34 tuổi, Đỗ Bích Thúy nhận trọng trách phó tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ quân đội – và trở thành phó tổng biên tập nữ đầu tiên và trẻ nhất trong lịch sử phát triển của Tạp chí tính đến thời điểm đó. Có người e ngại, có người hồ nghi, có người vui mừng. Đỗ Bích Thúy chỉ im lặng. Vừa lo chu toàn nội dung của Tạp chí, cũng như nghĩ cách để Văn nghệ quân đội điện tử thu hút được sự quan tâm của độc giả; chừng ấy công việc nặng nề, nhưng lúc nào gặp Thúy cũng thấy chị thật nhẹ nhõm, tươi tắn. Bên cạnh đó, tác phẩm của chị vẫn xuất hiện đều đặn.
Tuần qua, cùng lúc chị đã cho ra mắt hai tập sách mới của mình, đó là tập truyện ngắn “Đàn bà đẹp” và tập tản văn “Đến độ hoa vàng”, nâng tổng số đầu sách đã xuất bản của chị lên con số 12 .
VNT đã có cuộc trò chuyện với nhà văn Đỗ Bích Thúy.
“Sự xa lạ về đề tài không tác động đến sự hấp dẫn của tác phẩm văn học.”
• Chúc mừng chị về hai tập sách ấn tượng vừa ra mắt bạn đọc. Có thể nhận thấy “Đàn bà đẹp” khác hẳn với những sách đã xuất bản của chị, bởi có những tranh minh họa được làm riêng cho tập truyện này. Chúng đã được “đặt hàng”, hay là một mối duyên tình cờ?
Không tình cờ đâu. Thực ra là xuất phát từ việc tôi bày tỏ ý định về một cuốn sách với các phụ bản màu – mà tôi đã mơ ước từ rất lâu, có thể nói là từ nhỏ, khi đọc các cuốn sách của Liên Xô cũ, luôn có những bức minh hoạ rất đẹp – với đơn vị xuất bản là công ty Liên Việt. Bất ngờ là chị Phương Liên nhất trí ngay, mặc dù tôi biết in thêm 12 phụ bản màu với giấy tốt hơn giấy ruột, sẽ làm tăng giá thành không ít. Sau đó thì tôi gọi cho anh Thành Chương, bất ngờ nữa là anh ấy cũng đồng ý ngay. Anh Thành Chương đã mất hai đêm trắng để hoàn thành bộ tranh 12 bức tuyệt đẹp mà bạn đọc đã thấy. Điều đó khiến tôi rất xúc động.
• Hẳn sẽ có người đặt câu hỏi: tập truyện ngắn lần này của chị có gì khác với những tập truyện ngắn trước đây?
Thú thực là khi tôi viết, thì cứ viết thôi. Chẳng bao giờ xác định được là mình sẽ phải làm cái gì để hôm nay nó khác ngày hôm qua. Có cảm giác khi xác định như vậy thì cái tư duy của người viết trong mình nó bị lý tính hóa, nó làm cho cảm xúc bị xơ cứng, nó đưa sáng tác vào khuôn mẫu có trước… Cho nên, câu hỏi ấy, có lẽ phải dành cho bạn đọc thôi
• Cùng chung số phận của sách văn học hiện nay, “Đàn bà đẹp” và “Đến độ hoa vàng” được xuất bản với 2000 bản in. Và chắc chắn, nó sẽ phát hành hầu hết ở thành phố lớn. Trong khi đời sống cũng như những phong tục tập quán chị tái hiện trong cuốn sách lại khá xa lạ với đa số độc giả, nhất là độc giả trẻ. Chị có sợ rằng “Đàn bà đẹp” sẽ khó tìm được nhiều những tiếng nói chia sẻ?
• Từ khi viết văn tới giờ, đề tài chiếm lĩnh hầu hết tác phẩm của tôi là miền núi, và cũng hầu hết được phát hành ở các đô thị lớn. Sự xa lạ về đề tài so với lối sống của đa số bạn đọc đô thị theo tôi không tác động đến sự hấp dẫn hay không của tác phẩm văn học. Hàng triệu độc giả trên thế giới mê mẩn “Đaghextan của tôi” đâu phải họ đều sống ở vùng núi của ông Raxun Gamzatov. Với lại, lâu nay tôi luôn quan niệm, mỗi nhà văn có được một nhóm độc giả yêu mến tác phẩm của mình đã là may mắn rồi. Không thể có một món ăn nào đó vừa miệng tất cả mọi thực khách, kể cả món hấp dẫn như phở Hà Nội.
“ Không thể ăn một đặc sản ngày này qua ngày khác”
• Đúng là khó có thể làm hài lòng số đông công chúng. Nhà văn viết lên tác phẩm của mình, và dẫu chỉ một vài người đọc, và chia sẻ cũng đã là điều hạnh phúc. Quay về chủ đề, nội dung của sách, có độc giả tiếc rằng, nếu như các truyện trong cuốn sách đều chung một không gian miền núi, thì ấn tượng sẽ mạnh hơn nhiều. Tiếc rằng, phần cuối sách, có thêm những câu chuyện về đô thị, khiến không gian miền núi được tạo dựng từ đầu cuốn sách, bỗng nhiên bị phá vỡ. Người đọc có cảm giác hơi hụt hẫng. Chị nghĩ sao về điều này?
