Đỗ Quyên

 

TVVHĐ – Trích trường ca “Tổ quốc nhật ký”.

 

 

Ngày thứ nhì: 27 tháng 8 năm… – Bầu trời Thái Bình Dương, Sân bay Đài Bắc

+ Lời Người:

Người là một đơn vị

                              ít nhất có một thành phần ngoài Ta

từa tựa như

Ta là một tổ hợp tối thiểu chứa một thành phần không Người

Phàm những gì đong đưa giữa hai câu thế vầy tạo dựng quan hệ Ta và Người:

“Nếu Người không động đến Ta thì Ta không động đến Người”

(đích thị phường tuồng Bắc phương xướng lên vuốt ve cao bồi Bắc Mỹ yên trí lớn xử lý

người em đồng chí kiêm thằng chú hàng xóm mật thiết Nam phương)

 

“Người về Người nhớ Ta chăng

Ta về Ta nhớ hàm răng Người cười”

(dân Việt ca hoài ca mãi ngàn năm dưới trời Nam có khi

vừa ca vừa khóc lắm lúc vừa ca vừa cười)

Tương quan Ta và Người khôn lường

chuyển hóa

Ta và Địch đì đòm chiến trường

và trong cả (diễn biến) hòa bình thế mới khổ thân cả Địch lẫn Ta

sướng thay những kẻ nhị trùng giả Ta giả Địch

Ta và Mình nơi giường chiếu phòng the hay trong dâu trên bộc

Ta và Nó cãi vã vỉa hè ô mai tung áo học trò

Thơ tình tít từ tỉnh lẻ bất kể vùng sâu hải đảo lên tận trung ương Ta và Em tha hồ mà phất

Cái Ta và Cái Nó

đó hai trong ba chân đế mô hình cấu trúc Freud bộ máy tinh thần người

Ta là Ta mà lại cứ mê Ta

bái phục bác Chế ở tầm tự sướng trước những nửa thế kỷ selfie mobile ngự trị

Tùy đối diện

Ta là Tôi

là Tớ

là Trò

là Trẫm

là Thầy

là Qua

là Thần / Thiếp

là Mẹ / Cha

Cô / Chú

Chị / Anh

Ta luôn là vân vân và vân vân

Người cũng mãi là vân vân rồi vân vi

Ôi tiếng Việt muôn trùng

(khỏi cần bảo vệ sự trong sáng vỡn sáng trong

                                                                    cùng tuế nguyệt)

Cõi Người Ta được xem là Tiên Điền tiên chỉ sở hữu mà

từ Búi Giáng đại sư ca một thuở chuyển dịch “Terre des Hommes” của

Saint-Exupéry đến nhị tiểu đệ Connie Hoàng & Thận Nhiên với

“A history of everything, including you” của Jenny Hollowell hôm qua

nhất nhất

tuân theo

Mặc định Quê Người trại đầy ải khủng những cái Ta kiêu hãnh

Ta thơm thảo làm sao đối trọng trăm năm nhục nhằn thống khổ bởi lũ Tây hôi

Làng Ta cỏ trâu Ta ăn

Làng Tây đít vịt bà đầm Việt ngoi

____________________________________________________________________________________

Chú thích: 

(1) Cái ấy (id), cái tôi (ego)

(2)Thơ Chế Lan Viên

(3) Nhà văn Pháp

(4) Nhà văn Mỹ có truyện ngắn được chuyển ngữ trên tienve.org ngày 25/10/2017 bởi hai dịch giả gốc Việt có tên vừa dẫn

(5)Trâu ta ăn cỏ đồng ta. Bao giờ cỏ hết mới ra đồng người.” (Ca dao)

(6) Trên ghế bà đầm ngoi đít vịt.” (Thơ Tú Xương)

Phạm Thúy Quỳnh đưa bài