Tại Việt Nam, từ đầu thế kỉ XXI, văn xuôi nữ Nga đã được nhiều dịch giả quan tâm dịch và giới thiệu tới bạn đọc. Tuy nhiên, các dịch giả của chúng ta cũng mới chỉ dịch và giới thiệu được một phần nhỏ tác phẩm (truyện ngắn, truyện vừa, tiểu thuyết) của một số nhà văn nữ đã thành danh từ sớm ở Nga như Ludmila Ulitskaya, Ludmila Petrushevskaya, Tachiana Tolstaya, Victoria Tokareva, Kira Teniseva, Oksana Robski, Alexandra Marinina… và một số nhà văn trẻ như Anna Matveeva, Slava Sergeev, Nina Romanova, Ludmila Makarova, Irina Polianskaya… Nhìn vào các thế hệ nhà văn Nga trong lịch sử nền văn học nước này, chúng ta thấy số lượng các tác giả, tác phẩm văn xuôi nữ Nga ở Việt Nam khá khiêm tốn. Tuy nhiên, cũng cần phải khẳng định rằng, tuy số lượng các tác giả, tác phẩm văn xuôi nữ Nga được giới thiệu không nhiều, nhưng diện mạo văn xuôi nữ Nga ở Việt Nam vẫn hiện lên khá rõ nét với những khuynh hướng sáng tác, những dấu ấn thi pháp riêng, đặc sắc.

1. Khuynh hướng đại chúng
Trong thời đại mới, văn chương đại chúng là dòng văn học viết chủ yếu nhằm đáp ứng nhu cầu giải trí của cộng đồng đọc phổ thông. Tuy vậy, trong dòng văn học đại chúng, cũng có những cây bút, những tác phẩm có chất lượng nghệ thuật cao. Trong khuynh hướng này không thể không nói đến sự phát triển nở rộ của tiểu thuyết trinh thám. Đây vốn không phải thế mạnh của văn học Nga từ cổ đến nay. Tuy nhiên, các nhà văn Nga, đặc biệt là các nhà văn nữ đã cho thấy tư duy logic sắc sảo và văn phong vô cùng hấp dẫn khi sáng tạo nên thế giới của những vụ án li kì. Bên cạnh Boris Akunin – nhà văn trinh thám ăn khách nhất ở Nga hiện nay với hình ảnh chàng thám tử hào hoa Phandorin, Alexandra Marinina cũng là một tác giả trinh thám xuất sắc và sung sức. Các tác phẩm của bà đã được dịch ra tiếng Việt khá nhiều, nhiều hơn cả Boris Akunin. Chỉ tính riêng từ năm 2000 tới nay A. Marinina đã có tới 4 tiểu thuyết trinh thám được dịch ở Việt Nam (trong khi B. Akunin chỉ có 2 tiểu thuyết được dịch): Nàng Alina, Hình bóng người chết (2000 – Nguyễn Văn Thảo dịch), Ảo thuật văn chương (2001 – Vũ Đình Phòng dịch),Giấc mơ bị đánh cắp (2004 – Nguyễn Văn Thảo dịch).

