Hồ Tĩnh Tâm

Buổi chiều bị hớp hồn.

Lâm ra khỏi nhà. Rẽ phải một cách vô thức. Đây là con đường mà mấy mươi năm anh chưa hề một lần đặt chân, bởi nghe nói nó là con đường vô ngọn, mà ngọn là ngọn một con kinh cụt, mà kinh cụt, nghĩa là không còn nơi nào để đi tiếp, nghĩa là bế tắc ở nơi tận cùng của nó. Với nữa, ở xóm phố của Lâm, hễ nghe danh ai là anh hùng thảo khấu, y như rằng người đó là dân trong ngọn. Dân trong ngọn, nghe cứ rờ rợ, ba gai săng đá, đạp đất đội trời, coi thiên hạ là anh tam, coi bốn bể là cửa nhà, coi thế gian chỉ là cái phẩy tay, cái chớp mắt; coi ba xị đế mới là yêng hùng, sơn lâm bất biết, phố thị bất cần.

Lần này chính định mệnh dẫn Lâm vô ngọn.

Quái thật, mới qua khỏi cái cầu xây vài chục mét, đã thấy dòng kinh chạy hun hút, giữa hai bên bờ là cây bần, cây gáo, cây còng; và sau những hàng cây già nua sần sụi dấu tích thời gian ấy, là nhà cửa chen vai nằm cặp theo hai con đường đan. Và hai con đường… không hề nhỏ như Lâm vẫn tưởng, nó đủ rộng cho Honda, xe đạp chạy thoải mái, nhưng với các loại xe bốn bánh thì không thể nào xuất hiện, cho dù nó chỉ nhỏ như một chiếc Matiz của hãng Deawoo chăng nữa.

Chạy sâu vào ngọn hơn trăm mét, Lâm bắt đầu ngờ ngợ cảm thấy điều gì đó rất khác thường, cứ như thể mình đang lạc vào một thế giới khác, thế giới cổ tích giữa thời hiện đại. Con đường càng lúc càng vắng, cây cối càng lúc càng già cỗi, cho dù nhà cửa bên đường vẫn ken sát bên nhau, bám dính lấy con đường, bám dính lấy dòng kinh cụt. Trong những ngôi nhà ấy, thỉnh thoảng lại thấy vài người ngồi túm tụm với nhau, cùng nhau ăn uống món gì đó một cách lặng lẽ. Nghe tiếng xe máy, họ ngước lên nhìn, rồi lại cúi xuống bàn ăn, lặng lẽ như chẳng cần biết gì đến thế giới này. Mà lạ nhất, họ hoặc là một đám đàn bà con gái, hoặc là một đám đàn ông. Đàn bà thường mặc đồ bộ, còn đàn ông thì cởi trần trùng trục. Đàn bà thường ngồi với  nhau bên hiên nhà, còn đàn ông thì ngồi dưới gốc cây, ở một góc sân rờm rợp bóng lá. Cảnh với người quyện với nhau như từ thời hồng hoang, bởi nhà cửa, vườn tược, tất thảy đều toát lên sự hoang hoải như bị lãng quên, bị bỏ phế cho mưa nắng, không ai cần quan tâm, không ai còn đếm xỉa.

Nắng chiều héo úa, xiên qua vòm lá, đổ xuống mặt đường đan những vạt màu vàng quành quạch. Không gian tĩnh lặng lạ lùng, đến cả tiếng xe máy của Lâm cũng như bị sự tĩnh lặng nuốt chửng. Ngay cả những con chó nằm khoanh trước các cổng nhà cũng lạ. Hầu như tất cả đều là những con chó già, mệt mỏi, chán chường, bất cần mọi thứ động tĩnh bên ngoài; nhưng qua hai con mắt ti hí ngước nhìn lên, Lâm biết thừa là chúng không hề bỏ sót một thứ gì đang diễn ra trước mặt, chỉ đơn giản là chúng bất cần mọi thứ, ngoài sự chây lười thuộc về tuổi tác của chúng. Hình như binh tình chán chường của con người trong ngọn đã lây cả sang chúng, đến từng giọt máu, từng giọt máu.

