Thơ Đường là một trong những đỉnh cao văn hóa không chỉ của Trung Quốc mà còn của toàn nhân loại. Trong suốt bốn thế kỷ thịnh trị (từ thế kỷ thứ 7 đến thứ 10), thơ Đường đã xuất hiện hàng loạt những tác giả nổi tiếng với các thi phẩm bất hủ như Trương Khế với Phong Kiều dạ bạc, Trần Tử Ngang với Đăng U châu đài ca, Vương Chi Hoán với Xuất tái, Đăng quán tước lâu, Vương Xương Linh với Phù dung lâu tống Tân Tiệm, Thôi Hiệu với Hoàng hạc lâu, Bạch Cư Dị với Tì bà hành, Trường hận ca… nhưng trong số những “quần anh tụ hội” đó không ai có sức hấp dẫn và ảnh hưởng sâu rộng đối với người đời sau này như hai bậc “thi tiên” Lý Bạch và “thi thánh” Đỗ Phủ. Tài năng của hai bậc thi nhân là một phần quan trọng đưa thơ Đường đạt đến tầm thời đại “Phục hưng” như lời nhận định của viện sĩ Konrad trong Đông phương học.

Từ trước đến nay đã có rất nhiều công trình, tuyển tập về hai bậc danh nhân văn hóa này ở Trung Quốc và trên khắp thế giới, trong đó có Việt Nam. Và nhân dịp kỷ niệm 1300 năm ngày sinh Đỗ Phủ (712-2012), Trung tâm nghiên cứu Quốc học đã cho ra mắt bạn đọc một ấn phẩm mới về ông: Đỗ Phủ tinh tuyển.

Đúng như tính chất “tinh tuyển”, cuốn sách chỉ chọn 100 bài thơ trong tổng số 1400 bài còn lưu truyền đến hiện nay của tác giả. Khi lựa chọn con số một trăm chứ không phải các con số khác hẳn các soạn giả cũng có lý lẽ của riêng mình. Cá nhân tôi thấy một trăm là con số đẹp thể hiện sự tròn đầy, viên mãn qua đó nói lên được sức sống “bất tử” của thơ Đỗ Phủ đối với nhân loại.

100 bài thơ trong tuyển tập hầu hết là những bài đã khá quen thuộc với công chúng yêu thơ nước nhà. Nhiều bài được trích giảng trong các bộ sách giáo khoa (cũ và mới) như Thu hứng, Tuyệt cú, Thạch hào lại, Mao ốc vi thu phong sở phá ca…. Mỗi bài thơ trích dẫn đều có chú thích về thời điểm sáng tác, hoàn cảnh sáng tác để công chúng tiện theo dõi, nắm được hành trình thơ Đỗ Phủ qua các giai đoạn khác nhau. Đây là việc làm hết sức khoa học, vừa tạo điều kiện dễ dàng hơn cho bạn đọc phổ thông tìm hiểu thơ Đỗ Phủ, vừa tạo sự thuận lợi cho những nhà nghiên cứu.

Các soạn giả cũng chú ý đến tính chỉnh thể, đa dạng trong việc tuyển chọn thơ Đỗ Phủ. 100 bài thơ được các nhà tuyển chọn chia đều cho các thể thơ Đường như thể hành , thất ngôn bát cú, tuyệt cú, ngũ ngôn… Số lượng mỗi thể tương đương nhau gồm khoảng hai mươi, ba mươi bài. Nội dung các bài tuyển chọn cũng phong phú, vừa có dạng thơ biên tái xót xa trước những cảnh khổ cực của người dân trong thời loạn, vừa có thể thơ đăng cao bày tỏ nỗi lòng của bậc phu tử, vừa có thể thơ hoài, ức nhớ bạn bè, người thân trong gia đình vừa có thể thơ ngâm vịnh, thù tạc phong cảnh bốn mùa trong năm… Ở đó, hồn thơ Đỗ Phủ hiện lên với biết bao cung bậc cảm xúc: Niềm vui xen lẫn nỗi buồn, sự tự hào pha lẫn nỗi tủi hổ, tình yêu hòa cùng niềm xót thương, căm phẫn quyện cùng bi ai…. Những xúc cảm ấy được miêu tả bằng bút lực khi mỏng manh tựa gió thu, lúc ào ạt như sóng Trường giang cuồn cuộn chảy, khi bao la khoáng đạt tựa bầu trời, lúc vi tế như cành hoa nhẹ rơi làm giảm khước xuân… Chỉ có bậc thiên tài mới huy động được bút lực như thế.

Một điểm đáng kể đến nữa của tuyển tập là bên cạnh phần thơ, trong Đỗ Phủ tinh tuyển còn có khá nhiều tranh vẽ chân dung Đỗ Phủ hay quang cảnh mà ông đã trú chân trên quãng đời lưu lạc theo phong cảnh hội họa Trung Hoa cổ điển. Những bức họa đẹp, vừa làm cho tuyển tập thêm sinh động vừa là “chiếu nghỉ” lý tưởng cho bạn đọc sau những phút thưởng thức những vần thơ trác tuyệt.

Thiết nghĩ, đây là tuyển tập cần thiết cho những người yêu thơ Đường nói riêng và người yêu thơ nói chung. Đọc Đỗ Phủ, thưởng thức một tinh hoa văn học lớn nhất của nhân loại, biết đâu sẽ là nguồn cảm hứng khiến người sáng tác có thể hạ bút được những câu thơ “có thần” như bậc tiền nhân.

Nguồn: vannghequandoi.com.vn