TRẦN DẦN

Đồ con vẹt
(Kịch hài một màn)

 

Nhân vật:
Hồng – nghề văn sĩ.
Con Vẹt – nghề nói nhại cho vui.

Sân khấu ngăn đôi bằng một cái vách tre xanh đan mắt cáo, có cửa thông hai ngăn với nhau. Một cái ri-đô chấm hoa treo trên cửa sổ.
Văn sĩ Hồng đang ở một ngăn, trang trí sơ sài: một cái bàn làm việc, hai ba cái ghế. Ở một góc có một cái giá sách lớn. Phần nhiều là sách chính trị.
Ngăn bên kia là con Vẹt. Lông xanh, mỏ đỏ, mắt vàng to tướng. Con Vẹt to bằng một người lớn. Tùy điều kiện và tài năng diễn viên, nếu giỏi nhào lộn như xiếc thì có thể… bố trí cái quang vẹt, ống nước… vv. Chân con Vẹt có vòng xích, xanh đỏ cho đẹp!…

Mở màn:
Văn sĩ Hồng đang đi lại. Ở ngăn bên con Vẹt cũng đi lại, bắt chước dáng văn sĩ Hồng.
Hồng: Lần này phải viết cho thật hay mới được. Mình phải phát huy sự sáng tạo đến mức tuyệt diệu! Tuyệt diệu!… Hơn tất cả mọi bài trước!
(Cái tay khoa từ dưới lên trên cao, như khi người ta hứng trí).
Con Vẹt: (Cũng đi lại, khoa cánh như Hồng, mỏ cũng lẩm bẩm, học nói câu của văn sĩ, nhưng không ra tiếng, duy câu cuối cùng là nói to cho khán giả nghe rõ) Tuyệt diệu!… Hơn tất cả mọi bài trước!
Hồng: Hừ! Viết một câu chuyện tình của công nhân. Yêu nhau gắn liền với lao động thi đua… Thế là kiến thiết có, ái tình có! Chất ướt trộn với chất khô! Nhất định là ăn thua!
Con Vẹt: Một câu chuyện tình của công nhân!… Chất ướt trộn với chất khô! Nhất định là ăn thua!
Hồng: (Đến giá sách lục lọi) Quái! Quyển luyến ái quan của mình đâu rồi? Định tra cứu lại vài đoạn mà lại mất thế này thì rồi viết ra lập trường lõm bõm hỏng bét mất thôi! Thằng nào mượn vắng mặt mình thế này? Chó thật!
Con Vẹt: (Cũng bắt chước lục lọi một cái giá sách tưởng tượng) Thằng nào mượn vắng mặt mình thế này? Chó thật!
Hồng: À! Đây rồi! “Luyến ái quan mới”! (Giở lung tung, đọc từng đoạn)… Ái tình không thể xây dựng trên sắc đẹp, đó là một cơ sở phù du!…
Con Vẹt: Sắc đẹp, cơ sở phù du…
Hồng: Ái tình phải xây dựng trên cơ sở lao động (Bỏ sách xuống). Đúng! Đúng! Thâm thuý lắm! (Mơ màng, suy nghĩ). Mình sẽ dựng một anh công nhân chính cống, bắt đầu yêu một cô nhan sắc tuyệt vời. Rồi vì thấy cô ta lười biếng, thi đua sút kém, anh ta mới cắt đứt. Anh mới xoay ra yêu một cô khác, mặt rỗ, da đen… hừ… cứ cho thật xấu vào… hừ… cứ cho sứt môi lồi rốn đi… hừ… yêu vì sao? Vì cô ta là chiến sĩ thi đua số một của xưởng!… Tuyệt! Tuyệt!… Không cần phải tán gì nữa!… Tự thân sự việc nó đã nói lên rồi! Nói lên cái quan niệm “ái tình – lao động!”.
Con Vẹt: (Cũng đi lại, mơ màng, và suy nghĩ nữa!) Sứt môi lồi rốn… hừ… quan niệm ái tình lao động!
Hồng: (Đi lại gật gù, chợt đứng hấp háy mắt nhìn lên trần nhà, có vẻ nghĩ lung lắm. Điếu thuốc cháy ở bàn tay buông thõng. Tay kia hơi đu đưa thành những vòng tròn xoáy trôn ốc nho nhỏ, có vẻ đang tính toán cái gì…) Hừ… Phải rồi! Phải rồi! (Búng điếu thuốc lá khoái trí như người đã tìm ra điều gì thú vị) Phải có ít nhân vật phản diện nữa!… Cũng trong nhà máy ấy, có một anh tiểu tư sản công nhân hóa, cứ chạy theo sắc đẹp phù du, mới lấy cái cô đẹp mà lười kia! Sau đó, ái tình không có hạnh phúc và không lâu bền. Rốt cuộc bỏ nhau! Phải! Cứ cho bỏ nhau. Phải bạo tay như vậy. Phải can đảm cho bỏ nhau mới được.
Con Vẹt: (Cũng bằng ấy động tác, cũng búng một điếu thuốc lá tưởng tưởng)… Một anh tiểu tư sản… Cứ cho bỏ nhau. Phải can đảm cho bỏ nhau mới được.

