Quý vị thân mến, trong loạt truyện mừng Xuân Quý Mão, Cẩm Kỳ Official xin được giới thiệu truyện ngắn ĐÓA HOA VÔ THƯỜNG của nhà văn BÙI NGỌC PHÚC.

Nhà văn Võ thị Xuân Hà:

“Trong quan sát của tôi, Bùi Ngọc Phúc là một tác giả có một lượng độc giả nhất định, đa phần là độc giả trên mạng xã hội. Có thể gọi anh là một whiter có lượng độc giả riêng trên mạng xã hội. Là nhà văn gắn với một địa chỉ đám mây là LÀNG VĂN XÁ…”

Tác giả, Bùi Ngọc Phúc sinh năm 1969 tại Hà Nội. Tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Khoa Xã hội học năm 1991.

Tốt nghiệp trường Mĩ Nghệ Hà Nội năm 1993. Khoa Sơn mài

Tốt nghiệp đại học Mĩ thuật Công Nghiệp Hà Nội năm 1996 Khoa Đồ Họa

Đã có 16 tập truyện ngắn, bút kí, truyện vừa, tiểu thuyết… và một số thể loại khác, và sắp xuất bản những cuốn mới.

Mới đây Bùi Ngọc Phúc vừa xuất bản tập truyện ngắn ĐOÁ HOA VÔ THƯỜNG

Những truyện ngắn góp mặt trong cuốn này đều mang màu sắc tâm linh, thậm chí có chút liêu trai khiến người đọc sẽ phải suy nghĩ nhiều. Tuy nhiên dù là dòng hiện thực hay tâm linh, giá trị nhân văn mà tác phẩm đem lại còn lớn hơn vậy, bởi thông điệp về cuộc sống thiện lương với nhân quả báo ứng được tác giả đề cập xuyên suốt và nhất quán.

Mời quý vị nghe truyện ngắn ĐÓA HOA VÔ THƯỜNG của nhà văn Bùi Ngọc Phúc qua sự thể hiện của nhà văn Võ Thị Xuân Hà

ĐOÁ HOA VÔ THƯỜNG

Tác giả: Bùi Ngọc Phúc

1

Tiếng gà gáy bên nhà hàng xóm khiến họa sĩ Vĩnh Lộc tỉnh giấc, nhìn đồng hồ chưa đến 6 giờ nên trời vẫn tối đen như mực. Biết nằm thêm cũng không ngủ được nên họa sĩ Vĩnh Lộc chui ra khỏi chăn ấm, thay vì pha ấm trà sớm như mọi ngày, người họa sĩ tài hoa ngồi lặng lẽ bên giá vẽ, tấm toan trắng được căng sẵn từ lâu, nhưng chưa một nhát cọ nào được thể hiện. Cũng giống như những công việc sáng tạo khác, anh hiểu rằng người nghệ sĩ luôn cô đơn khi đối diện với việc tạo ra tác phẩm. Công chúng trầm trồ khi thưởng thức một tác phẩm hội họa xuất sắc, độc giả tấm tắc khi đọc một truyện ngắn hay, nhưng mấy ai hiểu được tận cùng của thăng hoa chính là nỗi cô đơn đến cùng cực. Tiếng chuông gió ngoài ban công đập vào nhau tạo thành những âm thanh dồn dập, báo hiệu cơn gió mùa đông bắc đã tràn về từ đêm qua, căn phòng ấm cúng trên tầng 4 của khu tập thể cũ nát, nơi đây là xưởng vẽ đồng thời cũng là chỗ sinh sống của họa sĩ Vĩnh Lộc. Từ ngày tác phẩm SƠN NỮ và SEN TRẮNG của anh giành được giải Nhất trong triển lãm mỹ thuật, kể từ đó Vĩnh Lộc không sao vẽ được một tác phẩm nào ưng ý, có lẽ tác phẩm hội họa đó là đỉnh núi cao mà anh phải vượt qua, nếu không chàng họa sĩ chỉ là cái bóng mờ nhạt của chính mình. Khi những tia nắng sớm đầu tiên xuất hiện, cánh cửa gỗ cũ nát của căn phòng mở ra, tiếng cót két do những bản lề bị khô dầu đã khiến Vĩnh Lộc trở về thực tại. Người mẫu Thủy Tiên nhẹ nhàng bước vào căn phòng bừa bộn chất đầy những bức tranh cùng các tấm toan, như một thói quen từ trước, Thủy Tiên cầm bộ ấm chén đi về phía gian bếp nhỏ. Họa sĩ Vĩnh Lộc chăm chú quan sát từ lúc Thủy Tiên rót nước sôi tráng những chén trà, đến khi cầm chén trà ngát hương sen, chàng họa sĩ không vội nhấp môi, anh thưởng thức bằng mắt, bằng mũi trước. Hết tuần trà thứ nhất, khi người mẫu Thủy Tiên chuẩn bị cho tuần trà thứ hai, lúc này chàng họa sĩ nhận xét nước pha hôm nay làm hỏng vị trà.

