Sự nghiệp văn học Đinh Hùng [1]
Mấy lời mở đầu
Vũ Hoàng Chương xem ông là thần tượng [32]. Đỗ Lai Thúy gọi ông là “người kiến trúc chiêm bao”[100]. Du Tử Lê thì bảo ông là “thi sĩ của thi sĩ”[53]… Còn nhà nghiên cứu – phê bình văn học Đặng Tiến thì cho rằng ông là“một trong các nhà thơ lớn của nền thi ca Việt Nam hiện đại” và gọi ông “là thi sĩ với tất cả nghĩa của danh từ”[104]… Ông là ai?
Ông là Đinh Hùng, cánh bướm nhỏ bay trong “cơn mê trường dạ”, một hiện tượng kì lạ và bí ẩn của nền văn học Việt Nam.
Sự kì lạ không chỉ toả ra từ những tác phẩm của ông mà còn đến từ cuộc đời của một người nghệ sĩ đã phải chịu quá nhiều bi kịch.
Còn nói là bí ẩn vì cho đến nay, quả thật, chúng ta vẫn biết quá ít về ông.
Hoài Thanh, Hoài Chân đã “bỏ sót” ông, khiến cho sự thiếu vắng cái tên Đinh Hùng trong Thi nhân Việt Namđến nay vẫn còn là một câu hỏi lớn.
Và đã gần nửa thế kỉ trôi qua kể từ khi ông mất, cánh cửa dẫn vào thi giới Đinh Hùng vẫn còn khép kín.
Lúc sinh thời, Đinh Hùng sáng tác nhiều. Và không chỉ với thơ mà ở các thể loại khác, ông cũng gặt hái được nhiều thành công nhất định và được nhiều người yêu thích. Thế nhưng, nhắc đến Đinh Hùng là phải nhắc đến một nghịch lí. Đó là ông vẫn không được giới nghiên cứu – phê bình văn học nhiệt tình hướng ngòi bút của mình từ bấy cho đến nay dù ngay từ “giữa năm 1942, khi nhà Đời Nay cho in một tập giai phẩm và trong đó có Bài ca man rợ thì vị trí của Đinh Hùng trên thi đàn không còn ai chối cãi được nữa” [32]. Ngoài ra, ở thời điểm hiện tại, việc xuất bản các tác phẩm của Đinh Hùng cũng còn rất hạn chế. Điều này đã tác động không nhỏ đến việc phác thảo lại diện mạo của nền văn học Việt Nam thời bấy giờ cũng như gây nhiều trở ngại cho độc giả tìm đến những tác phẩm của ông.
Nhà nghiên cứu Đặng Tiến đã viết:
“Đinh Hùng là một trong các nhà thơ lớn của nền thi ca Việt Nam hiện đại, và trước khi lìa đời không được đọc một tác phẩm phê bình nào cho đàng hoàng dành cho thơ mình, cho cuộc đời mình dành trọn cho Thơ. Trong lịch sử văn học thế giới, một người viết tiểu thuyết hay kịch, có thể tự xác định vị trí, nhưng một nhà thơ khó mà quan niệm được chỗ đứng nếu không có môi giới của ngành lí luận văn học. Cái buồn của Đinh Hùng âu cũng là chung cho các thi sĩ Việt Nam, chỉ khác ở chỗ là Đinh Hùng đã mất sớm” [104].
Theo khảo sát của chúng tôi, tính đến thời điểm hiện tại, chỉ mới có một số lượng ít ỏi các bài viết về Đinh Hùng và tất cả chỉ dừng lại ở việc khái quát sơ lược về tiểu sử; phân tích và lí giải một số khía cạnh nhỏ trong thơ của ông chứ chưa đi vào nghiên cứu chuyên sâu và có tính hệ thống. Thêm nữa, việc nghiên cứu mảng văn xuôi- tiểu luận của Đinh Hùng đến nay vẫn còn đang bỏ ngỏ.