Chạy sâu vào ngọn vài cây số, Lâm thấy nhà cửa thưa dần, các vuông vườn tạp nhiều dần, và sự tĩnh lặng lại trở nên càng tĩnh lặng, đã hóa thành màu tối xám u uẩn. Dòng kinh nhỏ như chìm ngập dưới những vòm cây hai bên bờ, nằm xoài ra, đan những cánh tay nhánh cành gầy guộc vào nhau, hình thành hang động hun hút, chặn đứng nắng chiều, khiến mặt nước trở nên đen thẫm, trầm mặc, toát lên màu cổ sử của huyền thoại đầy huyễn hoặc.

Khi đến khúc cuối của dòng kinh, tức là khi đến ngọn, đến nơi tột cùng mà dòng kinh bị chặn lại, bất ngờ Lâm nhìn thấy một thằng bé đang lặng lẽ ngồi câu bên gốc cây bằng lăng cổ thụ.

Lâm dừng xe, thong thả châm một điếu thuốc, rồi hỏi thằng bé:

– Đây là ngọn há cưng?

Thằng bé ngước nhìn Lâm một lúc mới trả lời.

– Ừa, đây là ngọn. Chú tìm bà Tám à?

– Không, chú đi cho biết đường này trổ ra đâu.

– Trổ ra lộ đá đang làm. Chú thứ ba phải không?

– Phải. Nhưng sao cưng biết chú thứ ba?

Thằng bé nheo mắt, ngắm nhìn Lâm một lúc, suốt từ đầu đến chân, rồi nói:

– Biết sao không. Cái gì con hổng biết. Thỉnh thoảng con thấy chú ngồi trong tivi nói chuyện.

Thấy vui vui, Lâm hỏi nó:

– Vậy biết vì sao con kinh này cụt ngọn không?

– Cụt đâu mà cụt. Nó chỉ thắt nhỏ lại, chảy lòn qua vùng đất hoang nhà Bá Hoàng, rồi trổ qua bên phường tám. Chú đi tới thì biết.

Lâm rồ máy chạy tiếp. Hình như là định mệnh xui khiến thì phải. Con đường lạ huơ lạ hoắc, tự nhiên như có ma lực, xui khiến Lâm phải đi tiếp, không thể nào cưỡng lại nổi.

Một vùng đất trống trầm thủy, dày đặc lau sậy hiện ra. Nắng quái chiều hôm đã ngả màu đỏ sẫm. Và rồi con lộ đá đang thi công dang dở cũng hiện ra. Chẳng hiểu giữa vùng đất hoang vu, trống vắng tới lạnh lùng này, người ta thi công làm gì con đường rộng tới bốn chục mét không biết. Đường rộng cỡ này, chắc là đường cho máy bay hạ cánh. Mà cũng lạ. Ràng ràng con đường đang dang dở, nhưng sao trống vắng lạnh lùng, chẳng thấy một ma nào cả, ngoài vài ba cái máy xúc, vài ba cái xe lu nằm lù lù, im lặng như một đống sắt bị bỏ quên, từ thời Nã Phá Luân còn mặc quần xà lỏn.

Không biết con lộ đá rộng ngút ngát sẽ dẫn đến đâu, Lâm đành quay đầu xe, trở lại con đường về ngọn.

Tới đúng cây bằng lăng cổ thụ, nơi có thằng bé ngồi câu, Lâm nhìn thấy một cô gái đứng bên đường, nhìn Lâm cười rất tươi.

– Anh Ba, anh đi thăm bà Tám à?

Lạ thiệt! Bà Tám nào nhỉ? Sao cả thằng bé và cô gái đều hỏi Lâm điều này? Có định mệnh gì chăng? Đường vô ngọn. Con kinh cụt. Bà Tám. Thằng bé ngồi câu đợi sẵn. Cô gái vận đồ bộ đứng đợi sẵn. Ai cũng biết Lâm thứ ba. Ai cũng hỏi có phải Lâm đi tìm bà Tám. Vậy là Lâm dừng xe.

– Ừa. Mà cô là sao với bà Tám?

– Là cháu ngoại, chớ là sao. Hồi sớm mơi này, con chích chòe kêu choèn choẹt hoài, bà Tám nói chiều nay có khách.

Đúng là định mệnh, chứ chẳng lẽ lại là ma đưa lối quỷ đưa đường. Lâm theo cô gái chạy xe qua cây cầu xi măng cũ sì cũ sịch, cùng cô chui vào một vuông vườn u tịch. Một con chó to như con bê từ đâu hiện ra, lững thững bước tới, hít hít đũng quần Lâm, rồi vẫy vẫy đuôi, cứ như nó cũng đã biết Lâm từ tiền kiếp.