Trong các tác phẩm trinh thám của A. Marinina nổi bật lên hình ảnh của nữ thám tử tài ba Anastasia (Nastya) Kamenskaya. Là hạt nhân phá án của sở cảnh sát hình sự, Nastya đã dùng những suy luận sắc sảo kết hợp với khả năng trực giác tinh nhạy, óc phán đoán logic để cùng với các thám tử đồng nghiệp phân tích chứng cứ, tìm ra thủ phạm hết sức nhanh chóng. Điểm đặc biệt ở Nastya được A. Marinina xây dựng thành công có lẽ là khả năng trực giác, sự tỉ mỉ khéo léo, kiên nhẫn và khả năng liên kết những yếu tố tưởng như vô nghĩa, thuần túy nghệ thuật với động cơ gây án. Điểm đặc biệt này cũng có thể coi là một nét riêng hấp dẫn của các tiểu thuyết trinh thám Marinina. Các vụ án được Marinina kể lại đều là những vụ án có liên quan đến các nhân vật hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Họ có thể là diễn viên, đạo diễn điện ảnh (Alina, Xmulov trong Nàng Alina), là dịch giả, nhà xuất bản sách (Xoloviov, Xemion, Exipov… trong Ảo thuật văn chương)… Nastya đã bằng sự nhạy cảm và tinh tế của người phụ nữ nhận ra những dấu hiệu đặc biệt và khám phá vụ án. Thêm nữa, nhà văn còn chủ tâm khắc họa cuộc sống gia đình, số phận và tài năng ngôn ngữ văn chương của Nastya bên cạnh niềm say mê phá án của cô. Những tiểu thuyết trinh thám của Marinina vì thế, tuy nặng về lí trí suy luận và tình tiết gay cấn nhưng vẫn có những trường đoạn rất tinh tế, dịu dàng, nữ tính, mềm mại. Cách kể chuyện của nữ nhà văn cũng rất uyển chuyển. Nhà văn dẫn dắt để người đọc cùng tham gia vào dòng suy tưởng của Nastya. Bên cạnh đó, bà thường khắc họa chân dung, đời sống tinh thần của những người bị sát hại bằng thủ pháp quay ngược lại quá khứ, giúp người đọc cùng suy luận với nhân vật. Cách làm ấy một mặt đạt được hiệu quả đồng sáng tạo, mặt khác, khắc họa hiện thực đời sống Nga đương đại. Có lẽ đây cũng là một trong những lí do giúp nữ nhà văn nổi tiếng bên ngoài lĩnh vực văn chương (một loạt chương trình truyền hình mang tên Kamenskaya – nữ thám tử chính – hình bóng của chính nhà văn được yêu thích ở Nga, Latvia, Ukraina, Ba Lan, Đức, Pháp, Lithuania) và bên ngoài biên giới (30 tiểu thuyết của bà đã xuất bản được 17 triệu bản và được dịch ra 20 thứ tiếng trên thế giới).
Daria Dontsova cũng là một nữ tác giả nổi tiếng của Nga. Bà không chỉ nổi tiếng với truyện trinh thám mà còn được biết đến với tư cách là tác giả của rất nhiều sách thương mại, bếp núc và tự truyện. Số đầu sách của bà lên tới con số gần 150, tuy nhiên ở Việt Nam, chưa có cuốn sách nào của bà được dịch.

2. Khuynh hướng cổ điển – hàn lâm
Cổ điển – hàn lâm là cách gọi những tác phẩm văn chương chú trọng đến tính nghệ thuật hơn là chạy theo thị hiếu của số đông độc giả. Trong những tác phẩm này, tất cả những vấn đề thuộc về đời sống con người được nhà văn khai thác và làm rõ thông qua ngôn ngữ mang giá trị tư tưởng, nghệ thuật cao. Văn đàn Nga ghi danh tên tuổi của những nữ tác giả Ludmila Ulitskaya, Marina Visnhevetskaya, Olga Xedakova, Natalya Kluchariova, Irina Polianxkaia, Oksana Robski… Ở Việt Nam, chỉ mới có sáng tác của Ludmila Ulitskaya, Ludmila Petrushevskaya, Tachiana Tolstaya, Victoria Tokareva, Kira Teniseva, Oksana Robski là được đông đảo bạn đọc biết đến. Trong số đó, chân dung của L. Ulitskaya và V. Tokareva là rõ nét hơn cả.

