Đời sống phê bình văn học Việt Nam giai đoạn 1945-1986 diễn ra với rất nhiều sự kiện nhưng nổi bật hơn cả là những cuộc đấu tranh tư tưởng trong văn nghệ, những cuộc tranh luận về quan điểm sáng tác, những cuộc đấu tranh chống tư tưởng xét lại, những cuộc phê bình sôi nổi, quyết liệt các tác phẩm bị coi là thiếu tính đảng hay những tác phẩm bị xem là đồi trụy,… Bản thân những vấn đề vừa nêu đã tạo ra những rào cản tâm lí nhất định, khiến phê bình văn học giai đoạn này chưa được giới nghiên cứu dành sự quan tâm thoả đáng.

Từ cuối những năm 80 của thế kỉ XX, quan điểm văn nghệ của Đảng ta đã có nhiều đổi mới, cởi mở hơn trước. Hơn nữa, cho đến nay, thời gian đã lùi xa gần 30 năm, trong hoàn cảnh mới, việc nghiên cứu, tổng kết, đánh giá một cách có hệ thống, chỉ ra những đặc điểm, thành tựu và hạn chế, đồng thời lí giải quy luật vận động của phê bình văn học Việt Nam 1945-1986 dưới cái nhìn của hệ hình nghiên cứu văn học mới thiết nghĩ là việc làm cần thiết và hữu ích, đặc biệt trong việc đúc kết bài học kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của hoạt động phê bình văn học hôm nay và những giai đoạn tiếp theo.

1. Đặc điểm chung nổi bật

Văn học Việt Nam từ năm 1945 đến trước thời kỳ Đổi mới (1986) là một giai đoạn văn học đặc thù, hình thành và phát triển trong điều kiện đất nước có chiến tranh và những năm hậu chiến. Hoàn cảnh lịch sử – xã hội đó đã tạo nên một nền văn học giàu tính sử thi cùng một nền phê bình chú trọng ở nhiệm vụ làm sáng tỏ và bảo vệ đường lối văn nghệ của Đảng, biểu dương những tác phẩm thể hiện đúng đắn quan điểm và tư tưởng cách mạng, đồng thời phê phán và đấu tranh quyết liệt chống những biểu hiện lệch lạc, những khuynh hướng đi ngược lại với đường lối văn nghệ ấy. Phê bình văn học giai đoạn này luôn đặt ra các khẩu hiệu như: phê bình là vũ khí, phê bình là mặt trận, phê bình phải có tính chiến đấu…

Có thể nói, trong điều kiện tất cả vì sự tồn vong của dân tộc, đường lối lãnh đạo của Đảng đã tập hợp và thống nhất được các lực lượng văn nghệ tiến bộ cách mạng của đất nước, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng xã hội mới. Do những đòi hỏi khách quan của lịch sử, “hầu hết văn nghệ sĩ với lòng yêu nước nồng nàn đều trung thành và tin tưởng vào đường lối đó, tích cực thâm nhập vào cuộc sống, không ngại khó khăn gian khổ và đã sáng tạo nên nhiều thành tựu văn học nghệ thuật có giá trị cho dân tộc”(1). Tuy nhiên, ngày nay, khi nhìn lại hệ thống quan điểm về phê bình văn học của giai đoạn bốn mươi năm ấy, ta không thể không nhận thấy những hạn chế, khiếm khuyết. Phê bình văn học giai đoạn này quá chú trọng đề tài, chủ đề, tư tưởng dẫn đến lối phê bình rập khuôn, máy móc, minh hoạ, quy chụp; trong khi yêu cầu khám phá, thẩm bình những giá trị thẩm mỹ của văn học cũng như phát hiện và ghi nhận những nét độc đáo trong cá tính sáng tạo của mỗi người nghệ sĩ đã không được quan tâm đúng mức, thoả đáng.

