12/05/2014

VI CẦM

Từ lâu, có một thực tế là các trận đánh nổi tiếng trong lịch sử luôn trở thành cảm hứng bất tận cho nhiều nhà làm phim trên thế giới. Dễ dàng kể ra đây nhiều bộ phim được làm với mục đích tái dựng các trận đánh này, một cách chân thực nhưng cũng rất mực sáng tạo, khiến đa số chúng đều có thể xếp vào hàng kinh điển của thể loại phim chiến tranh như: Waterloo (1970) của đạo diễn lừng danh Xô Viết, Sergei Bondarchuk, tái hiện trận chiến Waterloo theo phong cách điện ảnh sử thi đã gắn liền với ông; Gettysburg (1993) do Ronald F. Maxwell tái dựng đã làm bật nổi khúc ngoặt quan trọng trong cuộc phân tranh Nam-Bắc thuộc nội chiến Hoa Kỳ năm 1863; Pearl Harbor (2001) của Michael Bay, một lần nữa diễn tả cuộc tấn công của quân đội Nhật vào Trân Châu Cảng (tháng 12 năm 1941), tuy bị nhiều chê trách từ giới phê bình song vẫn là bộ phim gặt hái thành công vượt bậc ở doanh thu, điều ít ai ngờ tới khi đã từng có phim nói về sự kiện này (tiêu biểu là Tora! Tora! Tora! do Richard Fleischer thực hiện vào năm 1970); Letters from Iwo Jima (2006) của đạo diễn tài năng Clint Eastwood, làm sống dậy trận Iwo Jima thuộc mặt trận Thái Bình Dương trong Thế chiến II; Lenigrad (2009) do Aleksandr Buravskiy đạo diễn đã xoáy sâu vào cuộc đọ sức không chỉ về quân sự mà còn cả sự chịu đựng của con người giữa quân đội Xô Viết và lính phát xít Đức. Ngay cả một trận đánh mang nhiều màu sắc huyền thoại như Xích Bích (diễn ra đầu thời Tam Quốc), tuy đã nhận được vô số bàn luận, cũng vẫn trở nên hấp dẫn, mới mẻ qua cách xử lí của đạo diễn Ngô Vũ Sâm trong Đại chiến Xích Bích (2008)… Kể qua như vậy để thấy điều chắc chắn rằng một trận đánh nổi tiếng sẽ không thể kết thúc tức thì. Nó còn được soi chiếu, tái hiện theo nhiều cách thức khác nhau để truyền đạt cho thế hệ sau những sự thật hoặc hư cấu lịch sử, những tư liệu chân xác hoặc làm mới quá khứ. Ở chiều hướng đó, điện ảnh xứng đáng là nghệ thuật có khả năng đem lại nhiều hiệu quả và cảm xúc nhất.

So về mặt danh tiếng, rõ ràng chiến dịch Điện Biên Phủ không hề thua kém các trận đánh trên, thậm chí, trận quyết chiến chiến lược này còn vươn đến kiểu mẫu mới về nghệ thuật quân sự, nhất là ở sự khốc liệt, căng thẳng và bất ngờ, điều vốn rất dễ gây nên chất liệu làm phim ảnh như chúng ta thường thấy. Thế nhưng, cho đến nay, sau 60 năm chiến thắng “lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu”, số lượng phim truyện về Điện Biên Phủ vẫn còn quá ít ỏi và nếu so với các phim về cuộc chiến chống Mỹ hay chiến tranh Việt Nam – Mỹ sau này lại gần như không giành nổi một chút cân bằng nào cả về số lượng lẫn chất lượng. Ngoại trừ những phim tài liệu mà trong số đó, đáng chú ý hơn cả là phim Việt Nam (1955) của đạo diễn Roman Karmen, Điện Biên Phủ: cuộc chiến giữa hổ và voi của Daniel Russel, thì số phim truyện lấy trận đánh Điện Biên Phủ làm nền chính cho câu chuyện thường được nhắc đến có một phim do chính người Pháp làm, Điện Biên Phủ (1992) của Pierre Schoendoerffer; hai phim ra đời vào dịp kỉ niệm – năm 1994 với Hoa ban đỏ của nữ đạo diễn Bạch Diệp, năm 2004 với Kí ức Điện Biên của Đỗ Minh Tuấn. Con số khiêm tốn này hẳn còn làm nhiều người ngạc nhiên hơn bởi cả ba phim, dù được công chiếu nhiều lần, vẫn chưa đủ sức găm vào trí nhớ khán giả như lẽ ra nó phải có.