Viết về Đinh Hùng sớm nhất có lẽ là Du Tử Lê. Cuốn Năm sắc diện, năm định mệnh [54] của ông đã được xuất bản ở Sài Gòn vào năm 1965, ngay lúc Đinh Hùng còn tại thế. Quyển sách gồm có 5 chương, viết về năm gương mặt: Bùi Giáng, Đinh Hùng, Tô Kiều Ngân, Thanh Tâm Tuyền và Thế Phong. Trong đó, chương đầu tiên, tác giả đã ưu ái viết về Đinh Hùng. Có thể nói, tác giả đã cố gắng cung cấp nhiều thông tin quan trọng và thú vị về cuộc đời của thi sĩ qua việc thuật lại những kỉ niệm và bày tỏ những cảm nghĩ của mình với thái độ trân trọng. Tác giả kể hay, lôi cuốn người đọc cùng đi với mình qua những chặng đường đời của Đinh Hùng từ thuở nhỏ đến khi vào Nam, và sau đó là làm Trưởng ban Tao Đàn. Bên cạnh đó, Du Tử Lê, trong quyển sách trên, cũng đã cố gắng đi sâu vào phân tích hồn thơ Đinh Hùng và thể hiện sự cảm hiểu sâu sắc của mình:
Tôi nghĩ, nếu ai kia bảo Đinh Hùng đã lẩn trốn vào tháp ngà để tìm lấy cho mình những phút giây thần tiên, huy hoàng, rực rỡ, để đắm chìm linh hồn trong niềm hoan lạc hưởng thụ, trốn chạy những đau thương đổ vỡ của cuộc đời thì e có phần thiên lệch, bất công. (…) Đinh Hùng lẩn trốn thực trạng đau thương của thời thế bằng cách trầm mình trong thiên đường tình ái, nhưng chính tại cái cõi trú thanh sắc này, nhà thơ đã đau khổ thêm một lần nữa. Thế giới phấn hương, hoa bướm không những đã không giúp nhà thơ quên bớt, rời xa những dằn vặt, vò xé mà còn tạo thêm hoàn cảnh để thi nhân nhìn rõ đau thương, đày đoạ- Tôi muốn nói ở mảnh đất đắm đuối truy hoan này, Đinh Hùng càng thấu cảm cái mệnh số cơ đơn, cái mình lạc lõng, xa lạ hoang liêu hơn bao giờ.
Với chúng tôi, đây là một tài liệu hay và có nhiều giá trị.
Đinh Hùng mất vào năm 1967. Tin buồn ấy nhanh chóng lan rộng và gây chấn động giới văn nghệ sĩ lúc bấy giờ. Tạp chí Văn dành hẳn số 91, số đặc biệt để “Thương nhớ Đinh Hùng”. Đầu tiên cần nhắc đến bài viết của tác giả Ngê Bá Lí đã cung cấp tiểu sử sơ lược về Đinh Hùng giúp người đọc phần nào hình dung được những chặng đường đời đã qua của người thi sĩ tài hoa và bạc mệnh này [55].
Kế đến là bài Tiễn biệt Đinh Hùng của Nguyễn Quang Hiện. Tác giả đã bày tỏ: “Tôi nghĩ anh đã là một thi sĩ rất Á-đông theo nghĩa traditionnel nhất của danh từ. Anh đã sinh ra để làm thơ, và sống với thơ cho tới lúc chết” [48]. Còn Mặc Đỗ trong bài Con người tài hoa cũng đã không giấu giếm: “Nhận định trội nhất của tôi luôn luôn giữ được cho tới nay là Đinh Hùng, con người tài hoa, từ vóc dáng, nét bút tới giọng nói, từ buổi nhỏ đến ngày lìa đời, Đinh Hùng không ngớt biểu lộ tư chất tài hoa. Những ma chiết của đời sống cũng giúp con người biểu lộ tư chất tài hoa nữa!”.
Bên cạnh đó, Tạ Tỵ, người có mối quan hệ thân thiết với Đinh Hùng, cũng có bài Hoài cảm Đinh Hùng [112]. Chỉ vọn vẹn có ba trang nhưng Tạ Tỵ đã tái hiện và phác hoạ chân thực hình ảnh của một nhà thơ vừa nằm xuống.
