạng thái nào đi chăng nữa thì đó cũng là những biến hiện của tình yêu, chỉ có tình yêu mới làm nên hờn ghen, thù hận, tham vọng…, mượn lời Bachelard, đó là thứ tình yêu mang bóng dáng ngọn lửa để chuyển giao, ngọn lửa cũng chỉ nương nhờ bóng dáng của tình yêu để chộp bắt lấy một điều gì đó.
Tình yêu, dại dột thay, trong sự tột cùng đúng nghĩa của nó, tự bảo vệ bản thân bằng chính sự trần truồng, trơ trụi của mình. Đó là trường hợp của Nhuệ Anh và Từ Lộ. Từ Lộ ngày đêm mong ước được gặp Nhuệ Anh đến quên ăn quên ngủ nhưng ước vọng không thành, nó vừa khơi lên sự ấm cúng của một mái ấm (hình ảnh đám cưới) thì ngay lập tức, ngọn lửa ấy chưa kịp tái sinh đã phải chuyển sang một phẩm tính khác: lửa thù hận – xui khiến bước chân Từ băng núi vượt rừng, nếm mật nằm gai để diệt trừ Đại Điên và Diên Thành hầu. Trái tim đang nóng rẫy yêu thương trở quẻ, hủy hoại luyến ái uyên ương, chối bỏ Nhuệ Anh. Và cũng từ đó, Từ Lộ không còn là “chàng” của “thiếp”, chàng đã trở thành một người khác: “không còn dấu vết gì của chàng trai hào hoa phong nhã nồng nàn. Gương mặt tuấn tú yêu dấu ngày nào nay xanh tái” (tr.111) và khi “trong tim đã chứa đầy máu đen” thì trở thành một Từ Lộ khác, mang tên thù hận và báo oán để đền ơn sinh thành: “lạy cha … kiếp này không phải của con. Con chỉ sống để trả oán này…! Xin trời cao đất dày chứng dám…!” (tr.78). Khi báo oán xong, Từ cảm thấy mình không còn một ý nghĩa gì nữa cả, một kiếp trống rỗng. Ý nghĩa cuộc sống chấm dứt trong thoáng chốc yêu đương ngắn ngủi với Nhuệ Anh trên thác sông Gâm rồi tắt lịm. Sự tái sinh của Từ Lộ vào Thần Tông chỉ là sự kéo dài thêm khổ đau của cuộc sống phạm hạnh cõi trần thế.
Lửa thù hận còn một biểu hiện khác nữa, đó là ngọn lửa của lòng ghen nhen lên để thiêu cháy những phi tần, những trinh nữ. Ở đây ngọn lửa trở nên hân hoan một cách kì lạ dưới bàn tay tổ chức của Võ Thị Hảo. Những tiếng rú, những mùi tanh của máu, mùi khét của thịt người cháy… làm cho ảnh tượng lửatrong Giàn thiêu trở nên sống đúng đời lửa. Sự bất hạnh mang tên lửa nghi lễ vật linh – hiến tế thời man dã được Ỷ Lan nhóm lên rồi Lê Thái hậu di dưỡng, biến tấu, thực chất là sự ghen tuông mang bản năng dục tính. Những nhân vật nữ bị thiêu đốt trong ngọn lửa ghen tuông, oán hờn và đau đớn. Gam màu “đen”(9) trở nên nổi trội trong thế song hành với sự u tối, từ cõi vô thức của bản năng chết (thanatos) trong con người. “Những ngọn lửa cuồng dại nhảy nhót” trong mắt của mẹ Từ Lộ đã dẫn đến sự siêu thăng thành cái chết khi nỗi oan khuất của chồng không được rửa. Ngọn lửa đó không trở thành sự “thanh tẩy” nỗi đau đớn nơi lòng người vợ, không tái sinh được mà hủy diệt hình hài bà thành tro bụi. Một biểu hiện khác, ngọn lửa chính trực ở Trần Dĩnh bị thiêu đốt bởi ngọn lửa khác, mạnh hơn, lửa dục vọng và uy quyền của Diên Thành hầu, và điều đó cũng tiêu hủy luôn con người thực của Trần Dĩnh.
