Để có thể viết được một bản thảo từ 12-15 truyện ngắn với số chữ khoảng 30.000 thì tùy vào khả năng của từng người viết, có người 6 tháng, có người 1 năm đến 1 năm (Đây là ước tính đã trừ đi một vài cá nhân xuất sắc, có thể hoàn thành một truyện ngắn trong thời gian rất nhanh mà vẫn giữ được chất lượng nhất định) thì rõ ràng mức nhuận bút từ 5 đến 7 triệu Đồng (cho truyện dài) tính theo con số 10% giá bìa cho một ấn phẩm 1000 bản in, thậm chí có một bản thảo chỉ nhận được 3 triệu và sau 1 tháng xuất bản thì mới được chỉ là một món quà tượng trưng và không hề xứng đáng với công sức người viết bỏ ra. Truyện ngắn được in trong tuyển tập chọn lọc thì còn ít hơn, dao động từ 200 đến 250 nghìn Đồng một truyện. Những tác giả được in bản thảo đúng theo ý mình mà không bị tác động bởi trào lưu, hoặc viết theo chủ đề đang bán chạy theo yêu cầu của nhà xuất bản chỉ rất nhỏ trong số những người đã viết, đã gửi và bị từ chối. Sau tất cả những trở ngại đó có đa số người viết đều đã bỏ cuộc, hoặc đứng giữa ranh tiếp tục hay buông xuôi vì những lý do khác nhau, nhưng có những người viết vẫn cho ra mắt các truyện ngắn, vẫn cố gắng hoàn thiện truyện dài mà không bị những yếu tố trên bó buộc. Họ chính là những người giữ lửa và truyền tải đam mê cho ai đấy muốn viết và đi theo con đường đầy thử thách này.

Nghề viết bây giờ vừa dễ nhưng cũng vừa khó so với ngày trước. Dễ ở đây là chỉ cần người viết để ý đến thị hiếu và cái mốt các nhà sách, NXB đang chuộng thì “Cứ viết xong là được in”. Trang, một cộng tác viên ở nhà sách thẳng thắn cho biết. Tuy nhiên, đối với những người viết trẻ mong muốn được xuất bản một tác phẩm đúng theo những gì mình lắng nghe, cảm nhận, suy nghĩ rồi viết thì vấp phải khó khăn còn hơn những thế hệ đã đi trước rất nhiều. Điều cản trở đầu tiên ở đây là phần lớn những người viết này đều vô danh, rất khó để có thể thuyết phục NXB đầu tư và mạo hiểm vì biết chắc là sẽ lỗ nếu xuất bản. Ngoài ra rất nhiều người viết là tay ngang, họ viết và dần hoàn thiện mình theo thời gian cũng như phong cách viết bị hạn chế bởi nhiều mặt. Họ chỉ có một động lực duy nhất, muốn văn chương trong nước phát triển hơn thay cho việc tràn làn sách nhập và những ấn phấm thiếu chất lượng hiện nay.

Từ đấy phát sinh một vấn đề lớn mang tính chất quyết định liệu những bạn trẻ này có đi được trên con đường đấy không là làm thể nào để viết trong khi vẫn đảm bảo chất lượng, đi đúng trên biểu đồ đã vạch sẵn và không phải suy nghĩ đến vấn đề nhuận bút để trang trải cho tác phẩm tiếp theo. Tất nhiên nếu như người viết nghiêm túc với nghiệp viết sẽ dễ dàng nhận thấy rằng kể cả nhà văn chuyên nghiệp thì cũng rất ít người có thể sống với nghề và bản thân còn bao hàm những việc khác mới có vốn để viết được. Một điều khác cũng ngăn cản người viết ở lại hay gắn bó đó là họ không nhận được sự ùng hộ từ chính những người thân thiết nhất với mình. Có bạn trong thời gian đầu ngồi viết trên máy tính thì lúc nào cũng có người đi vào, chằm chằm nhìn vào từng chữ và nói đủ điều khiến không thể tập trung được. Có bạn thậm chí đang viết vào sổ khi bị người mẹ là giáo viên trông thấy liền xông đến xé nát. Ai cũng có lý do để bao biện cho việc không thể tiếp tục viết và đáng buồn lại là những lý do chính đáng. Nhưng không vì thế mà những người viết trẻ thực sự muốn góp sức xây dựng nên văn học nước nhà lại rơi rụng đi cả. Càng không có người ủng hộ, càng có nhiều người quay lưng với số phận của văn học thuộc thế hệ của mình thì họ càng muốn chứng tỏ cho tất cả thấy họ vẫn phải làm, vẫn phải viết.

