Làm thơ liên tục từ những năm 1980, Giải Nhì (không có Giải Nhất) cuộc thi thơ tỉnh Thanh Hóa, tác giả thơ Đinh Ngọc Diệp đến nay không còn là của riêng thị xã Sầm Sơn, không còn là của riêng xứ Thanh nữa. Độc giả yêu thơ nhiều nơi trong cả nước đã biết đến tác giả thơ có cách viết rất riêng này.

Anh chú ý nhiều đến tư tưởng nghệ thuật, cách lập tứ và cũng không dễ dãi với hình ảnh, ngôn từ.

Là nhà báo ngoài biên chế, nhiều năm Đinh Ngọc Diệp vừa làm báo, vừa làm thơ. Những năm qua, anh đã có nhiều bài thơ, chùm thơ được in báo, tạp chí và các sách tuyển thơ ở Trung ương và các địa phương. Bước sang tuổi quá năm mươi lăm, anh mới tuyển chọn thơ in sách riêng. Đinh Ngọc Diệp cho ra đời liên tiếp hai tập thơ: Hành trình (Nxb Văn học, 2012) và Hành trình 2 (Nxb Hội Nhà văn, 2013).


1- Do hoàn cảnh và tính cách, Đinh Ngọc Diệp đi ra khỏi tỉnh nhà không nhiều, ít giao lưu với những người, nhóm người lẽ ra là rất cần gặp; được cái anh ham đọc, đọc để hiểu biết, để làm báo, làm thơ.

Nhưng anh có nội lực. Anh viết khác những người cùng hướng về một đối tượng hiện thực như anh. Thơ anh không nghiêng hẳn về nội cảm như để lấy nội cảm làm cứu cánh, mà hướng ra bên ngoài, nói về cái bên ngoài nhưng lại từ nội cảm xăm xoi, xoay lật, đắm đuối, cực đoan, nhiều khi triết luận. Đồng thời, cái nhìn đời sống của một nhà báo thuần thục về nghề lại giúp nhà thơ Đinh Ngọc Diệp có cái nhìn sắc sảo trong sáng tạo nghệ thuật.

Nói Đinh Ngọc Diệp viết khác, cụ thể ra sao? Trước tiên, cần nói ngay đến một sáng tác tiêu biểu của tác giả, đó là Hành trình, bài có tên trùng với nhan đề hai tập thơ. Đã có không ít tác giả viết về nhà ga, sân ga, đoàn tàu hỏa thời chiến tranh, thời bao cấp. Nhưng chỉ có Đinh Ngọc Diệp mới nhấn mạnh đến hình ảnh toa tàu lắc ngang của con tàu chạy dọc, coi nó là yếu tố tạo nên một cấu tứ thống nhất xuyên suốt bài thơ.

Hầu như cả cuộc đời ở làng ven biển, đương nhiên Đinh Ngọc Diệp viết nhiều về biển. Nhưng đây là biển của anh, bài Bến cá chiều (Hành trình): Những vực xoáy, con thuyền không trở lại/ Người đang yêu sẽ nói câu gì/ Người để lỡ tình yêu sẽ nói câu gì/ Những bà mẹ không sinh ra điều bất hạnh… Đời sống một bến sông – làng chài dần hiện ra rõ nét. Âm thanh, hình ảnh (trời nước, con người…) quấn quýt, hô ứng, nương tựa nhau để tồn tại. Liên tiếp những câu thơ tái hiện thực tế phũ phàng nối nhau không dứt. Riêng câu kết: Những bà mẹ không sinh ra điều bất hạnh… nói một điều hiển nhiên, là người mẹ nào cũng mong muốn cho con mình những điều tốt đẹp. Một mình câu kết đơn độc, “gan góc” đối chọi, “phản đề” với thực tế bất hạnh ở những câu trên, tạo thành một “chân đế”, một “đòn bẩy” cho ý tưởng thơ thăng hoa.

Một bài khác: Lạch Bạngđêm (Hành trình): Khung cảnh thơ mở ra một bên bờ sông là núi Du Xuyên đen thẫm, con thuyền chìm trong đêm lúc trăng chưa mọc. Trong bóng tối không còn phân biệt được mạn thuyền và bờ sông, vách núi, cả lòng sông bỗng hóa thành một con thuyền khổng lồ. Trong cơn say cảnh, say tình, ngồi đối ẩm, “tửu đồ” bốc cả núi Du Xuyên để nhắm với rượu bởi vì ông cứ ngỡ núi ấy là con cá! Ba bốn bóng say, núi Du thành cá ngủ/ Cốc rượu đầy bốc núi nhắm thành thơ…Người thơ lên bờ ra về một mình mà tưởng tượng có người đưa tiễn: Tiễn mình tôi về bến cuối cùng, ấy là trăng hay bóng mình đưa tiễn chính mình? Bến cuối cùng là bến gì? Tất cả đều mơ hồ, bảng lảng. Là tỉnh hay là say, là thực hay ảo?