• Tôi cố ý sắp xếp thêm một số truyện về đô thị vào tập này đấy chứ. Vì tôi ra hai cuốn sách một lúc, nếu tôi bắt bạn đọc phải đọc toàn bộ 45 tác phẩm (33 tản văn và 12 truyện ngắn) đều về miền núi cả, thì tôi e bạn đọc sẽ phát ngán. Vì vậy tôi đưa vào đó một vài cái truyện có màu sắc khác đi, coi như một quãng nghỉ, coi như một cách giải lao. Tôi hi vọng bạn đọc sẽ đọc tập truyện ngắn trước, sau đó mới đọc tản văn.
• Đô thị trong góc nhìn của chị cũng rất thú vị, và chúng xứng đáng được có một chỗ đứng đàng hoàng hơn với tư cách là “một quãng nghỉ”. Liệu trong thời gian tới, Đỗ Bích Thúy có dành riêng một tập truyện ngắn về đề tài đô thị?
Ý tôi nói là “quãng nghỉ” cho bạn đọc ở hai cuốn sách này, chứ không phải là “quãng nghỉ” trong công việc sáng tác của tôi. Tôi viết cái gì cũng rất cẩn thận, đặc biệt khi viết về Hà Nội với những vỉa tầng văn hoá khổng lồ của nó, tôi mới chỉ cảm nhận, chứ chưa thể hiểu thật cặn kẽ, và tôi thường phải nhờ bạn viết, nhờ người đi trước, người hiểu Hà Nội góp ý để không bị sa vào kiểu viết lớt phớt.
• Tuy nhiên vẫn có nhiều độc giả chỉ muốn Đỗ Bích Thúy chuyên về đề tài miền núi, chuyên tâm cho một “đặc sản văn chương” mang tên Đỗ Bích Thúy. Vì nếu đặt những tác phẩm về đô thị của chị với những tác phẩm về miền núi, thì dường như sự lựa chọn sẽ dành nhiều cho mảng miền núi. Ý kiến của chị?
Tôi biết mong muốn của độc giả chứ. Nhưng tôi cũng có mong muốn của riêng tôi. Có những điều về đô thị tôi muốn đề cập đến sau 16 năm gắn bó với nó, và tôi không thể dùng không gian, ngôn ngữ miền núi để thể hiện. Đặc sản thì ngon thật, nhưng không ai có thể ăn cái món đặc sản đó ngày này qua ngày khác. Đôi khi cũng phải đổi món.
• “Lặng yên dưới vực sâu” trong tập truyện ngắn “Đàn bà đẹp” của chị được nhà thơ Hữu Việt ví như một “Giamilia của Việt Nam”. Chị nghĩ sao?
Anh ấy nói thế là ưu ái tôi quá. Tôi chỉ viết về một người đàn bà Mông, trên núi cao, vô cùng bất hạnh, muốn chết cũng không được chết thôi.
• Sau “Bóng của cây sồi” thì “Lặng yên dưới vực sâu” là tác phẩm khá dày dặn nếu tính về số trang của chị. Chị đã có kế hoạch về một cuốn tiểu thuyết tiếp theo sau nhiều truyện ngắn và tản văn đã ra mắt bạn đọc?
Tôi viết xong một cuốn nữa rồi, nhưng chưa hài lòng, và chắc phải gỡ nó ra như gỡ một cái áo len không mặc vừa để đan lại.
• Rất nhiều người thân đã trở thành nhân vật trong tác phẩm của chị. Trong đó, đặc biệt nhất có lẽ là người mẹ đã sinh thành ra chị, người đã từng có những lúc lo lắng, thậm chí hoang mang, lo sợ về những bước đi của con mình. Chị cũng đã dành nhiều trang viết tặng mẹ. Đến lúc này, khi có thể nói rằng những sóng gió, những lo âu của mẹ về con đã qua đi, câu chuyện nào giữa hai mẹ con mà chị nhớ nhất?
Mẹ tôi là một người phụ nữ mẫu mực. Suốt đời vì chồng, vì con, con lớn thì lại dành sự chăm sóc cho các cháu, hết cháu lớn đến cháu bé. Có người nói, như vậy thì người phụ nữ thiệt thòi quá. Nhưng tôi nghĩ, mẹ tôi đã thực sự tìm được niềm hạnh phúc lớn nhất cuộc đời là có tất cả các con, các cháu đều ngoan, học hành tử tế, sống có đạo đức. Bây giờ, khi đã làm mẹ, tôi cũng chỉ mong cuộc đời mình được như mẹ.
