(Đọc tiểu thuyết Đỉnh máu của Nguyễn Bảo – Nxb Quân đội nhân dân, 2012)

Đỉnh máu là tiểu thuyết về đề tài chiến tranh cách mạng lấy bối cảnh quân ta và quân nguỵ giành nhau một khoảng không gian đỉnh cao 1062 thuộc địa bàn Quảng Nam năm 1974. Có thể coi tác phẩm là tập 2 của bộ tiểu thuyết nhiều tập mà tập 1 Thượng Đức đã rất thành công, xét về cấu trúc thì nó vẫn là một tiểu thuyết riêng biệt.


Đỉnh máu mới hơn so với Thượng Đức ở chỗ đẩy vấn đề về gần với bản chất của bất cứ cuộc chiến nào: chấn thương. Dĩ nhiên một tác phẩm khác viết về đề tài này cũng là một cách nói đến chấn thương, cũng gắn liền với đổ máu, mất mát, cái chết…, nhưng ở Đỉnh máu đã cố gắng tạo ra một cơ chế và một mã diễn ngôn riêng.

Lý thuyết diễn ngôn coi tác phẩm là một diễn ngôn do các quy tắc mang tính chất ý thức hệ của thời đại quy định. Nó không tập trung xem tác phẩm phản ánh cái gì, phản ánh có chân thực hay không mà nó vươn tới tìm hiểu tác phẩm ở phương diện tư tưởng, thế giới quan và kiểu kiến tạo thế giới bằng các phương thức nghệ thuật.

Như vậy không phải tác phẩm nào cũng có thể tiếp cận bằng diễn ngôn mà phải là tác phẩm có tư tưởng, có chiều sâu, và dĩ nhiên có một ý thức thẩm mỹ. Một tác phẩm văn học có giá trị là cả một thế giới tư tưởng và thế giới nghệ thuật, đọc nó người ta thấy hằn lên cá tính tác giả cùng những đổi mới so với trước đó và cùng thời.

Xét đến cùng sự vận động của văn học là sự vận động của các diễn ngôn, diễn ngôn sau phủ định diễn ngôn trước để phát triển. Diễn ngôn về thân phận, về tính dục, về chấn thương… ở ngày hôm nay đang có xu hướng thay thế dần các diễn ngôn về giai cấp, diễn ngôn về tuyên truyền… của ngày hôm qua.

Diễn ngôn luôn là sản phẩm của môi trường sinh thái văn hoá, có tác phẩm ra đời trong hoàn cảnh này thì có giá trị, còn không có khi lại phản tác dụng. Tác phẩm, ngoài giá trị của chính nó còn là sự cộng hưởng của lịch sử, thời đại, dư luận xã hội, thị hiếu bạn đọc… Thượng Đức của Nguyễn Bảo đã được thời gian và dư luận thẩm định là tác phẩm có tư tưởng, nó còn may mắn ra đời đúng thời điểm xã hội cần có những cái nhìn hoà giải nhân văn.

Đến Đỉnh máu, thì chỉ có ở thời điểm hôm nay nhà văn mới có thể dùng cái hoán dụ dữ dội đến ám ảnh ấy, mới có thể kiến tạo nên hai thế giới đối lập nhau, chuyển hoá cho nhau trong một cấu trúc tiểu thuyết. Thực ra nếu nói về tên gọi thì Đất trắng của Nguyễn Trọng Oánh đã là một ẩn dụ đi trước nói về sự tàn khốc, tan hoang của chiến tranh. Nhìn vào nội dung thì cũng là một diễn ngôn chấn thương, nhưng Đất trắng là một thế giới khác, không gian khác, một cách kể khác.

Từ các điểm nhìn đối lập đến ngôn từ tranh biện, đối thoại

Đỉnh máu được xây dựng từ hai điểm nhìn của hai nhân vật chính cùng tham gia vào trận đánh 1062: Ngọ, một chỉ huy quân cách mạng và Hán, một sỹ quan nguỵ. Thủ pháp đồng hiện được sử dụng hiệu quả khi cả hai nhân vật cùng nhớ về quá khứ, tái hiện lại quá khứ trong dòng ý thức với những căng thẳng khốc liệt đến tận cùng của chiến tranh: tiếng nói của bên này bên kia nghe rõ, những xác chết chất đống bốc mùi kinh khủng, những bộ xương, những trận giáp lá cà, những hình hài què cụt…

Kết hợp với phép cắt dán của điện ảnh, những cảnh nối nhau trong quá khứ, cảnh đổi nhau quá khứ – hiện tại khiến mạch vận động của tiểu thuyết như một dòng chảy lúc nhanh lúc chậm. Thì quá khứ (câu chuyện diễn ra) và thời hiện tại (thời điểm kể) xảy ra trong khoảng thời gian một quãng đời của các nhân vật nên các sự kiện hiện ra như là mới mẻ, tươi nguyên.