Thủy Tiên bối rối thú nhận:

– Đúng là nước mưa đã hết từ chiều qua, nhưng em thấy anh có vẻ đang chìm đắm trong suy tư nên chưa kịp nói.

Họa sĩ Vĩnh Lộc ngắm nhìn khuôn mặt thanh tú của Thủy Tiên, đợi cho ánh sáng tự nhiên rọi vào gần giá vẽ, chàng họa sĩ đặt chiếc máy sưởi dầu hướng về chiếc bục nhỏ đã trải sẵn tấm vải màu đỏ đun làm nền, sau cái gật đầu của Vĩnh Lộc, người mẫu Thủy Tiên bước vào sau tấm rèm, cô chậm rãi trút bỏ xiêm y rồi nằm dài trên chiếc bục làm mẫu vẽ. Căn phòng lúc này trở nên yên tĩnh đến kì lạ, chỉ có tiếng bút vẽ chạy sột soạt trên toan, ánh mắt chàng họa sĩ lướt nhìn cơ thể tuyệt đẹp của người mẫu, tay anh pha màu vung những nét cọ nhẹ nhàng và dứt khoát, có lẽ cây cọ không theo kịp cảm xúc, họa sĩ Vĩnh Lộc chuyển sang dùng bay để vẽ. Thủy Tiên nằm im lặng, toàn thân cô như một bức tượng thần vệ nữ không tì vết, đôi mắt Thuỷ Tiên dành cho chàng họa sĩ cái nhìn đầy ngưỡng mộ. Không giống những người mẫu nude chuyên nghiệp khác, Thủy Tiên nhận lời làm mẫu cho Vĩnh Lộc bởi vì cô cảm phục và yêu say đắm con người tài hoa này. Sinh ra và lớn lên ở làng Võng Thị, ngay từ lúc còn bé Thủy Tiên đã làm quen với công việc ướp trà sen, thứ trà để cô ướp được mua tại chính vùng Tân Cương của Thái Nguyên, còn sen để ướp chỉ có thể là sen của Hồ Tây, có như vậy mới tạo ra được một thứ trà sen không lẫn vào đâu được. Họa sĩ Vĩnh Lộc là người còn trẻ nhưng rất sành trà, anh thừa hưởng điều này từ cha và ông nội của mình, vì vậy trà sen do Thủy Tiên tự tay ướp, họa sĩ Vĩnh Lộc phải dùng nước mưa được chở từ quê nhà bên Đông Anh về để pha. Khi kết hợp mọi thứ lại với nhau, ấm trà sen tựa như báu vật của trời đất thiên nhiên ban tặng. Đã từ lâu, việc thưởng trà bên người tri kỉ thông minh xinh đẹp Thuỷ Tiên, đối với chàng hoạ sĩ là thói quen khó cưỡng, anh đã âm thầm rút khỏi những cuộc gặp mặt ồn ào trong các quán nhậu cùng bạn bè, anh cũng từ bỏ nhiều thói quen khác chỉ giữ lại cho mình thú vui tao nhã. Thuỷ Tiên vừa là người mẫu, vừa là người tình, nhưng trên hết cô là người bạn tâm giao của chàng hoạ sĩ. Cô có vẻ đẹp của loài hoa như đúng tên của cô vậy, nhưng để lột tả được vẻ đẹp trời phú đó, chàng hoạ sĩ đang lâm vào bế tắc. Lúc bức tranh gần hoàn thành, họa sĩ Vĩnh Lộc cảm thấy tác phẩm như thiếu một điều gì đó, nhìn cô gái nằm choán hết cả chiều ngang của tác phẩm, dù vẫn căng mọng vẻ xuân thì nhưng vô hồn và tẻ nhạt. Thất vọng và chán nản, Vĩnh Lộc buông rơi chiếc bay xuống nền nhà, anh thở dài nói với Thủy Tiên:

