Đinh Đăng Lượng phiêu diêu khắp bốn Mường
Trong khi mọi người nói nhiều về văn học thành thị, văn học ngoại biên thì những ai thực sự yêu thích văn học bắt nguồn từ tỉnh lẻ lại thấy cái thiếu nhất ấy là những sáng tác thật sự. Nói đúng hơn là những trang viết bật ra từ những thao thiết, bức bối với quê hương bản quán hay tiếng ngân dài trên dòng sông quê hương đầy hãnh diện. Tuyệt nhiên, nó không bị lẫn với những gì sáng tác theo kiểu mượn bản sắc để đánh bóng bản thân, mượn nước thời gian làm nước mạ cho tài năng và phẩm cách người cầm bút.
Sau nhiều năm đọc các sáng tác của những cây bút đang trực diện với cuộc sống ở địa phương, tôi nhận ra những cái tên luôn có độ nhạy bén trong sáng tạo. Ấy là những: Đỗ Trọng Khơi, Nguyễn Ngọc Tư, Vương Anh… Sáng tác bằng “năng lượng” từ cảm quan mĩ học truyền thống cha ông là Y Phương, Inrasara, Vương Trung…
Và sẽ là một thiếu sót nếu chỉ liệt kê những tên tuổi nổi bật đó mà không nhắc đến những cây bút âm thầm, bền bỉ với văn hoá truyền thống dân tộc mình mà không sợ cũ, mà không lo mới. Như nhà thơ của dân tộc Mường: Đinh Đăng Lượng của những bài thơ viết về dân tộc.
Trong văn chương, cái xấu và tốt, ngụy tạo và thành thật được nhận diện ở sự đậm và nhạt trong lối viết. Không thiếu những cây bút “nổi như cồn” bởi cái giọng sôi nổi, thao thiết với bản sắc dân tộc. Thế nhưng, khi đọc kĩ, cảm nhận từng biểu tượng thì chợt thấy nó cũ kĩ, mòn vẹt và nhạt nhẽo biết chừng nào. Trong khi, cứ nhẩn nha mà kể, mà hồn hậu phô bày sự mộc mạc sẽ tự tạo ra cái duyên thầm cho chữ nghĩa của mình:
Dàn chiêng chưa bao giờ tắt
Tiếng trong, tiếng đục xa xăm
Một suối không thể thành sông
Một nhà cũng không thành bản
Chiêng ơi chiêng là một nửa
Buồn vui úp mặt vào người
Không rõ ngày sinh tháng nở
Đời chiêng của của mấy đời
…………………………
Mười chiêng rạng người phương đất
Một chiêng người khuất mường ma
Chiêng nâng lên môi giọng mật
Chiêng dâng lên mắt lời hoa
(Hồn chiêng)
Cái cách mà người viết gọi hồn chiêng: “Chiêng ơi chiêng là một nửa/ Buồn vui úp mặt vào người” thật mới mẻ và giàu triết lí. Chẳng biết mỗi khi va vấp chuyện buồn vui, người con đất Mường lại muốn trở về úp mặt vào chiêng, tắm gội lại nhân cách trong giá trị văn hóa hay chiêng úp mặt vào người để khóc than cho những đời quê buồn tủi. Chỉ biết rằng qua mấy chục năm cầm bút, Đinh Đăng Lượng cứ nguyên một giọng thơ như thế.
Thương nhau, thương đến tận cùng
Ngần ấy năm vẫn ngủ trên chiếc giường nhà, một hướng suy tư, một chiều cảm xúc. Cứ thế mà xoay xở, cảm nhận từ giá trị văn hóa đến con sông, ngọn núi, cái cây, hòn đất. Bởi thế, thơ ông nhiều lúc đã xuống đến tầm… thảo dân từ lúc nào chả rõ. Ông không làm thơ theo kiểu đi đâu kể đấy của nhiều quan chức làm thơ, không cố gắng nhào nặn ra cảm xúc từ khối di sản văn hóa đã quá quen thuộc với công chúng. Ông viết khi cần lên tiếng về cái tình, cái nghĩa. Khi tình người cần đặt cao hơn những toan tính vật chất. Khi bản sắc quê hương đang dần mai một và dường như sắp sửa đánh mất mình. Bởi thế, trong tập thơ tuyển chọn dày dặn nhất: Bóng cây Chu đồng (xuất bản năm 2005) ta cứ thấy cảm hứng của ông trở đi, trở lại với một thứ tình cảm đằm thắm. Bắt đầu từ tình cảm gia đình ấm cúng.
Bắt đầu từ lúc thương con gái về nhà nhà chồng:
Con về thành phố làm dâu
Nẻo xa lắm dốc, đường tàu nhiều ga
Bếp tầng một, ngủ tầng ba
Ngõ vào chật hẹp, lối ra đông người.
……………………….
Mùa đông thiếu bếp nhà sàn
Gần hơn chớp bể , mưa ngàn lại xa
Làm ong thợ trốn phồn hoa
Biết đâu mật ngọt để mà nuôi nhau.
(Con đi làm dâu)
Tình cảm của người cha mới thật kín kẽ và tha thiết. Bởi lẽ, con là kết tinh của tình yêu tha thiết mà cha mẹ dành cho nhau, đã từng lặn lối khắp các mường tìm nhau. Cha theo lời ca vượt ba trăm ghềnh thác, tìm đến với hạnh phúc bên người con gái Mường xinh xắn…
Trong thơ, người ta thường hay nói về tình yêu khi còn chấp chới, còn đủ sức gây hứng thú. Đến khi kết tinh thành tình chồng vợ thật khó nói bằng thơ. Còn với Đinh Đăng Lượng thì lại khác, nàng thơ là người vợ yêu quý trong ngày cưới:
Anh nắm bàn tay em có hơi ấm nắng mặt trời
Anh ngắm mắt em nhìn như tắm nước đầu nguồn sông Bôi
Hoa đẹp của anh ơi, da trắng minh màng trứng gà bóc
Trái thơm của anh ơi, hàm răng tăm tắp hạt bắp trên nương.
