Tôi ngơ ngác tham dự môn Văn học số 311 của sinh viên năm thứ hai, trường Cornell, hồi tháng 9-1954. Chẳng đến mức ghét bỏ gì nền văn học châu Âu, hay bất cứ nền văn học nào, nhưng tôi cứ phải lên lớp vào các buổi sáng thứ Hai, thứ Tư, và thứ Sáu, để rồi cả tuần cứ mệt rã rời. Trong khi “văn học” cũng chỉ là một trong những điểm bắt buộc phải có để sinh viên tốt nghiệp. Tên môn học gọi một cách đầy đủ là “Văn học châu Âu thế kỷ XIX”, nhưng tờ nhật báo Mặt trời Cornell của đám học trò thì đặt cho nó cái tên lóng là “Văn học bẩn”, vì môn này liên quan đến những chuyện ngoại tình trong các tiểu thuyết Anna Karenina và Bà Bovary.

Giáo sư lên lớp chính là nhà văn Vladimir Nabokov, một người Nga di cư từ thời Sa hoàng. Đầu hói, cao đến gần hai mét, ông đứng trên bục giảng với dáng vẻ của một quý tộc. Lớp học thì rộng, có đến 250 sinh viên nghe giảng trong giảng đường Goldwin Smith. Cùng đứng với ông trên bục là bà vợ tóc trắng Vera, người mà Nabokov chỉ giới thiệu đơn giản là “trợ giảng của tôi”. Ông nói rõ ngay từ buổi đầu tiên rằng, ông không hứng thú với việc kết thân với các sinh viên. Và ông không gọi học trò bằng tên, mà bằng số ghế họ ngồi. Chỗ của tôi, cũng là tên tôi, dễ nhớ: 121. Ông bảo quy định duy nhất của ông là, không ai được bỏ ra ngoài khi ông giảng, kể cả đi vệ sinh, nếu không có đơn của bác sĩ.


Nhà văn Vladimir Nabokov (1975). Photograph: Sophie Bassouls/Sygma/Corbis

Rồi ông nói các yêu cầu cho việc đọc sách tham khảo. Ông bảo học trò không cần thiết phải biết các bối cảnh lịch sử, cũng không nhất thiết phải nắm những hậu quả xã hội từ các nhân vật, vì tiểu thuyết sinh ra vốn dĩ là những phát minh thuần túy. Các tác giả, ông nói tiếp, chỉ có duy nhất một mục đích: làm say mê độc giả. Do vậy, thứ chúng tôi cần duy nhất khi đọc sách, ngoài cuốn từ điển và một trí nhớ tốt, đó là cảm giác của chính chúng tôi. Ông đảm bảo với chúng tôi rằng, những tác giả mà ông chọn để đưa vào chương trình- như Leo Tolstoy, Nikolai Gogol, Marcel Proust, James Joyce, Jane Austen, Franz Kafka, Gustave Flaubert, và Robert Louis Stevenson- chắc chắn sẽ làm chúng tôi náo nức, và chúng tôi sẽ có dịp được kiểm nghiệm bằng chính cảm giác của mình.

Và chương trình bắt đầu. Thật không may, do bị hấp dẫn bởi núi đồi, sông hồ, các cuộc hẹn hò bí mật, rồi hàng lô hàng lốc trò vui khác quanh vùng Ithaca này, tôi đã không đọc trước được chút gì về tiểu thuyết Anna Karenina trước khi Nabokov đưa ra một câu hỏi bất chợt: “Hãy mô tả ga tàu nơi Anna lần đầu tiên gặp Vronsky”.

Đương nhiên là tôi lúng túng. Làm thế quái quỷ nào mà tôi biết được cái ga tàu chết tiệt của bá tước Tolstoy? Nhưng rồi tôi dần mường tượng lại cảnh ga tàu chiếu trên phim năm 1948, trong đó có minh tinh Vivien Leigh thủ vai. Thế là tôi đã có những chi tiết như đang chạy qua trước mặt. Tôi thấy cô nàng Leigh mặc bộ đồ đen hồi hộp đi dọc ga tàu. Và để thêm phần tỷ mỷ, tôi mô tả rõ mọi thứ trên phim, từ người bán hàng rong có râu quai nón, đến chén tà được rót ra từ cái ấm sắt tây, rồi đôi chim bồ câu đậu chênh vênh trên mái vòm phòng đợi. Chỉ đến khi bài kiểm tra được chữa trước lớp, tôi mới hiểu những thứ đó không hề có trong sách. Hiển nhiên rồi, đạo diễn phim thì làm sao lại có suy nghĩ như nhà văn ở những hoàn cảnh hoàn toàn khác nhau. Kết quả là, khi Nabokov gọi đến tên tôi, “Sinh viên 121, lên phòng hội đồng sau giờ học”, tôi đoan chắc mình sẽ bị điểm kém, thậm chí trượt vỏ chuối môn “Văn học bẩn”.