Ngoài ra, không thể bỏ qua bài Lá thư chữ đỏ của Mai Thảo. Trong bài viết của mình, tác giả đã cung cấp nhiều thông tin về tác phẩm Đám ma tôi của Đinh Hùng mà chúng tôi sẽ đề cập đến ở phần sau. Và xin dẫn ra đây nhận định của Mai Thảo mà chúng tôi khá tâm đắc: “Chúng ta thấy rằng chính ở lúc rực rỡ nhất mà thơ tiền chiến trút thoát hơi thở, nó lên tới một đỉnh núi và rớt xuống, nó là một hành tinh tan vỡ, rất cao, tan vỡ vào hư không. Đinh Hùng cũng vậy. Tiếng thơ Đinh Hùng cũng đã tan vỡ và rất rực rỡ, từ một đêm tiền sử”[59].
Nhân cái chết của Đinh Hùng: nghĩ về thơ tượng trưng là bài viết của Phan Lạc Phúc. Người viết đã nêu ra được nhiều đặc điểm của thơ tượng trưng và cho rằng: “Tuy không đặt ý niệm trường phái rõ ràng như ở Pháp, nhưng ta tìm thấy khuynh hướng tượng trưng rõ rệt nơi các nhà thơ Bích Khê, Hàn Mặc Tử, Huy Cận và gần gũi với chúng ta hơn là thi sĩ Đinh Hùng” [80].
Cũng trong số báo đặc biệt này, nhà phê bình văn học Đặng Tiến đã viết tiểu luận Vũ trụ Đinh Hùng [104] khá qui mô, chạm đến nhiều vấn đề thú vị khi đi vào phân tích chi tiết nhiều đặc điểm trong thơ Đinh Hùng cả về phương diện ngôn ngữ lẫn thi ảnh làm bật lên được cái thi giới riêng biệt, kì lạ của thi sĩ. Tác giả cho rằng: “(…) Thơ Đinh Hùng là một thi giới đã trưởng thành, một năng lực sáng tạo vượt ra khỏi thực tại”. Và chúng tôi xin trích dẫn tiếp ra ngay đây một nhận định rất đáng để suy nghĩ của nhà phê bình này: “Những bài thơ cuối cùng, Đinh Hùng vẫn còn giữ mực thước trong tác phẩm đầu tiên, hình thức thơ cũ. Bạn đọc trẻ cho là xưa quá; người đọc đứng tuổi cho rằng không truyền cảm bằng thơ Xuân Diệu, Huy Cận. Sự thật không đúng như vậy; so với các nhà thơ tiền chiến, nghệ thuật cấu tứ và tạo hình của Đinh Hùng vượt rất xa, đã dựng được một thế giới thi ca thuần nhất, song song với thực tế trong khi nhiều tác giả trong phong trào Thơ Mới chỉ mới tô điểm thực tế bằng văn vần”. Và phải nói rằng, Đặng Tiến rất tâm đắc với những gì mình đã viết vì mấy mươi năm sau, khi cuốn Thơ. Thi pháp và chân dung [105] của ông ra đời thì tiểu luận này đã được đưa vào và không sửa chữa gì ở phần nội dung, chỉ đổi tên thành Thi giới Đinh Hùng. Trong khả năng cho phép, chúng tôi sẽ trở lại lí giải những nhận định của tác giả này ở chương sau.
Chuyển sang tạp chí Nghiên cứu văn học, trong quá trình thu thập tư liệu, chúng tôi đã tìm thấy bài viết Tôi đọc: ‘Mê hồn ca’ của Đinh Hùng [109] của Phạm Việt Tuyền. Tác giả viết khá kĩ, đã chỉ ra thể thơ và phân tích sơ bộ cho từng bài trong 5 phần của tập thơ Đường vào tình sử. Nhìn chung, đây là một bài viết khá thú vị. Tác giả đã có nhiều nhận xét xác đáng, phần nào đã giúp cho độc giả hiểu thêm về hồn thơ Đinh Hùng.
Cùng năm này, trên tạp chí Bách khoa, Thế Nhân đã viết bài tường thuật lại buổi nói chuyện tưởng niệm Đinh Hùng, do Trung tâm Văn Bút Việt Nam tổ chức. Qua đó, ta thấy được những người yêu mến Đinh Hùng, cũng như thơ của ông, phần đông là những người trẻ tuổi.