Lạ hơn nữa. Từ đâu đó trong ngôi nhà cổ, xây bằng gạch thẻ, tường mốc thếch rêu phong, một người đàn ông dong dỏng, với gương mặt xương xương như nhà sư tu khổ hạnh bước ra, trên vai có vắt cái khăn rằn bạc phếch.

– Chú Ba hả? Sao giờ này mới tới? Tui mua kí thịt bò chờ từ sớm.

Người đàn ông không bắt tay Lâm, mà choàng tay qua vai Lâm, kéo luôn Lâm vào nhà. Trên bộ tràng kỉ, Lâm nhìn thấy một bà già đang ngồi ngoáy cơi trầu, vai cũng choàng cái khăn rằn bạc phếch. Lâm đoán chắc bà già là bà Tám, nên vội vàng khoanh tay, cúi đầu. “Dạ, thưa má Tám, con mới tới.”

Má Tám ngước nhìn Lâm, nói chậm rãi.

– Tao đợi bây từ hồi mơi tới giờ. Bây thắp nhang rồi ngồi nhậu với nó. Đêm dài lắm con.

Lâm làm theo lời má Tám răm rắp.


Minh họa: Phạm Hà Hải

Mùi nhang đèn phưởng phất. Cái bàn thờ cẩn xà cừ như mơ mờ trong ánh điện. Mấy tấm hình phía trên cao chập chờn. Con chó vàng chui xuống gầm bàn, khoanh tròn nằm lù lù một đống. Lâm đứng chắp tay, tự nhiên thấy hồn mình như thoát xác, phiêu diêu tận những đâu những đâu; mắt cứ loa lóa những ảnh hình không ra ảnh hình gì cả. Cho đến khi mùi thịt bò xào bốc lên phưng phức Lâm mới sực tỉnh.

– Chú Năm với anh Ba ngồi nhậu (cô gái lên tiếng).

Quay lại, Lâm nhìn thấy trên bàn đã có dĩa mồi, chai rượu, với ca nước đá. Bà Tám vẫn ngồi ngoáy cơi trầu trên bộ tràng kỉ, nói thủng thẳng.

– Hai đứa bây cứ nhậu với nhau trước, chút xíu qua với con Tím ngồi ăn cơm luôn thể.

Chỉ có hai người, nên không khí buổi nhậu cứ như chìm vào cõi thẳm hoang vu nào đó. Anh Năm lặng lẽ rót rượu. Lâm với anh Năm lặng lẽ cụng li, lặng lẽ uống; chẳng ai nói với ai câu nào, vì thực ra, có ai biết ai là ai mà nói.

Cho đến lúc Tím dọn lên bàn dĩa cá kho, tô canh chua, thì chai rượu đã vơi đi phân nửa. Thế rồi Tím cũng thắp nhang, cũng vái lạy trước bàn thờ, sau đó mới mời ngoại dùng bữa. Lúc này tự nhiên không gian như trầm hẳn xuống. Anh Năm đang cầm li rượu, tự nhiên nhắm nghiền hai mắt, hơi ngửa đầu ra phía sau, rồi nói với một giọng rất lạ, cứ như giọng nói từ cõi âm vọng về.