Ở nhân vật Đại Điên hiện diện một ngọn lửa khác, ngọn lửa cuồng dục, trong khoảnh khắc cuối đời khi chờ đợi Từ Lộ giết chết, chính Đại Điên đã được chuyển hóa. Sự cười nhạo Từ Lộ đã xác tín cho một thức tỉnh: kiếp người có vay trả sòng phẳng. Khi Đại Điên nằm xuống “đầu chạm đất”, “một dòng máu đen đặc hôi tanh chảy tràn ra mặt đất. Nửa mặt còn lại của Đại Điên lại nhẹ nhõm như đang cười” (tr.386-387). Đại Điên đã được “tẩy uế” bằng một ngọn lửa mãnh liệt hơn nơi Từ Lộ. Đúng hơn, lửa ở đây đã được chuyển hóa.
Ngọn lửa yêu đương cuồng dại của Nhuệ Anh nhưng không được đáp trả hay đúng hơn bị đàn áp bởi lửa thù hận nơi Từ Lộ, đã tái sinh một ngọn lửa khác, lung linh hơn – suy nghiệm tôn giáo (ngọn lửa siêu thăng). Chính dòng thác và đặc biệt ngọn lửa tình yêu của Cá Bơn đã giúp Nhuệ Anh tự thức tỉnh: “Thân gái dặm trường quá nửa đời phiêu bạt. Rốt cục chẳng để làm gì, đuổi theo một cái bóng hư ảo, không xứng cho con phải quên thân” (tr.321), và từ đây, sức “thiêu đốt của lửa” đã mang giá trị thức tỉnh, đã tái sinh thành một hình hài khác Nhuệ Anh – Sư bà.
Ngọn lửa thâm nhập trong Ngạn La, người trinh nữ có tâm hồn mãi mãi ở tuổi mười ba, mang một sức mạnh lớn hơn lửa giàn thiêu (hai lần thoát khỏi lửa giàn thiêu) – nơi đôi mắt man dại và trái tim hồn nhiên ấy sở hữu một ngọn lửa Surya (mặt trời thiên giới), ngọn lửa lí tưởng hóa. Sự thánh thiện của một tâm hồn trong trẻo đã chế ngự được tất cả. Điều này được chúng tôi chỉ rõ hơn trong phần cuối.
4. Nắng lắm mưa nhiều (tục ngữ Việt). Nếu không phải “mọi vật đều là nước” (Hinđu giáo) thì mọi vật cũng phải đẫm mình trong “những vùng nước bao la không bờ bến” (Đạo giáo). Trong Kinh Dịch, nước ẩn mình ở quẻ Khảm, thuộc âm và đối lập với lửa. Đó cũng là “nơi tình yêu nảy sinh và những cuộc hôn phối bắt đầu”, “nước là nguồn gốc và là phương tiện chuyển tải đời sống”, là thế nổi trội, bản thể của những đức tính: “nguồn sống, phương tiện thanh tẩy, trung tâm tái sinh”(10). Trong triết lí người Việt, nước luôn mềm mại và uyển chuyển: Nước chảy đá mòn, bản tính của nó có thể len lỏi và thấm nhập sâu, lan tỏa. Từ khởi thủy, nước đã được tụng ca và kêu gọi: “Lạy trời mưa xuống/ lấy nước tôi uống”. Võ Thị Hảo đã để cho “nước” cứ chảy tràn một cách vô ý, không dè dặt trong Giàn thiêu. Theo sự thống kê của Đào Vũ Hòa An(11), trạng thái nước xuất hiện 26 lần, sông 40 lần, thác 11 lần, hồ 3 lần, nước mắt 30 lần, sữa 9 lần, sương 9 lần, mưa 6 lần… Nếu lửa chỉ gam màu đỏ (177 lần) thì nước lại dịu hơn, màu đen (16 lần). Điều đặc biệt, nước ở đây không thuần nhất nữ tính trong tính đối lập hoàn đối lập với lửa. Có thể nói, nước trong Giàn thiêu là thứ nước nam tính, thuộc mơ mộng mãnh liệt của ý chí hoạt động, luôn tăng thêm sức mạnh, làm nảy chồi sống chứ không hề bị bào mòn. Nước ở đây cũng còn là những tủi hờn nữa (nước mắt).