2. Những thành tựu và hạn chế chính

Nếu như lí luận văn học giai đoạn 1945-1986 hoàn thành vai trò nghiên cứu, diễn giải, xác lập đường lối văn nghệ của Đảng thì phê bình văn học giai đoạn này đã góp công lớn trong việc nâng đỡ, bảo vệ, khẳng định các thành tựu của văn học cách mạng, văn học vô sản, những sáng tác của công nông binh. Thơ ca của bộ đội, chiến sĩ được ngợi ca trong các tập phê bình Tiếng thơ của Xuân Diệu, Nói chuyện thơ kháng chiến của Hoài Thanh. Những năm 60, hoạt động phê bình trở nên sôi nổi, nhộn nhịp với việc đề cao thơ Tố Hữu, biểu dương thơ ca, truyện ký của Hồ Chí Minh rồi tiếp đến là các tác phẩm viết về hợp tác hoá nông nghiệp như Cái sân gạch, Vụ lúa chiêm của Đào Vũ, Bão biển của Chu Văn, các tác phẩm viết về cuộc kháng chiến chống Mĩ như Dấu chân người lính của Nguyễn Minh Châu, những sáng tác từ miền Nam tuyến lửa như Hòn Đất của Anh Đức, Sống như Anh của Trần Đình Vân, truyện và kí của Nguyễn Thi, thơ Lê Anh Xuân, truyện ngắn của Nguyễn Quang Sáng,… Từ sau 1975, các nhà phê bình cũng đã thể hiện thái độ trân trọng, ủng hộ những tìm tòi, khám phá mới của người nghệ sĩ. Những tác phẩm được đánh giá cao là Tảng sáng (1976) của Võ Quảng (một cuốn truyện hay viết về những kí ức tuổi thơ), Cha và con và… (1979) của Nguyễn Khải (một tác phẩm mà nhân vật được chú trọng khai thác ở khía cạnh tâm lí, tư tưởng). Tiếp đến là những cuộc trao đổi về tiểu thuyết Đất trắng (1979) của Nguyễn Trọng Oánh – tác phẩm mô tả trực diện khía cạnh khốc liệt của cuộc kháng chiến chống Mĩ. Các tác phẩm Đứng trước biển (1982), Cù lao Tràm (1985) của Nguyễn Mạnh Tuấn, ngay khi ra mắt công chúng đã được các nhà phê bình cũng như dư luận đánh giá cao. Viết về cuộc đấu tranh giữa cái mới, cái tích cực, tiến bộ với cái cũ, cái tiêu cực, lạc hậu trong xã hội phức tạp của miền Nam lúc đó, hai tiểu thuyết của Nguyễn Mạnh Tuấn nhanh chóng áp sát đời sống, kéo văn học từ cái sử thi về cái đời thường, tuy nhiên do chất lượng nghệ thuật chưa cao nên khi ý nghĩa xã hội không còn cấp thiết, sức lan toả của tác phẩm cũng trở nên nhạt dần đi. Năm 1983, tập truyện ngắn Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành ra đời, ghi dấu những tìm tòi trong hành trình sáng tạo của Nguyễn Minh Châu. Tập truyện được giới phê bình đón nhận một cách hào hứng. Những cái đời thường mới mẻ dưới ngòi bút của Nguyễn Minh Châu đã gây được ấn tượng mạnh, gợi ra được nhiều xúc cảm trong văn giới. Dù có nhiều ý kiến đánh giá khác nhau nhưng về cơ bản, sau này, các nhà phê bình đều thừa nhận, với những đóng góp về nội dung và nghệ thuật, Nguyễn Minh Châu xứng đáng là “người mở đường tài hoa và tinh anh” cho một thời kì văn học mới.

Nhìn chung, những khám phá mới mẻ của các nhà văn trong các tác phẩm xuất hiện từ sau năm 1975 tạo được nhiều thiện cảm với các nhà phê bình, được họ ghi nhận để rồi nhiệt thành giới thiệu với đông đảo bạn đọc. Tuy nhiên, nếu những tác phẩm viết về đề tài chiến tranh, về công cuộc xây dựng đất nước dễ dàng được tung hô thì trước những tác phẩm viết về cuộc sống thời bình, cuộc sống đời thường, các nhà phê bình vẫn ít nhiều băn khoăn, rụt rè, phần vì còn ngỡ ngàng trước cách tiếp cận đời sống ở những khía cạnh mới, phần vì đã quen với việc thẩm định giá trị văn chương trong giới hạn của những quan niệm thẩm mĩ quen thuộc. Thế nên dù hoạt động sáng tác trong giai đoạn từ sau 1975 có nhiều chuyển biến mới mẻ nhưng các nhà phê bình dường như mới chỉ chấp nhận phần nào sản phẩm sáng tạo của họ. Chính bởi thế, chặng đường 1975-1986 được xem là giai đoạn quá độ, thời kỳ vận động tạo đà cho những đột phá ở giai đoạn tiếp theo.