Cảnh trong phim Ký ức Điện Biên                           Nguồn: Internet

Điện Biên Phủ (1992) của Pierre Schoendoerffer tập trung tái hiện cuộc giằng co 55 ngày đêm giữa lính Pháp với bộ đội Việt Minh tại cứ điểm Điện Biên Phủ. Nhưng không chỉ có cảnh trận đánh, bộ phim còn như một tự thuật về không khí, tâm thế của những người lính Pháp, những liên quan đến cuộc chiến Đông Dương trong những ngày cuối cùng họ có mặt. Điểm độc đáo của bộ phim có lẽ là ở cách dựng chuyện: các sự kiện được kể theo trình tự thời gian xẩy ra cùng lúc trên hai địa điểm khác nhau là cứ điểm Điện Biên, nơi bộc lộ rất rõ sự hèn nhát hay dũng cảm, và Hà Nội, nơi những báo cáo, tin tức chiến sự không phải là bận tâm duy nhất. Chính cách kể chuyện song song này đã tạo nên tính chất dồn dập, vừa đối lập vừa bổ sung, khiến người xem có cái nhìn toàn cảnh hơn về trận chiến. Rất đúng chỗ, Hà Nội trong phim vẫn được lẩy ra nhiều khung cảnh bình yên cho dù nhân vật chính Howard Simpson, một phóng viên chiến trường, liên tục vội vã tìm kiếm tin tức chiến sự. Những nguồn tin mật mà anh ta có, khi từ những người lính liên hiệp Pháp, khi lại từ một nhà cách mạng Việt Nam, từ tay buôn lậu người Tàu, thậm chí từ đám người buôn bán thuốc phiện,… đã dần làm rõ sức nóng, bóng hình của trận đánh đang diễn ra. Xen giữa những lần chuyển tin của Simpson, gợi sự gấp gáp, căng thẳng, là cảnh phố xá thong dong, tiếng đàn vĩ cầm trầm lắng … Hà Nội trong từng khuôn hình dường như chộn rộn hơn, nuối tiếc hơn với những kẻ xâm lược. Trong khi ấy, ở cứ điểm Điện Biên Phủ, những người lính Pháp lại đang đối mặt với đạn pháo, máy bay, bom, cột khói… liên tục phủ ập xuống những ngọn đồi trùng điệp. Không chủ ý tô đậm sự khốc liệt, phim lại nhắm đến tâm trạng uể oải, sợ hãi, hoài nghi của lính trận, những người coi cuộc chiến là chết chóc, bi thảm, hoàn toàn đối nghịch với giới chức chỉ huy coi trận đánh là vinh quang. Vốn là nhà quay phim từng có mặt ở Điện Biên vào năm 1952, Pierre Schoendoerffer đã dựng bộ phim với nhiều trải nghiệm cá nhân theo xu hướng phim bán tài liệu (docudrama), khá gần gũi với phong cách phim Tora! Tora! Tora!. Tuy nhiên, ngoài phần nhạc phim thành công, Pierre Schoendoerffer vẫn tỏ ra khá đơn giản trong việc kích hoạt những điểm nhấn về hình ảnh, hay yếu tố tạo cảm xúc đặc biệt. Đặt Điện Biên Phủ của Pierre Schoendoerffer bên cạnh những phim của Hollywood về đề tài chiến tranh Việt Nam như Apocalypse Now (1979 của Francis F. Coppola), Full Metal Jacket (1987 của Stanley Kubrick), Platoon (1986), Heaven & Earth (1993) của Oliver Stone,… sẽ thấy sự chênh lệch rất rõ cả về kinh phí, kĩ thuật và phong cách điện ảnh. Đấy là lí do khiến Điện Biên Phủ chưa có vị trí nổi bật trong lịch sử thể loại phim chiến tranh. Hoa