Nói về kỉ niệm thì nhiều lắm, kể cả ngày chẳng hết. Nhưng tôi luôn nhớ môt hình ảnh, ấy là thuở bé, ngày ngày mẹ chở tôi đi học ở trường tiểu học. Cứ đến một cái chân dốc rất dài thì mẹ thả tôi xuống để tôi đi bộ lên. Trường tôi ở trên đỉnh dốc đó. Con dốc dài, rất dốc, ngoằn ngoèo, thường thì người ta phải dắt xe đạp ngược lên. Khi mẹ tôi quay xe, đạp về nhà, tôi cứ đứng mãi ở cái chân dốc ấy, nhìn theo cái bóng mẹ gày gò, chiếc nón cũ kĩ trên đầu và áo đẫm mồ hôi. Mười ngày như một, ngày nào cũng khóc. Không hiểu sao mà lần nào nhìn mẹ quay lưng cũng khóc. Có hôm khóc đến tận cổng trường mới nín được. Lúc nào cũng nhớ mẹ, bây giờ,ở ngay cạnh mẹ nhưng cũng nhớ mẹ mỗi ngày.
Có thể một ngày nào đó báo giấy sẽ biến mất…
• Từng làm báo trước khi đến với văn chương. Khi thành danh với văn chương, chị vẫn tiếp tục theo đuổi nghề báo, và thậm chí còn thêm trọng trách của người làm quản lý. Điều ấy có ảnh hưởng đến việc sáng tác của chị hay không?
• Đương nhiên là khi thời gian bị bó hẹp, bị cắt vụn ra do công việc cơ quan, và cả công việc gia đình nữa, thì việc tiếp tục duy trì việc viết văn gặp khó khăn hơn nhiều. Tôi dần dần đã phải hình thành một thói quen tư duy mới. Chia nó ra thành các ngăn kéo, lúc nào có thời gian thì tranh thủ lôi cái ngăn sáng tác ra mà dùng.
• Cách đọc mới (đọc sách ebook) theo chị có tác động gì đến công việc sáng tác của các nhà văn không, đặc biệt là các nhà văn trưởng thành trong “thời đại công nghệ”?
Với cá nhân tôi thì chẳng ảnh hưởng gì cả, vì tôi vẫn chỉ đọc sách trên bản in truyền thống là chính. Chỉ có những tác phẩm mà vì lý do nào đó chưa hoặc không xuất bản bằng bản in thì tôi mới tìm đọc bản ebook.
• Báo chí ngày nay đang có rất nhiều sự biến động. Chưa bao giờ báo giấy đứng trước thách thức to lớn về sự tồn tại như bây giờ. Được biết ở Tạp chí Văn nghệ quân đội, chị trực tiếp phụ trách báo điện tử. Theo chị, làm thế nào để báo điện tử thu hút được độc giả mà không triệt tiêu báo giấy?
• Một số tờ báo lớn trên thế giới đã bỏ báo giấy rồi, và thay thế bằng bản điện tử. Tôi nghĩ, hoàn toàn có thể một ngày nào đó, tất cả báo chí của loài người sẽ chẳng còn một bản in nào. Người ta chỉ còn in báo cho những vùng chưa phủ sóng internet. Chúng ta, thuộc vào thế hệ chuyển giao giữa những người chung thủy với cách đọc báo in và những người cũng đã quen với việc đọc báo điện tử. Nhưng thế hệ sau chúng ta, con cháu chúng ta, rất có thể chúng sẽ chỉ đọc trên các thiết bị điện tử. Nói báo điện tử triệt tiêu báo giấy thì cũng không phải. Nên nhìn nhận nó như một sự phát triển của quy luật tự nhiên, như cái việc ngày xưa cái xe đạp cũng phải có biển số, thì bây giờ người đi xe đạp chỉ còn rất ít. Và không chỉ báo chí đâu, cả ngành xuất bản cũng vậy. Như hai cuốn của tôi đây, khi phát hành sách giấy cũng là lúc đồng thời có bản sách điện tử trên mạng rồi. Và với tạp chí VNQĐ điện tử tôi thấy nó đang hoạt động hiệu quả và dần đi đúng vào quỹ đạo mà BBT chúng tôi mong muốn, đó là: Thu hút được đông đảo bạn đọc hơn, nhất là bạn đọc trẻ; Hỗ trợ cho việc quảng bá tạp chí in; Tăng tính tương tác giữa tòa soạn và bạn đọc, bạn viết; Giải quyết các đề tài thời sự, nhất là thời sự văn nghệ – mà tạp chí in trước đây không thể làm được…
• Một phụ nữ có nhan sắc thường dễ được/bị để ý, thậm chí xét nét. Đó đã là một áp lực. Người phụ nữ ấy lại dấn thân vào văn chương, báo chí, cộng thêm gánh nặng của người làm quản lý. Như vậy cùng lúc chị phải gánh chịu rất nhiều áp lực. Những khi mệt mỏi, stress, chị thường làm gì?
• Việc tôi làm chẳng liên quan gì đến nhan sắc cả (cười). Tôi có nhiều việc để làm khi bị căng thẳng. Trồng hoa, đưa con đi chơi, may vá, đọc sách, xem phim hành động… Cũng đơn giản thôi mà.
• Nguyên tắc sống của chị là gì?
• Chuyện gì to coi là chuyện nhỏ, chuyện nhỏ coi là không có gì. Như thế cho nó dễ sống.
• Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện.
PVVNT thực hiện