Trước hết, sông (lặp lại 40 lần) là một nhịp mạnh, dòng nước trước hết là những ký ức của dòng đời: sông Nhuệ, sông Gâm là nơi Từ Lộ khắc sâu ký ức đau khổ; bờ sông Tô ghi dấu bước chân Nhuệ Anh, thác đá sông Gâm minh chứng cho cuộc tình đẹp nhất. Thác thường gắn liền với bước chân Từ Lộ trên con đường “hành cước” “ngược Thác Oán” để báo thù cho cha. Đó là hành trình của đói khổ, của chết đi sống lại để tìm đường đến với Đại sư Tzu, đến mảnh đất Tây Trúc.
Nhưng mạnh mẽ hơn là ở khúc “Lãnh tiếu nhân gian”, như một khúc cuối cùng, mang cả cái dữ dội của ước mong, tẩy sạch và “tái sinh”. Những tiếng gọi “Mưa ơi! Mưa!” cất lên thảng thốt. “Nước mắt giàn giụa hòa cùng nước mưa. Cỏ sẽ hồi sinh. Lúa cũng sẽ hồi sinh” (tr.497). Đó là cả một sự thấm nhuần ân huệ, ơn mưa móc, khắc chế đi những ngọn lửa dục vọng. Đặc biệt, chỉ tính riêng từ trang 495 – 500, “mưa” xuất hiện 26 lần, “nước”: 8 lần, “dòng sông”: 14 lần. “Mưa” ngập tràn – “Bài hát cầu mưa của Nhuệ Anh tưới trên thi thể chàng cá Bơn”, “mưa rơi mờ mịt Dâm Đàm (…) Mưa rơi lanh chanh nhảy nhót trên hoàng bào của Thần Tông” (tr.499). Muốn được đặc ân, dường như ai cũng phải chết đi. Từ Lộ qua hai kiếp vẫn chưa tìm thấy cái đặc ân của cuộc đời. Nếu như lửa đã làm cho những gì tốt đẹp nhất của con người trở về với bản nguyên của cằn cỗi và chết chóc thì mưa – nước thượng đẳng đã phục nguyên sức sống. Khi “không một dòng sông nào chảy vào động Trầm. Cũng chẳng một dòng sông nào chảy vào hậu cung” và nơi trần thế quá nhiều những ngọn lửa man dại, thì Nhuệ Anh âm thầm làm một cuộc hồi sinh nhờ những giọt nước mắt. Nhuệ Anh – sư bà nhận ra và hốt hoảng thúc giục: “chạy đi, trốn đi, những con quỷ màu đỏ. Lửa đã thiêu đốt cả đời người nay lửa sẽ hóa thành khói, bay lên trời, trả lại cho con người đôi mắt và những dòng nước mắt” (tr.494-495). Khi biết nhìn đúng sự thật và biết khóc cho quá khứ, con người tự làm cho mình lành lại những nỗi đau và siêu thăng.
Khúc mưa, khúc “lãnh tiếu nhân gian” thực sự là khúc “tiếu ngạo” trong cõi nội giới của chàng Cá Bơn và nàng Nhuệ Anh. “Chàng Cá Bơn đi tìm nàng (…) Chàng cũng chỉ biết về những dòng sông”. Từ trăng tròn đến trăng khuyết, “chàng ra đi từ lúc những dòng sông đầy nước, cho tới lúc những ngọn nguồn cũng cạn kiệt”, trên bước chân Cá Bơn mang nặng những chất chứa đời người: “lưng cõng Mẹ Cá, trong tim cõng hình bóng người con gái đã lao mình xuống Thác Oán”. Võ Thị Hảo buông cho nhân vật của mình chạy trốn.
5. Máu (mang một bản nguyên kép, vừa thuộc tính chất của nước vừa thuộc tính chất của lửa, ở phía nước, máu là dòng chảy, mềm mại, ủy mị; nhưng ở phía lửa, máu là sự linh động, nhiệt huyết, cuồng loạn và phá bĩnh).