– Thôi em mặc đồ vào cho đỡ lạnh, anh đưa em sang Đông Anh kiếm nước về pha ấm trà mới.

Lúc Thủy Tiên mặc xong quần áo và bước ra, bất chợt có tiếng gõ cửa vang lên, tiếng gõ lúc đầu còn rụt rè, sau là những tiếng gõ đầy dứt khoát. Họa sĩ Vĩnh Lộc nhíu mày vẻ khó chịu, bởi ngoài Thủy Tiên và mấy nhà sưu tập tranh thân thiết, anh chưa từng tiếp đón ai ở xưởng vẽ của mình. Ngay lúc Vĩnh Lộc ra mở cửa, Thủy Tiên nhanh nhẹn tráng lại chén rồi tiếp thêm nước sôi vào ấm trà, dù cô biết trà nước hai lần này không làm cho Vĩnh Lộc hài lòng. Vị khách là một ông già hơn bảy mươi tuổi, nhìn khuôn mặt khắc khổ nên cả họa sĩ Vĩnh Lộc cùng Thủy Tiên đoán ngay không phải là nhà sưu tập tranh. Đợi cho khách ngồi xuống, Vĩnh Lộc thong thả rót trà mời khách, đúng như suy đoán ban đầu, ông cụ lặng lẽ uống trà nhưng không cảm nhận được sự cầu kì của việc ướp trà sen, sự tinh tế của hương vị. Chén trà vừa uống cạn, ông cụ run run đưa cho họa sĩ Vĩnh Lộc bức ảnh chụp tác phẩm do anh vẽ rồi khẩn khoản đề nghị:

– Tôi biết đã có người mua bức này rồi, nhưng họa sĩ có thể bán lại cho tôi được không, hoặc anh vẽ lại một bức giống như vậy cũng được.

Một cảm giác khó chịu dâng trào, dù không biết ông cụ hỏi mua bức tranh làm gì, nhưng họa sĩ Vĩnh Lộc vẫn lịch sự cho biết đây là tác phẩm độc nhất, sẽ không có chuyện anh vẽ lại rồi bán tiếp được. Ông cụ im lặng hồi lâu, tiếng chuông gió vẫn va vào nhau lanh canh ngoài ban công, để xóa tan sự im lặng cũng như thay lời giải thích, ông cụ lấy trong túi áo ngực ra một bức ảnh khác, sau khi thẫn thờ ngắm nhìn bức ảnh, ông cụ run run đưa cho họa sĩ Vĩnh Lộc rồi giải thích, dù không hiểu biết gì về nghệ thuật, đây là nguyên nhân khiến ông muốn có bức tranh đó, mặc dù nếu họa sĩ đồng ý, chắc ông phải bán hết tài sản mới đủ tiền mua. Đón nhận bức ảnh của ông cụ đưa, họa sĩ Vĩnh Lộc cùng người mẫu Thủy Tiên đều lộ vẻ kinh ngạc, người con gái trong bức ảnh giống như đúc cô sơn nữ trong tác phẩm đạt giải. Nói đúng hơn hai người là một, chỉ khác nhau ở hình thức lưu lại, một là ảnh chụp còn một là tác phẩm hội hoạ. Ông cụ buồn bã nói:

– Bạch Liên là đứa con gái duy nhất của tôi.