– Anh Ba còn nhớ trận đánh Gãy Kinh Nhứt không? Trận đó tháng mười hai năm 1972. Mấy anh nổ súng lúc hai giờ đêm. Hỏa lực mấy anh bắn quá chừng. B40. B41. Cả DKZ. Cả cối 60. Cối 82. Cả trung liên, đại liên, 12ly7. Tụi tui chịu gì thấu. Lớp chết. Lớp bị thương. Lớp tháo chạy. Liều mạng nong kinh mà chạy. Tui với thằng Tửng, ông nội thằng Tèo anh gặp ngồi câu cá hồi chiều, lính mới lớ ngớ, có biết đằng nào mà chạy, phải ém lại trong cái lung dày đặc ô rô, cóc kèn. Đến sớm, mấy anh bắt được thằng Tửng. Tui ngồi trong lùm, tui thấy ráo trọi. Ai đó bắt thằng Tửng leo lên cột cờ hạ cờ xuống, khi nó chạm được tay vô lá cờ, ai đó đã bắn nó. Nó rớt xuống. Lá cờ cũng rớt xuống, chụp lên người nó vàng khè. Ai đó hét lên, tao trả thù cho mày rồi Quốc ơi! Sợ quá, tui trườn khỏi chỗ núp, tìm cách thoát vô đồng, vậy là bị mấy anh phát hiện, bị mấy anh xả súng bắn quá trời. Lúc đó tui nghĩ tui chết, nên cứ liều mạng mà chạy, mặc dù đạn nhọn veo véo, đạn M79 đùm đụp. Khi tui đã ra tới kinh Cổ Cò, tưởng đã thoát khỏi đạn nhọn, đạn M79 của mấy anh, tui nhắm mắt xá lạy trời đất thần phật độ trì, nhưng vừa mở mắt đã thấy anh ghìm AK trên bờ kinh, chỉa thẳng vào tui. Bên cạnh anh còn một anh nữa rất đẹp trai. Là anh Phương, Trần Văn Phương quê Hà Tây phải không? Sau này tui vẫn hay nghe trên ti vi anh nhắc tên anh ấy. Lúc đó tui cầm chắc chết mười mươi; nhưng rồi tui nghe anh quát, chạy đi, chạy về phía Gò Tháp, đừng ngu chạy về phía lộ ba mươi, đạp mìn du kích chết banh thây. Anh còn nhớ tui không anh Ba? Tui là Huỳnh Công Tuân, lính bảo an, quê ở Ngọn, con thứ bảy má Tám. Tui mời hoài hủy, hôm nay anh mới tới nhà nghe anh Ba. Tạ ơn anh cứu mạng một li anh Ba!

Lúc đó tự nhiên tôi rùng cả mình. Lạnh từ sau ót, lạnh dọc sống lưng, lạnh xuống hai gót chân; rồi lạnh từ hai gót chân lạnh dội ngược lên. Mắt nhìn thấy mọi thứ cứ ngả nghiêng, chòng chành chao đảo. Mọi chuyện tôi đã quên, đã bỏ lại sau lưng, giờ nghe anh Năm nhắc tôi mới nhớ; nhưng việc anh Năm nói, anh mời tôi hoài hủy thì tôi đâu có biết. Anh ấy có gặp tôi bao giờ mà mời. Mời bằng cách nào? Hổng lẽ anh Năm mời khi thắp nhang bàn thờ? Hay hồn ma người đã khuất mời tôi?…

Trong đời, chưa bao giờ tôi thấy lạnh sống lưng như lúc ấy. Chuyện xảy ra đã bao nhiêu năm, chỉ có tôi với Phương biết chuyện, vậy mà giờ này anh Năm lại kể ra vanh vách. Chẳng lẽ trên đời có thần Phật, có thế giới âm dương? Tôi vốn là người vô thần, ngay cả chuyện Phan Bích Hằng tôi còn không tin, vậy mà giờ này, ở ngôi nhà xưa cổ trong ngọn, trong khu vườn tạp rậm rạp, âm âm u u này, tôi không thể không tin những lời anh Năm vừa nói. Hay đúng hơn, tôi không thể không tin, tất cả những gì mà hồn ma nhập vào anh Năm vừa nói.

Chờn chợn như bị ma ám, tôi đứng dậy, bước tới bàn thờ, lấy cả thẻ nhang để thắp. Tím cầm cây đèn hột vịt đưa cho tôi. Tôi gỡ bóng đèn ra để thắp nhang. Khi ngọn lửa nhang bùng cháy thành ngọn, tôi nhìn thấy Huỳnh Công Tuân hiện lên mờ mờ ảo ảo. Vẫn là gương mặt non choẹt, vừa đẹp như thư sinh, vừa ngây thơ, vừa sợ hãi của người lính bảo an lúc ấy. Bấy giờ ngón tay trỏ của tôi đã dợm trên cò súng, tôi biết chắc là Phương cũng vậy, chỉ cần một trong hai chúng tôi xiết nhẹ… nhưng ai đó trong tâm linh đã mách bảo chúng tôi, hãy mở đường cho người lính sa cơ này.

Có gì đó nghèn nghẹn đau thắt trong tim, xui khiến tôi muốn nói lên điều gì, để Huỳnh Công Tuân biết rằng, Trần Văn Phương Hà Tây đã mất; một viên đạn 12ly7 xuyên qua ngực Phương, nổ trổ ra sau lưng vết rách toác to như miếng bát. Viên đạn oan nghiệt ấy được bắn từ trên chiếc M113 của trung đoàn 10 sư 7, trong trận Vàm Đất Sét; nghĩa là chỉ sau ngày Phương và tôi thả cho Tuân chạy thoát chưa tới một tuần. Nếu như Phương còn sống, giờ này tôi với Phương ngồi đây, cùng uống rượu với người chú họ của Tuân thì hay biết mấy.