Cùng với việc khẳng định, ngợi ca, phê bình văn học giai đoạn 1945-1986 còn thực hiện chức năng đấu tranh chống những biểu hiện thiếu tính Đảng hay lệch lạc trong tư tưởng của hàng loạt tác phẩm. Trong những ngày đầu của thời kỳ xây dựng nền văn học mới, với các tập phê bình Tiếng thơ (1951) của Xuân Diệu và Nói chuyện thơ kháng chiến (1951) của Hoài Thanh, những “buồn rớt”, “mộng rớt”, “nhắm rớt” của thơ ca tiểu tư sản đã được các tác giả đưa ra “kiểm điểm” và phê phán. Đến đầu năm 1958, trong quá trình thực hiện xử lý vụ “Nhân văn – Giai phẩm”, Đảng mở lớp học tập cho anh chị em văn nghệ sĩ, nêu yêu cầu người nghệ sĩ đấu tranh trên mặt trận tư tưởng phải kiên quyết loại bỏ con người tiểu tư sản bấp bênh trong mỗi cá nhân; triệt để theo lập trường của giai cấp công nhân và tư tưởng xã hội chủ nghĩa; phải phê bình và tự phê bình thường xuyên. Sau đợt học tập này, Đảng tổ chức cho văn nghệ sĩ đi thâm nhập thực tế đời sống ở các miền của đất nước để tìm kiếm chất liệu, cảm hứng sáng tác.

Bước sang những năm 60, hàng loạt tác phẩm bị xem là thiếu tính Đảng, có khuynh hướng “xét lại”, có những biểu hiện lệch lạc về tư tưởng được đem ra mổ xẻ, phê bình một cách mạnh mẽ. Những người thợ mỏ của Võ Huy Tâm bị phê vì lối viết trần trụi, tự nhiên chủ nghĩa, cách biểu hiện suy nghĩ, tâm trạng và hành động của người thợ mỏ không đi đúng với quỹ đạo “tuyên truyền”. Phá vây của Phù Thăng thì bị xem là có những thiếu sót, lệch lạc về lập trường tư tưởng, đại diện cho quan niệm về chủ nghĩa nhân đạo chung chung. Một số tác phẩm khác cũng bị kiểm điểm về mặt tư tưởng, thế giới quan như Đống rác cũ của Nguyễn Công Hoan, Vào đời của Hà Minh Tuân, Sương tan của Hoàng Tiến, Màu tím hoa sim của Hữu Loan, Con nai đen của Nguyễn Đình Thi,… Trong số này có những vụ việc kéo dài hàng năm trời, thu hút hàng trăm cây bút với đủ mọi thành phần tham gia trên không biết bao nhiêu mặt báo mà điển hình là vụ phê bình tiểu thuyết Vào đời của Hà Minh Tuân. Vào đời viết về công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc nhưng không mô tả theo phương châm “thể hiện hùng hồn cuộc sống mới, con người mới”. Hiện thực cuộc sống trong Vào đời hiện lên với đầy đủ sự ngổn ngang, bừa bộn, với các mối quan hệ xã hội đa chiều, phức tạp, với sự đấu tranh quyết liệt giữa cái tốt và cái xấu. Đây là cuộc sống “thực” mà ở đó những thanh niên mới bước vào đời như cô Sen (nhân vật chính của truyện) phải đấu tranh quyết liệt, dữ dội với hoàn cảnh, với cái ác, cái xấu để vươn lên. Với nội dung như thế, Vào đời đã chia sẻ cùng người đọc một cái nhìn mới về hiện thực, phản ánh cuộc sống còn nhiều khó khăn, gian khổ, nhiều mối hiểm nguy và cái ác luôn rình rập con người, nhưng nếu có ý chí, có tình yêu thương, có sự động viên giúp đỡ của cộng đồng thì con người sẽ vượt qua tất cả để khẳng định bản thân, sống có ích cho xã hội, cảm nhận được ý nghĩa của sự tồn tại. Thế nhưng, với những con mắt định kiến, Vào đời đã bị phê phán một cách gay gắt, thậm chí bị quy kết hết sức nặng nề. Cuốn truyện bị xem là đã vấp phải những vấn đề nghiêm trọng về tư tưởng, có nhiều hình ảnh “xuyên tạc sự thật của chế độ ta”, không phản ánh đúng “những mặt hiện thực tốt đẹp của xã hội ta trong những năm từ 1956 đến 1960”. Dưới con mắt của các nhà phê bình lúc bấy giờ thì xã hội trong Vào đời là một xã hội “hỗn độn, phức tạp, đầy những ung nhọt”, tư tưởng, thế giới quan của tác giả Vào đời là “tư tưởng, thế giới quan tiểu tư sản” gắn với “triết lý hưởng lạc, sa đoạ, lối sống gấp kiểu Mĩ”…