2

Cả một ngày đi dọc con suối nhưng Vĩnh Lộc vẫn chưa vẽ được bức nào ưng ý, nếu chỉ cần kí họa mấy ngọn núi cao trước mặt hay bờ lau bên suối, chắc anh không phải mất công như vậy. Vĩnh Lộc ngước nhìn dãy núi Tây Côn Lĩnh sừng sững trước mặt, anh biết nơi đây khó có đường vào, cũng chẳng có đường ra nên đành ngồi nghỉ chân cho đỡ mệt, chút nữa anh chàng người La Chí vào rừng kiếm thảo dược sẽ quay ra đón Vĩnh Lộc đưa về bản như đã hứa. Trời về chiều nhanh chóng đổi màu đến kì lạ, những áng mây trắng đang bồng bềnh trôi bỗng chốc chuyển màu thành mây ngũ sắc, Vĩnh Lộc dụi mắt không tin vào mắt mình bởi vẻ đẹp kì thú từ thiên nhiên, bất chợt có tiếng bước chân từ bờ suối vọng lại. Giữa khung cảnh rừng núi hoang sơ, một cô sơn nữ có vẻ đẹp tuyệt trần tiến lại gần chàng họa sĩ, choáng ngợp trước vẻ đẹp hiếm có, Vĩnh Lộc vội cầm phấn màu vẽ như sợ cô gái biến mất. Không ngạc nhiên hay e sợ trước người lạ mặt, sơn nữ mỉm cười ngồi xuống phiến đá cho chàng họa sĩ vẽ, trên tay cô cầm một đoá sen trắng muốt, điều là khá đặc biệt vì loài sen trắng hiếm lại có ở nơi đây. Lúc Vĩnh Lộc vẽ xong bức tranh, trời đất tối dần khiến chàng họa sĩ không nhận ra đường nào để quay về bản, anh chàng dân tộc có nhiệm vụ dẫn đường cũng không thấy đâu. Cô sơn nữ nhận thấy vẻ lo lắng của anh vội lên tiếng trấn an, do đã muộn nên  anh không về bản được, tốt nhất hãy nghỉ lại nhà cô một đêm. Theo hướng tay cô sơn nữ chỉ nơi có con đường mòn đi lên núi, Vĩnh Lộc nhìn thấy một ngôi nhà nhỏ thấp thoáng mờ xa, nhìn thoáng qua tưởng cách vài trăm mét, nhưng Vĩnh Lộc càng leo càng thấy ngôi nhà như cách xa hơn, vừa đói vừa mệt nên anh ngồi thở dốc bên cây trà shan tuyết cổ thụ. Cô sơn nữ vội gom mấy cành củi đốt lửa rồi nhẹ nhàng giải thích:

– Anh yên tâm, trên núi cao không có thú dữ, chỉ để phòng lũ rắn hoặc mấy con trăn đất thôi.

Trên núi cao càng về đêm trời càng lạnh, lửa gần tắt nên từ đống tro tàn hơi ấm không đủ sưởi khiến cho Vĩnh Lộc không sao chợp mắt được. Dù đã đi điền dã khắp nơi, ăn rừng ngủ suối cũng nhiều, nhưng đây là lần đầu tiên anh nằm cạnh một người con gái xinh đẹp. Như đồng cảm với những suy nghĩ của chàng họa sĩ, cô sơn nữ kéo Vĩnh Lộc nằm sát lại, cô muốn hơi ấm từ cơ thể của mình giúp anh dễ ngủ hơn. Hơi ấm cùng mùi thơm dịu nhẹ từ cơ thể người sơn nữ khiến dòng máu trong huyết quản của Vĩnh Lộc nóng bừng bừng, bất chấp sương muối và giá lạnh trên triền núi, cả hai quấn lấy nhau đầy si mê, điên cuồng và vụng dại. Khi ánh sáng ban mai rọi vào mặt của Vĩnh Lộc, anh tỉnh giấc đã thấy cô sơn nữ rời đi từ lúc nào, bên đám tro tàn đốt lửa sưởi ấm đêm qua, một bông sen trắng dính chút tàn tro còn vấn vương nằm lại. Biết kể lại câu chuyện có hơi hướng liêu trai cũng không ai tin, họa sĩ Vĩnh Lộc cuộn bức tranh lại rồi quay về thành phố, anh không ngờ tác phẩm SƠN NỮ và SEN TRẮNG của mình được giới chuyên môn đánh giá cao, họ coi tác phẩm của anh là một kiệt tác hiếm có của nền hội họa nước nhà. Chính nhờ tác phẩm đó, họa sĩ Vĩnh Lộc đã được nhiều báo đài phỏng vấn, tác phẩm của anh có mặt ở hầu hết các triển lãm lớn nhỏ khác nhau.

