Sau thành công của Hội nghị Đại biểu những người Viết văn Trẻ toàn quốc lần thứ IX, được sự nhất trí của Hội nhà văn Việt Nam, Ban Nhà văn trẻ đã có chuyến đi thực tế tại huyện đảo Cô Tô, Quảng Ninh. Với những trải nghiệm thực tế trên huyện đảo các thành viên trong đoàn đã thu hoạch được những chất liệu quý giá cho những sáng tác của mình sau này.
Tại Cô Tô, đoàn đã có nhiều hoạt động như thắp hương đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, nơi duy nhất Bác đồng ý cho dựng tượng của mình khi còn sống, từ năm 1961, đoàn cũng đã vào thắp hương đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại khu lưu niệm của Người. Và cũng trong khuôn khổ chuyến đi đoàn đã có buổi gặp gỡ và làm việc với Ủy ban nhân dân huyện Cô Tô, tại đây đoàn đã được nghe các đồng chí lãnh đạo giới thiệu về tình hình kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng và tình hình phát triển du lịch tại huyện đảo
Đoàn cũng đã thăm và giao lưu với thầy cô giáo cùng các em học sinh Trường THPT Cô Tô và dành thời gian thăm, giao lưu với đơn vị bộ đội đóng quân trên đảo để chia sẻ cuộc sống còn nhiều khó khăn của những người lính nơi đảo xa. “Cô Tô – Khúc giao mùa” là tên của đêm giao lưu thơ nhạc do đoàn công tác Ban Nhà văn Trẻ phối hợp cùng UBND Huyện Cô Tô tổ chức ngay trên đảo.
Chia sẻ những cảm xúc của mình sau chuyến đi, nhà thơ Lương Đình Khoa nói: Cuộc đời mỗi người sẽ có rất nhiều chuyến đi, nhất là trong hành trình tuổi trẻ của mình. Với riêng tôi, chuyến đi thực tế tại Cô Tô cùng Ban nhà văn Trẻ (Hội Nhà văn Việt Nam) thực sự là một trải nghiệm khó quên: Khó quên bởi sự quan tâm chu đáo, nhiệt tình của Ban tổ chức, luôn tạo điều kiện tốt nhất cho mỗi tác giả để khơi nguồn cảm hứng với đất và người nơi huyện đảo Cô Tô.
Những sự cựa mình, thay da đổi thịt để được công nhận là vùng nông thôn mới cùng các tầm nhìn chiến lược từ chia sẻ của các đồng chí lãnh đạo huyện; sự đam mê với nhiều mơ ước và quyết tâm với nghề của thầy trò trường THPT Cô Tô; những phút đầy ân tình, xúc động trong mỗi chia sẻ, câu chuyện khi giao lưu với bộ đội trên đảo; đêm giao lưu văn nghệ “Cô Tô – khúc giao mùa”…. Tất cả đã mang chúng tôi đi qua rất nhiều cung bậc của xúc cảm, để thấy luôn trân trọng tình yêu, khát vọng của quân dân nơi đảo xa; thấy mình có trách nhiệm để lan tỏa tình yêu ấy, khát vọng ấy tới cộng đồng. Tôi hy vọng Hội nhà văn VN sẽ có thêm nhiều chuyến đi thực tế như thế này nữa, đến với nhiều vùng miền khắp Tổ quốc, là cầu nối và tạo cơ hội cho nhiều người viết ở những lứa tuổi khác nhau được gắn kết và thắp lửa cho chính mình, cho mọi người.
Nhà thơ Viễn Hải một nhà thơ trẻ rất nặng lòng với biển đảo, với tình cảm của các anh bộ đội nơi đảo xa, cô chia sẻ: Tôi đến Cô Tô vào một ngày cuối thu. Dẫu không phải là lần đầu tiên ra với những hòn đảo thân yêu của Tổ Quốc, nhưng Cô Tô vẫn khiến tôi ngỡ ngàng ngay giây phút đặt chân lên cầu cảng. Một thị trấn nằm giữa biển khơi đã hút hồn tôi bởi cái nắng vàng như rót mật, những rặng phi lao ngút ngàn, những gương mặt cư dân đảo thân thiện và nhất là cái màu nước biển kỳ diệu. Đẹp đến nỗi đứng trên hòn đảo này tôi thấy ngôn ngữ của mình thật hạn hẹp để có thể gọi tên vẻ đẹp ấy.
Trên con đường đầy mùi rừng của đảo, tôi bắt gặp màu xanh thân thương ấy – màu áo của những người lính canh giữ biển trời. Nắng và gió biển nhuộm lên gương mặt làm rạng rỡ hơn nụ cười lúc họ đón những vị khách đất liền. Lính trẻ như chính hòn đảo này. Cô Tô có một vị trí chiến lược về quốc phòng ở vùng biển Đông Bắc, bởi vậy mà nhiệm vụ của những người lính ở đây càng vất vả, gian lao những cũng tự hào hơn bao giờ hết. Một buổi chiều khó có thể nói hết những tâm tư muốn chia sẻ của họ. Đó là người cha mấy tháng nay chưa về thăm con, là cậu lính trẻ măng và câu chuyện về tình đồng đội, là vị ngọt thơm của ly nước vối do đơn vị tự trồng, là vườn rau xanh mỡ màng bởi bàn tay lính đảo… Trước tình cảm chân thành của những người lính, tôi chợt thấy cuộc sống này đáng yêu biết mấy.
Lần đầu tiên ra đảo Cô Tô, nhà thơ Thụy Anh đã tức cảnh sinh tình và chị đã ứng tác ngay bài thơ Cô Tô, khúc giao mùa. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc:
CÔ TÔ, KHÚC GIAO MÙA
Lơ lửng Cô Tô
Buông mình trên biển,
lắng nhìn trời một màu không chia cắt
ta mới thấy vết đục mờ của mắt mình,
những con tính rối ren của lòng mình,
những cơn đau thắt
của tâm hồn đô thị ngổn ngang.
Thấy bàn tay mình đầy bụi
Lời ta nói với nhau tan nát vô tình.
Những giấc mơ nguyên sinh
Chỉ nơi này bỗng một ngày bừng tỉnh
khi hơi thở mát rượi của rừng chạm vào môi má
Sau một ngàn năm lạnh nhạt
Ta bối rối nhận nụ hôn giao mùa.
Một vệt chì lướt qua bầu trời
Đại ngàn rùng mình nghe lời gọi
Nước mắt cũng ngọt lành đổ xuống Trường Xuân…
Chỉ nơi này,
Em mơ anh gọi em lời biển
Mơ tình ta không vẩn đục rã rời
Mơ tha thiết con nhím gai nhẫn nại
Trong cuộc đi làm đau đớn chính mình
Đến tận cùng xa xót lòng sâu…
Ta đã ở đâu?
Từng ấy năm giờ nhìn nhau thấy lạ
Về đây anh, ta sẽ là mình.
Trời Cô Tô mắt trong veo trở lại
Biển Cô Tô làm vết thương lành miệng
Gió Cô Tô mời hát khúc giao mùa…