1. Viết về cuộc đời và thơ Đỗ Nam Cao, có thể là không ai viết kỹ và hay như các bạn của anh. Những đồng môn, đồng chí, đồng lòng… và hơn thế, những tri âm tri kỷ. Cũng phải kể thêm cả những người bạn quý mến Đỗ Nam Cao, về tài năng và đặc biệt là nhân cách của một nhà văn, theo đúng nghĩa của cụm từ này. Hạnh phúc thay cho Đỗ Nam Cao, khi bên anh có rất nhiều người bạn thủy chung, chí nghĩa chí tình, lại còn là những người nổi tiếng, đầy tài năng.
Tôi không có duyên được học cùng khoa cùng lớp với Đỗ Nam Cao ở bậc đại học. Nhưng tôi lại có chung với anh cái gọi là “bản mệnh” của những người tuổi Mậu Tý (1948). Vất vả, gian truân, bởi trót dính với nghiệp văn chương, cho dù dày mỏng có ba bốn bề khác nhau.
Thơ Đỗ Nam Cao đến với bạn đọc từ khá lâu, nhưng hình như vẫn còn thưa thớt. Và thực ra cũng chưa để lại nhiều ấn tượng, bởi nhiều lý do, khách quan có, chủ quan cũng có. Mới đây, được đọc khá đầy đủ về anh, mới hình dung ra một hồn thơ khang khác. Một thi sĩ bản lĩnh, rất giàu nội tâm, càng viết càng hay…
2. Tôi biết, có nhiều nhà thơ tuổi càng cao viết càng nhạt. Có thể là ở sức bền. Tuổi đời có dày thêm, vốn sống có đầy thêm, nhưng hình như trong túi lại không nhiều vốn văn hóa. Câu chữ vẫn dồi dào, nhưng chất thơ mỏng dần. Cũng không loại trừ trời cho chỉ có thế. Đỗ Nam Cao thì có khác. Và cũng không chỉ Đỗ Nam Cao, khá nhiều thi nhân tuổi càng cao lại viết càng sâu. Chữ ngắn đi, nhưng tình thơ ý thơ thì cứ dài thêm mãi, đặc biệt là những suy tư thăm thẳm nỗi đời, những ký thác giàu chất triết học, chính là phẩm chất cốt tử của thơ.
Tôi chưa có tham vọng viết về toàn bộ sự nghiệp thơ của thi nhân họ Đỗ, trong bài viết nhỏ này chỉ xin được nói đôi điều về phần thơ của Đỗ Nam Cao thời trai trẻ, khi anh còn là người chiến sĩ ở chiến trường, cầm bút và cầm súng trực tiếp đối diện với quân thù. Phần thơ ấy, có tên là Những cánh cò lửa, gồm 33 bài cả thảy.
Trước hết, phải nói ngay rằng, đây chưa phải là phần thơ đặc sắc nhất của Đỗ Nam Cao. Phần đặc sắc của thơ Đỗ, chính là những bài thơ kể từ khi Đỗ Nam Cao bắt đầu vướng vào những hệ lụy của gia đình và theo đó là cả chính cuộc đời anh. Càng về sau, thơ Đỗ Nam Cao càng chặt chẽ hơn, tinh luyện hơn, day dứt hơn, và không ít những câu thơ chói sáng, đầy bản lĩnh và chiêm nghiệm. Đó là những bài thơ trữ tình bản thể, chan chứa tinh thần nhân văn, nhân bản. Tuy nhiên, với phần đầu, Những cánh cò lửa, Đỗ Nam Cao cũng có những thành công nhất định, thể hiện nhiệt tâm những cảm hứng công dân cao cả, sáng trong, của một thời khốc liệt, đau thương mà anh dũng tuyệt vời của dân tộc, thà hy sinh tất cả, quyết giành lại độc lập tự do.
3. Những năm ở chiến trường, Đỗ Nam Cao sống nhiều ở vùng đồng bằng sông Cửu Long và đặc biệt là vùng ven Sài Gòn. Những cái tên Củ Chi, Bến Cát, Trảng Bàng, sông Sài Gòn… cứ vang lên trong thơ Đỗ Nam Cao thật nhiều nỗi niềm, nồng cháy tình yêu con người, cho dù cuộc sống kháng chiến vô vàn gian khổ hi sinh. Một điều dễ thấy, cuộc sống kháng chiến thì như vậy, không thể nói là chỉ rặt một màu lạc quan, nhưng trong thơ Đỗ Nam Cao thì cảm hứng lạc quan là xuyên suốt, chủ đạo. Và đó cũng chính là cội nguồn để con người có thể vượt lên trên tất cả những đau thương mất mát, để tình thơ cất cánh.