Sang những năm 70, hai bài thơ Vòng trắng của Phạm Tiến Duật và Sẹo đất của Ngô Văn Phú bị “ném đá” vì “can tội” gieo vào lòng người tư tưởng bi quan, chán nản giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mĩ đang diễn ra ác liệt. Cũng thời gian này, truyện ngắn viết cho thiếu nhi Cây táo ông Lành của Hoàng Cát, với lối diễn đạt đa nghĩa, bị quy chụp khá nặng nề.

Từ sau Đổi mới, nhiều tác giả và tác phẩm trước đây bị phê phán như đã nêu ở trên được đánh giá lại. Không ít người trong số họ đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Đó là sự ghi nhận công bằng, đúng đắn, kịp thời và cần thiết. Đó cũng là một cách nhìn nhận thẳng thắn, tự ý thức sâu sắc về tính chất ấu trĩ của phê bình văn học giai đoạn đã qua.

Có thể nói, với hai chức năng đặc thù thích ứng với hoàn cảnh lịch sử và tâm lí xã hội của thời kì chiến tranh cũng như yêu cầu của cách mạng, phê bình văn học giai đoạn 1945-1986 đã hoàn thành sứ mệnh chính trị, lịch sử là góp phần khẳng định nền văn học mới với những giá trị lịch sử và nghệ thuật mới mẻ của nó. Tuy nhiên, hoạt động phê bình giai đoạn này cũng không tránh khỏi những sơ lược, một chiều để lại không ít những sai lầm và hạn chế. “Cục diện đấu tranh tư tưởng căng thẳng cũng dẫn đến kiểu phê bình suy diễn, quy chụp chính trị, bỏ qua sự phân tích biện luận nhiều mặt, nhiều chiều”(2).

3. Đội ngũ các nhà phê bình văn học

Đội ngũ các nhà phê bình văn học giai đoạn 1945-1986 rất đông đảo, phần lớn có đóng góp ở cả hai lĩnh vực  lí luận và phê bình văn học. Nếu căn cứ vào phạm vi công tác, nghề nghiệp thì có thể chia đội ngũ phê bình văn học giai đoạn này thành ba nhóm: nhóm các nhà phê bình là các nhà lãnh đạo, quản lí văn nghệ; nhóm các nhà phê bình là văn nghệ sĩ và nhóm các nhà phê bình là giảng viên ở các trường đại học và nghiên cứu viên ở viện nghiên cứu.

Có thể nói, nếu vào đầu những năm 50, lực lượng phê bình văn học của ta còn rất mỏng, đời sống phê bình văn học cũng khá trầm lắng thì đến đầu những năm 60, chúng ta bắt đầu có một đội ngũ phê bình tương đối chuyên nghiệp, am hiểu về lĩnh vực chuyên môn. Đến những năm 70, đội ngũ phê bình của chúng ta đã bao gồm nhiều thế hệ, nhiều lứa tuổi và phong cách khá đa dạng.

Ở nhóm các nhà phê bình là các nhà lãnh đạo, quản lí văn nghệ có thể kể đến Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Tố Hữu,… Trong giai đoạn xác lập quan điểm lí luận văn nghệ Marx – Lenin, vai trò của các tác giả nêu trên là hết sức quan trọng. Các ý kiến phát biểu, các báo cáo chỉ đạo các đại hội, hội nghị liên quan đến văn học nghệ thuật của các nhà lí luận phê bình thuộc nhóm này đã định hình nên cái khung chung của nền văn học mới. Trong số các nhà lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, Trường Chinh và Tố Hữu có những đóng góp quan trọng nhất.