Bước sang năm 1968, nhân một năm ngày mất của Đinh Hùng, tạp chí Văn lại dành ra một kì để đăng tải nhiều bài viết của nhiều tác giả tiếp tục ôn lại kỉ niệm và bày tỏ tình cảm tiếc thương nhà thơ vắn số.
Mai Thảo, trong bài Thơ, Đinh Hùng và hạnh phúc đã viết: “Riêng Đinh Hùng, anh đã đến được với nghệ thuật như tìm thấy một hạnh phúc. Thơ là hạnh phúc của Đinh Hùng. Với dòng thơ tiền chiến, Đinh Hùng là hạnh phúc của thơ. Cả hai phía đều nhận được tình yêu” [95].
Huy Quang, trong bài Tưởng niệm Đinh Hùng thì cho rằng: “Anh Đinh Hùng không có tuổi. Thơ của anh cũng không có tuổi vì nó đã chiếm một ngôi thứ vinh dự trong lịch sử thi ca” [82].
“Sự có mặt của một thi sĩ, có nghĩa ngang như một bất lực, một lỡ làng. Và, Đinh Hùng chính là người tượng trưng cho cái bất lực, lỡ làng đó”. Du Tử Lê đã nhận định như thế trong bài Đinh Hùng, người về muộn[53].
Và dẫu Đinh Hùng đã mất nhưng “tiếng thơ Đinh Hùng cũng vẫn sẽ còn vang động mãi” là điều mà Cao Tiêu đã khẳng định khi Khóc Đinh Hùng [106].
Thêm nữa, Trần Tuấn Kiệt có bài Những điều tôi nghĩ về Đinh Hùng [50] và Hoàng Hương Trang với bàiNhững kỉ niệm với Đinh Hùng [41] đã cung cấp cho chúng tôi nhiều thông tin khá thú vị trong việc tìm hiểu về cuộc đời của thi sĩ họ Đinh này.
Cảm nghĩ đầu tiên của tôi về thơ Đinh Hùng là bài viết của Bàng Bá Lân, một nhà thơ được vinh dự có mặt trong Thi nhân Việt Nam cho một thi sĩ đã không lọt vào được “con mắt thơ” của Hoài Thanh và Hoài Chân. Tác giả cho rằng: “Cái bóng dáng nhỏ nhoi gầy ốm đã khuất bóng trên đường đời; nhưng trên con đường văn nghệ, cái bóng dáng to lớn của người thơ man rợ vẫn hiên ngang đi mãi với “một mặt trời đẫm máu xuống sau lưng” như một vòng hào quang rực rỡ”[52]. Và cũng trong số báo này, bài Nhớ Đinh Hùng của Vũ Hoàng Chương đã trở thành một cứ liệu hết sức quan trọng cho chúng tôi và cho những nhà nghiên cứu văn học khác trong việc tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp của Đinh Hùng. Bởi lẽ, Vũ Hoàng Chương không chỉ là người nhà mà còn là một người bạn tri âm tri kỉ với nhà thơ. Sử dụng cứ liệu trên kết hợp với quyển Ta đã làm chi đời ta [35] chúng tôi đã tìm thấy nhiều thông tin đáng tin cậy giúp ích rất nhiều trong quá trình thực hiện luận văn này.
Cũng trong năm 1968, Nhà xuất bản Sống mới ở Sài Gòn đã cho ấn hành bộ sách Việt Nam thi nhân tiền chiến [72] của Nguyễn Tấn Long và Nguyễn Hữu Trọng. Phần viết về Đinh Hùng nằm ở quyển thứ ba (quyển hạ) của bộ sách. Nhìn chung, hai tác giả đã khái quát được cuộc đời và chỉ ra được nhiều đặc điểm nghệ thuật trong sáng tác của thi sĩ họ Đinh. Với chúng tôi, đây là một bộ sách hay, có nhiều giá trị không chỉ cho việc nghiên cứu sự nghiệp văn chương của Đinh Hùng và còn để tìm hiểu thêm về nhiều thi sĩ tiền chiến ở nước ta.