– Ngồi uống rượu rồi ăn với má chén cơm đi con. Thằng Năm đây, kể vai theo họ Huỳnh, là chú ruột thằng Tuân. Nó là giáo sư tiến sĩ toán bên Pháp, về quê trị bệnh bằng đông y mấy năm nay không hết, từ khi thằng Tuân qua đời, tự nhiên bệnh tình biến mất, chuyện gì từ đời năm nẳm cũng nhớ rành rọt mọi lẽ. Bây thương thằng Tuân thì kêu nó bằng chú. Nó chắc chỉ hơn bây vài tuổi. Sáu mươi rồi mà còn độc thân trùi trụi. Khổ, học tới giáo sư tiến sĩ bên Tây mà còn khổ.

Trời ạ, lại gì nữa đây! Hổng lẽ nãy giờ, không phải chú Năm tiến sĩ toán nói chuyện với tôi, mà là hồn ma Huỳnh Công Tuân nói chuyện với tôi sao cà. Chú Năm sống mãi bên Pháp, làm sao biết chuyện tôi với Phương tha bổng Huỳnh Công Tuân. Nếu đúng vậy, nghĩa là Tuân đã chết. Chết, nhưng hồn Tuân vẫn nhớ ơn cứu mạng của chúng tôi, vẫn trăn trở tìm cách mời tôi đến nhà để nói một lời cho phải đạo. Thế giới con người linh thiêng vậy đấy. Trên trái đất này, có điều gì mà thế giới tâm linh của con người không biết, không chứng kiến và tham gia can thiệp, theo lẽ vô thường của kiếp phận con người. Như vậy, chú Năm đang ngồi trước mặt tôi đây, đang cụng li với tôi đây, vừa là chú Năm tiến sĩ toán, vừa là Huỳnh Công Tuân quân lực Sài Gòn, vừa là thật vừa là ảo, vừa là người vừa là ma. Và… ngôi nhà cổ kính chập chờn ánh đèn vàng quành quạch này, là ngôi nhà hay là nấm mộ? Bà Tám đang ngồi trước mặt tôi đây, là người hay chỉ là hình hài con người? Và cả cô gái nữa. Sao cô ấy mỏng mảnh. Sao cô ấy coi nhẹ như sương, như khói vậy nhỉ. Tôi thấy lạnh cả lưng, nhưng rơi vào thế bị triệt buộc, tôi vẫn cứ phải ngồi đấy, chìm trong rờn rợn ma quái; vừa mang mang lành lạnh, vừa hồi hộp muốn chứng kiến, muốn khám phá, muốn biết thật là tôi đang ở đâu trong thế giới huyễn hoặc, chất chứa muôn vàn lẽ huyền không hư hư thực thực này.

Lối hơn chín giờ tối, tôi với chú Năm đang ngồi nhâm nhi sự đời, thì thấy thằng bé ngồi câu cá bên gốc cây bằng lăng hồi chiều, ở đâu về, khoanh tay chào tôi. Bà Tám nhắc, “bây gọi chú Ba bằng bác nghe con, gọi chú là trật nghe con; đúng ra, bây phải gọi tới bằng ông lận”. Thằng bé lại khoanh tay, lễ phép cúi đầu chào tôi. “Thưa bác Ba, con mới đi học về”. Ra là thằng bé học thêm tin học ngoài phố. Mười mấy tuổi đầu, vậy mà nó dám chạy xe đạp một mình, suốt từ phố vô ngọn, trên con đường tối hù tối hịt, hoang vắng đến lạnh người. Kể nó cũng vào hạng, tướng quân Lâm Kì Đạt, chớ hèn gì.

Thế ra cái thằng là cháu nội người lính xấu số, bị ai đó nổi giận sau trận đánh, mà tiểu đoàn tôi có quá nhiều thương vong, bắn chết trên cột cờ ở Gãy Kinh Nhứt, là thằng bé này đây. Nó đang học lớp mười chuyên toán, được xếp hạng gạo cội của trường. Những bước ngoặt sau chiến tranh, ai mà biết được. Mấy chục năm rồi còn gì. Gần nửa thế kỉ rồi con gì.