Điều tôi không ngờ là theo lý thuyết của Nabokov, các tiểu thuyết gia sáng tạo nên những khung cảnh trong đầu người đọc, thì những khung cảnh ấy có thể đi quá so với những gì họ viết. Dù thế nào chăng nữa, thì bởi vì tôi hình như đã chạm đến điều khẳng định của ông, hoặc giả có thể ông cũng chưa hề xem bộ phim của Đạo diễn Duvivier, nên không những Nabokov cho tôi một điểm A chói chang, mà ông còn tặng tôi một việc làm thêm đáng giá, bởi tôi đã “xuất sắc như một trợ giảng”. Tôi được trả 10 đôla mỗi tuần. Để làm gì các bạn biết không? Để đi xem phim mới tuyệt chứ! Cứ thứ tư hàng tuần, các tác phẩm điện ảnh lại quay vòng qua 4 rạp trong thị trấn Ithaca, mà theo cách gọi của Nabokov là “Gần Gần”, “Gần Xa”, “Xa Gần”, và “Xa Xa”. Nhiệm vụ của tôi là mua vé (không hết số “lương”) đi xem phim rồi cuối tuần kể cho ông nghe. Ông bảo ông không có thời gian, nên những lời tóm tắt của tôi sẽ giúp ông quyết định có nên xem bộ phim nào xứng đáng. Việc này với tôi thì quá hợp, tự dưng lại được cho tiền đi xem phim!

Chuyện cứ thế diễn ra êm đềm được đôi tháng. Tôi được miễn đọc, và cứ sáng thứ Sáu lại đàm đạo với thầy trên tầng hai giảng đường Goldwin Smith. Thậm chí những buổi báo cáo đó cũng hiếm khi kéo dài quá 5 phút, và điều đó làm tôi bị ghen tỵ bởi các sinh viên khác trong cua “Văn học bẩn”. Bà Vera thì thường ngồi cách Nabokov một cái bàn, nên gây cho tôi cảm giác bất an. Sự nhàn rỗi của tôi bị đe dọa, khi giáo sư giảng đến tác phẩm Những linh hồn chết của Gogol.

Hôm trước, tôi đi xem phim Nữ hoàng Pích, một tác phẩm điện ảnh Anh quốc năm 1949, dựa theo truyện ngắn ra đời năm 1833 của Alexander Pushkin. Truyện nói về một sĩ quan Nga, trong lúc đánh bài, đã giết chết một nữ bá tước hòng khám phá tiểu xảo tráo bài của bà ta. Nabokov có vẻ thờ ơ khi tôi nói lại diễn biến câu chuyện, điều chắc chắn ông đã nắm rõ. Nhưng ông chợt ngẩng phắt đầu lên khi tôi kết luận: truyện khiến ta liên tưởng đến Những linh hồn chết. Bà Vera cũng quay lại và nhìn chằm chằm vào tôi. Rồi giáo sư hỏi tôi: “Vì sao cậu nghĩ như vậy?”

Ngay lập tức tôi nhận ra, mình đã đụng chạm đến một cái gì đó đang trăn trở lắm trong ông, về hai nhà văn lừng lẫy ấy. ở thời điểm đó, đáng lẽ tôi nên đứng dậy, xin phép ra về để đọc kỹ hơn các tác phẩm, thì tôi lại nói một cách lâm ly cứ như thể mình biết kỹ lắm: “Vì họ đều là những người Nga”.

Vẻ mặt Nabokov chuyển nét buồn rười rượi. Bà Vera cũng lo lắng đến bên chồng. Đặc ân xem phim, không cần đọc của tôi kéo dài thêm đôi tuần nữa, rồi không bao giờ tái lập.

ĐÀM NGỌC XUYẾN

(Theo Nybooks.com)

(Nguồn: Văn nghệ số 17-18/2013)

Exit mobile version