Máu là nơi của những đối cực: hoặc “thiêng liêng, tôn quý” (máu Thánh, chiến binh, trinh nữ…) nhưng cũng sẽ là ô uế và nguy hiểm (máu của bệnh tật). Sẽ không quá đáng nếu nhận ra Võ Thị Hảo đã rưới gội Giàn thiêu bằng máu để vẽ nên bức huyết họa của mình. Máu khi là “bụm”, khi thì “vốc”, khi “rịn rỉ”, hoặc thành giọt hoặc cả “sông máu” cứ túa ra, ào chảy mà nhuộm đỏ mắt người đọc. Máu trong Giàn thiêu lặp lại 160 lần, huyết: 9 lần, sắc đỏ: 177 lần, chu sa: 9 lần. Cùng với sự xuất hiện của sự sống, con người bắt đầu không thôi suy tư về máu. Không ai nhìn thấy nó mà không tỏ bày một thái độ, hoặc thèm khát (quỷ hút máu để được trường sinh), hoặc ghê sợ hoặc thương cảm… bởi “máu là sự sống” (Kinh Thánh). Hiện thân trong cơ thể người, máu là nhiệt của sự sống, là “bản nguyên của thân xác và là phương tiện truyền dẫn những đam mê”, là “tất cả những gì là đẹp, là quý phái, hào hiệp, cao thượng”(12). Người Campuchia cổ đại coi sự đổ máu trong hiến sinh và các cuộc đấu là dấu hiệu cho trời mưa. Cũng vì thế nó liên quan mật thiết với lửa, mặt trời và bắt mắt con người trong sắc đỏ “rực rỡ nhẩy chói” của mình.
Máu trong Giàn thiêu như vơ vào bắt quàng với lửa mà làm cho Từ Lộ, các cung nữ, Thần Tông… cứ run rủi khiến xui bước chân mình về với cõi chết. Sự dẫn dắt lịm dần các lực sống của họ làm người đọc kinh hãi. Trước con mắt Ngạn La, chốn thâm cung, máu các cung nữ bị “chuột cắn rách thịt da” cứ “tuôn đỏ lòm thành vũng” (tr.232). Nguồn sống linh thiêng của con người đang trở thành bữa tiệc cho súc vật. Các kiếp sống trong Giàn thiêu cứ theo lời mời gọi “Lên đây. Đi qua con đò này, qua sông máu, cậu sẽ tới được chân Bồ Tát” (tr.353). Máu cứ bết dính trên mỗi bước chân Từ Lộ trên đường hành cước và báo oán. Đặc biệt, ở Thần Tông lúc lâm chung, ảo giác nhà vua thấy Nhuệ Anh có “gương mặt mang một dòng lệ đỏ, trôi dạt trong không trung”, đã ngã vập “miệng hộc ra một vốc máu màu vàng” (tr.529) rồi chết. Phải chăng trong con người tham lam sống hai kiếp kia cứ đi tìm lực sống, nguồn sống, hơi ấm mà mãi như bắt đuổi ú tim cái ảnh ảo? Thật khó cho con người để ghi danh nó vào bữa tiệc Thiên đường của thân phận!
6. Cuối cùng, cần phải đặc biệt nhắc đến hai người nữ: Nhuệ Anh và Ngạn La. Nhuệ Anh hiện diện trongGiàn thiêu như một sứ trời, khi hiểu rõ cõi đời đang vật vã sém lẹm trong ngọn lửa dục vọng và cuồng loạn, khi “khô khát quá lâu rồi. Cỏ cháy. Rừng cháy” (tr.496), Nhuệ Anh “lê tấm thân mong manh đi khắp các dòng sông khô cạn, ngửa mặt lên trời và hát gọi mưa” (tr.495). Và mưa đã đến. Nó làm lành những trái tim cháy đỏ và khét lẹt vì cuộc trần đa đoan. Ngạn La là hiện thân đầy đủ nhất của sự ngưỡng vọng, làm nên một viễn tượng tái sinh dưới trời loạn giàn thiêu. Ngạn La là đối tượng để chiếm hữu. Quyền lực dưới trời thâu vào tay Nhân Tông và Thần Tông nhưng họ không thể với đến; tàn bạo của quan Thái Bảo Lý Trác không thể phá hủy