Ông cụ ngồi kiên nhẫn nghe hết câu chuyện của họa sĩ Vĩnh Lộc, sau đó ông khẽ lẩm bẩm, thật kì lạ, có lẽ nào lại như thế được. Nhận thấy sự ngạc nhiên của họa sĩ, ông cụ trầm ngâm kể lại. Con gái tôi tên là Bạch Liên, cách đây 18 năm em nó tốt nghiệp trường sư phạm, ngay khi ra trường đã được tổ chức phân công lên miền núi dạy học. Trong một lần ra bờ suối hái hoa, người ta không thấy nó trở về nữa. Ngày đó chính quyền và đoàn thể đã tổ chức đi tìm, gia đình tôi cũng thuê người đi dọc bờ suối nhưng không có tung tích, lúc con bé mất tích ở đó không hề có lũ ống, lũ quét. Điều kì lạ chính là cô sơn nữ trong bức tranh của họa sĩ vẽ năm ngoái, nhìn giống như hai giọt nước với con gái tôi, chẳng có nhẽ bao năm nó không già đi chút nào, hay là… Ông già bỏ lửng câu nói, nhưng anh chàng họa sĩ bỗng cảm thấy có luồng khí lạnh chạy dọc sống lưng, có lẽ nào người sơn nữ đêm hôm đó chính là hồn ma của người con gái tên Bạch Liên. Ngay khi tiễn ông cụ ra cửa, thay vì sang Đông Anh chở nước mưa về pha trà, họa sĩ Vĩnh Lộc bắt xe khách nhằm hướng Hà Giang thẳng tiến.

3

Đứng tần ngần bên bờ suối, Vĩnh Lộc nhận ra vị trí gặp cô sơn nữ năm ngoái, nhưng tảng đá nơi cô ngồi cho anh vẽ, theo như cậu người dân tộc kể lại, có một đợt lũ quét đã đẩy nó trôi về phía hạ nguồn cách xa nhiều cây số. Nhìn bên kia con suối có một vị sư già đang hứng nước vào chiếc can nhựa, Vĩnh Lộc lội qua bên đó làm quen, thấy anh chàng người thành phố hỏi mình tu ở đâu, vị sư già ngước mắt nhìn lên đỉnh núi rồi nói:

– Khắc đi khắc biết.