Có thể nói, Trường Chinh là người đặt nền móng cho tư tưởng về văn hoá, văn nghệ của Đảng. Ông là người soạn thảo Đề cương văn hoá Việt Nam (1943), là người viết các báo cáo Chủ nghĩa Mác và văn hoá Việt Nam (1948), Phấn đấu cho một nền văn nghệ dân tộc phong phú dưới ngọn cờ của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa xã hội (1957), Tăng cường tính đảng, đi sâu vào cuộc sống mới để phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng tốt hơn nữa (1962). Qua các văn kiện này, Trường Chinh đã viết bản tuyên ngôn của thời đại văn hoá mới, văn hoá mácxít ở Việt Nam, gắn văn hoá Việt Nam với chủ nghĩa Marx – Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh, biến nó thành hệ tư tưởng thống trị duy nhất ở Việt Nam mà tư tưởng văn nghệ chỉ là một mặt biểu hiện cụ thể.

Tố Hữu, với các tác phẩm quan trọng như Xây dựng văn nghệ nhân dân Việt Nam (1951), Xây dựng một nền văn nghệ xã hội chủ nghĩa xứng đáng với nhân dân ta, thời đại ta (1963), Đứng vững trên lập trường giai cấp vô sản nâng cao nhiệt tình cách mạng và chiến đấu trong văn nghệ (1964),… được xem là người xây dựng phong trào văn nghệ mới và đấu tranh thực hiện cương lĩnh văn nghệ mácxít ở Việt Nam với những khẩu hiệu nổi tiếng như “Cách mạng hoá tư tưởng, quần chúng hoá sinh hoạt”, “Đi đến nơi tiên tiến, viết về những người tiên tiến”,… Tố Hữu là người tổng kết cuộc đấu tranh tư tưởng chống nhóm “Nhân văn – Giai phẩm”, là người giương cao lá cờ phê phán chủ nghĩa xét lại hiện đại và tư tưởng tư sản, tiểu tư sản trong văn nghệ ở Việt Nam. Điểm nổi bật nhất trong lí luận và phê bình văn học của Tố Hữu là tư tưởng đề cao tính dân tộc, gắn dân tộc với hiện đại.

Bên cạnh các nhà lãnh đạo, quản lý văn nghệ, các nhà phê bình thuộc giới văn nghệ đóng vai trò quan trọng trong đời sống phê bình, góp công lớn vào việc khẳng định những thành tựu của nền văn học mới cũng như đấu tranh phê bình những biểu hiện non yếu, lệch lạc trong sáng tác và những quan điểm thù địch. Nhóm này tập hợp một lực lượng rất đông đảo gồm nhiều thế hệ. Bắt đầu từ Nguyễn Đình Thi, Xuân Diệu, Hoài Thanh, Chế Lan Viên, Nguyễn Tuân, Hoàng Trung Thông, Như Phong, Hồng Chương, Nam Mộc, Hà Xuân Trường,… đến thế hệ trưởng thành sau kháng chiến chống thực dân Pháp (1954) như Nguyễn Khải, Nguyên Ngọc, Nhị Ca, Ngọc Trai và thế hệ các nhà phê bình xuất hiện trong những năm 60, 70 như Vũ Quần Phương, Ngô Thảo, Thiếu Mai, Vương Trí Nhàn, Lại Nguyên Ân, Lê Thành Nghị,… Trong nhóm này, các tác giả tiêu biểu, có đóng góp hơn cả có thể kể đến Nguyễn Đình Thi, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Nguyễn Tuân,…

Nguyễn Đình Thi là một nghệ sĩ đa tài, riêng về lí luận, phê bình, ông có đóng góp quan trọng vào sự hình thành ý thức văn học cách mạng thời đại mới. Tác phẩm Nhận đường (1947) của ông trở thành cái mốc đánh dấu sự chuyển mình về tư tưởng của giới văn nghệ. Trong các tác phẩm khác như Tiếng nói văn nghệ, Mấy ý nghĩ về thơ, Công việc của người viết tiểu thuyết, người ta thấy tác phẩm phê bình của Nguyễn Đình Thi là sự kết hợp lí luận với những trải nghiệm thực tế sâu sắc. Nó cũng cho thấy, ông tỏ ra rất am hiểu và quan tâm đến quy luật, đặc trưng của văn nghệ.

