Trong thời đại Internet, mọi cái có thể tìm kiếm và đưa lên mạng một cách dễ dàng. Văn học thiếu nhi không nằm ngoài xu hướng này. Tuy nhiên đó là sự mạo hiểm, một ý tưởng tốt đẹp hay còn cần cân nhắc?

Những trang web, blog nhen nhóm cho văn học thiếu nhi

Cách đây chưa lâu, tại hội thảo văn học thiếu nhi miền Đông Nam bộ, nhà văn Khôi Vũ và Trần Quốc Toàn có đưa ra sáng kiến về việc hình thành tờ phụ san hoặc một trang web dành cho sáng tác văn học thiếu nhi. Trước đề nghị này, nhà thơ Hữu Thỉnh cho biết sẽ xem xét để có một trang web văn học thiếu nhi trong thời gian tới.

Trong khi còn chờ đợi một trang web văn học thiếu nhi của một cơ quan, tổ chức đứng ra chịu trách nhiệm và tổ chức bài vở thì ngày 1/6 vừa qua, nhà văn Khôi Vũ – tức Nguyễn Thái Hải ở Đồng Nai đã cho ra mắt một blog chuyên về văn học thiếu nhi mang tên Tuổi học trò tại địa chỉ thtdn.blogspot.com. Blog với thiết kế dễ nhìn, gồm các chuyên mục: Ký, Thông tin, Thơ, Truyện ngắn, Tuỳ bút, Thư toà soạn đã bao quát được khá đầy đủ tin tức cũng như sáng tác cho mảng văn học thiếu nhi.

Nhà văn Nguyễn Thái Hải là một người khá tâm huyết với văn học thiếu nhi. Ông từng kí tên Nguyễn Thái Hải dưới mỗi sáng tác thiếu nhi trong một thời gian dài, đây cũng là cái tên được nhiều độc giả nhớ đến. Sau đó, khi sáng tác cho người lớn ông lại dùng bút danh Khôi Vũ. Bên cạnh duy trì trang văn học thiếu nhi Tuổi học trò ông còn có một trang Gác văn Đồng Nai với thiết kế, trình bày y hệt một tờ báo giấy nhưng chỉ tồn tại ở phiên bản điện tử, nhiều người gọi là e – paper. Nếu được in ra từ máy in màu hoặc đen trắng và đóng lại thỉ chẳng khác gì một tờ báo hoàn chỉnh.

Nhiều năm trước, cũng chính nhà văn Nguyễn Thái Hải đã duy trì tập san Dưới mái trường của sở Giáo dục – Đào tạo tỉnh Đồng Nai. Từ tập san này cũng đã có một trang blog. Nhà văn Nguyễn Thái Hải cung cấp thêm thông tin: Từ năm 2008, sau khi tập san này ngưng hoạt động, trang Dưới mái trường cũng hoạt động cầm chừng và đến hè 2010 thì trở thành trang hỗ trợ cho Trại sáng tác thơ văn hè của Nhà Thiếu nhi tỉnh Đồng Nai. Đến nay, Nhà Thiếu nhi Đồng Nai đã thực hiện một trang web riêng (nhathieunhidongnai.vn) nên một lần nữa Dưới mái trường có sự thay đổi. Kể từ nay, trang blog này sẽ là trang riêng của người viết Nguyễn Thái Hải. Như vậy song hành cùng với blog Dưới mái trường còn có blog Dưới mái trường dành cho văn học thiếu nhi. Điều đáng ngạc nhiên của độc giả là hai trang blog này nội dung không trùng lặp, khá cập nhật những sáng tác của chính các em.

Một trang web văn học thiếu nhi khác có thể kể đến là trang Nhiệt đới tại địa chỉ: nhietdoi.apps.vn của một nhóm người quan tâm đến văn học thiếu nhi như Nhã Thuyên, Hữu Vi, Lê Phương Liên… Nếu so sánh trang web này với blog của nhà văn Nguyễn Thái Hải thì có thể nhận ra sự khác biệt rõ nét ở mảng sáng tác. Lượng bài vở sáng tác của Nhiệt đới không dồi dào, phong phú bằng hai trang blog kia cộng lại nhưng có thêm mục điểm sách và những bài viết mang tính bình luận về văn học thiếu nhi.

Bên cạnh một số trang điện tử chuyên về văn học thiếu nhi thì mảng văn học này còn là một mục nhỏ trong một số web, blog của các nhà văn, nhà thơ như Phong Điệp, Hoài Khánh, Trần Hoàng Vy… Tuy nhiên, vì là một mục nhỏ nên văn học thiếu nhi chỉ xuất hiện xen kẽ với văn học người lớn.

