Đoàn Văn Mật sinh năm 1980, quê Nam Định, tốt nghiệp khóa 8 – Khoa Viết văn – Báo chí – Đại học Văn hóa Hà Nội, hiện đang làm Biên tập viên Ban Thơ – Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Với Đoàn Văn Mật, “thơ ví như con lạc đà thì hẳn con lạc đà thơ ấy không chỉ mang trên mình nó những câu chữ, những ý niệm, những miền xúc cảm để đi qua sa mạc,… mà phải chở thêm cả ngàn nỗi ưu tư của thân phận con người đang cùng đi với nó.”

“Con lạc đà thơ chở ngàn nỗi ưu tư”

6 năm kể từ tập thơ đầu tay “Giữa hai chiều thời gian” (2007), Đoàn Văn Mật mới quyết định ra mắt tập thơ thứ 2 của mình “Bóng người trước mặt” (2013). Trình làng một tập thơ khiêm tốn chỉ với 28 bài thơ, sau 6 năm khá im ắng, phải chăng anh đang tự nghiêm khắc với mình trước con đường thi ca còn rất nhiều chông gai?

Thật vui và cảm ơn chị đã có những chia sẻ về tập thơ thứ 2 này của tôi. Phải nói thế nào nhỉ? Nói thật là tôi không có gì để nghiêm khắc với thi ca cả, nhưng tôi luôn ý thức rất rõ ràng về khả năng cũng như con đường sáng tạo nhiều chông gai, đầy bất trắc này. Tôi tự thấy thi ca đang có phần khiêm nhường với mình vì suốt 6 năm qua tôi chỉ viết được chưa đầy 50 bài trong có 28 bài đã đưa vào Bóng người trước mặt. Càng ngày thi ca càng cho tôi thấy sự vô bờ bến của nó và đôi lúc nhìn lại những gì đã viết tôi bỗng rơi vào cảm giác ngộp thở đến chết chìm giữa mênh mông chữ nghĩa. Có thể coi đó một bi kịch nhưng rất cần thiết để tôi có thể nhìn lại mình một cách nghiêm túc và bình tâm nhất.

6 năm không phải là dài với một đường thơ. Trong 6 năm ấy, liệu có (đã) xảy ra một “cú huých” nào buộc anh phải thay đổi trên từng trang viết của mình?

Tôi nghĩ văn chương là sự tự thân và người viết luôn phải có ý thức đổi mới trên con đường sáng tạo. Chính vì vậy dẫu không có cú huých nào xảy ra thì người viết vẫn buộc phải thay đổi từng trang viết của mình rồi. Nhưng nếu nói về cú huých nào đó với tôi trong 6 qua thì cũng có đấy: sau khi học xong khóa học về văn chương tôi đã trở thành thành viên của Nhà số 4 (Tạp chí Văn nghệ Quân đội) và nói như nhà thơ Trần Đăng Khoa thì Nhà số 4 chính là nơi có được môi trường tốt nhất để người viết có thể khẳng định mình. Dẫu vậy thì đường vẫn còn xa lắm thưa chị.

Nếu ở tập thơ “Giữa hai chiều thời gian”, người đọc bị ám ảnh bởi những khuôn sự chiêm nghiệm và tính thế sự đậm hơn. Đó phải chăng là bước chuyển mới trong tư duy người làm thơ?

Một cách khá tự nhiên thì sự chiêm nghiệm hay tính thế sự mà chị vừa nói đã đi vào tiềm thức sáng tác của tôi từ rất lâu. Có lẽ cái tạng của tôi nó thế, cứ động bút viết là những trải nghiệm, những va đập của cuộc sống lại dồn đến, đeo bám đến ám ảnh để rồi không viết ra không được và cũng không thể viết khác được.

