Đơn giản nhất cho câu trả lời là trẻ có rời xa với sách không, thì cứ ra thị trường sách thiếu nhi là biết. Đấy là thị trường phong phú nhất, tiềm năng nhất, bền vững nhất trong bối cảnh xuất bản bây giờ
Truyện thiếu nhi “Em Béo và Hội Cầu Vồng” của chị vừa ra mắt có phải được “gợi ý” từ chính các con của chị? Chị có thể chia sẻ về quá trình ra đời cuốn sách này?
– Như tôi từng chia sẻ, ban đầu tôi hoàn toàn không có ý định viết để in thành sách (lâu nay tôi vẫn nghĩ viết cho thiếu nhi khó hơn viết cho người lớn rất nhiều), mà chỉ bắt đầu bằng những mẩu chuyện viết cho con, in trên giấy A4, kiếm thêm mấy tấm tranh, ảnh hài hước trên internet in kèm vào cho sinh động. Con gái tôi đã mang những mẩu đầu tiên đến lớp cho các bạn đọc cùng, rồi đến những buổi chiều đón con ở cổng trường, câu đầu tiên con hỏi là: Hôm nay mẹ đã viết tiếp chưa? Bạn của cháu cũng xông ra hỏi: Hôm nay có truyện mới chưa hả cô? Cô ơi, có phải nhân vật X,Y, Z trong truyện là cháu không ạ? v.v. thì tôi mới nghĩ tới việc biết đâu có thể in sách được. Tôi gửi mấy mẩu truyện đầu tiên sang XB Kim Đồng, họ nói có thể in được, vậy là hăm hở viết tiếp.
Cuốn sách được gợi ý từ hai con gái, vậy khi các con đọc sách của chị, chúng có nhận xét, góp ý gì cho mẹ hay không?
– Có đấy. Đôi khi cũng tranh cãi với mẹ về việc để nhân vật này, nhân vật kia làm như vậy là không hợp lý, không chính xác. Thì mình lại phải tương đối vất vả giải thích cho con rằng đây không phải là sự ghi chép lại sự thật, mà có hư cấu, rằng vì sao lại phải hư cấu ở đoạn đó, chi tiết đó…
Tại sao chị chọn lứa tuổi lên 7, để bắt đầu cuốn “Nhật kí Hội Cầu Vồng” mà không phải là 6 tuổi – bắt đầu vào lớp 1, bắt đầu cho một chặng đường mới của trẻ?
– Thực tế là năm bọn trẻ học lớp 1 thì tôi chưa nghe được nhiều chuyện thú vị, có lẽ vì các bé vừa rời mẫu giáo, chưa kịp thích nghi với những trò quậy của trường phổ thông. Bắt đầu từ lớp hai thì mới lắm trò, tôi muốn bám sát “thực tế” này.
Chưa từng thử sức với văn học thiếu nhi, nhưng cuốn sách “Em Béo và Hội Cầu Vồng” khiến nhiều bạn đọc bất ngờ về khả năng hóa thân cũng như lối kể chuyện có duyên, rất phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi của nhà văn Đỗ Bích Thúy. Chị có gặp nhiều khó khăn với lần “thử thách” này hay không?
– Cũng không khó lắm. Điều quan trọng nhất, tôi nghĩ là mình phải tìm được thế cân bằng khi viết, đặt hoàn toàn suy nghĩ, tư duy, con mắt của mình trong thế giới của con.
Cuốn sách có ghi “Nhật kí Hội Cầu Vồng 1”, như vậy là độc giả có quyền chờ đợi những cuốn nhật kí tiếp theo?
– Đúng là tôi đang viết tiếp phần hai…
Có một thực tế là khi nhà văn bắt tay thực hiện vào bộ sách của mình, họ luôn có những kế hoạch dài hơn, tuy nhiên khó khăn đến từ bên ngoài có thể khiến cho kế hoạch bị hủy bỏ. Ví dụ từ phía NXB có thể trả lời rằng bộ sách phát hành không tốt nên họ tạm dừng. Trong khi đó việc phát hành chậm có thể không phải vì chất lượng của cuốn sách mà phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, như quảng bá, tâm lý tiêu dùng…Đó là lý do nhiều tác phẩm được giải Nobel vẫn ngủ vùi trên giá sách ngập bụi. Chị nghĩ sao về điều này?
– Điều đó cũng bình thường thôi. Tôi thấy NXB Kim Đồng quảng bá rất nhiệt tình, nhưng ngay cả người biên tập là nhà văn Nguyễn Thúy Loan cũng nói với tôi là đang “hồi hộp chờ phản hồi từ bạn đọc”. Sự phản hồi này sẽ quyết định đến tương lai của những tập tiếp theo.