(Trước ngày cưới)
Từ bàn tay, đôi mắt, nước da, dáng hình… đều được cảm nhận và chiếm lĩnh bằng trái tim yêu nồng nàn. Tình yêu không hề nông nổi, mê muội mà được khắc ghi bằng những lời hẹn thề cùng trời đất:
Ta thương nhau, thương đến tận cùng
Cây đổ, gốc còn, nhành lại mọc
Dẫu phải đi cuối đất, cùng trời.
Đến ngày tiếng chiêng trùm lên tiếng khóc.
(Mùa yêu)
Gói gọn tình yêu thiêng liêng cả cuộc đời bằng bấy nhiêu câu chữ đã đủ gây xúc động cho người đọc. Tình yêu bị hủy hoại lại hồi sinh, yêu cho đến khi mình không tồn tại, chỉ cần nói như thế đã đủ nói lên cái tận cùng, vô cực của tình yêu.
Anh nhớ, anh thương đi khắp bốn Mường
Bên cạnh cái tình yêu tha thiết với người con gái đất Mường, bàn chân người thơ vẫn nặng nợ với cảnh sắc, dòng sông, ngọn núi của bốn Mường đất tươi đẹp. Ông viết như đang dang đôi tay rộng ôm khắp đất đai tổ tiên ông bà:
Từ đất Mường Động, ruộng Mường Vang
Nước sông Bưởi chảy sang,
Nước Ngòi Hoa chảy tới
Ngọn gió nồm qua Ngọc Lâu chẳng đợi
(Đi khắp bốn Mưng)
Tình yêu quê hương của mỗi người cầm bút thường được thể hiện thành một cách kể riêng. Nhưng với Đinh Đăng Lượng có yêu thì mới nhớ, tuy mảnh đất ấy không nổi tiếng bởi có danh thắng đẹp nhưng tình người nồng hậu sẽ làm nên chất thơ cho nơi ấy. Chính sự tận cảm với những giá trị văn hóa sẽ mất đi, buộc phải gạt đi dù nuối tiếc để hóa thân thành những giá trị mới đã giúp người cầm bút chiêm nghiệm được nhiều điều. Nào là khi đoàn khảo sát thủy điện Sông Đà xưa kia phải lưu luyến tiễn đưa Mường Lễ về miền kí ức, làng cũ chìm dưới nước sâu để sáng ngời lên ánh điện. Chỉ có người kĩ sư bản lĩnh có trái tim thi sĩ mới nhận diện được những giá trị cũ và mới, lạc hậu và tiến bộ thông qua những biểu tượng quen thuộc như:
Khiêng chợ Bờ lên Tu Lý
Dìm thác ghềnh chìm đáy sâu
Chẳng còn những ngọn đèn dầu
Hố củ mài sâu hốc mắt…
(Đường lên Mường Lễ)
Bàn chân người kĩ sư, đôi mắt người nghệ sĩ cùng đồng hiện trong một bản thể để đi, để thương và để lạc giữa tít tắp, xa vời dải đất mường. Mỗi bước chân như thăm lại, yêu lại từng nét sông, dáng núi:
Đào phai-gạc nai mờ sương núi
Ngô xanh phơ phất thắt lưng xanh
Khụ Mụ mờ xa già quên tuổi
Qua chợ Chiềng chẳng nỡ bước nhanh.
(Mường Vang)
Qua Mường Vang ấm cúng, nô nức lại phiêu diêu đất Mường Vân nguyên sơ, hoang vắng:
Lửa cháy rừng giật mình con suối lũ
Bóng cây si xanh chim bạc má gọi đàn
Núi giăng giăng dan díu mây ngàn
Người thương nhau yêu chìm, yêu đắm
Đôi tay thon: kéo phẳng chiếu cạp điều
(Mường Vân)
Nhưng, sự phiêu lãng ấy không hề thoát li, lạc bước với hiện thực. Người thơ cũng có lúc bừng tỉnh, thao thiết khi nhận ra những chân giá trị, cái còn và mất. Một hành trình của đời người bất chợt như giấc mơ hạ cánh xuống mặt đất để giật mình tứ thú. Ấy cũng là khi lòng yêu ngưng đọng thành sự ngậm ngùi:
Băng qua những đồi hoa không kịp hái
Đến với cánh đồng lúa đã gặp xong
Đàn trâu mải mê với những gì còn lại
Chợt nhận ra ta, tay cầm hái giữa đồng.
(Giữa đồng)
Người thơ như một người đi gặt mộng du trên cánh đồng chữ nghĩa của mình. Đồng đã gặt mà tay liềm giờ mới kịp đến đây, tủi phận và lỡ dở. Đã bỏ qua bao lời chào mời quyến rũ để đến với miền đất hứa, để rồi ngẩn ngơ trước sự trống không. Có lẽ đó cũng là một cách triết lí rất sâu sắc của một thi sĩ sinh ra từ đất đai lòng mường, thấm thía những giá trị tư tưởng và trở về phục dựng thành những biểu tượng nghệ thuật trong thơ.
Đó là con đường thơ của Đinh Đăng Lượng, đã ngoài lục tuần vẫn không ngại phiêu diêu…
Bùi Việt Phương
Nguồn: Toquoc