Nhờ vào internet, họ đã tìm đến nhau, đưa nhau đọc những truyện do mình viết và giúp nhau tiến bộ hơn nhờ vào những ý kiến đóng góp thẳng thắn. Để có thể đi theo nghề viết những người trẻ ấy đã chọn cho mình rất nhiều nghành nghề, là cái cớ ngụy trang để tiếp tục viết, “Viết để cho mọi người thấy rằng lẫn lộn trong đống sách, đống truyện thị trường kia vẫn còn vài truyện dù chưa hay, nhưng sẽ cứu vãn nền văn học trẻ”. Trung 26 tuổi, có hai bằng đại học nhưng đang là công nhân xây dựng sống Gia Lâm chia sẻ. Còn Hoàng Huy, một sinh viên năm cuối trường Bưu chính cho biết đã có một NXB liên hệ muốn cậu viết một tuyển tập nhưng Huy từ chối vì đối với cậu viết là để thỏa mãn sở thích và viết cho những gì mình cảm nhân thấy chứ không phải kiểu công nghiệp như thế. Trong đó cũng có những bạn đạt được thành viên nhất định trong việc viết lách cho biết rằng, sẽ đầu tư thời gian để viết sao cho thật hay, thật đáng với công sức bỏ ra. Đáng chú ý có tác giả Đào Huy Kiên, đã xin nghỉ khỏi một ngân hàng để tập trung viết một loạt truyện ngắn vừa được xuất bản có tên “Anh là gì trong trái tim em”. Thú vị hơn, những bạn trẻ quen biết và gặp nhau thông qua một mạng xã hội phi lợi nhuận mới xây dựng từ đầu năm 2011 với số tiền bỏ ra hơn 100 triệu Đồng từ một giám đốc thế hệ 8x với mong muốn đem đến một sân chơi chung cho những người viết tâm huyết cho nền văn học nước nhà.

– Mỗi tháng để duy trị hoạt động tôi phải bỏ ra 5 triệu Đồng và biết sẽ chẳng thu lại dù chỉ một đồng, nhưng các bạn mới chính những người còn hy sinh nhiều hơn cả tôi vì con đường các chọn đòi hỏi phải hi sinh và đóng góp nhiều hơn nữa. Giám đốc này chia sẻ.

Trong khi có nhiều NXB, nhà sách chạy theo lợi nhuận mà đâm đầu xuất bản cho in ấn vô số đầu sách kém chất lượng, nhiều thể loại nhảm nhỉ và có tính đầu độc giới học sinh, sinh viên vốn là đối tượng mua sách chính, thì vẫn có những cá nhấn và nhóm nhỏ đi ngược lại sự điều khiển của đồng tiền để cho tất cả thấy vẫn còn có những người trẻ lo lắng và quan tâm đến sự văn học nước nhà dù nó đang thoi thóp và yếu ớt như ngọn nến trước gió. Họ biết rằng văn học sẽ là một thứ di sản để lại và những thế hệ sau sẽ nhìn vào đó để đánh giá các thế hệ đi trước. Họ muốn lấp đồng khoảng trống đó, dù đang gặp phải rất nhiều khó khắn trong một cơ chế và thị hiếu xuất hiện phải đem lại lợi nhuận mà bỏ lại những cái khác. Có lẽ đó chính là điều níu kéo những cây viết này ở lại văn học mà biết rõ sẽ không đem lại cho mình dù chỉ một chút.

Nguồn: Phongdiep.net

Exit mobile version