Mặc cho Vĩnh Lộc ngỏ ý xách hộ can nước, vị sư già vẫn đeo sợi dây rồi cõng can nước bấm ngón chân men theo vách đá đi lên đỉnh núi, có lẽ không quen với việc leo núi nên dù đi người không, nhưng Vĩnh Lộc vẫn phải cố gắng mới theo kịp vị sư già. Điều kì lạ ở chỗ, can nước bị thủng nên càng leo cao chỗ nước trong can cũng chảy cạn dần theo từng bước chân của vị tu hành. Sau khi leo cao rồi băng qua một khu rừng rậm, ở trên lưng chừng núi cao có một ngôi chùa ẩn hiện trong mây trắng. Gọi là chùa nhưng nó chỉ nhỏ như một gian nhà cấp bốn, ngoài ra có thêm một căn nhà ngang lợp lá dùng làm nơi sinh hoạt. Điều Vĩnh Lộc ngạc nhiên và sửng sốt, ngay ở sân chùa có một bể nước nhỏ, nước được dẫn từ ống bương chảy từ trên đỉnh núi xuống. Như đoán được tâm trạng của khách, vị sư già ôn tồn giải thích, ôngđâu có gánh nước dưới suối lên tận đây, ông đang gánh nghiệp của chính mình. Trong ngôi chùa cũ nát, trên ban thờ chỉ có một pho tượng Phật, theo sự giới thiệu, pho tượng do vị sư già tự đục đẽo mà thành, nhìn pho tượng không thấy giống Phật nên Vĩnh Lộc thắc mắc tại sao vị sư không mua một bức tượng dưới xuôi rồi chuyển lên đây để thờ. Vị sư già chậm rãi nói, từng lời của ông khiến chàng họa sĩ tỉnh ngộ:

– Phật tại tâm rồi, ai hướng thiện đều có sẵn Phật tính, bức tượng không giống nhưng lòng thành tâm hướng Phật, vậy là có Phật.

Bữa cơm chay đạm bạc được dọn ra, trong bữa ăn chàng họa sĩ kể lại câu chuyện kì lạ của mình từ năm ngoái, Vĩnh Lộc không quên nhắc lại việc mình cùng cô sơn nữ ngủ ngay dưới cây Shan tuyết cổ thụ ngay gần chùa. Vị sư già nghe xong chậm rãi nói một cách đầy ẩn ý cho anh hiểu, nhà Phật dạy vạn sự tùy duyên, nếu có duyên ắt sẽ gặp lại. Dưới ánh trăng thượng huyền, ngôi chùa lúc này nằm lọt thỏm trong mây, nhìn qua cửa sổ Vĩnh Lộc cảm giác có thể đưa tay kéo đám mây vào bên trong vậy. Vị sư già đun siêu nước pha trà, ngay khi nhấp môi thưởng thức ngụm trà đầu tiên, vốn luôn tự phụ là sành trà nhưng chàng họa sĩ cảm nhận ngay, anh lần đầu tiên được thưởng thức chén trà ngon đến vậy. Vị sư già giảng giải cho anh rõ, trà shan tuyết mọc trên núi cao đã là báu vật của thiên nhiên, nhưng nếu pha trà bằng nước suối nguồn từ trên núi, sẽ không có thứ trà nào sánh bằng, kể cả thứ trà sen được hãm bằng nước mưa đun sôi của cậu. Hai người một già một trẻ cùng thưởng trà đàm đạo đến gần sáng mới đi ngủ, lúc Vĩnh Lộc tỉnh giấc đã thấy vị sư già đang ngồi thiền trên một tảng đá chênh vênh, ngay dưới chân ông có một bông sen trắng, giống bông hoa được cô sơn nữ cầm trên tay khi gặp anh. Sau khi dành cả sáng thăm thú quanh chùa, Vĩnh Lộc mạnh dạn hỏi nhà sư:

– Ở trên núi cao quanh năm mây mù bao phủ, sư cụ gõ mõ tụng kinh cũng đâu có ai nghe được.

Vị sư già mỉm cười nói một cách nhẹ nhàng, vốn dĩ pho tượng bằng gỗ, ban thờ bằng đá, vậy gõ mõ tụng kinh cho gỗ đá là những vật vô tri vô giác sẽ uổng công. Ta tụng kinh cũng như con và mọi người ở dưới xuôi vào chùa khấn Phật thôi, lúc đó Phật nào nghe thấy được. Chẳng phải chúng ta khẩn cầu cho chính bản thân mình nghe hay sao, nếu tâm hướng Phật, lúc đó tâm hồn sẽ được giác ngộ, nẻo Phật vốn từ bi là vậy. Nhấp chén trà có vị vừa lạ vừa quen, họa sĩ Vĩnh Lộc không kìm nén được liền chắp tay hỏi:

– Bạch thầy, đây là thứ trà gì mà tuyệt hảo đến vậy.