Điểm nhìn đối lập của Hán và Ngọ cùng châu tuần vào một vấn đề, và lý giải, lật xới, nguyền rủa, cay cú, hả hê… Hán bảo vệ cho quan điểm của cá nhân cũng là của cả một chế độ, một lực lượng, còn Ngọ thì ngược lại. Nhờ thế tác phẩm có được chiều sâu phân tích nhất định, và nhất là tạo ra một tinh thần dân chủ: các sự kiện được soi chiếu qua hai chiều ngược nhau; quyền đánh giá đúng – sai, hay – dở được trao nơi bạn đọc.

Cấu trúc ngôn ngữ tác phẩm được hình thành trên hai lớp lời nói, giọng điệu đại diện của hai ý thức hệ đối chọi nhau (giọng của Hán và những nguỵ quân, thân nguỵ bảo vệ cho quan điểm chống cộng; giọng của Ngọ và những chỉ huy, chiến sỹ, người dân bảo vệ quan điểm của cách mạng). Chưa nói tới sự đối thoại căng thẳng, bản thân sự sắp đặt ấy đã là một hình thức tranh biện, loại trừ nhau – điều này đã cố gắng tạo ra một tinh thần đối thoại của tiểu thuyết.

Một trong những biểu hiện của tính đối thoại là lời văn hai giọng, tức là sự xâm nhập vào trong từng phát ngôn người khác để tranh luận, có thể là đồng tình, phản đối hay giễu cợt, mỉa mai. Ta thấy vẳng sau lời của nhân vật Hán (trong quá khứ là chỉ huy lính dù khét tiếng đánh chiếm 1062) có chỗ đã mang ý thức khi thì cảm thông khi lại như thương hại của người kể hoặc của nhân vật Ngọ.

Một thế giới nhân vật chấn thương

Diễn ngôn chấn thương thường là nói đến những chấn thương tinh thần do “sự kiện va chạm quá ngưỡng” (Amos Goldberg) giữa cá nhân với môi trường xung quanh. Đỉnh máu có quá nhiều chấn thương, chấn thương về thể xác, dĩ nhiên, không vì bom đạn như Tư lệnh Lê Công Phê do quá kham khổ, quá suy nghĩ vì không giành được 1062 mà bệnh đến đi tiểu ra máu. Sự bị thương vô tình và cái chết đầy ám ảnh của Vân (người yêu Hán) là rất tiêu biểu cho những nạn nhân của chiến tranh ở cả hai phương diện thể xác và tinh thần…

Chiến tranh là tạo ra một thế giới khác đầy sự thù nghịch và xung đột, mà ở đó con người hiện lên rõ nhất chân dung của mình. Đó là Hinh, chỉ huy cấp cao mà độc đoán, ích kỷ, thù vặt đến nỗi đẩy đồng chí mình vào bi kịch phải “chiêu hồi”. Đó là Thịnh ranh ma, lừa lọc, hèn nhát. Đó là những con người trước cái cực kỳ bạo liệt của cuộc chiến đã có suy nghĩ thà chết đi còn hơn là phải chịu đựng…

Ở góc độ nhân vật, tiểu thuyết thành công trong việc khắc hoạ hình tượng nhân vật Ngọ mà thiếu đi sức thuyết phục ở nhân vật Cang. Cang là một chỉ huy, mà theo Tính – đồng chí thân thiết của Cang thì đó là “một người trung thực”, và qua những sự kiện được miêu tả anh ta xứng đáng được đánh giá như vậy, vì thế khi Cang “chiêu hồi” thì rõ ràng không lôgic với mạch truyện. Kẻ thù nham hiểm, quỷ quyệt như vậy mà Cang lại thoát khỏi sào huyệt của chúng để đối diện sòng phẳng với Hinh, thì cũng là sự ngẫu nhiên áp đặt.