Điều ấy thể hiện ở tất cả các bài thơ Đỗ Nam Cao viết thời kỳ này. Bài thơ Những cánh cò lửa, cũng là tên chung cho cả phần thơ thứ nhất trong tập thơ Đỗ Nam Cao. Anh viết: Xuồng đi hối hả tiền phương/ Băng qua đồng cỏ, chiều buông Tháp Mười/ Mây hừng lên sắc đỏ tươi/ Một con cò trắng ngang trời liệng chao. Đấy là thi ảnh mà người thơ bắt gặp trong một lần công tác, chèo thuyền băng qua Tháp Mười mênh mông. Một buổi chiều rất đẹp, như chưa hề thấy mùi vị của chiến tranh. Tôi từng là lính đặc công, chiến đấu ở chiến trường khu 5, nhiều lần từ trên rừng xuống đồng bằng đi chuẩn bị chiến trường, hoặc chuẩn bị bước vào trận đánh ban đêm, cũng gặp khá nhiều những buổi chiều êm đềm, trong veo như thế, đôi lúc có cảm giác như chả thấy có gì là chiến tranh cả. Nhưng Đỗ Nam Cao ở chiến trường Nam Bộ, Tháp Mười chỉ thấy màu xanh cây cỏ, chân trời xa tít tắp, hoàng hôn đỏ thắm như một tấm phông choàng lên cánh đồng. Đỗ Nam Cao cảm nhận rất rõ những nét đặc trưng ấy ở vùng Tháp Mười. Hơn thế, lại bất chợt một con cò trắng ngang trời liệng chao, thì sao có thể cầm lòng cho được? Còn nhớ Vương Bột đời Đường bên Tàu có câu: Lạc hà dữ cô lộ tề phi/ Thu thủy cộng trường thiên nhất sắc (Ráng chiều với cánh cò cùng bay/ Nước xanh với trời xanh một màu). Thơ Trần Nhân Tông, thơ Nguyễn Trung Ngạn đời Trần, thơ Nguyễn Trãi, Nguyễn Du… ở ta, cũng chả thiếu những thi ảnh tràn đầy mĩ cảm như thế này, nhưng chủ yếu là trong những văn cảnh mà thi nhân nhàn tản, tâm hồn thư thái, tức cảnh sinh tình. Đỗ Nam Cao của chúng ta thì khác. Anh đang cùng với đoàn thuyền hối hả vào tiền phương, hình như là chuẩn bị cho một trận chiến ác liệt trong đêm. Cảnh xuất hiện trên đường hành quân gấp gáp, đầy hiểm nguy giữa cánh đồng hoang trống trải. Tâm thế khác rồi, ấy vậy mà thi nhân chiến sĩ họ Đỗ vẫn để tâm ngắm nhìn thiên nhiên, rồi bất chợt một tứ thơ ào đến. Có thể bóng dáng của câu thơ Vương Bột bấy lâu ủ kín trong lòng, nay gặp cảnh tương tự, lại rung lên những tiếng đồng điệu chăng? Thế chẳng phải là cùng với bản lĩnh của thi nhân chiến sĩ, thơ có thể làm cho con người cao đẹp lên, lớn lên đấy ư?
Ở phần tiếp sau của bài thơ, tứ thơ được triển khai, cũng chỉ là xoay quanh hình ảnh con cò. Vẫn con cò của ca dao/ Con cò lặn lội bờ ao ướt mình. Con cò hiện hữu, gợi nhớ hình ảnh con cò ngày xửa ngày xưa, của tuổi thơ, của ca dao mà ta từng nghe và thấm vào lòng như uống dòng sữa mẹ. Nhưng cò bay trong ráng chiều đỏ thắm, nên Xa trông như ánh lửa bùng/ Cánh con cò cháy một vùng trời cao. Hình ảnh con cò từ cụ thể đã được nâng lên thành con cò lửa, như là biểu tượng của một niềm tin đang bùng lên, cháy lên rực rỡ. Bài thơ được kết thúc bằng một liên tưởng đẹp và lãng mạn: Xuồng đi mây ửng ngọn sào/ Tôi mang đôi cánh lửa vào tiền phương.