Vị sư già phảng phất nụ cười thoát tục, ngài đưa tay lần tràng hạt rồi nói nhỏ:

– Đây là trà Shan tuyết được đun bằng nước suối nguồn có tên là TRINH NỮ BẠCH CỐT.

Vị sư già nhận thấy sự bối rối ở khuôn mặt của chàng Vĩnh Lộc, ông rót thêm tuần trà thứ hai cho anh. Đợi chàng họa sĩ thưởng thức chén trà ngon xong, lúc này ông mới giải thích kĩ hơn. TRINH NỮ BẠCH CỐT là loại nước chảy từ trên núi cao, sau đó nó lắng đọng lại ở một mó nước, nơi đó có bộ xương trắng của một trinh nữ, ta đoán có thể đó chính là người con gái mà con đang kiếm tìm. Loại nước ngâm xương của trinh nữ đã khiến cho chén trà ở đây ngon tuyệt hảo, dù con có đi khắp dọc dài thế gian này, con sẽ không tìm được loại nào ngon hơn, riêng ta vẫn quen gọi nó một cách dân dã là trà diệt dục. Nghe xong những lời nói của vị sư già, chén trà đang cầm trên tay của Vĩnh Lộc rơi xuống đất vỡ tan.

4

Rót thêm cho chàng hoạ sĩ một chén trà, vị sư già điềm tĩnh kể lại. Cách đây gần 20 năm, lúc đó ta mới lên đây dựng chùa tu tập, vào một buổi sáng mùa đông có hai kẻ lâm tặc đi ngang qua, bọn chúng ghé vào xin chút thức ăn và lửa để đốt củi sưởi ấm. Qua câu chuyện của hai kẻ đó, ta biết được chúng đuổi theo một cô gái với tà tâm dục vọng thấp hèn, để giữ sự trinh trắng của mình nên cô gái đã lao mình xuống mó nước quyên sinh. Sáng hôm sau khi hai kẻ bất lương vừa xuống núi, ta lần theo lối mòn leo lên phía trên cao, cô gái nổi trên mặt nước với khuôn mặt như đang ngủ vậy, trên người cô mặc đúng một chiếc váy màu trắng, do ngấm nước nên chiếc váy trở nên trong suốt, toàn bộ vẻ đẹp của người trinh nữ hiện ra lồ lộ, trên tay cô vẫn cầm một đoá sen trắng. Trước sự kinh ngạc của chàng hoạ sĩ, vị sư già vẫn chậm rãi kể tiếp, nếu người bình thường chết dưới nước, sau vài ngày xác sẽ phân huỷ nhanh chóng, nhưng cô gái dù đã hồn lìa khỏi xác được một tuần, nhưng thân thể vẫn vẹn nguyên và toả ra mùi hương kì lạ, ta đoán rằng cô gái là nhục thân bất hoại, chính vì vậy ta không dùng đôi tay phàm tục của mình động vào người trinh nữ. Mó nước phía trên được hứng dòng nước tinh khiết lạnh giá, nhưng phía dưới lại có mạch nước ngầm ấm áp, cả hai nguồn nước đã lưu giữ thi thể người con gái đó. Nghe xong câu chuyện có phần hoang đường, Vĩnh Lộc hỏi ngay:

Bạch thầy, vậy sao lại gọi là TRINH NỮ BẠCH CỐT khi cô gái vẫn vẹn nguyên.