Cho đến thời điểm này, chưa có một website văn học thiếu nhi nào do một cơ quan hoặc tổ chức có chuyên môn và uy tín đứng ra chịu trách nhiệm.


Văn học thiếu nhi, nên có báo điện tử hay chỉ dừng lại ở website?

Trong bối cảnh hiện nay, việc có được một tờ báo điện tử chuyên về văn học thiếu nhi cần có sự chuẩn bị về mặt thời gian, nhân lực và tài chính. Một số tờ báo giấy chuyên về văn học thiếu nhi có truyền thống nhiều năm nay – nhất là khu vực miền Bắc cũng còn những khó khăn nhất định. Mặc dù chúng ta chưa có một tờ báo điện tử dành cho văn học thiếu nhi có thể xem như sự “thiếu thiếu” trong làng văn, làng báo. Nhưng suy nghĩ kỹ hơn thì việc điện tử hoá văn học thiếu nhi quả thật không phải là một con đường bằng phẳng dễ đi, cho dù đó chỉ là một trang web.

Nếu là một trang web văn học thiếu nhi thì không thể có cơ chế hoạt động như một tờ báo điện tử, đặc biệt về tài chính. Nói một cách dễ hiểu hơn, thì bài vở của một trang web chủ yếu lấy từ nguồn sưu tầm, cộng tác thân quen trên cơ sở tác giả đồng ý cho sử dụng mà không cần trả nhuận bút. Hoặc phải chấp nhận chọn lọc có dẫn nguồn. Nhuận bút thấp đã khó kéo người viết hay, không có chế độ nhuận bút thì càng khó khăn hơn.

Việc sử dụng tác phẩm sưu tầm cũng không hề đơn giản vì rất dễ đụng chạm đến vấn đề bản quyền tác phẩm. Phần nhiều những tác phẩm đình đám của văn học thiếu nhi trước nay đều được các nhà xuất bản tái bản và rất khó để họ chấp nhận cho đăng tải nội dung miễn phí.

Nhìn lại hai trang blog văn học thiếu nhi do nhà văn Nguyễn Thái Hải phụ trách phần lớn là những sáng tác của các em học sinh trong khu vực. Các em gửi bài đăng chủ yếu với mục đích được trực tiếp nhà văn – vốn khá thân thuộc, tâm huyết và uy tín chỉnh sửa góp ý. Từ đó các em có thể mạnh dạn gửi tác phẩm đăng ở các cơ quan báo chí. Hoặc những tác phẩm đã được đăng báo chí in lại trên blog để giới thiệu rộng hơn cho đối tượng độc giả. Hiện nay với cách làm này là khả dĩ và thích hợp hơn cả, vừa khuyến khích sáng tạo từ các cây bút trẻ, vừa có khả năng lâu dài.

Tuy nhiên, còn một trở ngại nữa của văn học thiếu nhi khi được đưa lên mạng là tâm lý tiếp nhận của các em nhỏ và phụ huynh. Không phải ở tuổi nào các em cũng biết chữ, cũng thích đọc truyện chữ chứ chưa nói đến việc sử dụng Internet. Thói quen tiếp cận những cuốn sách mỏng, nhiều tranh có màu sắc thích hợp với trẻ em bắt đầu từ tuổi lên 2. Rồi trước khi đi ngủ các em cũng thích được nghe kể chuyện từ bố mẹ, ông bà, anh chị hoặc tự lật từng trang đọc truyện chứ không phải không gian Internet.

Các bậc phụ huynh cũng rất khắt khe trong việc để trẻ em tiếp cận với Internet, thậm chí không ít người còn thành kiến với Internet. Liệu có bao nhiêu người sẽ cho con mình vào mạng – vào một trang web văn học thiếu nhi để đọc và chắc rằng chúng đọc? Hoặc nếu có đọc, các em có tìm kiếm, tiếp cận với những thứ nguy hiểm khác không?

Điện tử hoá văn học thiếu nhi là một việc làm cần thiết. Cũng như trước đây Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh và Hội Nhà văn Hà Nội chưa có một website văn học thì nhiều văn nhân đã lên tiếng và mong muốn nó trở thành hiện thực thật sớm. Vấn đề là, làm thế nào để khi website ấy tồn tại không bị coi là cho “đủ mâm đủ bát”, “bằng chị bằng em”. Một tờ báo điện tử hay một website văn học thiếu nhi ra đời hiện nay, nếu không xem xét kỹ thì rất có thể đó sẽ lại là nơi truy cập của… người lớn nhiều hơn trẻ em.

Hiền Nguyễn

Nguồn: Toquoc

Exit mobile version