Có thể nói, không ít bài thơ trong Cánh cò lửa đều được cấu trúc hình thức kiểu hiện tại, quá khứ, tương lai như thế. Ví như bài Những nấm mồ, bài Chuyện về những búi cỏ, bài Ở trong một cái chốt cũ của giặc Mĩ, rồi Hương sầu riêng v.v…
Bài Những nấm mồ được tác giả thể hiện như một ghi chép từ hiện thực trong chiến tranh, nơi Đỗ Nam Cao từng đi qua, như anh từng đi qua rất nhiều địa danh thuộc vùng ven thành phố Sài Gòn. Những người đã trải qua chiến tranh, như rất nhiều các anh các chị từng đội mũ tai bèo làm quân giải phóng năm xưa, cũng đã chứng kiến nhiều nấm mồ như thế. Đỗ Nam Cao thể hiện điều ấy bằng một bài thơ giàu cảm xúc. Đám ruộng ngày xưa biến thành nghĩa địa/ Một con đường mòn chúng tôi hành quân qua. Bên con đường mòn ấy là những nấm mồ, ở đó, có những trụ đá ong cắm vào góc mộ, cũng không biết ai nằm nơi đây? Tác giả hình dung những người đang nằm dưới mộ kia có thể là người gieo hạt trồng cây, có thể là người đắp đất xây nhà, cời than bếp lửa, có thể là một má già ngồi ngoáy trầu bên cửa, một cháu nhỏ, một cô gái bâng khuâng trong dáng hẹn hò… Họ là những người dân hiền lành chân chất, bị giặc Mĩ sát hại. Những sinh linh đáng thương ấy, dù chưa biết tuổi tên cụ thể, chưa rõ nụ cười, giọng nói, dáng đi, nhưng hết thảy đều vô cùng quý giá/ Những người dân đất nước tôi! Cũng theo tác giả, tất cả ruộng vườn, dòng sông, hoa lá… đều là kẻ thù của bầy dã thú/ Bọn ghê sợ con người/ Giày xéo quê hương mười mấy năm rồi! Tình cảm người chiến sĩ trong con người thi sĩ được chuyển hóa thành nhận thức về trách nhiệm của những người đang sống, căm giận sẽ biến thành lửa đạn trút lên đầu thù: Chúng tôi đi chẳng nói lên lời/ Nếu phút này quân thù xộc tới/ Những trụ đá tổ ong sẽ biến thành bệ súng/ Vụt lao đi trong luồng lửa sáng ngời. Đỗ Nam Cao là vậy. Sòng phẳng, quyết liệt và sáng trong.
Đỗ Nam Cao quan sát rất kỹ cuộc sống của nhân dân và chiến sĩ trên đường anh qua. Quan sát, lắng nghe và suy ngẫm. Hiện thực ấy lại được đưa vào thơ, hay là được biểu hiện bằng hình thức thơ, tinh tế và chân thực. Ví như cây cỏ tranh, vốn là một thứ cỏ hoang, nhà nông rất ghét. Nhưng đó lại là một thứ cỏ không hoàn toàn vô dụng. Cỏ tranh có thể lợp nhà, lá sắc bén như gươm. Thấy cỏ cháy, lòng thi nhân quặn đau: Bén từ ngọn đến gốc sâu/ Lại hiền hậu mái tranh màu vàng ươm/ Lào xào như thể rừng gươm/ Màu xanh sắc cạnh, cỏ vươn giữa trời. Và trái tim người thơ nhận thấy Cỏ như cũng có hồn người ở trong. Viết về Dáng bông lúa, Đỗ Nam Cao có cái nhìn rất nhân sinh: Những bông lúa uốn câu/ Cúi lặng hôn mặt đất/ Từng hạt lúa như long lanh nước mắt… Cũng như vậy, anh cảm nhận về quả Dưa hấu Trảng Bàng: Đạn bom mười mấy năm trời/ Đất nồng xám để dưa tươi đỏ lòng. Khi viết về Tiếng xay lúa trong đêm, ở một vùng ven Sài Gòn, Đỗ Nam Cao kể rằng đang nằm trên võng, anh chợt nghe tiếng ù ù ầm ầm. Chỉ là tiếng xay lúa trong đêm thôi, nhưng nó đã khuấy lên trong lòng thi nhân biết bao nỗi niềm. Đã lâu rồi không còn nghe nữa/ Mười mấy năm hoang tàn đạn lửa/ Ruộng hóa nên đồng cỏ trác cỏ may. Rồi biết bao ký ức tuổi thơ tràn về, với hình bóng mẹ còng lưng xay lúa, và anh kết luận: Từ nghìn đời nghe vẫn thế này/ Cái tiếng ngọt ngào, cái tiếng đắng cay/ Trong câu đố ngỡ òa tiếng khóc/ Mà đêm nay, đêm nay hạt thóc/ Cứ ngân nga trong lòng cối tre xoay… Sự tinh tế trong quan sát hiện thực chiến tranh, ở Đỗ Nam Cao thường đi liền với những cảm thức nhân văn. Ví như nhìn những đụn khói bom, chắc là do máy bay B52 của Mĩ thả xuống nhằm triệt hạ sự sống ở vùng ven, anh thấy Những đụn khói ùn lên/ Như bãi nấm màu đen và liên tưởng: Loài nấm này chưa biết đặt tên/ Hãy cứ gọi nó là nấm độc/ Hãy cứ gọi nó là nấm chết. Nghĩa là, loài nấm này chỉ có thể đem đến sự hủy diệt đời sống con người.
