Di Li

 

 

Minh họa của Choai.

 

Tôi đi Maroc đúng tháng Ramadan, tìm quán ăn vô cùng hiếm hoi, nhưng giá thử có đi chơi ngày thường thì cũng bị ngộp vì món Couscous và Tajine muôn thuở. Ấy nhưng ở Marrakesh, tôi cũng gặp may mà vớ được một hàng ăn ngon.

Cạnh khách sạn Almas tôi ở trên đường Moulay Rachid có một quán cơm bình dân, nhưng tận bảy rưỡi mới mở cửa. Bảy rưỡi dường là giờ giới nghiêm của các cư dân Maroc trong tháng Ramadan. Đây là giờ khắc vô cùng… thiêng liêng, khi mà sau 15 tiếng đồng hồ không được ăn uống gì, người ta sẽ thỏa thuê cho dạ dày được tận hưởng. Vì thế đừng có dại mà nhờ vả người Maroc làm gì vào giờ này, họ sẽ bảo bạn là kẻ vô duyên hết biết.

Marrakesh có khu trung tâm thương mại lớn nhất thành phố là Mall Al Mazar, nhưng cứ đến sáu giờ chiều là đóng cửa, để rồi chín giờ tối sẽ mở lại tới đêm. Ba tiếng ấy là để toàn thể nhân viên và khách hàng nghỉ ngơi, ăn uống, trò chuyện cho bõ một ngày tiết kiệm năng lượng.

Quán cơm bình dân có vẻ ngon nên chật kín. Nhưng nhìn vào suất ăn của các thực khách những muốn hết hồn vì đúng là họ cần nạp năng lượng cho 24 tiếng đồng hồ. Một suất ấy bình thường ba, bốn người chung nhau mới hết. Tôi cũng mua một suất, rồi gọi thêm… hai phòng sang ăn cùng mà vẫn còn thừa.

Không dám xài thêm Couscous nữa vì ớn, chúng tôi xới bát cơm đã nấu sẵn, cả đậu đũa luộc lúc chiều mua ngoài chợ nữa, và đây, một suất hải sản nướng bao gồm mực ống, tôm, cá biển. Tất cả đều tươi rói, béo ngậy và thơm lựng như vừa được đánh bắt từ bờ biển Casablanca rồi chở lên quán cơm bình dân lúc chiều.

Giờ gõ những dòng này, tôi cũng nhớ lắm bữa ăn úi xùi ngồi phệt trên nền đá hoa trong phòng khách sạn ấy, nhớ vị hải sản thơm ngon hiếm thấy mà chẳng khi nào những chợ trời Nghĩa Tân, Thành Công cung cấp nổi.

Quán cơm cũng bán cả salad trộn như mọi nhà hàng khác. Những khay nhôm tướng xếp trong tủ kính đựng từng món salad và hải sản, ai ăn gì người bán hàng sẽ xúc cho vào hộp xốp, y như cơm bình dân Hà Nội. 60 Dirham* một suất đại như thế.

Có salad củ cải lạnh, salad cam cà rốt, salad khoai tây, nhưng phổ biến nhất vẫn là salad cà chua, dưa chuột kiểu Maroc. Làm món này cũng dễ, chỉ cần thái nhỏ hạt lựu hai thành phần chính rồi trộn thêm hành tây, lá bạc hà hoặc mùi tây băm nhỏ rồi tẩm ướp dấm, dầu ô liu, muối, tiêu là xong món.

Cơm bình dân thì còn lâu mới có Tajine. Ấy có vẻ là món cao cấp hơn một bậc thì phải. Mà may quá tôi không phải nhìn thấy Tajine nữa. Hôm sau chuyển khách sạn, nhiều người trong nhóm của tôi nảy ý khôn ngoan, tối tối vẫn bắt xe ngựa ra khách sạn cũ để ăn cơm với hải sản tươi.

Ngoài thức ăn bình dân thì đồ uống phổ thông ở Marrakesh còn có món nước cam tuyệt ngon. Cạnh thánh đường Koutoubia có chiếc xe đẩy bán nước cam tươi. Chưa vào đến sa mạc nhưng tôi cũng có cảm giác của người lữ hành lạc đường rồi, bởi cái nắng khô khắt của thành phố cửa ngõ phía Tây dãy Atlas, và quầy nước cam quả là một ốc đảo xanh tươi.

