Dân trí – Dưới đây là những cuốn sách đã gây ra nhiều tranh cãi nhất, bị dư luận phản đối ngay khi ra mắt hoặc trong những năm sau đó.

Văn học luôn là một sức mạnh rất lớn trong lịch sử. Đặc biệt là từ khi xuất hiện công nghệ in ấn vào thế kỉ 15, các cuốn sách đã có khả năng ảnh hưởng tới cách con người suy nghĩ và hành động. Đó có thể là nguyên nhân mang tới hàng trăm danh sách chứa đựng những cuốn sách bị cấm trong lịch sử. Đó vẫn là một vấn đề lớn ngày nay, với hàng loạt cuốn sách bị cấm xuất bản hoặc gây nhiều tranh cãi. Sự phản đối có thể xảy ra ngay khi sách ra mắt, hoặc trong những năm sau đó. Dưới đây là những cuốn sách đã gây ra nhiều tranh cãi nhất hiện nay.

 

Tác phẩm Frankenstein của Mary Shelly

Từ khi xuất bản, Frankenstein đã dính vào rất nhiều tranh cãi. Đầu tiên là về tác giả của cuốn sách này. Rất nhiều người không tin việc cô gái tuổi teen Mary Shelly có thể viết cuốn sách phức tạp như vậy, họ cho rằng chồng cô, Percy Shelly, mới là tác giả thực sự. Cho tới nay vấn đề này đã được giải quyết khi công luận đồng ý rằng Percy là người đã biên tập cuốn sách và thêm vào một số chi tiết nhỏ, nhưng tổng thể cuốn sách là của Mary. Nội dung cuốn sách, trong đó một người đàn ông tạo nên một dạng sống khác trong thí nghiệm khoa học…

 

Tác phẩm Lolita của Vladimir Nabokov

Tiểu thuyết xuất bản năm 1955 của Vladimir Nabokov đã thu hút rất nhiều phản ứng giận dữ từ dư luận do nội dung về tình yêu của một người đàn ông trung niên với cô bé 12 tuổi. Ông đã rất chật vật để có thể xuất bản cuốn sách ở Mỹ, một nhà xuất bản còn mô tả cuốn tiểu thuyết là truyện thuần khiêu dâm. Cuốn sách cũng bị cấm ở rất nhiều nơi, bao gồm cả Australia, trong vòng 7 năm. Dù nhận được nhiều chỉ trích nặng nề, Lolita vẫn trở thành một trong những cuốn truyện kinh điển của văn học thế kỉ 20.

 

Loạt truyện Harry Potter của J.K. Rowling

Thật khó tin nhưng bộ truyện về phù thủy và phép thuật đầy danh tiếng của J.K. Rowling cũng tạo ra rất nhiều tranh cãi trong cộng đồng. Từ khi cuốn sách đầu tiên được xuất bản, nhiều chỉ trích đã nổi lên và cáo buộc câu truyện này khuyến khích phép phù thủy. Các tổ chức Tin Lành đã không ngừng công kích cuốn sách và tuyên bố đây là một mối nguy đối với các độc giả trẻ tuổi. Ở Mỹ, nhiều cuốn sách Harry Potter đã bị đốt trong một số sự kiện nhỏ lẻ. Điều đó đi kèm với những lời tố cáo rất gay gắt về hậu quả khi đọc sách, thậm chí một nhà xuất bản còn đưa ra những nhận định không mấy tích cực về ảnh hưởng tiêu cực của cuốn sách tới độc giả nhỏ tuổi.

 

Tác phẩm The God Delusion của Dawkins

Cuốn sách bán chạy nhất năm 2006 của nhà sinh học người Anh đã mang tới một cuộc tranh cãi lớn, trong đó cho rằng sự tồn tại của chúa trời nên được coi như một giả thuyết khoa học. Các lời chỉ trích đã nhằm vào cuốn sách từ khắp nơi. Việc phủ nhận niềm tin vào chúa trời đã bị phản đối bởi các nhà thần học, đồng thời các nhà sử học không hề đánh giá cao một số nghiên cứu về các nhân vật lịch sử quan trọng của ông. Nhiều cuộc tranh luận công khai đã được tổ chức với sự có mặt của Dawkins, và một loại các cuốn sách đã được viết để phản ứng trước giả thuyết của ông. Một trong những tác phẩm đó có tên “The Dawkins Delusion”. Ở Thổ Nhĩ Kì, nơi tác phẩm này bán được 6000 bản, một kiểm sát viên quốc gia đã mở một cuộc điều tra vào năm 2007 nhằm quyết định xem nhà phát hành cuốn sách có bị kết tội đã phỉ báng các giá trị tôn giáo hay không. Tuy nhiên, tòa án đã bác bỏ cáo buộc này.

 

Phan Hạnh – Dantri.com.vn (Theo The Richest)