Đến Tam Đảo mới chỉ một lần khi dự một trại viết, Đinh Ngọc Diệp đã có chùm thơ hay, không hề lặp lại nhiều người đi trước. Đây là hình ảnh có tính khái quát cao, tạo nên ở độc giả một cảm giác thú vị: Núi vẫn ngồi cho mây lang thang/ Tam Đảo choãi chân Vĩnh – Tuyên – Phú ThọCái chân đế xuống đồng bằng Bắc Bộ/ Mái nhà ngàn đời lưu dấu thuở hồng hoang (Tam Đảo ngày tôi đếnHành trình 2).

Và đây, “bác cả” Trúc Thông – với bài Dưới chân Thác Bạc– đã viết về thác quá tài hoa, đến mức cao siêu. Nhưng “chú em út” Đinh Ngọc Diệp lại dám “liều lĩnh” viết khác: Tam Đảo ném cánh chim lên đỉnh/ Ngọn nước thung thăng lao xuống tìm người/ Ngỡ đá xé tung trời/ lại hoàn nguyên cõi khác… (Du ca, Hành trình 2).

Chưa đến Trường Sa, nhưng cách nay nhiều năm, Đinh Ngọc Diệp đã có Tổ quốc ở Trường Sa (Hành trình 2), thuộc số những bài thơ hay, độc đáo viết về quần đảo Trường Sa. Tác giả sáng tạo ra một hình ảnh Trường Sa mới lạ, một tứ thơ độc đáo. Có lẽ chưa có ai ví nắm tấm cho gà ăn, người mẹ vung ra trong mảnh sân nhà mà lại thành quần đảo, thành biển xanh. Cũng chưa ai ví quần đảo như những hạt ngọc, kết tinh từ những hạt tấm, hạt cơm rơi. Cách nói có nghệ thuật mà lại giản dị, quen thuộc, như ông bà ta vẫn ví von “hạt gạo là hạt ngọc” (ngọc thực). Bài thơ dồn nén xúc cảm, cô đúc ngôn từ, tầm khái quát sâu sắc.

Về tình yêu và hạnh phúc gia đình, Đinh Ngọc Diệp có cách nhìn, lối nói lạ lẫm, khác người của riêng anh. Cả hai tập thơ gần trăm bài, có một số bài thơ tình, nhưng chỉ có Hoa cúc vàng mùa thu là có giọng điệu ngọt ngào, còn lại đều là suy cảm về nghi ngại, về trắng-đen, mặn-nhạt, thật-giả: Cuộc sống em chọn tôi làm mộ chí?/ Cuộc tắm biển tình cờ…em cũng chóng quên đi/ Tôi hóa cặn của chính mình trên bãi tắm/ Đau lứa đôi đặt bước thầm thì…(Dư vịHành trình 2). Hoặc không kém nặng nề ở một hoàn cảnh khác: Một lần biển. Thoát cho em trói buộc/Những dây nhợ lằng nhằng, đời thực quấn chân/ Em là em, mà ván đời đóng chặt/ Cởi thịt trần, chưa hết áo chung thân! (Trước biểnHành trình 2).

Một nét mới trong thơ hiện đại viết về tình yêu ít thấy đề cập, nhưng thơ anh đã khắc họa khá sắc nét là tính chất “nguy hiểm” của tình yêu, rất dễ đưa đến sự đổ vỡ khi một trong hai người yêu nhau thiếu sự độ lượng, tha thứ:Người lỡ làm em khóc/ Em hãy thương lấy người/ Yêu là con dao sắc/ Khi đã ôm trong đời… (YêuHành trình). Trở về với cuộc sống hôn nhân, mái ấm gia đình, thơ anh cất lên tiếng nói đầy độ lượng, nhân ái của người đàn ông đích thực: Trái tim cân những xô lệch đời thường/ Vì em đập rộn yêu thương cuồng nộ/ Trong đời thực có em ngày bão tố/ Tâm bình yên mượn gió để thăng bằng (Nói với em – Tặng hiền thê, Hành trình).

2. Luôn luôn hướng đến tứ- trên cơ sở những thi ảnh được chọn tìm kỹ lưỡng nhằm cấu tạo tác phẩm, nêu lên một tư tưởng nghệ thuật, đưa ra một thông điệp nhân văn, ấy là Đinh Ngọc Diệp. Tứ thơ của anh có khi ở cụm câu, có khi ở toàn bài. Bài có tứ cũng thường là những bài chuyên chở tư tưởng, hàm chứa tính triết lý sâu sắc. Xin dẫn ra một số trường hợp. Bài Tỉnh thức (Hành trình) cho biết: Có những phần tử phấn hoa đã hóa thạch từ cả triệu năm trước, bỗng nhiên bừng nở thành những đóa hoa. Đó có thể là sự kỳ diệu của khoa học. Còn về mặt tinh thần, điều đó chẳng có ý nghĩa gì, thậm chí còn là bi kịch. Những bông hoa được tái sinh, nhưng lạc lõng bởi vì hoàn cảnh, môi trường thiên nhiên và xã hội đã hoàn toàn khác. Con người cần được sống đúng thời của mình, mọi sự bù đắp về sau chỉ gợi lại sâu hơn những đớn đau thuở trước…

Lộn trái (Hành trình 2) là một bài tứ tuyệt thú vị, làm hiển lộ ưu điểm thông minh, sắc sảo- đến mức như là đáo để- của tác giả: Anh lộn trái để thực lòng với bạn/ Mặt phải của mình lại ẩn vào trong/ Nó cứ cựa để được mình là vỏ/ Chẳng khác đâu: áo cũng như lòng.