Có ý kiến cho rằng thời buổi này nhà văn phải biết PR. Quan điểm của chị?
– Tôi đồng ý với quan điểm đó. Ở vào thời buổi mà sách văn học nhiều như rau muống trên các quầy sách, nếu quảng bá kém thì những cuốn sách hay cũng sẽ phải chịu số phận lép vế. Sư thực là bạn đọc (trong đó có cả chúng ta) đang bị chi phối khá nhiều bởi truyền thông . Nhưng biết thế là một chuyện, có làm được không lại là chuyện khác
PR hiện nay được ví như cuộc chiến ngầm giữa các đơn vị làm sách, và các tác giả, đặc biệt là những tác giả mới. Công chúng bắt đầu quen với viếc ra mắt sách có sự xuất hiện của diễn viên nọ, người mẫu kia. Tác giả của các cuốn sách thì xuất hiện trước truyền thông với hình ảnh của người trong giới showbiz. Chị nghĩ gì về điều này? Liệu còn tồn tại cái gọi là “hữu xạ tự nhiên hương” trong thời buổi bùng nổ thông tin và nhiễu loạn các chiêu thức PR?
– Tôi nghĩ rằng người viết chúng ta vẫn có thể tin vào bạn đọc nghiêm túc, sự tồn tại của cuốn sách không thể chỉ nhìn vào ngày một ngày hai mà phải nhìn vào lâu dài. Có những cuốn sống rất lâu trong lòng bạn đọc mà không nhờ vào PR, lại cũng nhiều cuốn “rơi vào quên lãng” ngay sau những đợt PR rầm rộ. Tôi thì cực đoan ở quan điểm cho rằng mặc dù có thể coi sách văn học là một sản phẩm hàng hóa đặc biệt, nhưng cũng không thể ứng xử với nó như với một loại mỹ phẩm.
Theo chị vì sao tình hình tiêu thụ sách văn học Việt Nam luôn lép vế hơn so với sách văn học nước ngoài, đặc biệt trong mảng sách thiếu nhi. Có phải độc giả ta sính ngoại?
Nhà văn Đỗ Bích Thúy
– Đừng đổ tội cho sự sính ngoại, nói thế oan cho người mua sách. Riêng với mảng sách thiếu nhi, tôi thấy có mấy vấn đề thế này: Trước hết, những bộ sách bán chạy như Đô ra ê mon, Shin – cậu bé bút chì, hay Harry Poter… đều là những cuốn sách bán chạy nhất nhì trên thế giới, không có lý gì trẻ con Việt Nam lại không thích. Thứ hai, thế giới họ đón trước được những xu hướng “hot” đối với bạn đọc nhỏ tuổi rất tài. Ví dụ, một bộ phim vừa chiếu rạp – Brave (Công chúa tóc xù) chẳng hạn, ngay lập tức đã có hai ấn phẩm ăn theo ra đời (NXB Kim Đồng của ta mua bản quyền). Tôi đảm bảo, 100 bé gái đã từng đi xem bộ phim này thì ít cũng phải 99 bé không thể từ chối hai ấn phẩm đó. Hay bộ Thần thoại Hi lạp, Thần thoại Ai cập, giờ họ không in nguyên văn nữa, họ chuyển thành truyện tranh, minh họa rất đẹp, viết rất ngắn gọn, những cái tên dài dằng dặc trở nên dễ đọc, dễ nhớ… có thể hấp dẫn bọn trẻ hơn nhiều những cuốn dày hàng 6-7 trăm trang. Văn học thiếu nhi ở ta theo như tôi biết thì ít người viết, thậm chí có người nói thẳng với tôi: “Viết cho thiếu nhi à, không chấp. Đấy đâu phải văn học. Không giải trí nhăng nhít thì cũng giáo điều cứng nhắc”. Người viết đã ít, viết cho hấp dẫn lại cũng đâu có đơn giản, nên thị phần cứ thế mà nhường chỗ cho các đầu sách “nhập khẩu” thôi.
“Đặc tính” giáo điều cứng nhắc trong những tác phẩm viết cho thiếu nhi là phản hồi của nhiều độc giả nhỏ tuổi. Mới đây trong cuộc gặp gỡ nhà văn Andy Santon – tác giả của bộ truyện Lão kẹo gôm, có người đã đặt vấn đề là: liệu nhà văn Việt Nam có dám xây dựng lên những nhân vật quậy phá, dám chống đối lại lối giáo dục khô cứng trong nhà trường hay không, dám làm theo ý thích cá nhân hay không.Trẻ em rất thích thú với những nhân vật như thế nhưng văn học của chúng ta quá ít. Chính điều này khiến cho văn học thiếu nhi Việt Nam không hấp dẫn. Chị nghĩ sao?