Vị sư già nén tiếng thở dài, ông đưa tay lần tràng hạt rồi kể tiếp. Năm ngoái có một cậu người dân tộc lên núi tìm thảo dược, vừa nhìn thấy cô trinh nữ nằm đó, cậu ta không kìm được sự tà dâm trong lòng nên chạy tới đưa tay xé chiếc váy trắng định xâm phạm cô gái, nào ngờ lúc tay vừa chạm vào bỗng nhiên cô gái đã tan biến trong chớp mắt, dưới mó nước chỉ còn lại bộ xương trắng mà thôi. Quá khiếp sợ trước sự việc xảy ra, cậu ta vội quay về bản, nhưng ngay sau đó đã hoá điên, hàng ngày cậu ta xé rách hết quần áo rồi đi dọc bờ suối nói cười lảm nhảm. Một lần đang ngồi trên phiến đá, cơn lũ quét đã cuốn phăng kẻ đáng thương cùng phiến đá trôi xuống hạ nguồn. Vị sư già bấm đốt ngón tay rồi nhẩm tính, thời điểm kẻ đó mạo phạm đến trinh nữ trùng với thời gian con đến nơi này. Thấy chàng hoạ sĩ ngồi thẫn thờ trước câu chuyện nửa hư nửa thực, vị sư già nói tiếp. Bông hoa cô gái cầm trên tay, nó không đơn giản là bông sen trắng, đó là đoá hoa vô thường, chỉ khi nào con đạt tới sự giác ngộ, con sẽ hiểu hết về nó.

Đêm hôm đó đợi cho vị sư già ngủ say, Vĩnh Lộc cầm đèn pin âm thầm theo đường mòn leo về phía mó nước. Không cam tâm để xương cốt người trinh nữ ngâm dưới làn nước băng giá, chàng hoạ sĩ đã xé tấm toan trắng rải xuống mặt đất, anh kính cẩn vớt từng mẩu xương đặt vào tấm toan, trải qua bao năm nhưng hàm răng của bộ hài cốt vẫn đều tăm tắp và trắng bóng. Vĩnh Lộc hì hục đào một hố nhỏ rồi táng bộ hài cốt vào đó, anh cẩn thận xếp những hòn đá lên làm thành ngôi mộ. Khi Vĩnh Lộc quay lại ngôi chùa, vị sư già cũng vừa tụng kinh sáng xong, ông rót cho chàng hoạ sĩ chén trà mới pha. Nhấp môi vào ngụm trà, Vĩnh Lộc ngạc nhiên khi thấy vị trà đắng chát, sự thuần khiết và tinh tế của chén trà hôm qua đã biến mất, chỉ còn lại vị trà thông thường không hơn không kém. Vị sư già nhẹ nhàng khuyên nhủ:

– Những gì cần làm con đã làm, suối nguồn TRINH NỮ BẠCH CỐT cũng tan biến, nơi này đã không còn gì khiến con phải lưu luyến, con hãy xuống núi cho sớm.

Lúc Vĩnh Lộc dừng chân bên con suối, từ trên đỉnh Tây Côn Lĩnh có một cột khói bốc cao, phía ngọn lửa bùng lên chính là ngôi chùa nhỏ, ngay trên đám cháy xuất hiện đám mây ngũ sắc. Dân trong bản tham gia dập đám cháy rừng kể lại, lúc ngọn lửa bao trùm khắp nơi, thay vì bỏ chùa để tránh lửa, vị sư già vẫn ngồi trước pho tượng Phật đang chìm trong biển lửa, mặc cho bốn bề cháy trụi, tiếng gõ mõ tụng kinh vẫn không hề dứt cho đến khi mọi thứ cháy thành tro bụi.

Nhiều năm sau đó, có một nhà sư trẻ hàng ngày xuống bờ suối tự mình cõng từng bao xi măng, hoặc chục viên gạch lên núi cao để xây chùa. Nhà sư trẻ kiên quyết từ chối nhận mọi sự giúp đỡ của bà con dân bản, ngày qua ngày cuối cùng một ngôi chùa nhỏ đã được hình thành ngay trên nền ngôi chùa cũ đã bị cháy. Giống như vị sư già trước đây, ngày ngày vị sư trẻ ngồi thiền trên mỏm đá, mặt hướng lên ngọn núi cao, nơi có ngôi mộ người trinh nữ, trên nấm mộ đắp vội có mọc ra một đoá hoa, mọi người hay gọi là ĐOÁ HOA VÔ THƯỜNG.

Exit mobile version