Hàng năm, mỗi gia đình Cơ Tu ở vùng núi Quảng Nam, dù nghèo hay giàu đều ước muốn đi R’dáo một lần trong năm để thăm viếng lẫn nhau (giữa các sui gia) nhằm thể hiện tình cảm sâu đậm…

Mùa R’dáo thường bắt đầu từ tháng 6 đến tháng 9 hằng năm (theo lịch người Cơ Tu). Mỗi lần đi R’dáo, nhà gái phải chuẩn bị đồ ăn, thức uống thịnh soạn. Trước khi đi, tùy thuộc ở họ hàng, anh em, bà con thân thuộc đông hay ít và tùy vào hoàn cảnh kinh tế của mỗi gia đình mà làm bánh, nấu xôi, mổ gà, vịt… nhiều hay ít. Xong, họ cho khoảng 20 – 30 gói xôi và 40 – 50 bánh cuốt, những gói cá, ếch, thịt heo… vào trong một, hoặc hai cái gùi.

doc dao mua r’dao cua nguoi co tu hinh anh 1

Chị em người Cơ Tu gặp nhau qua chuyến đi R’dáo.  Ảnh: N.S

Khi mọi thứ đã chuẩn bị xong, bố mẹ, anh em trai nhà gái đi đến nhà con gái, chị hoặc em gái. Nếu gần thì đi vào buổi chiều, ở xa hơn thì họ đi vào sáng sớm cho kịp để thăm viếng các con gái họ. Đôi khi, có những chuyến đi dài ngày để thăm dòng họ hoặc bà con thân thuộc có chồng làm ăn sinh sống ở tận bên nước bạn Lào.

Theo phong tục truyền thống, mỗi lần đi R’dáo như thế nhà gái không bao giờ báo cho nhà trai – nơi có con gái họ làm dâu biết trước, vì nói trước sợ làm con gái hoặc chị em mình buồn. Khi đến nhà sui gia, bố mẹ hoặc anh em vợ sẽ được anh hoặc em rể bên nhà trai niềm nở đón tiếp, người Cơ Tu gọi là víih ch’na.

Tối đến, nhà trai mời họ hàng thân thích về nhà mình quây quần bên mâm cơm cùng cha mẹ hoặc anh em trai bên nhà gái ăn và uống rượu tàvạt, rượu cần. Hai bên gia đình có những câu hát lý hỏi thăm sức khỏe, công việc hoặc những lời khuyên bảo con cháu…

Theo quan niệm của người Cơ Tu, nhà gái không bao giờ ăn những thứ của mình đem đi biếu, còn phía nhà trai, khi làm heo, gà, vịt… để chiêu đãi nhà gái thì không bao giờ ăn những thứ của mình. Đêm về khuya, bếp lửa nhà sàn càng thêm ấm hơn, mọi người càng uống rượu và hát lý đối đáp với nhau nhiều hơn, ai nghe được thì trả lời, còn không thì ngồi nghe hát… Khi tiếng gà trong làng cất tiếng gáy canh ba, báo hiệu ngày mới bắt đầu thì mọi người cùng đứng dậy ra về với lời chào thân thiết và những lời gọi mời. Con gái tiễn cha mẹ, anh em trai mình ra tận con dốc đầu làng…

Gia đình người Cơ Tu giàu có thì một năm đi từ 2 – 3 lần, còn nhà nghèo thì đợi vào mùa xuân khi năm cũ đã hết, ngày tết đến để thăm hỏi lẫn nhau cho thỏa nỗi nhớ nhung. Ngày nay, do nhu cầu làm ăn xa, đường sá thuận lợi nên nhiều người thân thuộc có cơ hội gặp nhau nhiều hơn. Đó cũng là quy luật của R’dáo mà chỉ ở đồng bào Cơ Tu vùng núi Quảng Nam mới có.

Theo Nguyễn Văn Sơn – Dân Việt

Exit mobile version