Cho dù những trái cam không hề được rửa nước mà cứ thế cho vào máy ép để cho nước cam… tự động rửa sạch vỏ rồi khách hàng sẽ được uống luôn cái nước rửa vỏ ấy. Bàn tay đen đúa của anh chàng đứng xe đẩy, tất nhiên rồi, cũng không được rửa (mà tôi chỉ hy vọng tối thiểu anh ta đã rửa nó lúc sáng nay, sau bữa đầu của ngày Ramadan).

Không “khuất mắt trông coi” được vì sự mất vệ sinh lù lù ra đấy nhưng bấm bụng cố uống thì thấy quả là cốc nước cam ngon nhất thế giới. Chẳng phải do tôi đang khát cháy đâu, mà Maroc quả là thổ nhưỡng của cây trái, nơi những quả dưa hấu thường nặng tới gần chục cân và cam tươi thì ngọt lịm, thơm ngát, như thể chúng đã hút hết tinh túy của sa mạc và đại dương để kiến tạo nên vị cam thần thánh ấy.

Vùng Marrakesh nhiều cam, nên những chiếc xe đẩy xuất hiện ở bất cứ đâu. Người ta ép cam rồi rót vào cốc cho khách uống giải khát ngay tại chỗ hoặc đóng chai mang đi với giá 10 Dirham một suất. Lần này danh sách Top 10 trái cây khó quên nhất thế giới trong sổ tay của tôi được bổ sung thêm một mục: Cam Marrakesh, dâu tây Athens, cà chua Rome, na Cao Hùng, đào-mận Côn Minh, xoài Jaipur, nho đen Kolkata, mít Campuchia, chuối Tam giác Vàng, măng cụt Bangkok, salak (quả da rắn) Bali…

Trên con phố đi bộ cạnh quảng trường El Fna còn có một xe đẩy bán cả chục loại nước ép đóng chai. Tôi bỏ qua cam, chanh, quýt mà tò mò nhấc lên một chai nước màu tím tuyệt đẹp. Màu của nó đẹp thế, tôi chưa từng nhìn thấy bao giờ, hẳn trái của nó phải ngon ngọt lắm, có lẽ là quả… xương rồng sa mạc cũng nên. Anh chàng bán nước ép đẹp trai như thanh niên Paris nhượng bộ sự mặc cả của tôi, đồng ý bán với giá 5 Dirham một chai.

Tôi chờ đến Mall Al Mazar mới rón rén mở nắp chai. Và… nếu như cam Marrakesh là trái cấm Vườn địa đàng, là đào tiên thiên đình mà Trư Bát Giới lúc nào cũng chực nuốt chửng thì thứ nước trái cây tôi vừa nếm thử rồi suýt phì ra nó sền sệt và có mùi mốc đặc trưng của một loại củ quen thuộc hay dùng để nấu cháo ăn dặm cho trẻ con. Nước củ dền Trời ạ. Tại sao người ta tận dụng thứ củ khó ăn như thế để làm nước ép giải khát thì tôi chịu.

Đồ ăn vỉa hè của Maroc nói chung còn không thể thiếu đặc sản lừng danh là chà là. Các trạm nghỉ chân ở Ouarzazate cũng bán rất nhiều chà là phục vụ khách du lịch. Ô liu và chà là rõ là quốc thực của người Maroc.

Ở nhà hai món này rõ là quý và đắt. Thi thoảng có người đi Dubai về tặng cho hộp chà là bèn nâng niu cất tủ lạnh, thèm quá thì ăn dè. Nhưng sang đây, chà là còn rẻ hơn dưa muối. Một cân chà là chỉ mất 3 USD. Vị ngọt vừa phải nên dễ chịu hơn giống chà là Trung Đông ngọt khé cổ.

Lúc ở sân bay, chúng tôi bị quá cước cũng là vì mấy yến chà là này. Người Việt hay tham của rẻ. Đây đã rẻ lại còn quý, nên ních cho đầy vali. Chà là thì 3 đồng một ký, mua cước mất hơn 10 đồng một cân rồi. Thế mà lại cứ bảo chà là ở nhà bán đắt thế, mấy trăm ngàn một hộp là sao?

(*) 10 Dirham bằng khoảng 20.000 đồng Việt Nam.

Lao động cuối tuần

Phạm Thúy Quỳnh đưa bài

Exit mobile version