ban đỏKý ức Điện Biên, tuy cách nhau về thời gian làm phim, nhưng lại có nhiều nét tương đồng: cả hai đều cho thấy chiến dịch Điện Biên có nhân vật trung tâm là những người lính Việt Minh, những dân công vui tính, kiên gan bền chí. Cảm hứng tả thực được gia giảm bởi cái nhìn lãng mạn: cả hai đều có một chuyện tình lồng vào chuyện chiến trận. Hoa ban đỏ kể về trận đánh cứ điểm 206 do đại úy Phương chỉ huy. Anh bị thương và trong khi điều trị ở bệnh viện quân y, cô y tá tên Tấm thầm yêu anh. Vượt qua nhiều gian khổ, trận đánh thắng lợi, Tấm chạy khắp cánh đồng Mường Thanh tìm Phương nhưng anh đã không về. Hoa ban đỏ, có lẽ, gần với tính chất bản tình ca chiến trận hơn là nói trực diện về trận đánh Điện Biên phủ gay go, quyết liệt. Người lính và cô y tá mặt trận trong phim chạm đến kiểu mẫu của cuộc chiến nhân dân và vì thế, trường đoạn cuối phim gợi nhớ đoạn kết Khi đàn sếu bay qua (1957), một bộ phim kinh điển của điện ảnh cách mạng Xô Viết. Tương tự, Kí ức Điện Biên cũng có cô y tá Mây, anh lính mặt trận Bạo, nảy nở tình yêu khi cả hai phải đối mặt với nhiều tình huống éo le của chiến trường. Tất nhiên, ngoài hoa ban, ngoài cảnh “dân công đỏ đuốc từng đoàn” như Hoa ban đỏ, bộ phim này còn có nhiều chi tiết và trường đoạn phức tạp, đa nghĩa hơn. Trước hết là sự xuất hiện của Bernard, hàng binh Pháp, gợi nhắc một “cuộc chiến” của tình người, của thái độ ứng xử nhân văn. Xoay quanh câu chuyện Bernard, Mây và Bạo, đạo diễn còn dẫn dắt thêm diễn biến hậu chiến, khi Bernard quay trở lại thăm Bạo mà giờ đây họ đã là bạn bè thân thiết. Đan xen quá khứ – hiện tại, Điện Biên thời chiến và Hà Nội thời đổi mới, từ anh lính nuôi quân thành đầu bếp nhà hàng, từ thù thành bạn, từ tình yêu chớm nở đến tình vợ chồng sâu nặng,… bộ phim đúng là nhịp điệu của kí ức, của một “đại tự sự” về lịch sử. Đạo diễn cũng mạnh tay khi đưa những chi tiết có vẻ “siêu thực” (những người lính đứng ở chiến hào xếp hàng theo tư thế… múa đương đại!) để “thăng hoa hóa” kí ức của lớp người trẻ hôm nay về trận chiến hôm qua. Không bỏ qua cả thông điệp “hợp tác hữu nghị” giữa Việt – Pháp, bộ phim còn móc nối Hà Nội – Paris, để thêm một lần nữa coi Điện Biên là nơi khởi điểm của các mắt xích xuyên thế hệ. Kí ức Điện Biên, vì thế, đã bị phân mảnh, bị loãng chi tiết đến mức rất khó nắm bắt. Cảm giác chung là cái gì cũng có “một tí gọi là”: gian khổ và ác liệt (đánh đồi A1); khoét núi ngủ hầm, cơm nắm muối vừng, dân công hỏa tuyến, kéo pháo (toàn cảnh chiến trường); vui vẻ tếu táo (anh nuôi quân); yêu đương lãng mạn (Mây-Bạo); lối sống thờ ơ, thực dụng, chú mục vui chơi của “giới trẻ hôm nay” (con trai Bạo); hoài niệm, bám víu quá khứ (Bernard – Bạo khi về già)… Để hiểu hết “các mã nghệ thuật” ở bộ phim quả là một thử thách!