Quán gội (Hành trình 2) cũng là một bài thơ có tứ, được viết rất hàm súc, ít lời nhiều ý, hóm hỉnh pha lẫn chua cay, nhẩm đọc mấy lần mới hiểu tường tận thâm ý của tác giả: Anh nhắm mắt sợ em quá trẻ/ Chỉ đường gân thổ lộ cho/ Quả mơ nằm nhăn trong đáy lọ/ Cảm ơn ai nếm náp vị chua/ Bàn tay lá ôm đầu anh xoa vuốt/ Mơ kiệt rồi còn bỏ lọ – ai mua?

Độc giả hay gặp thơ có tứ của Đinh Ngọc Diệp ở những bài ngắn. Bài bốn câu nhưng ngắt nhịp nhiều dòng: Quả trứng thơ (Hành trình 2) có hai câu cuối tạo nên tứ của cụm câu, từ đó làm bật lên tứ của toàn bài: Thanh thản/Trứng/ quyên sinh/ khi nứt vỏ/ Thơ/ Bay/ đập cánh ở tim người…

3- Độc giả không khó khăn khi muốn tìm ra những chứng cứ về lao động sáng tạo hình ảnh và ngôn từ của một nhà thơ in sách muộn mằn này. Hình ảnh và ngôn từ ở đây có mối quan hệ qua lại ràng buộc, tôn nhau lên cùng với tứ thơ, cảm hứng sáng tạo, cách viết khác lạ về những đối tượng hiện thực quen thuộc. Có thể nêu ra được nhiều dẫn chứng ở Hành trình 2. Đây là hình ảnh nhà cao tầng trong cuộc sống hiện đại: Sau bươn chải, lại trở về trong hộp/ Như dế khoét hang kiêu hãnh, đơn côi/ Chen chúc những hộp bia xếp hàng tăm tắp/ Toát mồ hôi trong tủ lạnh đứng ngồi (Cao ốc). Thi sĩ miền biển Thanh Hóa tặng thơ nghệ sĩ nhiếp ảnh miền biển Hải Phòng: Anh nhuộm tôi cả nắng gió Hải Phòng/ Ngày cửa bể phóng anh ra nghìn đảo/ Lại thu về những âm bản cuồng phong (…) Nghìn búp ngực xếp tường thành đẩy sóng (Gặp biển).

Nhiều hình ảnh chính là liên tưởng thi ca được chuyển tải một cách tài hoa bằng những ngôn từ đặt đúng lúc, đúng chỗ, làm lay động trí tưởng tượng của độc giả:

– Cái tủ lạnh của một vùng châu thổ(…) Người cuốc vào mây, mây xóa mặt người (Tam Đảo ngày tôi đến).

– Cây còng xuống vì ai đi dưới bóng (Cây Hồ Gươm)

– Nghìn cây số gánh gạo ra mặt trận/ Mẹ thu về trong gang tấc đòn tre (Đòn gánh tre…)

– Cơn mưa thấp hơn mắt cá/ Hình anh ngã dưới chân em (Sau mưa)

– Trưa – tôi gặp một người trên ghế đá/ Túi xách gối đầu, co quắp dưới hàng cây/ Không của nả, người ôm choàng giấc ngủ/ Vỏ hình hài cho kiếp trước nồng say! (Giấc ngủ).

Trở lại với tập Hành trình, đọc bài Lạch Bạng, đêm, thấy có nhiều từ láy được sử dụng gợi không khí bình lặng mà xôn xao, âm thầm mà dữ dội của bến cá: Xâm xẩm nửa vòm trời phía biển/ Trời tím nhạt nhòa ở phía nguồn sông/ Mấp mé con đê gợn nước gương trong/ Lừng lững những bóng thuyền đứng, ngồi tĩnh, lặng/ Không đổ bóng, nước chẳng buồn gợi sóng/ Bến lao xao, tiếng dội xuống con thuyền…

Hành trình và Hành trình 2 như là hai tập thơ sinh đôi (trùng tên, ra đời năm trước, năm sau). Với hai đứa con tinh thần sáng sủa, khỏe khoắn,  báo hiệu nhiều triển vọng, Đinh Ngọc Diệp đang “tăng tốc” mà vẫn chắc chắn trên hành trình sáng tạo thi ca của mình.


Nguồn Văn nghệ số 14/2016