Viết nhân hai năm ngày mất của Đinh Hùng, kí giả Lô-Răng có bài Nhớ Đinh Hùng[58] còn Thục Vũ có bàiNhững ngày cuối cùng của Đinh Hùng. Cả hai bài viết đều được đăng trên tạp chí Văn, số 137. Và theo Thục Vũ thì: “(…) Đinh Hùng đã chiếm được một vị thế cao trong nền văn học hiện đại, không những vì chân tài, vì sự hy sinh tận tuỵ cho thi ca, mà còn bằng đức độ” [117].
Có lẽ không cần phải bàn cãi rằng Tạ Tỵ là một trong số ít những người viết về Đinh Hùng nhiều nhất. Năm 1970, quyển sách của ông mang tên Mười khuôn mặt văn nghệ: Lãng Nhân, Nguyễn Tuân, Vũ Bằng, Vũ Hoàng Chương, Nguyễn Bính, Đinh Hùng, Văn Cao, Sơn Nam, Mai Thảo, Nguyên Sa [113] đã được xuất bản. Bằng sự nhạy cảm và tinh tế của mình, Tạ Tỵ đã phác hoạ được chân dung của Đinh Hùng khá rõ nét và đưa ra nhiều nhận xét rất đáng chú ý. Với ông, “(…) Tiếng thơ của Đinh Hùng không thuộc về thứ tình cảm chung chung, mà toát ra tự ngôn ngữ làn ánh sáng diễm ảo, ở trong đó, từng nỗi băn khoăn, từng niềm ước vọng chạy xôn xao như tiếng thời gian đuổi nhau trên rừng cây trút lá. Đinh Hùng tự mình tạo nên sắc thái đặc biệt, rất đặc biệt, để ngụp lặn trong dòng mê cảm đó với khổ đau cũng như kiêu hãnh”. Và hơn thế nữa, Tạ Tỵ còn cho rằng: “Nói đến Đinh Hùng là nói đến cô đơn, là nói đến khát vọng. Nỗi cô đơn và niềm khát vọng đó in hằn trong kích thước thi ca mà Hùng đã dấn thân như người lính cảm tử”. Nếu không có sự cảm hiểu sâu sắc, Tạ Tỵ khó có thể viết được những dòng chữ trên. Với chúng tôi, đây là một tài liệu tốt, mở ra được nhiều đường hướng tiếp cận đối tượng nghiên cứu của luận văn.
Một tác giả khác cũng dành rất nhiều sự cảm mến, trân trọng cho Đinh Hùng là Trần Nhựt Tân. Năm 1971, trong cuốn Dư vang nghệ thuật [91], một cuốn tiểu luận lí thuyết phê bình thi ca, tác giả đã sử dụng nhiều câu thơ của Đinh Hùng để làm dẫn chứng cho những quan niệm nghệ thuật của mình và đánh giá rất cao người nghệ sĩ tài hoa này. Không chỉ dừng lại ở đó, năm 1974, một bài viết khác của Trần Nhựt Tân đăng trên Văn hoá tập san có tên Đinh Hùng trên lưng cánh chim dĩ vãng [89] đi sâu vào phân tích bài thơ Cánh chim dĩ vãng in trong tập Đường vào tình sử. Chúng tôi trích ra đây một đoạn văn tinh tế và sâu sắc của tác giả: “Nếu trở lại dĩ vãng mà chỉ thấy toàn là hư vắng và nhớ thương da diết thì chính vì Đinh Hùng đang thật sự sống lại với tình yêu tha thiết cũ. Người yêu bây giờ không còn nữa nhưng tình yêu là một chân lí nên vẫn còn đó, đang–có–đó, đang–hiện–hữu-trong–hư–vô: Anh trở lại con đường lên núi biếc, Thương mây bay từ đó vẫn cô đơn. Trở lại là sống-tại, sống-với-tình-xưa, là đang sống như một hiện tình ái: nỗi cô đơn của người thi sĩ thế là bắt đầu cho một bắt đầu…”. Bài viết sau đó được đưa vào cuốn Một phương pháp phân tách chủ đề văn chương [93]. Cũng chính trong quyển sách dày 323 trang này, Trần Nhựt Tân đã chạm đến nhiều khía cạnh và chỉ ra được nhiều ám ảnh nghệ thuật trong thơ Đinh Hùng mà chúng tôi sẽ đề cập đến ở chương sau. Và đáng tiếc nhất là chúng tôi đã không tìm được quyển Tôi đi hái Tim Đinh Hùng theo Địa bàn Không gian và Thời gian của nhà phê bình văn học này.