Có thể thấy một điểm nổi bật ở hai bộ phim trên về Điện Biên Phủ là tính chất nệ thực, tả thực và nhu cầu chuyển tải thông điệp vượt quá các nhu cầu, đòi hỏi nghệ thuật điện ảnh khác. Trong khi quá chú trọng tái dựng một Điện Biên hào hùng, bi tráng như các đạo diễn hướng tới thì chính họ lại vấp phải những lực cản không nhỏ từ yếu tố kĩ thuật, kĩ xảo dàn dựng, quay phim- điều góp phần làm nên khung cảnh các trận đánh như thực. Khó có thể coi những cung đường chuyển lương tải đạn giữa đồi trọc hay cảnh vài cú nổ thưa thớt, vài cột khói sân khấu trong Kí ức Điện Biên là sự chân thực tuyệt đối trận đánh khi xưa. Những đại cảnh “người người lớp lớp” chỉ gợi ra “tiểu cảnh” đơn điệu, khó để thuyết phục rằng đấy là chiến dịch “quân đi điệp điệp trùng trùng”. Một khi đã không thể có đủ các phương tiện kĩ thuật, sức người sức của để diễn/tả thực thì sao phải nhất thiết nệ thực? Cho nên vấn đề vẫn có thể xử lí được nếu các đạo diễn chọn cách làm tối giản (minimalist) thực sự sáng tạo, lược bớt thông điệp để thuần túy tập trung vào chất liệu nghệ thuật. Chờ đợi những bộ phim xứng tầm trận đánh Điện Biên Phủ, một thiên sử vàng, không có nghĩa chỉ chờ đợi sự hoành tráng, qui mô trong từng khung hình mà còn trông đợi những bộ phim có thể “nho nhỏ” nhưng có cá tính phong cách, có dấu ấn thủ pháp thể loại. Và trong xu hướng điện ảnh hiện nay, nó phải “bán vé được” cho người xem. Các phim về chiến trận của thế giới được nhắc ở trên, trước hết, đều tuân theo nguyên tắc này.

Thực tế, cả Hoa ban đỏKí ức Điện Biên đều là phim do Nhà nước đặt hàng, bỏ tiền sản xuất. Sức ép về doanh thu phòng vé không hề có đối với nhà làm phim. Phim làm xong chỉ để công chiếu vào các dịp lễ, kỉ niệm. Điều này tuy giải phóng nỗi lo chi phí sản xuất nhưng cũng không bắt buộc nhà làm phim trách nhiệm hơn với sản phẩm của mình ngoài trách nhiệm chung là “hoàn thành nhiệm vụ được giao”. Năm 2014 này, một lần nữa, Nhà nước lại đặt hàng làm phim kỉ niệm, “chịu chi” hơn với phim truyện nhựa Sống cùng lịch sử (đạo diễn Nguyễn Thanh Vân), phim tài liệu Điện Biên quê tôi. Chưa rõ hình hài các phim này thế nào nhưng cứ theo lệ thường của các phim đặt hàng về đủ kiểu đề tài từng công chiếu thì khán giả cũng khó có bất ngờ, tri nhận gì mới hơn. Và như thế, Điện Biên Phủ vẫn cứ luôn là một mời gọi, một chân trời phía trước đối với bất kì nhà làm phim nào.

Nguồn: Vannghequandoi.com.vn