hình hài Ngạn La; sức nóng sánh với hỏa diệm sơn không thể đốt cháy con người này; sự ghen tuông chốn cung cấm không xóa được ngây thơ cô gái lấm lem bùn đất mò cua nơi đồng ruộng. Như trăng hiền từ, như nước mềm mại và thấm nhuần, vừa bướng bỉnh vừa thân mật, một mình Ngạn La làm một cuộc chống chọi, lẻ loi nhưng vững chải với mọi toan tính trần thế. Như đóa sen từ bùn đất mọc lên, thế giới của Ngạn la là thế giới của sự thiếu vắng: “không để ý đến cõi Phật hay Niết Bàn. Chỉ biết cái khoảng trời của nàng, nơi đó có linh hồn của mẹ”, “Đôi khi nàng cũng mơ về người cha mà nàng không bao giờ nghe mẹ nhắc tới” (tr.338-339). Đó là một huyễn tưởng, một mộng tưởng đẹp mà Võ Thị Hả . Đó là thế giới của Animus (tính nam) đã bị từ khước? Thế giới của Ngạn La còn là thế giới đồng giao: “Mưa trở về trời/ Nu na nu nời/ Ru trời/ Trời rơi… ” (tr.379). Hình ảnh nàng bay lên trời ở cuối tác phẩm trở thành một sự ngưỡng vọng muôn đời cho những kẻ thua cuộc (Nhân Tông, Thần Tông, Lý Trác), là cứu chuộc cho những bước chân lầm lỡ (Từ Lộ, Lê Thái Hậu). Cất nhắc trong một phạm vi rộng hơn, trong cái nhìn văn hóa, có thể xem đây là một cuộc chống chọi, xung đột lớn trong văn hóa Việt buổi đầu để tìm đến những cách thế sống chung. Văn hóa trong nghĩa này hoàn toàn là những chọn lựa trong các giá trị để hướng đến hòa hợp, cùng cất lên tiếng nói.
7. Chẳng phải ngẫu nhiên mà Võ Thị Hảo mơ mộng về nước và lửa một cách say sưa trong Giàn thiêuđến thế. Bài học từ con thiêu thân lao một cách không hề dè dặt vào lửa là biểu hiện bậc nhất của tín niệm hợp nhất. Cũng vậy, thiên tài Novalis cứ mơ mộng về thiên nga vì ở đó có sự giao hòa của sức mạnh toàn năng của trời và đất. Ở một chỗ khác, các nhà Giả kim thuật tìm mọi cách để hòa hợp nước– lửa vì trong sự thống nhất ấy, “con người tìm lại giá trị nguyên khởi”. Đó cũng có thể là lời mời gọi của tinh thần nghệ thuật mà Võ Thị Hảo muốn trình ra. Chơi với lửa và nước, băng qua “vũ trụ luận về vật chất”, Giàn thiêu cũng hòa thực tại vào những mơ màng, những mộng mơ, cất giấu đi tính hữu hình thô ráp của hiện tại, thực hiện một thái độ “đồng lõa” giữa bản ngã mơ và thế giới sống xung quanh.
N.Q.H
(SH308/10-14)
————————–
1. Trúc lâm tông chỉ nguyên thanh, Không thanh – Ngô Thì Nhậm.
2. Võ Thị Hảo (2005), Giàn thiêu, Nxb. Phụ nữ, Hà Nội. Dưới đây, trong những trích dẫn không ghi nguồn mà chỉ ghi số trang, đều lấy trong sách này.
3. Hai “ảnh tượng vật chất” này, hiện diện trong nghệ thuật, được G. Bachelard xác nhận “như một sự quay trở lại những chủ đề nguyên thủy”, nó hoạt động trong tính thường xuyên, “bất chấp những bước tiến của tư tưởng được rèn dũa, chống đối lại ngay cả việc dạy dỗ của những kinh nghiệm khoa học”. G. Bachelard, Phân tâm học về lửa, bản dịch tiếng Việt của Ngô Bình Lâm, in trong Phân tâm học và văn hoá nghệ thuật, Đỗ Lai Thúy (biên soạn và giới thiệu) (2004), Nxb Văn hóa Thông tin, H, tr202.