– Đấy chỉ là một trong những lý do thôi (và nói thật là không phải không có lý), nhưng vẫn không phải là lý do quyết định. Tôi lại lấy ví dụ từ bộ truyện Đô ra ê mon, mô típ nhân vật chính của truyện đâu phải là chống đối lại lối giáo dục khô cứng trong nhà trường, nhưng vẫn đặc biệt hấp dẫn bọn trẻ. Và không phải là không có tính giáo dục nhé, ví dụ bọn trẻ đọc truyện và luôn đặt một câu hỏi: tại sao Nô bi ta vừa học dốt, vừa lười nhác, vừa cẩu thả đến như thế mà vẫn được chú mèo máy yêu quý, chung thủy, thật là vô lý quá, thật là thiếu công bằng quá? Mấu chốt nằm ở hai chữ “cứng nhắc” mà bạn vừa nhắc ở trên đấy. Viết cho trẻ phải tinh tế và khéo léo ở chỗ rõ ràng đang bị/ được giáo dục mà trẻ không cảm thấy khó chịu, gò bó.
Theo chị điều quan trọng nhất khi viết cho thiếu nhi là gì?
Là phải sống trong thế giới của chúng. Tôi nghĩ, ngay cả người viết cũng phải xác định, như việc làm báo ấy, đối tượng bạn đọc của mình là ai, chứ không phải viết chung chung “cho thiếu nhi”. Tôi thì tôi xác định rõ đối tượng bạn đọc của tôi là các em nhỏ tiểu học, ở đô thị, với đời sống chật hẹp, tù túng, thiếu không gian, luôn phải cảnh giác, phải học quá nhiều, được chơi quá ít. Xác định như vậy thì tôi sẽ biết phải mang đến cho các em món gì. Món của tôi là: quen thuộc, sinh động và quan trọng số một: phải hài hước. Sách cho trẻ mà trẻ đọc không cười được thì hỏng rồi, nhất là trẻ lớp hai, lớp ba.
Một thực tế đáng buồn đó là trẻ em của chúng ta hiện nay phải dành thời gian cho việc học quá nhiều. Chúng không có thời gian chơi, tìm hiểu thế giới xung quanh. Bên cạnh đó những loại hình giải trí “theo lối công nghiệp” khiến chúng mất đi tư duy sáng tạo. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc đọc sách của trẻ.Chị có sợ rằng, với đà này, trẻ em sẽ ngày càng xa rời với sách hay không?
– Theo tôi, không nên nhìn nhận việc trẻ gần gũi hay xa rời với sách một cách máy móc. Có người bảo tôi, nếu đã cho con đọc thần thoại Hi lạp thì phải cho đọc bản gốc, chứ đọc bản rút gọn, đầy tranh như thế thì hỏng hết cả quá trình tiếp nhận tác phẩm. Tôi thì tôi quan niệm, chính bởi vì trẻ phải học quá nhiều, chơi quá ít, các loại hình “giải trí công nghiệp” lại quá phong phú, quá hấp dẫn nên bố mẹ buộc phải nhận ra một điều rằng: Con của chúng ta hôm nay không thể đọc sách của chúng ta 30, 40 năm trước. Khi mà sách hiếm đến nỗi mỗi cuốn phải đọc đi đọc lại đến nát nhừ ra, khi mà vớ được cuốn sách càng dày càng sung sướng vì sẽ được đọc lâu mới hết. Thời gian chơi của trẻ bây giờ thực sự rất ít, cho nên bố mẹ phải biết tận dụng cái chỗ ít ỏi ấy, sao cho dù ít mà con vẫn đọc được, không bị mù văn học, mù văn hóa. Với cái lý lẽ ấy, thì thà con đọc bản rút gọn còn hơn là con không bao giờ biết đến một thứ gọi là thần thoại Hi Lạp bên trong những cuốn sách nghìn trang bố mẹ mua về bị bụi phủ.
Và đơn giản nhất cho câu trả lời là trẻ có rời xa với sách không, thì cứ ra thị trường sách thiếu nhi là biết. Đấy là thị trường phong phú nhất, tiềm năng nhất, bền vững nhất trong bối cảnh xuất bản bây giờ.
Xin cảm ơn chị.
Văn nghệ Trẻ