Má Tám và Tím cùng thức với chúng tôi. Cả thằng bé cũng thức. Mới đầu nó lủi xuống bếp, bới đầy một tượng cơm đầy tú hụ, vừa ngồi ăn vừa hóng chuyện. Chính nó nói cho tôi biết, trong những ngày lâm chung trên giường bệnh, ông Tuân của nó (ông nuôi) vẫn thường hay nhắc về một người đã tha mạng sống cho ông nó, đang sống ở gần đây, và nhất định sẽ có ngày đến đây; bởi vậy, khi tôi xuất hiện, nó nhận ngay ra tôi, nên trước khi đi học, nó đã dặn cô Tím ra đây đứng đợi. Định mệnh màu huyền không là vậy. Cái gì đi cứ đi. Cái gì đến sẽ đến.

Má Tám nói:

– Thằng nhỏ tên Danh. Huỳnh Công Danh. Ông nội nó lớn hơn thằng Tuân mấy tuổi, thuộc gia tộc họ Huỳnh lớn nhứt vùng Thanh Đức, chết trận hồi 1972 ở Gãy Kinh Nhứt. Sau giải phóng tới ông cố nội nó chết, rồi bà cố nội nó chết. Tía nó do học đậu bằng tú tài đôi, có làm tề xã một năm trước ngày miền Nam giải phóng, phải ra trình diện, học tập cải tạo, sau ổng lâm bịnh mà chết. Thằng Tuân đưa về nuôi. Rồi thằng Tuân ngã bịnh qua đời. Nó sống với qua tới giờ. Nhờ ông Năm bên Pháp về trị bịnh, dạy kèm môn toán ở nhà, thằng nhỏ học giỏi động trời, năm nào cũng lãnh thưởng bề bề. Nay mai ông Năm nó trở qua Pháp, chắc rước luôn nó qua bển ăn học. Ở đây, sợ rồi… như cô Tím nó, tốt nghiệp tổng hợp toán hạng ưu, xin việc nhà nước ở đâu cũng không được, giận quá, ở nhà luôn tới giờ. Chừng qua theo ông bà, chắc con nhỏ cũng phải qua bển với chú Năm của nó. Qua đó kiếm sống, miễn sao nó còn nhớ tới dòng tộc mà tìm về. Qua ráng giữ miếng đất này của Bá Hoàng, là giữ cho con cháu có ngày hồi hương, tìm về nguồn cội đó con. Đất đai ông bà khai khẩn, có giấy chứng mồ hôi nước mắt đàng hoàng, hổng lẽ buông xuôi, để trôi tuột vào túi người ta.

Nhìn đồng hồ, thấy đã ba giờ sáng, thấy thằng nhỏ đã chun mùng, nằm ngủ chèo queo trên bộ ngựa, tôi nói má Tám vô buồng nghỉ cho đỡ mệt. Má Tám nói, ở tuổi má thì còn mệt cái nỗi gì, có mệt là mệt sự đời, bởi sao mà người ta cứ hay bày đặt quy hoạch chỗ này chỗ nọ, rồi ngâm giấm để đó, khiến đất đai đội giá lên trời, mà dân tình thì hổng dám làm ăn gì ráo. Đất đai màu mỡ vầy đây, mà dân tình trong ngọn, ai cũng nơm nớp chờ xem, có còn bị quy hoạch gì nữa không, hổng ai dám động tay động chân làm gì, thành ra ôm nhau nghèo cả đám.

Tím ngồi bên cạnh, nhắc khéo bà ngoại.

– Quy hoạch là chuyện quốc gia đại sự mà má.

Bà Tám nghe vậy, day qua nắm tay tôi, hỏi.

– Bây hay ngồi tivi nói chuyện, bây biết mấy chỗ đất đai quy hoạch đó, ai mua trước không con?

Thấy ông giáo sư tiến sĩ toán lim dim hai mắt như đang ngồi thiền trong cõi Phật, tôi đành nhìn lên bàn thờ cầu cứu. Trời ạ. Cả Huỳnh Công Tuân và Trần Văn Phương đều hiện ra mờ mờ dưới ánh đèn. Cả hai đều nhìn xoáy vào tôi.

Tôi rùng mình.

Nghe ngoài vườn có tiếng chim lợn vỗ cánh bay lạch phạch, thả ra những tiếng kêu éc éc rợn cả người

 H.T.T

Văn nghệ Quân đội

Phạm Thúy Quỳnh đưa bài