4. Nhất thiết phải trích dẫn ra đây một phân tích đầy mơ mộng những cảm nghiệm về lửa của Bachelard, ông cho rằng: Lửa là vật siêu tồn tại, lửa là thầm kín và là vũ trụ. Nó tồn tại trong tim chúng ta. Nó tồn tại trên bầu trời. Nó nhô lên từ sâu thẳm của chất liệu và xuất hiện như một người tình. Nó biến trở lại vào trong vật chất và ẩn náu, tiềm tàng, nén mình lại giống như lòng hằn học và sự báo thù… nó sáng long lanh trên thiên đàng. Nó cháy đỏ rực dưới địa ngục. Nó là sự mơn trớn và hành hạ. Nó khiêu khích, làm vui mắt nhưng nó cũng trừng phạt đầy nghiệt ngã. G. Bachelard, Sđd, trích dẫn từ các trang 206-207.
5. Jean Chevalier (và Alain Gheerbrant) (Nhóm tác giả dịch), (2002), Từ điển biểu tượng văn hoá thế giới, Nxb. Đà Nẵng, Đà Nẵng, tr548.
6. Jean Chevalier (và Alain Gheerbrant), Sđd, tr546.
7. Các trạng thái biểu hiện của lửa trong đoạn này chúng tôi có tham khảo, đối sánh với những phân tích của Đào Vũ Hòa An trong bài Mẫu gốc như là thành phần tạo nghĩa trong chuyện kể (khảo sát qua mẫu gốc lửa và nước trong Giàn thiêu của Võ thị Hảo), in trong Tự sự học, Trần Đình Sử (chủ biên), Nxb. Đại học Sư phạm, 2008, tr496-508.
8. G. Derycke khi diễn tả kinh nghiệm lãng mạn trong thơ Novalis có trích đoạn: “Xin bảo đảm tôi đã quá phụ thuộc vào cuộc sống ấy. Một sự điều chỉnh mạnh mẽ là cần thiết… Tình yêu của tôi đã biến thành ngọn lửa và ngọn lửa ấy thiêu hủy dần dần tất cả những gì thuộc trần thế ở trong tôi”. Dẫn theo G. Bachelard, Sđd, tr343-344. Trong thơ văn Việt Nam, từ túi khôn dân gian đến các sáng tác bác học, sự diễn tả ngọn lửa tình yêu thiêu đốt hình hài không phải là hiếm. Yêu hay được yêu chính là tự đốt cháy mình trong ngọn lửa.
9. Cái nhìn về màu sắc của phương Tây trước thế kỉ XVIII cho rằng màu đen cũng là màu của lửa, đối chọi với ánh sáng và trên hết, nó thể hiện tính chất cay nghiệt, bí ẩn và chống đối.
10. Jean Chevalier (và Alain Gheerbrant), Sđd, tr709.
11. Đào Vũ Hòa An, Sđd, tr.503.
12. Jean Chevalier (và Alain Gheerbrant), Sđd, tr566.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Lévy Bruhl (Ngô Bình Lâm dịch) (2008), Kinh nghiệm thần bí và biểu tượng ở người nguyên thủy, Nxb. Thế giới, Hà Nội.
2. Jean Chevalier (và Alain Gheerbrant) (Nhóm tác giả dịch), (2002), Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, Nxb. Đà Nẵng, Đà Nẵng.
3. Võ Thị Hảo (2005), Giàn thiêu, Nxb. Phụ nữ, Hà Nội.
4. C. G. Jung (Vũ Đình Lưu dịch) (2007), Thăm dò tiềm thức, Nxb. Tri thức, Hà Nội.
5. Lưu Hồng Khanh (2006), Tâm lý học chuyên sâu, Nxb. Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh.
6. E. M. Meletinsky (Trần Nho Thìn và Song Mộc dịch) (2004), Thi pháp của huyền thoại, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.
7. Nhiều tác giả (2009), Nghiên cứu văn học Việt Nam – Những khả năng và thách thức, Nxb. Thế giới, Hà Nội.
8. Trần Đình Sử (chủ biên) (2008), Tự sự học, 2 tập, Nxb. Đại học Sư phạm, Hà Nội.
9. Đỗ Lai Thúy (biên soạn và giới thiệu), (2004), Phân tâm học và văn hóa nghệ thuật, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
– Nguyễn Quang Huy – Nguồn: Tạp chí Sông Hương –