Tạm gọi đấy là một bước chuyển trong tư duy cũng được nếu chúng ta cần đánh dấu hay ghi nhận cho những thay đổi đã diễn ra nhưng nghĩ lại thì bước chuyển ấy với tôi vốn không có nhiều dấu ấn của cái mới, nói đúng hơn đó chỉ là sự dịch chuyển của những năng lượng sống đang ngày một nhọc nhằn, đầy lo âu đổ vỡ và bất trắc. Và nếu thơ ví như con lạc đà thì hẳn con lạc đà thơ ấy không chỉ mang trên mình nó những câu chữ, những ý niệm, những miền xúc cảm để đi qua sa mạc,… mà phải chở thêm cả ngàn nỗi ưu tư của thân phận con người đang cùng đi với nó.

“Bóng người trước mặt”, để ghi lại một chặng đường, hay là sự thôi thúc cần phải cất lên một tiếng nói?

Quả thật là với tập thơ này tôi không định ghi lại một chặng đường hay để cất lên tiếng nói gì cả. Đó chỉ là sự tập hợp lại những gì tôi đã viết và muốn để bạn đọc có cái nhìn dầy hơn về sáng tác của mình mà thôi. Thi ca là một ngôi đền thiêng đầy ngưỡng vọng nhưng cũng đầy ảo mộng, tôi là một người trong muôn vạn người có hân hạnh được bước vào đó. Dù phải chịu sự lặng im hay cố gắng cất lên được tiếng nói của cũng là vui rồi.

Quan trọng nhất là sự đam mê và tinh thần dám dấn thân

Thơ gian khó, vì thơ viết ra nhọc nhằn. Người làm thơ phần lớn vừa phải lo in, vừa lo tặng, vừa hồi hộp chờ những hồi âm sau khi đã cất lên một tiếng vọng. Cá nhân anh mong muốn điều gì với mình(với tư cách một nhà thơ) và với thơ (nói chung)?

Nói như câu thơ của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm “văn chương lấm láp vêu vao mặt người” quả là không sai. Tôi cho rằng những người thực sự đam mê, dám dấn thân vào thi ca ở thời buổi này phải có tinh thần can đảm lắm. Không can đảm sao được khi anh ta phải nhọc nhằn lao tâm khổ tứ để viết thơ, rồi phải tự bỏ tiền ra in, rồi lo tặng, rồi chờ đợi… trong khi đó nếu để dành số tiền, thời gian, công sức ấy đầu tư vào việc khác có sẽ đỡ vất hơn nhiều. Nói thế thôi chứ con người ta mà đã dính vào căn nghiệp văn chương chữ nghĩa thì dầu có khổ mấy họ cũng không bao giờ từ bỏ được niềm đam mê ấy. Tôi thấy điều quan trọng bậc nhất của người làm văn chương chính là sự đam mê và tinh thần dám dấn thân vậy.

Dễ nhận thấy rằng cảm giác hoài niệm tràn ngập trong các bài thơ. Anh có thể chia sẻ về điều này?

Khi tương lai là một cái gì đó rất khó đoán định, rất khó nắm bắt thì hoài niệm là thứ duy nhất để cho con người ta được trở về với chính mình được sống thật, sống chậm với mình hơn. Đặc biệt là trong xã hội hiện đại con người ta bị cuốn vào biết bao nhiêu thứ và luôn phải loay hoay tìm chỗ đứng cho mình. Tôi vẫn cho rằng ở khía cạnh nào đó thì văn chương chính là sự hồi cố lại quãng đời ta đã từng sống…

Có ba bài thơ trong tập, khiến tôi chú ý, đó là các bài: “2012, tháng 3”; “2012, tháng 5” và “2012 tháng 9”. Ngày tháng, thay bằng cách đặt như một ghi chú cuối bài thơ, đã được anh đặt thành tiêu đề. Phải chăng, có dụng ý nào đó được anh gửi gắm?