Trong Những cánh cò lửa, Đỗ Nam Cao chẳng những thể hiện tình yêu của anh với bạn bè, đồng đội, mà anh còn thể hiện tình cảm đó với người anh thương, với đứa con được sinh ra trong rừng, với cô gái thợ cày, với người bắn “cá rô” ở Củ Chi, với bà má chợt gặp trong một đêm đột ấp… Tất cả hiện lên một cách chân thật, rất đáng yêu và trân trọng. Những con người mà chiến tranh khốc liệt đã tôi luyện họ thành sắt thép, nhưng rất giàu nghĩa giàu tình. Tất cả, anh gọi đó là nhân dân. Trong gian khổ, cuộc sống vẫn nở hoa, tình yêu vẫn nở hoa như một sự bất tử của niềm tin chiến thắng.
Ở Trảng Bàng, ngày 14/3 năm 1975, Đỗ Nam Cao đã Ở trong một cái chốt cũ của giặc Mĩ. Ấy là khi quân Mĩ đã rút đi rồi, chỉ còn trơ lại một cái chốt cũ, như một chứng nhân của tội ác mà quân thù từng gieo rắc nơi đây. Bây giờ thì đã Xanh mượt mà cò bay/ Làm kẽm gai rỉ nát/ Tầm vông xòe bóng mát/ Măng cứ đâm lên dài. Rồi thì Lô cốt một và hai/ Nền xưa lô cốt mẹ/ Hoa mướp vàng ong ghé/ Gió đung đưa quả dài. Lại còn Mập mạp những vồng khoai/ Hàng cà hoa tím mãi… Nhưng ký ức đau thương bỗng lại hiện về, để Thương một người con gái/ Thương một người con trai đã hi sinh ở chính nơi này. Tác giả kết luận: Những vết thương mau lành/ Hờn căm còn cháy bỏng/ Mặt chốt nhìn rất phẳng/ Mênh mông một cánh đồng…
Còn có thể nói nhiều hơn nữa về Những cánh cò lửa trong tập thơ của Đỗ Nam Cao. Đọc thơ, thấy hiện lên chân dung những con người cụ thể đã từng sống bên anh, sống với anh và ngồn ngộn tươi ròng sự sống chiến đấu gian khổ hi sinh. Từ đó, chúng ta có thể hình dung ra những năm tháng rất đỗi tự hào của một vùng đất anh hùng. Từ đó, có thể phần nào hình dung gương mặt của cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc.
Như trên đã nói, Những cánh cò lửa chưa phải là phần thơ đặc sắc, về nghệ thuật thơ ca, so với chính thơ Đỗ Nam Cao ở giai đoạn sau này, và so với nền thơ chống Mĩ. Anh chỉ thấp thoáng đâu đó trong đám đông những nhà thơ thời chống Mĩ, với những Thanh Thảo, Phạm Tiến Duật, Hữu Thỉnh, Lê Anh Xuân, Nguyễn Mỹ, Nguyễn Đức Mậu, Vũ Đình Văn, Hoàng Nhuận Cầm, Anh Ngọc, Nguyễn Duy, Trần Mạnh Hảo, Diệp Minh Tuyền… Nhưng Đỗ Nam Cao cũng có những nét riêng, trẻ trung, đằm thắm và chân thực, mặc dù đây đó trong thơ anh còn rải rác những khổ thơ không cần thiết cho việc cấu tứ, những câu thơ ý thơ lặp lại mà không tạo thêm được nét nghĩa mới cho bài. Dù vậy, tôi vẫn cho rằng Đỗ Nam Cao đã góp một sắc màu cho bức tranh thơ hoành tráng của giai đoạn kháng chiến chống Mĩ thêm đậm đà, như thế chẳng đáng quý lắm sao?
Nguồn: Vannghequandoi