Dịch giả Vũ Thế Khôi (ngoài cùng bên trái) trong buổi ra mắt truyện Kiều bằng thơ tự do tiếng Nga.

Bản dịch Truyện Kiều sang tiếng Nga của dịch giả, nhà giáo Vũ Thế Khôi vừa ra mắt, với nhiều lời ngợi khen của độc giả và bạn văn, nhưng ít ai biết được ông đã dành ra rất nhiều năm để nghiên cứu, tìm hiểu và bắt tay vào chuyển ngữ tuyệt tác thơ này của Nguyễn Du, kể cả việc tìm đọc các bản Kiều được dịch sang tiếng Pháp, Anh, Trung Quốc…

Đã từng có nhiều bản dịch Truyện Kiều ra các ngôn ngữ khác, và ngay cả đối với tiếng Nga, đây là bản dịch thứ hai. Hồi đầu tháng 11-2015, nhóm dịch giả gồm các nhà nghiên cứu Nga học, Việt Nam học gồm Tiến sĩ Nguyễn Huy Hoàng làm chủ biên; dịch giả Đoàn Tử Huyến và Vũ Thế Khôi; nhà thơ Nga Vasili Popov, nhà Việt Nam học người Nga, Phó giáo sư Ngôn ngữ học Anatoli Socolov đã cho ra mắt bản Truyện Kiều dịch sang tiếng Nga, nhưng mới chỉ dừng lại ở việc chuyển ngữ và giải thích các điển cố, điển tích trong đó.

Bản dịch của dịch giả, nhà giáo Vũ Thế Khôi đặc biệt ở chỗ toàn bộ Truyện Kiều được chuyển sang thể thơ tự do tiếng Nga, cũng với đầy đủ các giải thích về điển tích, điển cố. Để có được các phần chú thích đầy đủ này, dịch giả Vũ Thế Khôi đã phải vật lộn với hàng chục cuốn sách tham khảo, các bản dịch Kiều và bỏ công tìm kiếm cả các bản Kiều cổ nhất hiện có ở Việt Nam.

Ông nói: “Tôi không phải là nhà Kiều học, mà chỉ yêu thích Truyện Kiều. Trước đây tôi cũng đọc Kiều nhiều, và đã từng nghĩ mình hiểu khá rõ về Truyện Kiều. Thế nhưng, khi bắt tay vào dịch sách mới thấy mình chẳng hiểu gì cả. Thế là lại đi tìm sách, nghiên cứu, tìm hiểu…”

Dịch giả cho biết, ông đã tìm đọc lại tất cả những sách vở về Kiều mà bạn bè đã từng tặng ông từ lâu, trong đó có sách của nhà Kiều học Thế Anh, rồi đối chiếu bản Kiều Nôm với bản Kiều bằng chữ quốc ngữ, so sánh các điển cố, điển tích. Ông kể: “Có rất nhiều câu tôi đọc đi đọc lại, đọc tất cả những cuốn sách mình có trong tay vẫn không hiểu, cuối cùng phải tìm các bản dịch bằng tiếng Pháp, tiếng Anh và tiếng Trung Quốc, xem chú giải trong đó mới “vỡ” ra được ý nghĩa thực sự của câu thơ”.

Chẳng hạn, câu thơ “Ngựa xe như nước, áo quần như nêm” – ông Vũ Thế Khôi cho biết, ở bản chữ Nôm có viết rằng “như niên”, nhưng trong quá trình tìm hiểu, ông phát hiện ra chữ đó thực ra là “nen” – tiếng Hà Tĩnh là bộ cánh óng ánh nhiều màu sắc của con cào cào. Ý nghĩa này mới hợp với ngữ cảnh của câu thơ và vần với câu sau: “Ngổn ngang gò đống kéo lên”.

Truyện Kiều bằng thơ tự do tiếng Nga.

Bản dịch đem lại nhiều tư liệu, thông tin quý giá cho dịch giả Vũ Thế Khôi chính là bản dịch Kiều bằng tiếng Pháp của bác sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Khắc Viện. Bản dịch này từng được giải thưởng của Viện Hàn lâm Pháp vè Pháp ngữ. Thế nhưng chính bản thân cụ Nguyễn Khắc Viện từng nói: “Trong hơn ba nghìn câu Kiều tôi dịch, tôi cũng chỉ bằng lòng với khoảng 40 câu”.

Còn người có công giúp dịch giả Vũ Thế Khôi nghiên cứu thấu suốt bản dịch tiếng Pháp của cụ Nguyễn Khắc Viện chính là luật sư Phạm Khắc Hòe. Ông Vũ Thế Khôi kể: “Hồi đó tôi có mở lớp dạy tiếng Anh ở nhà, cụ Phạm Khắc Hòe có đến đăng ký học, và tôi không lấy thù lao. Cụ cứ băn khoăn mãi, rồi có hôm cụ nhìn thấy trên bàn tôi có cuố Truyện Kiều bằng tiếng Pháp của cụ Nguyễn Khắc Viện, cụ bèn nói với tôi sẽ chỉ cho tôi cách đọc bản này để “trao đổi”. Đó là điều vô cùng may mắn đối với tôi”.

Dịch giả cho biết, về văn bản, hiện nay bản gốc Truyện Kiều đã thất lạc, bản cổ nhất vào năm 1866 chỉ còn một nửa, còn bản xuất bản thời vua Minh Mạng vẫn chưa được tìm thấy. Các bản được in sau này đã bị chỉnh sửa xa so với bản gốc. Nhà Kiều học Đào Thái Tôn đã tặng dịch giả Vũ Thế Khôi một bản Kiều Liễu Văn Đường xuất bản năm 1871 và một quyển Kiều khác xuất bản năm 1872, được cho là bản Kiều cổ nhất tính đến nay. Và những bản Kiều này đã giúp ông có được một bản Kiều hoàn chỉnh nhất để chuyển ngữ sang thơ tự do tiếng Nga, cố gắng chuyển tải được hết hồn cốt, nhạc tính, sự tinh tế, tính thơ của tác phẩm.

GS Phạm Vĩnh Cư nhận xét, tác phẩm Truyện Kiều bằng tiếng Nga thể loại thơ tự do không chỉ là tâm huyết, công sức của dịch giả, mà còn là một công việc hết sức mạo hiểm, không có gì bảo đảm thành công, và dịch giả Vũ Thế Khôi đã chiến thắng trong cuộc phiêu lưu mạo hiểm này.

Theo Ngọc Linh – Nhân dân

Exit mobile version