Bà Ngô Thị Bê đang cắt xén từng quân bài tới /// Tuyết Khoa

Bà Ngô Thị Bê đang cắt xén từng quân bài tới – Tuyết Khoa

Đánh bài tới là thú chơi dân gian phổ biến ở Huế nói riêng và miền Trung nói chung.

Tuy nhiên, đến lúc này chỉ còn gia đình bà Ngô Thị Bê (còn gọi là Ngô Thị Tuyết, 64 tuổi, xã Hương Vinh, TX.Hương Trà, Thừa Thiên-Huế) làm bài tới và làm hoàn toàn bằng phương pháp thủ công.

Bộ bài tới ở Huế có 30 cặp quân bài và chia làm 3 pho gồm văn, vạn, sách và 3 cặp yêu. Pho văn gồm các quân bài: gối, trường hai, trường ba, voi, rún, sáu tiền, liễu, tám tiền, xe. Pho vạn có các quân bài: học trò, tám cẳng, ba đấu, xơ, quăn, nhọn, bông, thầy. Pho sách có các quân bài: nọc đượng, nghèo, gà, gióng, dày, sáu hột, sưa, tám giây, đỏ mỏ. Ba cặp yêu gồm: ông ầm, thái tử, bạch tuyết. Đặc biệt, bộ bài tới không chỉ dùng để đánh bài tới mà còn dùng để chơi các loại bài khác như bài ghế, bài thai, bài nọc, bài phu, bài đôi và phổ biến nhất là bài chòi (người chơi thường ngồi trong một chiếc chòi).

Ngày xưa, nơi tập trung làm bài tới ở Thừa Thiên-Huế là thôn Địa Linh, vùng đất có nhiều nghề truyền thống nổi tiếng. Địa phương này có nhiều gia đình làm bài tới, phân phối đi khắp các tỉnh thành. Tuy nhiên, hiện nay chỉ còn gia đình bà Bê bám trụ với nghề này.

Làm những quân bài tới nhỏ nhắn theo cách bà Bê đang làm khá tốn công. Bài được in trên 2 khuôn. Mỗi khuôn in 15 con bài. Hai khuôn mới đủ cho 1 bộ bài 60 con. Khuôn được khắc đẽo trên gỗ cây thị để đủ độ dẻo. Mực in được chế từ muội than khói đèn. In xong, một số quân như ầm và mỏ được đóng thêm dấu đỏ. Bài được in từ giấy dó nên phải thêm công đoạn dán nhiều lớp để bài cứng, sau đó dán thêm một lớp giấy ở lưng bài cho đẹp và đem hong gió cho khô rồi mới cắt xén cho ra bộ. “Bài được in bằng mộc bản nên phải rất tỉ mẩn để mực khỏi lem. Cắt xén bài phải thẳng thớm từng con một. Trước khi đi ngủ, lúc nào cũng phải thắp 4 cây đèn dầu để ngày mai lấy muội than trên bóng đèn làm mực in. Dịp tết, cả nhà phải thức đêm để làm cho kịp hàng. Vì rất tốn công nên mỗi ngày cả gia đình tập trung làm cũng chỉ được vài chục bộ bài”, bà Bê kể.
Hiện nay, bài tới vẫn được làm với những khâu như vậy. Tuy nhiên, giấy dùng làm bài được đổi thành giấy roky để bài cứng hơn. Khâu in đã được cải tiến bằng cách in lụa để mực in không bị lem ra tay khi chơi bài. “Dù đã có một số thay đổi trong khâu in nhưng các khâu còn lại vẫn làm thủ công. Bài vẫn được làm từng bộ một, cắt xén từng con một nên khá tốn công, vì thế chỉ lấy công làm lãi” – bà Bê cho biết.

Bộ bài tới gồm 30 cặp quân bài

Bản mộc in bài trăm tuổi

Về thôn Địa Linh, hỏi bà Bê làm bài tới thì ai cũng biết. Bởi bà Bê là người cuối cùng còn gắn bó với nghề làm bài tới nơi đây. Ngày xưa, gia đình bà Bê cũng nổi tiếng với nghề này. Đa số anh em họ hàng đều làm bài tới để bán. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, tất cả đã bỏ nghề. Bà Bê cho biết: “Gia đình tui làm bài tới từ đời ông nội. Con cháu trong nhà đều phụ gia đình nên ai cũng biết làm. Đến khi lấy chồng, tui cũng theo nghề này. Ngày trước, làng này sống với nghề nhiều nhưng giờ chẳng còn ai. Tui đã làm nghề này gần 50 năm nay, tuy chỉ lấy công làm lãi nhưng lưu giữ được nghề của tổ tiên”.
Gia đình bà Bê là điểm cung cấp bài tới duy nhất của Thừa Thiên-Huế, bỏ sỉ cho các tiểu thương ở chợ Đông Ba phân phối trong tỉnh và các tỉnh lân cận, mỗi bộ có giá 3.000 đồng. Thời điểm trong năm thì làm lai rai. Đến những tháng cuối năm, thường là tháng 10 âm lịch trở đi, bà Bê làm nhiều hơn để cung cấp cho các bạn hàng bán dịp tết. Trong nhà bà Bê, những dải giấy sau khi được dán thêm một lớp giấy làm lưng bài được hong đầy nhà.
Anh Huỳnh Tấn Hưng, con trai bà Bê, cho biết: “Từ nhỏ tôi đã phụ mẹ làm nên cả nhà ai cũng biết làm. Nhưng theo nghề này cũng khó vì thu nhập không nhiều lại rất tốn công do làm bằng thủ công”.
Hiện nay, bà Bê vẫn lưu giữ bộ bản mộc dùng để in bài có tuổi đời hơn 100 năm do ông nội bà Bê để lại. Ngày ngày, bà vẫn miệt mài với những quân bài tới, từ cắt xén giấy đến dán hồ, đóng bộ… “Tôi chỉ sợ vài bữa tôi không còn, con cái thì lo công ăn việc làm, không có ai làm nghề này thì không biết lấy bài mô để mọi người chơi thôi. Những ngày tết, mọi người lại chơi bài tới. Bài tới chơi vui vì ít tính ăn thua, chỉ đánh cho vui. Vui nhất là những câu hò như: Đi đâu ôm tráp đi hoài/Cử nhân không thấy tú tài cũng không… Mọi người lại ồ lên cười vang cả nhà”, bà Bê nói.
Theo Tuyết Khoa – Thanh niên

Exit mobile version