Dải đất anh hùng hình chữ S đã vang danh thành cổ Quảng Trị, địa đạo Củ Chi, đường Trường Sơn mịt mù khói lửa… Và miền Tây có tuyến lộ Vòng Cung máu lửa. Lộ Vòng Cung vừa được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia.


Tiểu đoàn Tây Đô vượt sông Cần Thơ (đoạn Rau Răm) qua lộ Vòng Cung, tiến về thị xã Cần Thơ – Xuân Mậu Thân 1968. Ảnh: T.L.

1. Tuyến lộ Vòng Cung (Cần Thơ) chạy dài gần 30km, bắt đầu từ bờ Bắc cầu Cái Răng (phường An Bình, quận Ninh Kiều) đi qua các xã: Mỹ Khánh, Nhơn Ái, Tân Thới, Giai Xuân (huyện Phong Điền) và kết thúc tại Lộ Tẻ Ba Se thuộc phường Phước Thới, quận Ô Môn. Từ đây ta có thể thọc thẳng vào nội ô, đâm thẳng vào yết hầu “Bộ Tư lệnh vùng IV chiến thuật”, Tiểu khu Phong Dinh của Mỹ – ngụy. Lộ Vòng Cung cũng chính là “Vành đai Anpha”, như kẻ địch đặt tên, có đủ sắc lính ngụy và lữ đoàn B Sư đoàn 9 bộ binh Mỹ tham chiến. Với vị thế đặc biệt này, lộ Vòng Cung là một trong những chiến trường chính, vô cùng ác liệt của miền Tây Nam bộ, hầu hết lực lượng chủ lực Khu 9 và tỉnh Cần Thơ đã có mặt trên tuyến lửa này.

Có những địa danh mỗi khi nhắc đến lại lan tỏa mãnh liệt trong lòng người những ký ức không thể phai nhòa và tình cảm thân thương, thán phục. Lộ Vòng Cung là một địa danh như vậy. Từng thước đất trên lộ Vòng Cung đều trộn máu của bao đồng chí, đồng bào. “Vòng Cung đi dễ, khó về/Đạn chen đầu đạn, bom kề hố bom” (Lâm Thao).

Ông Dương Văn Diễn, nguyên Đại đội trưởng Đại đội 823 Thành đội Cần Thơ, từng chiến đấu trên chiến trường này, hồi tưởng, với quân số 57 người khi thành lập, sau nhiều lần bổ sung quân số nhưng đến khi giải phóng chỉ còn lại… 11 cán bộ chiến sĩ! “Bom, đạn từ hàng chục khẩu pháo, gần trăm lượt máy bay dồn dập dội xuống lộ Vòng Cung suốt đêm ngày. Sự sống và cái chết cách nhau trong chớp mắt”, ông Diễn nhớ lại. Chỉ có sự bền bỉ, ngoan cường mới có thể trụ được, vượt qua để đi đến chiến thắng. Và quân dân Cần Thơ đã làm được điều đó, như một kỳ tích. Lộ Vòng Cung, “Vòng Cung lửa”, qua hai cuộc chiến, đã trở thành điểm sáng thế trận chiến tranh nhân dân, trở thành huyền thoại của cả ĐBSCL và Cần Thơ. Tất cả các xã, phường dọc Vòng Cung đều được Nhà nước vinh danh “Anh hùng LLVTND”. Ngày 8-2-2013, Bộ VH-TT- DL đã có quyết định công nhận lộ Vòng Cung là di tích lịch sử cấp quốc gia.

2. Để tri ân máu xương bao liệt sĩ, sự cưu mang bảo bọc của đồng bào; nhằm tái hiện lại lịch sử hào hùng của quân, dân Cần Thơ qua 2 cuộc kháng chiến và giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ trẻ đồng thời góp phần nâng cấp, tôn tạo cảnh quan thành phố trung tâm đồng bằng, lãnh đạo TP Cần Thơ vừa thống nhất triển khai dự án xây dựng “Di tích lịch sử văn hóa lộ Vòng Cung” tại ấp Mỹ Nhơn – xã Mỹ Khánh – huyện Phong Điền. Bộ Chỉ huy Quân sự TP Cần Thơ được chọn là chủ đầu tư. Ngày 30-1-2013, chỉ trước Tết Quý Tỵ mấy ngày, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Trần Thanh Mẫn đã chủ trì cuộc họp Thường vụ Thành ủy để nghe báo cáo lại đồ án quy hoạch này. Trước đó đồ án đã được đưa ra bàn bạc, lấy ý kiến nhiều lần từ Ban chỉ đạo Tây Nam bộ; Bộ Tư lệnh Quân khu 9; các tướng lĩnh, các đồng chí nguyên là lãnh đạo Tỉnh ủy, Thành ủy Cần Thơ qua các thời kỳ cùng nhiều ban ngành liên quan và đạt sự đồng thuận rất cao.

Đây sẽ là một công trình cấp quốc gia mang kiến trúc độc đáo rất riêng, vừa đậm nét truyền thống với không gian lịch sử sâu lắng vừa mang nét hiện đại, phù hợp với xu thế phát triển của địa phương và cả nước. Ba nội dung chính của đồ án đã được thông qua, bao gồm: Quy hoạch xây dựng phân khu tỷ lệ 1/2.000, quy mô 37ha; Quy hoạch xây dựng chi tiết tỷ lệ 1/500 – Giai đoạn 1 (Khu A – khu Tưởng Niệm), quy mô 10,94ha; Lập dự án đầu tư xây dựng công trình giai đoạn 1. Công trình sẽ khởi công trong năm 2013, hoàn thành vào năm 2017. Công trình sẽ hạn chế tối đa mức độ ảnh hưởng đến đời sống nhân dân; tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ từ các thành phần, tổ chức, cá nhân. Với tổng kinh phí trên 449 tỷ đồng, công trình sẽ là một tổ hợp đa chức năng (di tích lịch sử, văn hóa tâm linh, du lịch sinh thái…) bao gồm nhiều hạng mục như nhà bảo tàng, khu tưởng niệm, căn cứ Tỉnh ủy, sở chỉ huy quân sự, trạm quân y, bến vượt sông, đền thờ, sa bàn, làng giải phóng, ấp chiến lược, khu trưng bày ngoài trời, trường bắn, khu vui chơi giải trí, làng nghề truyền thống, vườn cây ăn trái Nam bộ…

“Vòng Cung ơi! Miền Tây ơi/Vòng Cung lịch sử, đời đời không phai”, dù đã hàng chục năm trôi qua, Đại tá Võ Tấn Dũng, người lính đã có thời đi trong khói lửa lộ Vòng Cung vẫn bồi hồi xúc động. Đến nay, dù đã nghỉ hưu ông vẫn miệt mài đi tìm những chứng nhân, hiện vật của một thời hoa lửa, góp phần vào dự án lớn này. Di tích lịch sử văn hóa lộ Vòng Cung, tầm vóc mới cho miệt sông nước Cửu Long còn giúp chúng ta nhìn lại mình để sống tốt hơn, trách nhiệm hơn, nghĩa tình hơn với đồng bào, đồng chí.

Nguồn: sggp.org.vn


Exit mobile version