Xuân Diệu là một trong những thành viên đầu tiên của Hội Văn hoá cứu quốc (1946). Bên cạnh sáng tác thơ, ông có những đóng góp nổi bật về lí luận, phê bình văn học, với các tập sách đã được đông đảo độc giả biết đến như Tiếng thơ (1951), Dao có mài mới sắc (1958), Và cây đời mãi mãi xanh tươi (1963), Các nhà thơ cổ điển Việt Nam (tập I, II – 1981, 1982). Xuân Diệu nhiệt tình khẳng định thơ ca cách mạng, nhưng cũng thẳng thắn chỉ ra những non yếu của chúng. Đặc biệt, bằng nhạy cảm của người nghệ sĩ, phê bình của ông kiên trì nhấn mạnh tiêu chí chất lượng thẩm mĩ của thơ ca. Phương pháp phê bình của Xuân Diệu thiên về chủ quan, trực cảm; văn phong lôi cuốn, hấp dẫn.

Chế Lan Viên cũng có những đóng góp quan trọng đối với phê bình văn học. Lối phê bình của ông sắc sảo, giàu chất trí tuệ và óc tưởng tượng phong phú. Các tập phê bình tiêu biểu của Chế Lan Viên là Phê bình văn học (1962), Suy nghĩ và bình luận (1971), Nghĩ cạnh dòng thơ (1981), Từ gác Khuê Văn đến quán Trung Tân (1981), Ngoại vi thơ (1987).

Nguyễn Tuân là nhà văn viết phê bình theo lối tài tử. Các bài phê bình của ông đã được chọn in trong các tập Chuyện nghề, Bàn về văn học nghệ thuật, Nguyễn Tuân toàn tập (tập 5). Văn phong phê bình của Nguyễn Tuân hấp dẫn, hóm hỉnh, với những nhận xét tinh tế, độc đáo, bất ngờ. Ông tỏ ra có biệt tài trong việc viết chân dung văn học.

Nhóm các nhà phê bình ở các trường đại học và viện nghiên cứu có lực lượng hùng hậu hơn cả. Ở các trường đại học có thể kể đến thế hệ trưởng thành trong kháng chiến chống thực dân Pháp như Lê Trí Viễn, Huỳnh Lý, Trương Chính, Đinh Gia Khánh, Đỗ Đức Hiểu, Hoàng Xuân Nhị, Lê Đình Kỵ,… Những người được đào tạo và trưởng thành trong chế độ có Phan Cự Đệ, Hà Minh Đức, Chu Xuân Diên, Nguyễn Đăng Mạnh, Phùng Văn Tửu, Nguyễn Xuân Nam, Hoàng Ngọc Hiến, Trần Đình Sử, Nguyễn Văn Long,… Ở các viện nghiên cứu có Đặng Thai Mai, Trần Thanh Mại, Hoài Thanh, Vũ Ngọc Phan, Hoàng Trinh, Vũ Đức Phúc, Nam Mộc, Tất Thắng, Thành Duy, Trần Thị Băng Thanh, Phạm Tú Châu,… Dưới đây xin giới thiệu một số gương mặt tiêu biểu.

Đặng Thai Mai từng là Viện trưởng Viện Văn học, là một học giả uyên bác. Trong phê bình, ông kiên trì đấu tranh bảo vệ đường lối văn nghệ của Đảng, khẳng định mối quan hệ khăng khít giữa văn học và chính trị, tuyên truyền. Đóng góp đáng kể nhất của ông là công trình nghiên cứu phê bình Văn thơ cách mạng Việt Nam đầu thế kỉ XX (1960).

Hoài Thanh là người có đóng góp tích cực trong việc hình thành nền phê bình văn học mới. Tập tiểu luận Nói chuyện thơ kháng chiến (1951) lần đầu tiên đề xuất và thực hiện những tiêu chuẩn phê bình thơ cách mạng gây được ảnh hưởng sâu rộng. Với phong cách đã hình thành từ trước Cách mạng, Hoài Thanh tiếp tục có những bài viết tinh tế, sâu sắc về thơ Tố Hữu, Hồ Chí Minh, Lê Anh Xuân, Giang Nam, Lưu Quang Vũ,… Ông cũng là người tích cực đấu tranh chống những biểu hiện tư tưởng lệch lạc trong văn nghệ, tuy nhiên sau này chính ông cũng đã thừa nhận thái độ phê phán cực đoan của mình đối với phong trào Thơ mới. Hầu hết các bài phê bình của ông được in trong Phê bình và tiểu luận (tập I, II, III – 1960, 1965, 1971).