Những tác phẩm mang màu sắc tình cảm – sinh hoạt – tâm lí xã hội
Được biết đến trước hết qua truyện ngắn Siu-iurix (phiên âm của từ Zurich – Thụy Sĩ trong tiếng Nga) với bước đường làm vợ và thành đạt của cô nàng Lidia xấu xí, L. Ulitskaya đã để lại ấn tượng về một người phụ nữ mạnh mẽ, thực dụng trong những tính toán nhưng lại rất chân thành trong những tình cảm với quá khứ. Ở Sonechka – truyện vừa xinh xắn được dịch giả Nguyễn Thị Kim Hiền dịch ra tiếng Việt năm 2006, Ulitskaya lại đưa người đọc đến một không gian của văn hóa Nga cũ kĩ, bình dị, êm đềm qua cuộc sống của cô thủ thư Sonia với gia đình nhỏ của mình. Bên trong cuộc sống có vẻ bình yên không bão tố của Sonia là những cơn sóng ngầm dậy lên từ chính các thành viên trong gia đình, là những sự kiện đi chệch ra ngoài quỹ đạo thông thường của một gia đình hạnh phúc, là sự hi sinh thầm lặng mà vĩ đại của Sonia để bảo vệ giá trị của nghệ thuật, của hạnh phúc gia đình, của những rung cảm tinh tế, bản năng con người, đặc biệt là người nghệ sĩ. Nhịp điệu của tác phẩm không xô bồ, mạnh mẽ mà trầm buồn, sâu lắng. Những câu văn êm ả cứ thế khắc họa chân dung tâm lí nhân vật và giúp nhà văn truyền đạt những thông điệp đầy ý nghĩa về cuộc sống của con người trong xã hội hiện nay. Cho và nhận, sống vì mình hay sống vì người khác, hạnh phúc gia đình đích thực là ở đâu, người phụ nữ tồn tại với vai trò gì trong xã hội và trong gia đình… là những vấn đề được L. Ulitskaya đặt ra qua những trang sách nhỏ của mình. Tác phẩm của bà nhẹ nhàng mà cuốn hút người đọc, nhất là những bạn đọc nữ. Sonechka của Ulitskaya, ở một góc nhìn nào đó, là sự gợi nhớ và đối thoại với Dusechka của Chekhov. Vì thế, Sonechka đã tạo ra một nét duyên riêng cho nữ nhà văn Moskva L. Ulitskaya.

V. Tokareva là cây bút truyện ngắn được “ưu ái” ở Việt Nam. Trong khi L. Petrushevskaya, T. Tolstaya mới chỉ được dịch đôi ba truyện thì V. Tokareva được dịch trọn tập truyện ngắn Một ngày không nói dối với 20 tác phẩm nổi tiếng. Nhân vật của nữ văn sĩ thường là “những người phụ nữ bình thường và bản năng như chính tác giả. Họ là hiện thân của đạo đức, của tính nữ và sự phát huy truyền thống”. Các tác phẩm của V. Tokareva là sự trăn trở về “hạnh phúc, tình yêu, tình bạn, sự khổ đau, phiền muộn, sự dịu dàng, nỗi cô đơn và nhiều hơn thế nữa, những thứ không thể không tồn tại trong cuộc sống của mỗi con người”. Bằng lối diễn đạt tinh tế, nhẹ nhàng và ngập tràn cảm xúc, Tokareva đã xây dựng thế giới của những câu chuyện cổ tích về tình người: Khối vuông hi vọng, Cổ tích mùa đông, Những bông hồng đỏ, Sao tình yêu chiếu mệnh… Trong những câu chuyện ấy, kết thúc luôn là dư âm của niềm hân hoan, tình yêu, sự nhẹ nhõm bởi những nhân vật chính đã thoát ra khỏi sự ích kỉ cá nhân, họ đã biết sống và hi sinh cho người khác. Có thể nói, đó là điểm sáng trong sáng tác của một tâm hồn Nga vốn được coi là “nhà văn của lòng tốt”, người tiếp nối “truyền thống của Chekhov trong văn chương”. “Tokareva đã viết nên một chân lí: Nếu không có tình yêu trong trái tim, con người sẽ chết. Nếu có sống, anh ta cũng chỉ giả vờ sống mà thôi”.

Không chỉ là “nhà văn của lòng tốt”, Tokareva còn được các nhà phê bình nhận xét là nhà văn có chất hài hước nhẹ nhàng. Một số truyện ngắn của bà như Một ngày không nói dối, Bức vách có tai, Tình yêu và kì nghỉ… đã mở ra không gian hiện thực cuối thế kỉ XX đầu thế kỉ XXI – nơi con người bị quay cuồng trong guồng máy của sự nhập vai và lời diễn, đến khi họ sống thật là mình thì lại bị những người xung quanh cho là đùa cợt, dối trá. Cuối cùng, họ tiếp tục “diễn” cuộc sống của mình cho tròn vai, dù rằng nhận ra cuộc sống ấy rồi sẽ là hư vô…
Một cây bút đáng chú ý nữa của văn đàn Nga xoay quanh chủ đề sự tồn tại của con người trong xã hội hiện đại là nữ nhà văn Anna Matveeva. Cô sinh năm 1975 và tuy mới bắt tay vào sáng tác văn chương nhưng đã trở thành niềm hi vọng mới của văn học nữ Nga. Khác với các nhà văn đàn chị như Ulitskaya, Tokareva, Tolstaya…, tác phẩm của Matveeva mang giọng điệu giễu cợt mạnh mẽ kết hợp với cái nhìn tò mò và sắc sảo vào thế giới hiện thực nơi con người đang sống và thế giới nội tâm của chính họ. Từ đó, cô phát hiện bi kịch và sự cam chịu sống trong im lặng của những người phụ nữ Nga bởi họ đã quá ảo tưởng về thứ hạnh phúc mình sẽ được ban phát. Những truyện ngắn của Matveeva còn hấp dẫn ở chỗ nhà văn đã khéo léo sử dụng những môtíp giễu nhại, đôi lúc đan xen yếu tố hiện thực với phi hiện thực để tạo nên lối văn chương mới mẻ mang đậm dấu ấn hậu hiện đại.