Nếu diễn ngôn quan tâm tới sự chuyển hoá của các cặp đối lập tạo ra ý nghĩa thì nhân vật Ngọ thành công ở chính điểm này. Vừa là nhân vật chính vừa là người kể của câu chuyện, Ngọ luôn là nạn nhân của chiến tranh và thói đố kỵ, tráo trở, vô trách nhiệm của người đời. Trước khi vào trận, yêu Nắng thì bị chối từ, trong chiến tranh, yêu Tính thì Tính bị chết, ra khỏi chiến tranh thì bị chiếm dụng nhà trắng trợn. Nếu quan niệm tiểu thuyết là sự dở dang, là ở thì không hoàn thành, thì Ngọ là một nhân vật tiểu thuyết đích thực!

Bài viết này không nhằm đề cập đến tính sử thi dữ dội, hào sảng, quyết liệt… mà bất kỳ tiểu thuyết sử thi nào cũng phải có (đó là sự đương nhiên, vì chiến thắng đã là minh chứng chắc chắn nhất) mà đang nói tới tính giải sử thi của Đỉnh máu, vậy cái âm hưởng, cái ý nghĩa nhận thức mang tính thời đại ở đâu? Ở cái tính phổ quát: chúng ta đã phải đổ máu, cha anh ta đã phải đổ máu để có hoà bình, hôm nay mọi người hãy cùng nhau trân trọng gìn giữ hoà bình, đấy cũng là một cách sống xứng đáng với máu của tiền nhân!

Từ diễn ngôn chấn thương đến diễn ngôn thân phận, diễn ngôn nhân văn về tình thương và trách nhiệm

Thượng Đức mang thông điệp nhân văn về khát khao hoà giải ở việc miêu tả tính người, chất người trong nhân vật kẻ thù; Đỉnh máu cũng mang cái ý nghĩa ấy ở tư tưởng, ở cách kể. Góp vào sự đa dạng của điểm nhìn và giọng kể của tác phẩm là giọng kể của Hán, người ở “phía bên kia”. Dù có bị khúc xạ qua giọng của người kể thì cái giọng vừa chua chát tiếc nuối (của kẻ thua trận) vừa cảm phục kính trọng (Hán bị thương, được cứu, người cứu lại chính là Ngọ) không lẫn vào đâu được.

Mỗi nhân vật là một thân phận thì Hán là một thân phận lạc loài, bị người yêu ruồng bỏ, bị đồng đội rồi người đời xa lánh… nhưng cuộc sống đầy tình người sau chiến tranh đã đưa Hán trở về với đời thường. Cái giọng của Hán như vô tình bổ sung cho giọng chủ đạo của người kể để cùng nhau tôn lên tầm vóc một ý nghĩa: lẽ phải, niềm tin, bản lĩnh, trí tuệ và nhất là sự ủng hộ tuyệt đối của nhân dân đã và sẽ làm nên chiến thắng.

Đỉnh máu là diễn ngôn chấn thương của lịch sử, dân tộc và của mỗi cá nhân. Nó có đủ tư cách để gia nhập gia đình của cả hai thể tài: tiểu thuyết lịch sử và tiểu thuyết đời tư. Ở góc độ lịch sử nó cố gắng trung thành với không gian, thời gian sự kiện lịch sử, tên nhân vật lịch sử. Ở góc độ đời tư nó là câu chuyện về thân phận của mỗi cá nhân trong khúc ngoặt, trong vùng xoáy dữ dội của dòng chảy lịch sử. Về điểm này những đoạn nhật ký của Anh hùng Lê Mã Lương có thể coi như cái dấu gạch nối tiêu biểu giữa tiểu thuyết lịch sử và tiểu thuyết đời tư.

Nhật ký là đời tư nhưng nhật ký ấy bám sát vào từng sự kiện lịch sử của những ngày tháng quân ta quân địch quần nhau giành đỉnh 1062, thành ra thông qua cá nhân để nói về lịch sử. Chính vì thế mà nó có thêm ý nghĩa, ngoài cái nghĩa thể loại (vừa lịch sử vừa đời tư) còn là một cái nghĩa tiểu thuyết (tác phẩm): bảo hiểm cho sự minh xác các sự kiện trong tác phẩm. Và nhất là cái nghĩa: thời chiến tranh, con người ta đã sống đẹp như thế, vô tư, hồn nhiên và hết mình, dám hy sinh thân mình cho nền độc lập tự do của Tổ quốc như thế.

 

Nguồn: vannghequandoi.com.vn