Vũ Đức Phúc là một cây bút chiến đấu không khoan nhượng chống các tư tưởng tư sản, xét lại trong văn nghệ. Chuyên luận Bàn về những cuộc đấu tranh tư tưởng trong lịch sử văn học Việt Nam hiện đại (1930-1945) là công trình thể hiện nổi bật phong cách phê bình của ông. Cuốn sách có giá trị khoa học, tư liệu phong phú, phân tích thuyết phục song do nhiều khi đi xa khỏi quỹ đạo đặc trưng văn học nên dẫn đến nhiều nhận định rơi vào suy diễn cực đoan, mang tính chất xã hội học dung tục.

Phan Cự Đệ là người viết nhiều, viết khỏe, là một cây bút năng nổ bảo vệ đường lối văn nghệ của Đảng, khẳng định các thành tựu văn học cách mạng và tích cực đấu tranh chống khuynh hướng tư tưởng lệch lạc. Ông là người đề xướng các yêu cầu của phương pháp phê bình văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa. Ông vận dụng nhuần nhuyễn những phạm trù, khái niệm như tính giai cấp, thế giới quan, phương pháp sáng tác, hoàn cảnh điển hình và tính cách điển hình,… trong việc làm hiện lên bản chất xã hội và khám phá những đặc sắc nghệ thuật của các hiện tượng văn học. Tác phẩm tiêu biểu của ông gồm: Phong trào Thơ mới 1932 – 1945 (1966), Cuộc sống và tiếng nói nghệ thuật (1971), Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại, 2 tập (1974, 1975), Nhà văn Việt Nam (viết chung, 1979, 1983).

Hà Minh Đức là nhà nghiên cứu và phê bình có tầm bao quát rộng. Ông có ý kiến đối với hầu hết các hiện tượng văn học lớn của thời kì văn học hiện đại. Tác phẩm chính của ông gồm: Nhà văn và tác phẩm (1971), Thơ và mấy vấn đề trong thơ Việt Nam hiện đại (1974), Thực tiễn cách mạng và sáng tạo thi ca (1977), Tác phẩm văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1985). Hà Minh Đức là người làm phê bình sắc bén, chặt chẽ, chú trọng công tác tư liệu. Ông vận dụng nhuần nhuyễn các phạm trù tính hiện thực, tính lý tưởng, tính khái quát và các khái niệm đề tài, chủ đề, đặc trưng, thể loại để phân tích cụ thể các hiện tượng văn học, chỉ ra những đặc sắc nội dung và nghệ thuật của chúng. Văn phong phê bình của ông nhẹ nhàng, điềm đạm, ít góc cạnh. Nhiều bài viết của ông có tính chất gợi mở, dẫn dắt cho các nghiên cứu về sau.

Ở miền Nam, giai đoạn 1945-1975 dưới chế độ nguỵ quyền Sài Gòn, các nhà trí thức yêu nước có khuynh hướng dân tộc dân chủ cũng có những đóng góp cho nền phê bình văn học nước nhà nhưng trong khuôn khổ bài viết này, do chưa tập hợp đủ tư liệu, người viết xin phép chưa bàn tới.

Có thể nói, nhìn chung, phê bình văn học giai đoạn 1945-1986 đã hoàn thành sứ mệnh chính trị, lịch sử của nó. Tuy nhiên, do hình thành và phát triển trong một giai đoạn lịch sử hết sức đặc biệt, nên phê bình văn học giai đoạn này đã ít nhiều mất đi tính công bằng, khách quan, tính đa dạng cần thiết. Cái nhìn định kiến, cực đoan cùng tính chất sơ lược, một chiều của phê bình văn học 40 năm này đã để lại những ảnh hưởng tiêu cực không nhỏ đối với sự phát triển của lịch sử văn học Việt Nam nói chung mà cho đến nay nhiều vấn đề vẫn chưa khắc phục được

N.V.T

Nguồn: Vannghequandoi

———-

(1), (2) Trần Đình Sử tuyển tập, tập 2,

Nxb Giáo dục, 2005.