Văn sĩ Hồng hăm hở ngồi vào bàn, viết lia lịa, lỗ mắt, lỗ mũi, lỗ tai đều cao hứng. Con Vẹt cũng viết lia lịa, điệu bộ tượng trưng như phường tuồng.
Lát sau…

Hồng: (Khoái trá) Nhoáy cái đã tám trang rồi! Nắm vững lập trường có khác, viết dễ như chơi.
Con Vẹt: Tám trang rồi… lập trường… viết dễ như chơi!

Lại viết…

Hồng (khoái trá): Không ngờ mình lại viết hay đến thế! (xem đồng hồ tay). Mới một tiếng đã được hai mươi trang!… Sắp xong rồi!… Chỉ còn đoạn kết!… Nghiệm thật, lập trường nghiệm thật! Văn phọt ra quá sức tưởng tưởng!
Con Vẹt: Một tiếng đã được hai mươi trang… lập trường nghiệm thật… văn phọt ra…
Hồng rời bàn viết, vừa đi vừa đọc lại, gật gù, khoa chân khoa tay. Đoạn đọc nhỏ, đoạn đọc to.

Hồng (đọc): “Khi bấy giờ, tiểu tư sản Nguyễn Thành Lung đi về nhà thì gặp công nhân Hoàng Văn Thép” (bỏ giấy xuống gật gù tự khen). Hay! Mới tuyệt! Ai đã viết nổi cái câu tiểu tư sản Nguyễn Thành Lung? Xưa nay mới chỉ thấy viết địa chủ Kèo hoặc trung nông Cột! Chứ đã có ai viết được tiểu tư sản Nguyễn Thành Lung đâu?
Con Vẹt: Có ai viết được: tiểu tư sản Nguyễn Thành Lung đâu?
Hồng: Tên đặt cũng khéo! Tiểu tư sản bản chất lung lay thì đặt tên là Lung… Công nhân vững vàng gọi là Thép (đọc tiếp bằng mắt, gật gù… rồi lại đọc to lên): “Hai người khoác tay nhau đi dưới ánh trăng rằm. Một người là công nhân Hoàng Văn Thép, công nhân thực thụ ba đời. Con người kia là nữ công nhân Hoa Thị Biếng, xuất thân trung nông lớp trên…”
Con Vẹt: Nữ công nhân Hoa Thị Biếng, xuất thân trung nông lớp trên…
Hồng: (tiếp tục đọc to) “Dưới ánh trăng, Thép hỏi: – Hôm nay, đồng chí tăng năng suất được bao nhiêu? Biếng nói: – Trời sáng trăng thế này mà anh hỏi chuyện ấy làm gì? Mà sao anh lại cứ gọi em là đồng chí? Thép quắc mắt lên hơi giận dữ, xong tự nén mình mà thân ái thuyết phục: – Đồng chí Hoa Thị Biếng! Đồng chí thử kiểm điểm lại xem câu nói vừa rồi có xuất phát từ một quan điểm luyến ái đúng đắn, có dựa trên lập trường nhân sinh quan của giai cấp công nhân hay không? Biếng vùng vằng: – Ô hay, anh điên hay sao?”
Con Vẹt: Đồng chí Hoa Thị Biếng… có xuất phát từ quan điểm luyến ái… của giai cấp công nhân hay không?… Ô hay anh điên hay sao?
Hồng (đọc bằng mắt một lát rồi mới cất tiếng đọc to): “Tối hôm ấy là tối tổ chức đám cưới đời sống mới, giữa tiểu tư sản công nhân hóa Nguyễn Thành Lung với nữ công nhân xuất thân trung nông lớp trên Hoa Thị Biếng. Trong bữa tiệc, công nhân thực thụ Thép có phát biểu ý kiến. Lời anh nói tỏ rõ tinh thần công nhân đấu tranh không ngừng, anh nói: – Chúng ta sẽ theo dõi ái tình anh Lung với chị Biếng trên cái mức sản xuất. Nếu mức sản xuất mà tăng, đó là chứng tỏ tình yêu tăng! Nếu mức sản xuất mà sút, đó là chứng tỏ tình yêu sút!”
Con Vẹt: Ái tình… mức sản xuất tăng là tình yêu tăng… mức sản xuất sút là tình yêu sút…
Hồng ngồi lại bàn viết, hí hoáy sửa chữa, bút ngoàng lên ngoàng xuống. Thừ người ra, vươn vai, mệt mỏi.
Hồng: Mệt quá!… Mình không ngờ lần này mình viết lại hay thế!… Đáng tự khao một chầu… Chỉ tối nay là viết xong xuôi thôi… (Đứng dậy, xếp giấy má trên bàn). Thôi! Đi làm một cốc sữa bảy trăm! Tự bồi dưỡng hẵng.
Con Vẹt: Cốc sữa bảy trăm!… Tự bồi dưỡng…
(Gấp sách mơ màng) Sứt môi lồi rốn… hừ… quan niệm ái tình lao động!