Thực ra đa phần những bài thơ trong tập Bóng người trước mặt đều được tôi đặt tên bằng ngày tháng nhưng sau mỗi lần gửi thơ đăng báo tôi đã đặt lại tên cho nó vì nghĩ rằng với đứa con tinh thần của mình khi xuất hiện trước bàn dân thiên hạ thì cũng cần định cho nó một cái tên bằng chữ cụ thể. Và nhiều bài trong lúc đặt lại tôi đã xóa mất phần khai sinh ra nó, đến lúc muốn trả lại thì không tài nào nhớ nổi. Riêng 3 bài mà chị vừa nói đến là do lúc đăng báo tôi chưa kịp đặt lại tên nên khi đưa vào tập vẫn để nguyên như thế. Tôi thấy cách đặt tên theo ngày tháng có tác dụng rất tốt khi đọc lại vì nó làm mình hồi tưởng được cái tâm trạng lúc viết bài thơ ấy một cách nhanh và chính xác nhất. Nên mỗi lần đọc lại tôi như được trở về với mình với thời điểm mà bài thơ ấy ra đời. Đó là điều thú vị đặc biệt và thật tiếc khi mình không giữ lại được.

Anh nghĩ sao khi tôi nói rằng: đọc thơ anh cần phải có một tâm trạng. Nếu không, sẽ không thể nhập vào được những câu thơ ấy?

Tôi đồng ý với suy nghĩ này của chị. Tôi làm thơ trong lúc tâm trạng của mình được đẩy lên cao nhất âm ỉ và dai dẳng nhất có khi tâm trạng ấy còn được lặp đi, lặp lại nhiều lần suốt một thời gian dài. Để hoàn thành xong một bài thơ có khi tôi phải mất cả tháng trời vương vấn về nó.

Nhưng tôi nghĩ rằng với bất kì tác giả nào, với bất kì loại thơ nào khi đọc chúng ta cũng nên dành cho nó một tâm trạng, một tâm thế phù hợp để tiếp cận. Đấy chính là chìa khóa mở ra những điều thú vị của bài thơ.

Sẽ khó tránh khỏi những xung đột giữa thế giới đời thường và thế giới thi ca. Cách ứng xử của anh?

Giữa thế giới đời thường với thế giới thi ca luôn chứa chất rất nhiều xung đột và sự xung đột ấy đã góp phần tạo nên những dằn vặt, những ám ảnh cho người viết. Nếu đọc kĩ bạn đọc sẽ thấy nhiều bài thơ trong “Bóng người trước mặt” nói về những xung đột này: Trở dậy thấy những chân trời lạ/ mọc bên nhau nhưng chẳng thể áp gần// Đâu đây thời gian trườn lên dấu chân mình/ gió đến thổi dọc dài bão tố// Mưa hiển thị sang ngày tháng cũ/ lặng lẽ đơm xanh từng nhánh hoang tàn// Là buồn vui trong ta quá rộng/ hay đời sống xoáy vòng luẩn quẩn// Như lối mòn kia mở ra con đường/ đi tận cùng lại trở về thuở ta chập chững// Như trước mặt ta cái cây sừng sững/ đang rụng những chiếc lá cuối ủ cho hạt mầm vừa tách vỏ// Trở dậy thấy con ta – một dáng hình thơ bé/ đùa chơi hồn nhiên bên những chân trời lạ. Cái chân trời của những xung đột ấy đôi khi chúng cứ mọc bên nhau nhưng mãi mãi chẳng thể nào áp gần được và trong trường hợp ấy tôi luôn cố gắng biểu lộ ra ngoài bằng một tư thế điềm tĩnh nhất nhưng vẫn biết bên trong mình là muôn vàn dằn vặt. Tôi thầm nghĩ người viết nào mà không biết dung hòa những xung đột, không biết cách kiềm chế hay che giấu mình thì cuộc đời anh ta rất dễ sa vào bi kịch của những thứ không đầu không cuối và đổ vỡ là điều khó tránh khỏi.

Sự cô độc/ cô đơn của người sáng tác, đó là bi kịch hay là một đặc ân, theo anh?

Sự cô độc/ cô đơn là một đặc ân đặc biệt của người viết nhưng đó phải là sự cô độc vận động trong nội tại của bản thân như một sự bất lực chứ không phải là cái do anh ta cố tình tạo ra. Khi người viết cố tình tạo ra cho mình sự cô đơn/ cô độc thì đấy là bi kịch nhiều hơn là đặc ân mà anh ta dành cho mình.

  • Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện.

Nguồn: vannghetre

PVVNT thực hiện