Sau năm 1975, theo chúng tôi, người viết về Đinh Hùng hay nhất là Đỗ Lai Thuý. Trong bài Đinh Hùng, người kiến trúc chiêm bao [100] in trong quyển Con mắt thơ (sau này là Mắt thơ 1), tác giả đã cung cấp nhiều thông tin về cuộc đời thi sĩ; làm nổi rõ nhiều đặc điểm trong thơ Đinh Hùng và đưa ra nhiều nhận định có giá trị, ví dụ: “(…) Thơ Đinh Hùng là một bước ngoặt lớn trong quá trình vận động của Thơ Mới: đây là sự chuyển hẳn sang thơ Tượng trưng. Bởi vậy, thơ Đinh Hùng khác hẳn với thơ Lãng mạn”. Và điều đáng chú ý nhất trong bài viết này là việc tác giả đã thẳng thắn đề cập đến việc Đinh Hùng lọt ra ngoài tầm mắt của Hoài Thanh: “(…) Tôi không hiểu còn những lí do nào khác nữa, nhưng tôi đoán chắc rằng Hoài Thanh đã không hiểu và không thích Đinh Hùng. Thị hiếu thẩm mỹ của tác giả Thi nhân Việt Nam chỉ dừng lại ở chủ nghĩa lãng mạn, bởi vậy những gì thuộc chủ nghĩa tượng trưng và siêu thực thì ông không hiểu và không khoái. Trong Thi nhân Việt Nam, ông đã thừa nhận như vậy khi chọn Bích Khê và Hàn Mặc Tử” [33, tr.170]. Hơn thế nữa, ông còn đặt ra vấn đề: “(…) việc lấy Hoài Thanh và Thi nhân Việt Nam làm một tiêu chí đánh giá các nhà thơ trước năm 1945, như người ta vẫn làm tưởng cần được xem xét lại”. Chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này trong những chương sau.
Năm 1999, cuốn Chiêu niệm bốn nhà văn Sài Gòn: Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Tam Lang, Nguyễn Đắc Lộc [79] của Thế Phong được ra đời. Nhìn chung, tác giả đã cố gắng trong việc giới thiệu về thân thế, sự nghiệp và một số đặc điểm chính trong thơ Đinh Hùng. Một vài giai thoại, một số chi tiết thú vị về Đinh Hùng, chúng tôi đã kiểm chứng và sẽ sử dụng trong những phần sau của luận văn.
Năm 2006, bài viết Những sáng tạo trong thơ Đinh Hùng in trong Những gương mặt tiêu biểu thi ca Việt Nam [114] của Kiều Văn đã được ra mắt độc giả. Qua 6 trang sách, Kiều Văn đã cố gắng nêu ra một số sáng tạo độc đáo của thi nhân họ Đinh này. Tuy nhiên, với chúng tôi, bài viết này không có nhiều giá trị cho việc nghiên cứu của mình.
Bên cạnh đó, còn có Thế Phong với Lược sử văn nghệ Việt Nam [78]. Bài viết khá sơ sài trong việc so sánh và giải thích. Có nhiều thông tin tác giả cung cấp chưa chính xác và còn chủ quan.
Và mới đây, chúng tôi nhận được thông tin là đã có một luận văn cao học của Nguyễn Quan Nghiêm ở trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng viết về Thế giới nghệ thuật thơ Đinh Hùng. Tác giả đã chọn hướng tiếp cận theo lối thi pháp học và đối tượng của luận văn là hai tập thơ Đường vào tình sử và Mê hồn ca.
Nguồn: Văn hóa Nghệ An