Hồng đi ra.
Con Vẹt từ ngăn bên, vén ri-đô đi sang ngăn buồng nhà văn.
Bắt đầu một cuộc độc tấu của con Vẹt. Nó cố nhại văn sĩ Hồng. Nhưng vì nó là con vẹt không có trí khôn bằng nhà văn, nên nó nói lung tung, gần như xuyên tạc cả nguyên bản…
Con Vẹt (Đi lại khoa tay): Một câu chuyện tình của công nhân! Chất ướt trộn chất khô! Nhất định là ăn thua!
(Đến giá sách lục lọi) Thằng nào mượn vắng mặt mình thế này? Luyến ái quan… Chó thật!
(Giở quyển sách) Ái tình… sắc đẹp phù du.
(Đi lại, nghĩ lung, búng điếu thuốc lá) Một anh tiểu tư sản… Cứ cho bỏ Tám nhau… phải can đảm cho bỏ nhau mới được.
(Ngồi vào bàn viết lia lịa, cao hứng) trang rồi, lập trường… viết dễ như chơi.
(Lại viết) Hoan hô lập trường… văn ra như thác lũ.
(Lại viết, xem đồng hồ tay) Một tiếng đã được hai mươi trang… lập trường nghiệm thật… văn phọt ra.
(Cầm giấy nháp của văn sĩ Hồng, đi lại gật gù, đọc) Có ai viết được: tiểu tư sản Nguyễn Thành Lung đâu?
(Lại đọc) Nữ công nhân Hoa Thị Biếng xuất thân trung nông lớp trên.
(Lại đọc) Đồng chí Hoa Thị Biếng… có xuất phát từ quan điểm luyến ái của giai cấp công nhân không?… Ô hay anh điên hay sao?
(Lại đọc) Ái tình… Mức sản xuất tăng là tình yêu tăng… Mức sản xuất sút là yêu sút.
(Ngồi bàn viết, vươn vai đứng dậy) Cốc sữa bảy trăm!
Vừa lúc ấy, văn sĩ Hồng bước vào.
Con Vẹt cuống lên, tay (tức là cánh) còn đang cầm tập giấy nháp của văn sĩ Hồng.
Thấy chủ, con Vẹt sợ quá, cầm tập giấy chạy vào góc nhà. Giấy rơi lả tả. Gió thổi bay tứ tung.

Hồng: (Giơ hai tay thất vọng) – Ôi, Vẹt ơi là Vẹt! Của nợ! Toi cơm!
Con Vẹt (Giơ hai cánh, giấy rơi toé ra hết) – Ôi! Vẹt ơi là Vẹt! Của nợ! Toi cơm!
Hồng: Vẹt! Mày chửi tao đấy à?
Con Vẹt: Vẹt! Mày chửi tao đấy à?
Hồng: Láo! Láo! Rơi tung toé cả văn của tao rồi!
Con Vẹt: Láo! Láo! Rơi tung toé cả văn của tao rồi!
Hồng: Vẹt! Câm ngay! Muốn sống nhặt trả văn tao đây!
Con Vẹt: Vẹt! Câm ngay! Muốn sống nhặt trả văn tao đây!
Hồng: Văn tao chứ văn mày à?
Con Vẹt: Văn tao chứ văn mày à?
Hồng: Câm mồm! Vẹt!
Con Vẹt: Câm mồm! Vẹt!
Hồng (cáu, xắn tay áo) – Vẹt! Câm! Cái thứ mày không đánh cho là không xong!
Con Vẹt (xắn tay áo mà không cáu) – Vẹt! Câm! Cái thứ mày không đánh cho là không xong!

Văn sĩ Hồng đuổi đánh con Vẹt. Hai bên cứ chay quanh cả hai ngăn. Vừa chạy vừa chửi nhau. Hồng chửi con Vẹt: “Đồ mày là đồ con Vẹt!”.
Con Vẹt chửi Hồng: “Đồ mày là đồ con Vẹt!”.

Màn hạ nhanh.

Đã viết và diễn năm 1949 ở “Mặt trận Tây Bắc”.
Tháng 7/1957 sửa lại. Đổi gần hết. Trước kia là để đánh vào cán bộ quan liêu giáo điều. Nay cốt là để thân ái phê bình lối văn chương và lối luyến ái quan giáo điều máy móc, lạc hậu.

T.D

Nguồn: TSNV số 1

Chú thích:
– Cái phần trên (cảnh một) diễn của con Vẹt nên dose vừa phải thôi, có vậy thì cảnh sau mới lên được.
– Tức là jeu cảnh một chơi vừa thôi, đến cảnh hai cảnh ba thì pouser lên thành face hẳn hoi.
(chú giải: Dose: liều lượng/ Jeu: đóng, diễn/ Pouser: đẩy lên/ Face: bộ mặt)



Exit mobile version