Những tác phẩm mang màu sắc thế sự
Màu sắc thế sự cũng là một nét đặc sắc của văn xuôi nữ Nga đương đại. Thực tế, ở Việt Nam mới chỉ dịch một tác phẩm mang hơi hướng văn chương này. Đó là tiểu thuyết Tầm gửi của nhà văn O. Robski. Trong tiểu thuyết, nữ nhà văn phơi bày trước bạn đọc thế giới thượng lưu Nga đương thời với những quý bà vương giả. Cuộc sống của họ được bao phủ bởi những đồ trang sức và áo quần đắt tiền, những cuộc vui thâu đêm suốt sáng, những nhà hàng xa xỉ, những kì nghỉ sang trọng ở nước ngoài… Thế giới của họ còn có cả những cuộc tình tay ba, những trò chơi xấu nhau của người này, người kia, những cuộc trả thù dã man, những mánh lới ép đại gia phải cưới… Có thể nhận thấy những ảnh hưởng rất rõ rệt của xã hội phương Tây vào đời sống xã hội thượng lưu Nga thông qua sự hiện diện của những nhà tư bản, tài phiệt, sự cám dỗ của đồng tiền. Và dưới ảnh hưởng ấy, những giá trị đạo đức truyền thống (tình cảm vợ chồng, cha – mẹ – con, bạn bè) đang dần bị xâm hại. Nhân vật “tôi” kể lại cuộc sống của mình bắt đầu từ mốc thời gian là cái chết của chồng cô ta. “Tôi” quay cuồng trong quan hệ với các bạn gái, với những người tình, với những đứa con… Kết thúc tác phẩm, “tôi” đã tìm được bến đỗ bình yên của mình – một cuộc sống xa hoa bên một chàng trai mới quen khi cô đến Ấn Độ.

Tác phẩm của O. Robski gợi nhớ đến cuộc sống xã hội thượng lưu Nga thế kỉ XIX trong tác phẩm của Lev Tolstoy. Tầm gửi cũng giống như là một sự so sánh, đối thoại đầy thú vị với tác phẩm của đại văn hào. Lời thuật truyện mang đầy ẩn ức lo lắng, bất an của một người phụ nữ yếu đuối trước sự cám dỗ của cuộc đời. Nhà văn, đồng thời là nữ doanh nhân O. Robski đã đem đến một cái nhìn trực diện về cuộc sống và hạnh phúc riêng tư của những người phụ nữ bề ngoài được sống trong nhung lụa. Với họ, hạnh phúc cũng là một thứ gì đó thật mỏng manh, dễ vỡ nếu họ không thật sự phấn đấu, hi sinh để có được nó. Ngay khi ra đời ở Nga, Tầm gửi của O. Robski đã trở thành cuốn sách bán chạy nhất năm 2007 và đưa nhà văn này đến với danh hiệu “Nữ hoàng của giới thượng lưu”.

Ở trên là một vài phác thảo về diện mạo văn xuôi nữ Nga đương đại tại Việt Nam. Với những điểm mới về phong cách sáng tác, về đề tài, về thể loại, văn xuôi nữ Nga đã tạo nên ấn tượng mới lạ và đặc sắc trong lòng công chúng bạn đọc yêu văn học Nga. Rõ ràng, tuy có những nét đổi mới, nhưng văn xuôi nữ Nga đương đại vẫn đang viết tiếp những truyền thống đẹp đẽ của văn học Nga từ thuở hoàng kim

Theo Đỗ Thị Hường – Văn nghệ quân đội

Exit mobile version